Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |    Xây dựng các bảng lương mới áp dụng từ giữa năm 2024   |   

Kiến tạo mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững

  

07:06 02/03/2022

Việc Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 nhằm kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững, hình thành các vùng kinh tế động lực, trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại...


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng nay (2/3), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và tham vấn về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021 - 2030.

Bí Thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Hồng Lĩnh, Đặng Ngọc Sơn, Lê Ngọc Châu và lãnh đạo một số sở, ngành cùng tham dự.


Bí Thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Thúc đẩy liên kết giữa các vùng, địa phương

Báo cáo tiến độ quy hoạch và tham vấn về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy hoạch tổng thể quốc gia lần đầu tiên được triển khai lập ở nước ta theo quy định tại Luật Quy hoạch, là cơ sở để lập các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia trên địa bàn cả nước.

“Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 được thống nhất với quan điểm: Phát triển quốc gia như một thể thống nhất, khắc phục tình trạng phát triển chia cắt theo địa giới hành chính, thúc đẩy liên kết giữa các vùng, địa phương để mở rộng không gian phát triển, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu của quốc gia” - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định.


Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng báo cáo tiến độ quy hoạch và tham vấn về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021 - 2030.. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại hội nghị, đại diện Bộ KH&ĐT cũng trình bày một số định hướng tổ chức không gian phát triển đất nước trong Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, tập trung hình thành và phát triển 2 hành lang kinh tế Bắc - Nam và các hành lang kinh tế Đông - Tây. Trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, lựa chọn một số địa bàn có vị trí thuận lợi nhất, có sân bay quốc tế và cảng biển cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển, có tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao để hình thành các vùng động lực chính của quốc gia.

Quy hoạch cũng nêu rõ định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành, lĩnh vực; định hướng tổ chức không gian theo vùng, lãnh thổ. Đối với các ngành sản xuất, kinh doanh, ưu tiên thu hút đầu tư, nhất là các dự án quy mô lớn, công nghệ cao vào các vùng động lực, bố trí không gian công nghiệp theo hướng gắn với các hành lang kinh tế ưu tiên.


Không gian đô thị Hà Tĩnh không ngừng được đầu tư, mở rộng. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải

Đối với các lĩnh vực xã hội, ưu tiên đầu tư các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp tại các thành phố lớn, các vùng động lực để hình thành các cơ sở đào tạo đại học, giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.

Về tiến độ triển khai lập quy hoạch, đến nay, Bộ KH&ĐT đã hoàn thành một số nội dung quan trọng và đã gửi xin ý kiến lần 2 đến các Bộ, ngành và địa phương; đồng thời tổ chức nhiều buổi hội thảo xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện; phấn đấu trình Chính phủ xem xét, thông qua trong tháng 7/2022, trình Quốc hội khóa XV xem xét, phê duyệt tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Hà Tĩnh đang tiến hành các bước hoàn thiện Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tỉnh xác định mục tiêu tổng quát là: Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; phát triển bền vững về kinh tế, công bằng về xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Phấn đấu đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người cao hơn bình quân các tỉnh Bắc Trung bộ, đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.

Dự thảo quy hoạch cũng xác định 4 ngành kinh tế trọng điểm, 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế, 1 trung tâm động lực tăng trưởng, 4 nền tảng.

Tại phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra ngày 23/3/2021, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã đánh giá cao Hà Tĩnh là một trong những địa phương đi đầu trong việc thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch phát triển KT-XH (Quy hoạch Monitơ năm 2015). Đến nay, việc phát triển ngành nghề, lĩnh vực và hạ tầng kết nối giữa các vùng miền, liên kết vùng đã và đang được tỉnh triển khai thực hiện nhằm cụ thế hóa quy hoạch.

Quy hoạch phải có tầm nhìn chiến lược, đột phá

Tại hội nghị, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương đồng tình, thống nhất cao với quan điểm, mục tiêu Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021 - 2030; đồng thời nêu lên một số nét đặc thù, khó khăn của các vùng miền, địa phương.


Đại biểu tại các điểm cầu trong cả nước.

Đại biểu cho rằng, việc tổ chức lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là nhiệm vụ mới, phức tạp và lần đầu tiên được triển khai đồng thời ở tất cả các cấp, các ngành, đặc biệt là quy hoạch cấp dưới được lập khi quy hoạch cấp trên chưa được ban hành, dẫn đến nội dung quy hoạch cấp dưới khó cụ thể hóa đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, định hướng, phương án phát triển và giải pháp của quy hoạch cấp trên.


Đại biểu TP Hồ Chí Minh trình bày ý kiến tại hội nghị.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 nhằm kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững, hình thành được các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn; tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy thực hiện mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2050, trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, mấu chốt của quy hoạch là tiến độ, chất lượng. Quy hoạch phải chỉ ra được tiềm năng, lợi thế và những khó khăn, bất lợi để đề ra các giải pháp phát triển, khai thác phù hợp, tạo sự triển nhanh bền vững cho quốc gia, địa phương.

“Quy hoạch phải có tầm nhìn chiến lược, đột phá; vừa có tính chất lâu dài vừa bám sát thực tiễn, ổn định; phát huy cao độ tính độc lập, tự cường của mỗi địa phương, quốc gia. Lấy nội lực là cơ bản, ngoại lực là đòn bẩy” - Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động, tập trung, ưu tiên nguồn lực và phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cơ quan liên quan để sớm hoàn thiện quy hoạch, trình thẩm định và phê duyệt đảm bảo đúng tiến độ, lộ trình; khẩn trương cung cấp thông tin và cơ sở dữ liệu về hồ sơ quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc quyết định thuộc phạm vi quản lý, gửi Bộ KH&ĐT để đưa vào Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.

 Theo BHT 


Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện