Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |    Xây dựng các bảng lương mới áp dụng từ giữa năm 2024   |   

Cần xác định rõ nội hàm từng cơ sở giáo dục đại học

  

09:37 06/11/2018

Thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng nay (6/11) về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh) đã tham gia nhiều ý kiến sát thực và sâu sắc.

Cần xác định rõ nội hàm từng cơ sở giáo dục đại học
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu thảo luận tại hội trường sáng 6/11/2018

Về cơ bản, đại biểu đồng ý với các quy định trong dự thảo Luật, nhất trí với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, đồng thời đánh giá cao việc tiếp thu sửa đổi nghiêm túc các ý kiến đóng góp của Ban soạn thảo. Tuy nhiên, để dự án Luật hoàn thiện và phù hợp với thực tiễn, đại biểu đề xuất một số vấn đề cụ thể.

Trước hết, về quy định cơ sở giáo dục đại học hoạt động theo hai loại: Cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu và cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng (tại Khoản 4, Điều 7 dự thảo Luật), đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần xác định rõ từng loại hình cơ sở giáo dục đại học là gì, bởi việc xác định rõ nội hàm của từng cơ sở giáo dục đại học sẽ là căn cứ để Chính phủ quy định chi tiết các tiêu chí, điều kiện, thủ tục thành lập hay tổ chức hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học và nghị định hướng dẫn.

Thứ hai, về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học (tại Điểm a, Khoản 2, Điều 11 dự thảo Luật) quy định: “Xác định phương hướng phát triển của hệ thống giáo dục đại học”, đại biểu đề nghị sửa thành: “Xác định sứ mệnh, tầm nhìn và mục tiêu phát triển của hệ thống giáo dục đại học”. Theo đại biểu, khi nói đến quy hoạch thường nói đến kế hoạch dài hạn (phù hợp với Thông tư số 12/2017/TT-BGDÐT ngày 19/5/2017, quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học, tiêu chuẩn đầu tiên khi đánh giá chất lượng giáo dục là tầm nhìn, sứ mạng), còn phương hướng phát triển thường mang nghĩa ngắn hạn hơn.

Thứ ba, đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “chủ trương phát triển trường đại học thành đại học hoặc sáp nhập với trường đại học khác” tại Khoản 2, Điều 16 dự thảo Luật và sửa thành: “Quyết định về chiến lược, kế hoạch phát triển nhà trường theo quy định của pháp luật, thông qua kế hoạch hàng năm”.

Diễn giải về vấn đề này, đại biểu cho rằng, theo khái niệm đại học, trường đại học như văn bản Luật hiện nay, ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thì Việt Nam chỉ có 3 trường đại học: Đà Nẵng, Huế và Thái Nguyên, còn lại đều gọi là trường đại học kể cả các trường đại học cấp vùng như Trường Đại học Tây Bắc, Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Đại học Tây Nguyên và Trường Đại học Cần Thơ.

Do đó, theo mô hình hiện tại, việc phát triển trường đại học sang đại học là khó đối với các trường đại học thông thường. Trong kỳ họp trước có rất nhiều ý kiến của các đại biểu băn khoăn về mô hình tổ chức của các đại học quốc gia, đại học vùng, có nên tồn tại mô hình này không và trong báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ dừng ở việc giữ ổn định hệ thống, không gây xáo trộn không cần thiết đối với các trường đại học này.

Tuy nhiên, căn cứ vào quy định này trong Dự thảo Luật, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Điều 5 và Điều 6 lại quy định về việc chuyển trường đại học thành đại học và liên kết các trường đại học thành đại học, nghĩa là mở đường cho việc thành lập ồ ạt các đại học.

Thứ tư, đại biểu cũng thể hiện sự băn khoăn về tỷ lệ cơ cấu các thành viên của hội đồng trường. Nếu quy định như dự thảo Luật, giả sử hội đồng trường có 15 thành viên, thành viên đương nhiên là bí thư cấp ủy, hiệu trưởng, chủ tịch công đoàn, đại diện ban chấp hành đoàn thanh niên, thêm ít nhất 1 phó hiệu trưởng là 5 thành viên bắt buộc; thành viên ngoài trường tối thiểu 30% của 15 là 5 người; đại diện giảng viên 25% của 15 là 4 người, như vậy tổng các thành viên trên là 14 người, chỉ còn 1 chỗ cho thành phần là đại diện chuyên viên và người lao động.

Theo đại biểu, điều này là chưa hợp lý, bởi chuyên viên và người lao động chủ yếu làm việc trong các đơn vị chức năng như: Phòng đào tạo, phòng quản lý khoa học và công nghệ, phòng đối ngoại (hợp tác quốc tế), phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng, phòng tổ chức cán bộ,… những phòng quan trọng trên chỉ có 1 vị trí trong hội đồng trường. Do đó, đại biểu đề xuất dự thảo nên quy định: “thành viên ngoài trường chiếm tỷ lệ từ 20-30%” để từ đó có thể linh hoạt lựa chọn được các thành viên hội đồng trường một cách hợp lý và phù hợp với thực tiễn của trường.

Thứ năm, đại biểu cho rằng về văn bằng giáo dục đại học, Điều 38 dự thảo Luật đang quy định rất chung chung về “Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của một trình độ đào tạo theo quy định hoàn thành các nghĩa vụ, trách nhiệm của người học thì được hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học cấp bằng ở trình độ đào tạo tương ứng”. Điều này tiếp tục được quy định tại Điều 15 trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Cũng theo đại biểu, quy định này chưa phân biệt rõ hình thức đào tạo chính quy hay vừa làm vừa học, đào tạo từ xa. Vì vậy, đại biểu đề nghị trong Dự thảo Luật cần quy định rõ và cụ thể văn bằng Giáo dục đại học theo trình độ đào tạo và hình thức đào tạo tương ứng (như Luật Giáo dục đại học 2012) nhằm đảm bảo công bằng cho các đối tượng học.

Thứ sáu, đại biểu khẳng định Khoản 8, Điều 12 dự thảo Luật quy định về Chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của ngành đối với hệ thống giáo dục đại học nước nhà. Tuy nhiên, thực tế cho thấy để những quy định trên đi vào cuộc sống rất khó. Ví dụ, tại Khoản 6, Điều 12 quy định: “Thu hút, sử dụng và đãi ngộ thích hợp để nâng cao chất lượng giảng viên, chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sỹ, giáo sư đầu ngành trong các cơ sở giáo dục đại học”. Vấn đề là ai sẽ là người chịu trách nhiệm đầu tư nguồn lực để thực hiện chính sách này.

Cuối cùng, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “bộ môn” vào Điểm d, Khoản 1, Điều 14, quy định cơ cấu tổ chức của trường đại học gồm: “Khoa, bộ môn, phòng chức năng; thư viện, tổ chức khoa học và công nghệ và các tổ chức phục vụ đào tạo khác” vì trong các trường đại học hiện nay vẫn đang tồn tại các bộ môn tương đương khoa (ví dụ như bộ môn giáo dục thể chất, bộ môn ngoại ngữ,…).

Trên cở sở những ý kiến tham luận trên, đại biểu hi vọng ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, xem xét sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện và nâng cao tính thiết thực của dự án Luật.

Theo Baohatinh.vn



Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện