Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |    Xây dựng các bảng lương mới áp dụng từ giữa năm 2024   |   

Phát hiện sớm, khoanh vùng nhanh, không để bệnh đạo ôn trên lúa bùng phát ở Hà Tĩnh!

  

01:20 18/03/2022

Dù các địa phương đã chủ động phòng trừ, nhưng tính đến hết ngày 17/3, tổng số diện tích lúa xuân ở Hà Tĩnh bị nhiễm bệnh đạo ôn lá đã lên 125 ha, tăng 100 ha chỉ trong 1 tuần.

Tranh thủ thời tiết tốt trong ngày, nông dân Thạch Hà tiến hành phun phòng trừ bệnh đạo ôn lá.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, thời điểm này, lúa xuân đang ở giai đoạn cuối đẻ nhánh, đứng cái. Từ đầu tuần (10/3) đến nay, thời tiết ở chính tiết Kinh trập, luôn âm u, ẩm độ không khí cao, ánh sáng yếu đã khiến cho các bào tử nấm gây bệnh đạo ôn lá phát sinh, lan rộng trên nhiều diện tích lúa xuân và xảy ra ở khá nhiều địa bàn.

Qua điều tra, tỷ lệ gây hại của bệnh đạo ôn trên đồng ruộng ở mức từ 5 - 7%, nơi cao 20% với tổng diện tích bị nhiễm là 125 ha (trong đó có 13 ha bị nhiễm nặng), tập trung ở một số địa phương như: Cẩm Xuyên (gần 49 ha); Can Lộc (20 ha ); Hương Sơn (20 ha); Đức Thọ (gần 10 ha); Nghi Xuân (gần 10 ha)... Các giống nhiễm chủ yếu là: P6, ADI 168, Thái Xuyên 111, XT28, Xi23, VNR20, Nếp 97…

Ông Nguyễn Tống Phong - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh cho biết: “Bệnh đạo ôn hại lúa đang ở giai đoạn xung yếu nhất. Suốt từ đầu tháng 3 đến nay, thời tiết âm u, thiếu ánh sáng, nhiệt độ trong ngày ở mức trung bình (khoảng 20 - 260C), trong khi cây lúa đang phát triển mạnh về thân lá, hàm lượng đạm trong cây cao kết hợp với nguồn bệnh sẵn có trên đồng ruộng là nguyên nhân khiến bệnh đạo ôn lá phát sinh mạnh và tăng nhanh diện tích nhiễm. Điều đáng nói, những ngày qua thường xuất hiện mưa rào rải rác khiến công tác phòng trừ ở các địa phương gặp khó khăn hơn”.


Thời tiết có mưa về đêm và sáng sớm đã gây không ít khó khăn cho công tác phòng trừ bệnh đạo ôn của bà con nông dân.

Bà Phan Thị Vân ở thôn Vĩnh Phú, xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) làm hơn 1 mẫu lúa xuân. Từ khoảng 1 tuần trước, khi phát hiện vết bệnh đạo ôn trên một số khoảnh ruộng, bà đã tức tốc xuống đồng phun phòng trừ, dù vậy, đến nay, bệnh vẫn đang có chiều hướng lan rộng.

Bà Vân cho hay: “Tuy chủ động phòng trừ sớm nhưng do mấy hôm nay, ngày nào cũng có mưa về đêm và sáng sớm, làm cho cây bị ẩm ướt, bệnh lây lan nhanh hơn. Thời tiết này cũng khiến hiệu lực phòng trừ của thuốc giảm sút, thay vì phun vào buổi sáng, chúng tôi phải chờ buổi chiều nhằm tranh thủ những giờ nắng ít ỏi để làm khô đầu lá, giúp khả năng hấp thu thuốc vào cây tốt hơn”.


Nhiều diện tích lúa ở Hương Sơn có biểu hiện lụi, sinh trưởng kém do bệnh đạo ôn.

Tại xã Mai Phụ (Lộc Hà), bệnh đạo ôn cũng xuất hiện khá sớm, cách đây khoảng 10 ngày, bà con nông dân đã phải xuống đồng phun thuốc phòng trừ. Tuy không phát sinh ồ ạt với diện tích lớn như trước đây, song bệnh vẫn gây hại trên nhiều loại giống.

Ông Phạm Quang Hợp - Phó Chủ tịch UBND xã Mai Phụ cho biết: “Địa bàn thường xuyên phải đối mặt với bệnh đạo ôn trên lúa trong sản xuất vụ xuân. Những năm gần đây, cùng với việc chuyển đổi cơ cấu giống, xã chỉ đạo sát sao việc chủ động phòng trừ. Đến nay, toàn xã có khoảng 500 m2 bị nhiễm bệnh. Toàn bộ diện tích bà con phun phòng trừ 2 lần và kiểm soát khá tốt dịch bệnh. Trong những ngày tới, chúng tôi chỉ đạo các thôn tiếp tục bám sát đồng ruộng để phát hiện và khoanh vùng xử lý sớm các vùng phát sinh mới”.

Hiện các địa phương trong tỉnh đã đồng loạt tổ chức phòng trừ bệnh đạo ôn với hơn 1.158 ha lúa đã được xử lý thuốc BVTV. Dù vậy, so với thời điểm cách đây 1 tuần lễ, diện tích bị nhiễm bệnh đạo ôn lá vẫn tăng thêm 100 ha. Điều đó cho thấy, nguồn bệnh trên đồng ruộng đang khá lớn, trở thành “mồi lửa” để bệnh phát sinh, phát tán và bùng phát nhanh trên diện rộng.


Ngành chuyên môn khuyến cáo bà con nông dân cần theo dõi sát sao tình hình phát sinh của dịch bệnh và ngừng bón đạm ở những ruộng có dấu hiệu nhiễm bệnh.

“Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, từ ngày 23/3 đến đầu tháng 4, Hà Tĩnh tiếp tục chịu ảnh hưởng của không khí lạnh gây mưa, ẩm độ không khí cao. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh, xâm nhiễm và gây hại. Đặc biệt, bệnh có thể gây cháy lụi cục bộ trên các giống nhiễm như: P6, ADI 168, Thái Xuyên 111, XT28, Xi23, VNR20, Thiên Ưu 8… Để hạn chế thấp nhất thiệt hại, bà con nông dân cần tuân thủ các hướng dẫn của ngành chuyên môn, tranh thủ thời tiết, gấp rút ra đồng phun phòng trừ bệnh đạo ôn, tốt nhất cần hoàn thành trước ngày 23/3” - ông Nguyễn Tống Phong, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết thêm.

Ngày 16/3, UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 03/CĐ-UBND về việc phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa vụ xuân 2022. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở NN&PTNT cũng ban hành hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật nhằm các địa phương thực hiện phòng trừ hiệu quả nhất.

Theo đó, tập trung tăng cường tuyên truyền, động viên bà con thăm đồng để chủ động phát hiện sớm và triển khai phun trừ kịp thời khi bệnh chớm xuất hiện; khuyến cáo sử dụng một trong số các loại thuốc đặc hiệu như: Beam 75WP, Kasoto 200SC, Fukasu 42WP, Filia 525 SE, Angate 75WP, Flash 75WP, Kabim 30WP, Grandgold 510WP, NewTec 300SC, Tricom 75WP...; duy trì đủ nước trong ruộng; ngừng bón đạm, không phun các loại phân bón qua lá có chứa đạm đối với diện tích đã nhiễm hoặc nguy cơ nhiễm.

Đối với những diện tích nhiễm nặng, cần tiến hành ngắt bỏ những lá bị bệnh không còn khả năng phục hồi đem tiêu hủy để hạn chế nguồn bệnh trước khi xử lý thuốc hóa học.

Theo baohatinh.vn


Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện