Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |    Xây dựng các bảng lương mới áp dụng từ giữa năm 2024   |   

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu tham mưu phương án điều chỉnh học phí

  

07:10 04/06/2019

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn yêu cầu các sở, ngành điều chỉnh học phí trong các cơ sở giáo dục công lập, hoàn thành trước khi bước vào năm học mới 2019 - 2020.


Chiều 3/6, dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Thường trực Tỉnh ủy họp nghe báo cáo tình hình triển khai thực hiện thông báo Kết luận số 683 - TB/TU ngày 30/7/2018 của Thường trực Tỉnh ủy về rà soát việc thu và quản lý sử dụng các khoản thu trong các trường mầm non và phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh; Thông báo số 677-TB/TU ngày 20/7/2018 của BTV Tỉnh ủy về sắp xếp các tổ chức hội quần chúng đặc thù.

Theo báo cáo, tổng ngân sách nhà nước bố trí cho sự nghiệp giáo dục toàn tỉnh năm 2019 là gần 3.444,8 tỷ đồng. Đến thời điểm giám sát (5/2019), 13/13 huyện, thành phố, thị xã đã thực hiện đúng tỷ lệ phân bố theo quy định; có địa phương đã cân đối, bổ sung nguồn ngân sách hỗ trợ chi thường xuyên cho những trường học khó khăn trên 18%. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều đơn vị để lại nguồn ngân sách lớn chưa phân bổ như: TX Kỳ Anh, Hương Khê, Kỳ Anh.

Thế nhưng, việc huy động đóng góp của nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng trong các trường học Kết luận số 683 đến nay chưa địa phương nào thực hiện được. Còn về thực hiện Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT, ngày 3/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số địa phương như TP Hà Tĩnh, TX Hồng Lĩnh, huyện Hương Khê đã kêu gọi vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân khá tốt. Theo đó, các địa phương đã vận động tài trợ gần 10 tỷ đồng; ngoài ra còn kêu gọi tài trợ bằng hiện vật như: máy tính, tủ sách, bàn ghế, tivi...

Tuy nhiên, ở những địa phương khác, do thiếu nguồn kinh phí đầu tư nâng cấp, sửa chữa thường xuyên nên cơ sở vật chất trường học xuống cấp; ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Về việc sắp xếp tổ chức hội quần chúng đặc thù, Hà Tĩnh hiện có 2.089 tổ chức hội quần chúng, với hơn 81.500 hội viên. Thị xã Kỳ Anh và các huyện Kỳ Anh, Can Lộc, Cẩm Xuyên đã sáp nhập các hội quần chúng; TX Hồng Lĩnh, Thạch Hà, Lộc Hà đang triển khai; TP Hà Tĩnh, Đức Thọ, Nghi Xuân, Hương Sơn, Hương Khê và Vũ Quang đang nghiên cứu thực hiện. Đối với Hội Người mù cấp huyện, hiện chưa tổ chức sáp nhập.

Nhìn chung, các hội sau khi sáp nhập từng bước đi vào hoạt động nền nếp, cấp ủy đảng, chính quyền có điều kiện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động các tổ chức hội hơn. Việc huy động nguồn lực xã hội hóa cho các hoạt động hiệu quả rõ nét. Tuy nhiên, công tác sáp nhập hội nhìn chung còn chậm và khó khăn; tên gọi các tổ chức sau sáp nhập mỗi địa phương một khác; kinh phí hỗ trợ hoạt động cho các hội cấp xã sau sáp nhập còn thấp...

Tại cuộc họp, các đại biểu cho rằng, về vấn đề thu chi trong trường học, ngành giáo dục cần có các hướng dẫn cụ thể; tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, rà soát và chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước trong việc phân bổ ngân sách ngành giáo dục; tỉnh cần cân đối, bố trí tăng ngân sách cho ngành giáo dục... Về sắp xếp các hội quần chúng đặc thù, cần có hướng dẫn về tên gọi các tổ chức sau sáp nhập, xây dựng điều lệ chung để các tổ chức hoạt động hiệu quả.

Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn lưu ý, sau gần 1 năm thực hiện các thông báo cho thấy, công tác triển khai còn chậm, việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện còn lúng túng, triển khai thiếu phương pháp, cách làm và có phần thiếu trách nhiệm.

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu thời gian tới, việc huy động các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng cho ngành giáo dục phải thực hiện theo Pháp lệnh 34 (năm 2017) của UBTVQH về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và Nghị định 24 (năm 1999) của Chính phủ về việc ban hành quy chế tổ chức huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng của các xã, thị trấn; khuyến khích thực hiện Thông tư 16/2018 của Bộ GD&ĐT về “Quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân”.

Đồng thời, các sở, ngành liên quan kịp thời tham mưu xây dựng đề án điều chỉnh học phí trong các cơ sở giáo dục công lập, đảm bảo hoàn thành trước khi bước vào năm học mới 2019 - 2020.

Đối với các địa phương chưa phân bổ hết ngân sách, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, trước ngày 30/6/2019 cần làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức; đồng thời phải thực hiện phân bổ các nguồn đúng theo nguyên tắc, quy định.

Trong sắp xếp các tổ chức hội quần chúng, đề nghị Sở Nội vụ trong tháng 6/2019 phải xây dựng thống nhất điều lệ tổ chức hội cấp xã; đẩy mạnh tuyên truyền để các tổ chức hội tự nguyện thực hiện sắp xếp; có phương pháp làm việc với Hội Người mù tỉnh.

“Cả hệ thống chính trị cần vào cuộc mạnh mẽ, trong quá trình thực hiện phải phát huy dân chủ để việc triển khai các nội dung đảm bảo thông suốt, hiệu quả” - Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

BBT


Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện