Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |    Xây dựng các bảng lương mới áp dụng từ giữa năm 2024   |   

Mãi mãi rạng danh cùng sông núi

  

00:23 27/10/2018

Trở lại làng Uy Viễn (nay là xã Xuân Giang, Nghi Xuân) - quê hương của Tướng công Nguyễn Công Trứ, tôi lại càng bồi hồi nhớ ông, một nhân vật kiệt xuất của lịch sử Việt Nam được nhân dân tôn thờ. Ông, dẫu đã thành người thiên cổ từ 160 năm trước nhưng vẫn được nhớ đến với tài thơ văn, quân sự, thủy lợi, với lòng thương dân, yêu nước và lối sống thẳng ngay, khảng khái.

Dấu xưa vườn cũ một thời

Người ta vẫn thường nhắc nhiều đến thân thế, sự nghiệp của Nguyễn Công Trứ chứ ít ai nói tới khu vườn ông ở khi ông về hưu. Ông Nguyễn Công Tuấn - hậu duệ đời thứ 5 của Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ kể lại rằng: “Lúc cụ Trứ giã từ mũ áo để trở về vui thú điền viên tuổi già (năm 1848), ông trở lại làng Uy Viễn. Triều đình nhà Nguyễn và nhân dân huyện Tiền Hải (Thái Bình), huyện Kim Sơn (Ninh Bình) thời ấy ghi nhận công lao vĩ đại của một người “kinh bang tế thế”, đã góp tiền tậu cho ông dăm mẫu ruộng và xây một ngôi nhà bằng gỗ tốt kiên cố”.

Mãi mãi rạng danh cùng sông núi
Đền thờ Nguyễn Công Trứ ở Nghi Xuân (Ảnh: Đậu Hà)

Nhà cũ sau hàng trăm năm giờ đã không còn nhưng giếng nước sinh hoạt của gia đình Tướng công vẫn còn. Giếng nước sâu khoảng 4m, đáy giếng được làm theo hình vuông, dưới lát bằng gỗ. Mạch nước dồi dào, dù mùa hạ hay mùa đông cũng không bao giờ cạn. Thành giếng được cấu trúc hình tròn với các chất liệu kết dính vôi, mật, sỏi, hàu… Cụ Nguyễn là người thương dân và thích gần dân nên khi xây giếng xong, cụ mở thêm đường qua ngõ để bà con làng Uy Viễn tiện vào ra gánh nước.

Bà Ngô Thị Thanh Bình - hiện đang ở trên vườn cũ của cụ Nguyễn Công Trứ chia sẻ: “Hễ lúc nào giếng nước đục như nước vo gạo là trong làng có điềm rủi và có người “đi”. Điều tâm linh khó ai cắt nghĩa nổi, nhưng lòng thành kính với Tướng công đã trở thành ý thức tự giác của dân làng từ xa xưa cho tới bây giờ. Giếng được gia đình bà Bình gia cố thêm một ít xi măng phần trên, hiện trạng vẫn nguyên như cũ. Đầu tháng và ngày rằm, nhiều người vẫn tới đây hương khói”.

Trong khu vườn còn có một hồ nước rộng và sâu với nhiều loại cá tự nhiên sinh sản. Hồ này đã trở thành niềm đam mê của cụ Nguyễn Công Trứ với bạn bè đồng môn. Những chiều hạ nóng nực, họ cùng nhau bơi lội và câu cá, những đêm trăng thanh cùng nhau ngồi thưởng thức trà ngon, rượu ngon và ngâm thơ, vịnh nguyệt. Thành hồ được ghép bằng đá hoa xanh nhưng bây giờ đã được khỏa lấp. Hơn một thế kỷ đi qua, tuy nhà cũ không còn nhưng Tướng công hẳn vui lòng, mát dạ vì vườn xưa của Tướng công, những cư dân chung sống ở khu vực này rất đỗi yêu thương và đoàn kết. Khu vườn rộn tiếng chim ca, sum suê cây trái và nở đầy những giàn hoa tím.

“Phải có danh gì với núi sông”

Sinh thời, Nguyễn Công Trứ từng tâm niệm: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”? Bởi thế, cả cuộc đời ông là chuỗi những ngày dồn hết tâm trí để giúp dân, cứu đời. Ông không chỉ nổi danh là một người có tài “kinh bang tế thế” mà còn là một nhà thơ kiệt xuất trong nền văn học trung đại, một vị quan hết lòng yêu thương dân chúng. Ngay cả trong những cuộc vui chơi đàn hát tưởng chừng như chỉ để mua vui, ông cũng để lại những giá trị độc đáo cho nền văn hóa quê hương. Đó chính là niềm đam mê ca trù và những bài hát nói độc đáo còn lưu truyền tận ngày nay.

Mãi mãi rạng danh cùng sông núi
Non nước Nghi Xuân. Ảnh:Nguyễn Thanh Hải

Tại Nghi Xuân, ngay trong đền thờ của Tướng công, người ta cũng cho xây bên cạnh một nhà hát ca trù. Tôi nhớ, cách đây chừng 10 năm, Chủ tịch UBND huyện lúc đó là ông Bùi Tùng Phong đã có một suy nghĩ khá độc đáo: “Muốn gây ấn tượng cho du khách phải làm sống lại Nguyễn Du bằng lẩy Kiều, Nguyễn Công Trứ bằng ca trù”. Từ suy nghĩ đó, ca trù Nghi Xuân đã bắt đầu được thức dậy ở chính nơi nó được khai sinh - làng Cổ Đạm. Đây cũng chính là ngôi làng mà Tướng công Uy Viễn thời trẻ đã thả hồn mình theo “nhịp phách” và mơ màng với má đào, mày liễu các ca nương.

Dẫu bóng người cùng gánh hát đã khuất nẻo xa xăm trong thăm thẳm thời gian, nhưng chắc hẳn nơi đó, Nguyễn Công Trứ sẽ mỉm cười khi biết được ca trù đã sống lại mạnh mẽ như thế nào ở đất Nghi Xuân. Từ học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức đến nông dân đều mê ca trù và quyết tâm học hát để khôi phục bản sắc văn hóa của quê hương. Thời điểm đó, Nghi Xuân đã thành lập CLB Ca trù Cổ Đạm, sau đó, do số lượng thành viên đông nên huyện quyết định thành lập thêm CLB Ca trù Nguyễn Công Trứ với 10 thành viên hoạt động thường xuyên. Từ đây, Nghi Xuân đã có thêm những đào nương vang danh như Thùy Vân, Dương Thị Nết, Hồng Xanh, Phương Anh, Thu Hà…

Chị Trần Thị Cảnh - Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện cho biết: “Tuy hiện tại có người còn theo đuổi ca trù, có người đã phải từ bỏ chiếu hát nhưng các điệu hát ca trù vẫn mãi mãi còn ngân rung trong tâm tư họ. Giờ đây, chúng tôi vẫn luôn chú trọng phát triển phong trào học hát ca trù trong thế hệ trẻ và thường xuyên bồi dưỡng, kết nạp họ vào sinh hoạt ở các CLB. Tới đây, Hà Tĩnh sẽ đăng cai tổ chức Liên hoan ca trù toàn quốc, với chúng tôi, đó cũng là cơ hội để tiếp tục gìn giữ giá trị của di sản này”.

Hậu thế trên quê hương Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ đã noi gương cụ, không chỉ riêng việc bảo tồn và phát triển giá trị của di sản ca trù mà còn trong xây dựng quê hương. Đặc biệt, hiện nay, toàn thể cán bộ và nhân dân Nghi Xuân đang chung sức, chung lòng quyết tâm xây dựng huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh. Đó cũng được coi là nén tâm nhang thành kính mà hậu thế dâng lên cụ nhân kỷ niệm 160 năm ngày mất của cụ.

Nghi Xuân, tháng 10/2018



Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện