Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |    Xây dựng các bảng lương mới áp dụng từ giữa năm 2024   |   

Dương tính chưa hẳn mắc bệnh, âm tính chưa chắc đã khỏi và cách vượt qua "tái nhiễm" COVID-19

  

10:04 17/03/2022

Khỏi bệnh không có nghĩa là sẽ có "siêu kháng thể" hay miễn nhiễm với COVID-19, cách để vượt qua việc tái nhiễm COVID-19 là gì?


Những ai dễ tái nhiễm và có thể bị nặng hơn nếu nhiễm COVID-19 trở lại?

Tính đến sáng 17/3, theo số liệu của Bộ Y tế, trong đợt dịch lần thứ tư này, cả nước ta có hơn 6 triệu người được phát hiện nhiễm COVID-19, hơn một nửa trong số đó đã được công nhận khỏi bệnh. Tuy nhiên, khỏi bệnh không có nghĩa là bạn sẽ có "siêu kháng thể" hay miễn nhiễm với COVID-19. Bạn có thể tiếp tục dương tính lần thứ 2, thậm chí lần thứ 3, chỉ trong vài tháng. Hiện nay, ghi nhận từ nhiều địa phương trong đó có TP Hồ Chí Minh, số ca "tái nhiễm" COVID-19 đang tăng cực kỳ nhanh. Có những bệnh viện, khu trọ, trường học, số ca tái nhiễm chiếm từ 20 - 50% trên tổng số ca nhiễm; tiêu tốn rất nhiều nguồn lực của ngành y tế và cả xã hội.

Số ca tái nhiễm COVID-19 tăng cao

Tại một khu nhà trọ ở TP Hồ Chí Minh, các bạn sinh viên ở đây cho biết vừa nhận được thông báo học online tại nhà vì lớp có quá nhiều bạn xin nghỉ do nhiễm và tái nhiễm COVID-19.

"Lớp em có 90 người thì khoảng 40 bạn bị F0, trong đó có khoảng chục người tái nhiễm, nên em thấy việc tái nhiễm này khá phổ biến", bạn Ngô Anh Tuấn - sinh viên tại TP Hồ Chí Minh cho biết. Bản thân Tuấn cũng bị tái nhiễm nhưng triệu chứng nhẹ và đã âm tính sau 5 ngày.

Nay nhiều người dân ở TP Hồ Chí Minh đã chủ động và bình tĩnh hơn trong phòng chống dịch. Khu trọ ở phường Tân Hưng, Quận 7, TP Hồ Chí Minh ngăn riêng cả phòng vệ sinh, nơi phơi quần áo, chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm để sẵn sàng "sống chung với F0".

Chị Phạm Thị Thu Nga - chủ nhà trọ cho biết: "Ở đây bọn em lúc nào cũng sẵn sàng chuẩn bị cho các bạn như là bọn em không cho thuê hết mà để lại 1 phòng làm phòng cách ly nếu lỡ có ai nhiễm, tránh lây lan cho các bạn ở chung".

Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Lê Văn Thịnh ở TP Thủ Đức có 25 giường thì 24 giường đang điều trị COVID-19. Một nửa trong số đó là các ca bị tái nhiễm.

Bác sĩ Võ Thanh Hùng - Trưởng khoa Truyền nhiễm - BV Lê Văn Thịnh - TP Hồ Chí Minh cho hay: "Khi tái nhiễm, họ cũng tiêm mũi tăng cường hoặc là có kháng thể lúc bị lần 1 nên triệu chứng không rầm rộ như lần trước, chỉ có sốt nhẹ, đau đầu hoặc cảm, sổ mũi giống cúm mùa, chứ không có khó thở hay suy hô hấp".

Cũng theo các y bác sĩ, đã có tái nhiễm lần 2 thì rất có thể cũng có tái nhiễm lần 3, lần 4, điều này phụ thuộc rất nhiều vào việc có hay không những biến thể mới sau Delta và Omicron, cũng như các biện pháp chủ động phòng tránh của người dân.

Vượt qua "tái nhiễm COVID-19"

Theo công bố mới nhất của Bộ Y tế, cho đến nay, tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm trên cả nước đã vượt con số 200 triệu liều. Hiện chúng ta trở thành 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới. Tất cả địa phương đều đã tiêm cho 100% người trên 18 tuổi. Nhiều địa phương đã tiêm mũi 3 - mũi tăng cường, mũi nhắc lại. Những nỗ lực đó là đáng giá. Và nhờ thế, khi đối diện với làn sóng "tái nhiễm" hiện nay, tâm thế của cả xã hội đã khác hơn rất nhiều.

Ngày 6/3 vừa qua, Bộ Y tế đã xin ý kiến của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, cho phép trường hợp F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly mà tự nguyện quay lại làm việc thì có thể làm việc trực tuyến hoặc chăm sóc người bệnh COVID-19. Còn F1 được phép tham gia các công việc cả trực tuyến lẫn trực tiếp. Căn cứ đề xuất này và Chỉ thị số 128 của Chính phủ, mới nhất thì có tỉnh Long An là địa phương đầu tiên vừa ban hành quy định tạm thời cho các trường hợp F0, F1 không triệu chứng - được đi làm. Tất nhiên là phải đảm bảo các yêu cầu phòng dịch. Đây được coi là những bước đi cởi mở, đúng với tinh thần "thích ứng, linh hoạt", tháo gỡ nhu cầu cấp bách đang thiếu lao động của các cơ sở sản xuất; nhu cầu được làm việc để có thu nhập của người lao động. Với mong muốn chung là "sớm vượt qua đại dịch để phục hồi về mọi mặt".

Kể từ làn sóng dịch thứ 4 từ cuối tháng 4 năm ngoái cho đến nay, bối cảnh phòng chống dịch COVID-19 trên cả nước đã có rất nhiều thay đổi như tỷ lệ tiêm vaccine, các biến thể mới, thói quen và tâm lý bình tĩnh hơn trước dịch bệnh của người dân. Trong số đó có cả những khái niệm mới mà nếu hiểu một cách rõ ràng và khoa học sẽ giúp chúng ta phòng chống dịch hiệu quả hơn.

Những khái niệm mới trong phòng chồng COVID-19

Tại các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh, khái niệm "F0 điều trị F0" đã trở nên phổ biến. Nhiều y bác sĩ, nhân viên y tế bị tái nhiễm COVID-19 nhưng không có triệu chứng, hiện vẫn cứ làm việc bình thường.

Theo các y bác sĩ, khái niệm dương tính và âm tính với COVID-19 hiện nay đều đã thay đổi: Dương tính không đồng nghĩa với bị bệnh! Nếu không có triệu chứng nghĩa là bạn là người khỏe mạnh mang trong mình virus SARS-CoV-2.

Theo TS BS Phan Minh Hoàng - Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng và bệnh nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh: "Chúng ta có thể so sánh với những người lành mang virus siêu vi B hoặc siêu vi C. Chỉ có điều là những người lành mang virus SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm cho người khác qua giọt bắn, qua tiếp xúc, nên y tế khuyến cáo là cần cách ly, cần tránh tiếp xúc với cộng đồng, sau 3 đến 5 ngày, tải lượng virus thấp thì có thể quay lại làm việc sinh hoạt".

Ngược lại, cũng theo các bác sĩ, âm tính không đồng nghĩa với khỏi bệnh, bạn có thể bị các di chứng hậu COVID-19, cần phải khám tầm soát.

Một khái niệm mới khác, đấy là việc nhiễm virus SARS-CoV-2 - có thể "cộng dồn hàm lượng virus qua quá trình tiếp xúc", nên rất cần người dân lưu ý để phòng tránh.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Duy Tài - Phó Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh - TP Hồ Chí Minh cho biết: "Nếu chúng ta tiếp xúc một số lượng đông người trong một thời gian ngắn thì không có nghĩa là chúng ta chỉ lây nhiễm từ 1 người mà có thể lây nhiễm từ rất nhiều người, lúc đó tải lượng virus rất cao, động lực virus mạnh thì chúng ta sẽ bị nặng".

Tải lượng virus cao cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ dễ dàng lây nhiễm cho người khác nếu tiếp xúc gần.

Với những kiến thức mới mà các bác sĩ lưu ý, có thể thấy làn sóng tái nhiễm COVID-19 lúc này không quá đáng ngại về mặt triệu chứng. Nhưng với việc lây lan cực nhanh, rất cần người dân hiểu rõ một cách khoa học để có các biện pháp phòng chống hiệu quả mà vẫn đảm bảo phục hồi sản xuất, thích ứng trong tình hình mới.

Theo vtv.vn


Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện