Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |    Xây dựng các bảng lương mới áp dụng từ giữa năm 2024   |   

Nguồn lực “soi đường” trong giai đoạn mới

  

00:26 19/05/2022

Hà Tĩnh đang ở giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi phải nhận thức sâu sắc về vai trò của văn hóa trên bình diện là động lực và sức mạnh nội sinh để tiếp tục có sự quan tâm, đầu tư xứng tầm. Qua đó, khơi dậy nguồn lực, thắp sáng ngọn lửa khát vọng, ý chí tự lực, tự cường trong mỗi người dân trên hành trình hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh khá của cả nước. Báo Hà Tĩnh ghi lại các ý kiến tâm huyết với những định hướng, gợi mở giải pháp để phát huy hơn nữa giá trị văn hóa, con người Hà Tĩnh.




Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021) đều đã khẳng định sức mạnh văn hóa, con người là nguồn lực nội sinh to lớn để thực hiện khát vọng xây dựng và phát triển quê hương, đất nước trong giai đoạn phát triển mới.

Bằng ý chí tự lực, tự cường, phát huy truyền thống văn hóa, cách mạng của quê hương, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh đã vượt qua những thử thách cam go của thiên tai, dịch bệnh, đạt được nhiều kết quả quan trọng trong những năm đầu của nhiệm kỳ 2020-2025.

Năm 2022, cán bộ, đảng viên và Nhân dân toàn tỉnh đẩy mạnh thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; đồng thời tập trung triển khai chủ đề: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy ý chí tự lực, tự cường, khơi dậy khát vọng và truyền thống văn hóa, con người Hà Tĩnh, phục hồi và phát triển KT-XH". Theo đó, tiếp tục khẳng định khơi dậy khát vọng và truyền thống văn hóa, con người Hà Tĩnh là trách nhiệm của toàn Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà. Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân phải thể hiện rõ ý chí, khát vọng của mình bằng những việc làm và hành động cụ thể trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống; xây dựng gia đình, cơ quan, đơn vị, địa phương vững mạnh; thực hiện thắng lợi mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đồng thời lan tỏa tinh thần đó trong cộng đồng. Phát huy trách nhiệm nêu gương, vai trò tiên phong của cán bộ, đảng viên trong công việc, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật và năng lực hoàn thành nhiệm vụ, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng.

Để văn hóa, con người Hà Tĩnh trở thành nguồn nội lực cho sự phát triển, cần tuyên truyền sâu rộng truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng của quê hương Hà Tĩnh và dân tộc Việt Nam; giáo dục tư tưởng chính trị, lòng yêu nước; khơi dậy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết, niềm tự hào và ý chí tự lực, tự cường của đất nước, quê hương; thường xuyên tổ chức các phong trào thi đua yêu nước nhằm khơi dậy khát vọng đổi mới, sáng tạo và huy động tinh thần tự lực, tự cường trong Nhân dân. Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng; xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với Nhân dân. Nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng; hiệu quả quản lý của Nhà nước; sự tham gia tích cực của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong sự nghiệp phát triển văn hóa.



Nhân lên sức mạnh mềm văn hóa”, khơi dậy khát vọng con người Hà Tĩnh (Bài 5): Nguồn lực “soi đường” trong giai đoạn mới

Hà Tĩnh có một hệ thống di sản văn hóa phong phú về loại hình, giàu có về số lượng, lại được phân bố hầu khắp các địa phương. Dù là một tỉnh có diện tích và dân số ở quy mô trung bình, nhưng về di tích lịch sử - văn hóa có thể nói Hà Tĩnh thuộc tốp các tỉnh dẫn đầu trong cả nước. Việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa thời gian qua ở Hà Tĩnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để thực hiện tốt hơn công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa trong giai đoạn mới, Hà Tĩnh cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Xây dựng và ban hành đề án bảo tồn và phát huy các giá trị di sản một cách có khoa học, trong đó phân kỳ giai đoạn, phân loại chính xác. Đặc biệt là phải bố trí ngân sách đảm bảo để thực hiện được cho cả đào tạo con người, tu bổ, tôn tạo di tích cũng như kinh phí truyền dạy, bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể.

Tăng cường nguồn lực con người cho hệ thống quản lý Nhà nước về văn hóa từ cấp tỉnh đến cơ sở. Đặc biệt, ở tuyến xã phải lựa chọn những người có hiểu biết nhất định về di sản văn hóa, vì cán bộ văn hóa cấp cơ sở rất quan trọng, khi di sản trên địa bàn bị xuống cấp, mai một thì họ sẽ có đủ kiến thức để phản ánh với các cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời.

Trong thời đại 4.0, cần tích cực ứng dụng công nghệ để số hóa các di sản trên địa bàn. Từ đó sẽ giúp cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản hiệu quả và kịp thời.

Cần nâng cao ý thức của toàn dân trong công tác gìn giữ, bảo vệ, tuyên truyền, phát huy giá trị di sản. Phải xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân. Có như vậy thì hoạt động quản lý, bảo tồn các di sản trên địa bàn Hà Tĩnh mới thực sự bền vững.



Văn hóa không chỉ là nội lực mà còn là động lực để phát triển. Trong các sức mạnh thì sức mạnh văn hóa là lớn nhất, bền vững nhất, khó thấy nhất nhưng ăn sâu vào máu thịt của từng người, của cả cộng đồng. Phát huy sức mạnh văn hóa - con người sẽ góp phần tạo ra nguồn lực lớn cho sự phát triển Hà Tĩnh.

Nói đến Xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh là nói đến đất anh hùng, là đất học, đất nhạc, đất thơ. Người Hà Tĩnh rất kiên cường và kiên trì, có niềm tin bền chặt với lý tưởng của mình. Tuy vậy, những ưu điểm đó của người Hà Tĩnh thì cũng đi cùng những hạn chế. Ví như hiếu học là đáng quý, nhưng vì quá trọng học chữ nên cũng dẫn đến lý thuyết, giáo điều, học ít đi đôi với hành. Văn hóa làng hình thành từ bao đời nay với những nét đẹp như cố kết cộng đồng, “trưa hè gọi nhau râm ran chè xanh”, người dân yêu làng xóm, yêu quê hương của mình. Nhưng cũng chính vì thế mà có nhiều người chỉ chú trọng cộng đồng nhỏ mà chưa chú trọng cộng đồng lớn, ít chịu học hỏi, tiếp thu cái mới bên ngoài. Tư tưởng cục bộ, bon chen, bảo thủ kiểu “quê choa”, bao che cho nhau dễ dẫn đến kìm hãm sự phát triển. Cương trực, thẳng thắn nhưng vì thế có những lúc thiếu mềm mỏng, uyển chuyển, hơi thô vụng, đặc biệt là trong ngôn ngữ giao tiếp.

Nói tóm lại, văn hóa truyền thống của người Hà Tĩnh là rất tốt, giàu bản sắc, nhưng cần phải tiếp nhận những tư tưởng tiến bộ, văn minh và thành quả KHKT của thế giới. Đậm đà bản sắc phải tiếp biến với tiên tiến, hiện đại. Trong cuộc sống hiện đại, khi những cái cũ mà lạc hậu, bất lợi thì phải sẵn sàng thay đổi. Nếu không khắc phục được những hạn chế sẽ cản trở sự phát triển của chính mình và của quê hương, đất nước. Trong lao động, học tập cần phải sáng tạo nhiều hơn nữa. Trong giao tiếp cần phải nhuần nhuyễn, khéo léo, chân thành và cởi mở hơn nữa, trọng tình hơn nữa, nhất là trong phát triển du lịch, từ văn hóa ứng xử của mình, phải làm sao để khi du khách đến với Hà Tĩnh một lần là nhớ mãi.



Trong thời đại số, văn hóa Hà Tĩnh đang gặp phải những khó khăn, hạn chế liên quan đến chủ thể sáng tạo cũng như chủ thể hưởng thụ. Trong đó, sự xâm nhập của các yếu tố ngoại lai ngày càng mạnh mẽ, tác động rất lớn đến hành vi, ứng xử của con người. Một bộ phận Nhân dân đã chạy theo những nhu cầu hưởng thụ văn hóa mang tính hướng ngoại, bỏ quên truyền thống và các giá trị cốt lõi bền vững dân tộc. Vì vậy, việc phát huy chủ thể sáng tạo của con người trong đời sống Nhân dân là vô cùng cần thiết. Sáng tạo ở đây chính là kiến tạo nên những giá trị văn hóa trong chính bản thân mình, tạo nền tảng để mỗi người tự điều chỉnh ý thức, nhận thức, ứng xử của mình. Muốn vậy, phải làm cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhận thức sâu sắc về vai trò của văn hóa. Phải làm sao để ai ai cũng có tinh thần trách nhiệm xây dựng, bồi đắp các giá trị văn hóa của chính mình, của dòng họ, quê hương mình. Thông qua đó, các giá trị văn hóa truyền thống Hà Tĩnh cũng sẽ được củng cố, bồi đắp, phát triển, đồng thời, được quảng bá ra bên ngoài một cách mạnh mẽ bằng nhiều hình thức sáng tạo, linh hoạt.

Cùng đó, cần tiếp tục tập trung cao cho việc thực hiện nhiệm vụ phát huy vai trò chủ thể thụ hưởng văn hóa là Nhân dân. Tạo điều kiện cho người dân thụ hưởng các giá trị văn hóa tốt đẹp cũng như tiếp nhận những giá trị văn hóa mới của nhân loại thời kỳ hội nhập. Người dân Hà Tĩnh đang bị thiếu hụt các dịch vụ văn hóa, vì vậy, cần có những cơ chế, chính sách phù hợp để chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng kinh tế thị trường, khai thác triệt để giá trị kinh tế của các thiết chế văn hóa. Đặc biệt là thu hút đầu tư, khuyến khích sự tham gia, đóng góp của đội ngũ trí thức, nhất là văn nghệ sỹ người Hà Tĩnh trong việc tạo nên những thiết chế văn hóa phù hợp với sự phát triển của thời đại.



Hàng chục năm qua, cụm từ nền văn hóa đậm đà bản sắc đã có mặt trong rất nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước về văn hóa. Nhưng trong thực tế, chúng ta mới chú trọng các giá trị văn hóa truyền thống mà chưa quan tâm đúng mức các giá trị văn hóa mới được hình thành trong thời cách mạng 4.0: điện tử hóa, kinh tế số, Chính phủ số... Để các giá trị văn hóa truyền thống nhuần nhuyễn cùng các giá trị văn hóa mới, trở thành yếu tố căn bản thúc đẩy mọi hoạt động kinh tế, văn hóa - xã hội đáp ứng những yêu cầu khắt khe, đa dạng, phong phú của hội nhập phải là một cuộc cách mạng của toàn xã hội.

Trên quan điểm ấy, cần một sự chọn lọc các giá trị văn hóa một cách khoa học và nhân văn. Không nghiêng về bảo vệ các thành tố văn hóa đã trở thành bản sắc, để rồi dè dặt trước yêu cầu hội nhập làm chỗ dựa cho sự trì trệ, thiếu năng động, tức thời và cũng không ngả về xu hướng nhân loại cho rằng, bản sắc văn hóa truyền thống cản trở xu thế hội nhập. Từ đó, sớm xây dựng cho con người - công dân thời hội nhập - năng lực điều chỉnh và thích ứng với những biến đổi của tự nhiên, những đổi thay của xã hội, có trình độ kỹ thuật tiên tiến, sành sõi trong ngôn ngữ giao tiếp, đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Chúng ta đang ở vào một giai đoạn lịch sử biến động, đầy thách thức với tiến trình hội nhập. Tiếp biến văn hóa, xâm lăng văn hóa, bổ sung văn hóa, đa dạng các nền văn hóa… là những vấn đề hiện hữu hằng ngày trên mọi lĩnh vực đời sống chính trị, KT-XH. Văn hóa Hà Tĩnh thể hiện dưới những khuôn mẫu xã hội đã được tích lũy và tái tạo trong cộng đồng người qua không gian và thời gian, trở thành bản sắc của người Hà Tĩnh; thời hội nhập, phải trên nguyên tắc lựa chọn giá trị văn hóa cho từng giai đoạn cụ thể, đặc tính riêng của từng lĩnh vực, từng vùng miền, làng xã. Có như vậy, văn hóa mới trở thành nguồn lực để phát triển bền vững.

Cần đổi mới nhận thức về bản sắc văn hóa trong hội nhập của đội ngũ lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp và của mỗi một công dân. Hội nhập là sự nghiệp của toàn dân; vì phúc lợi vật chất và tinh thần cho mỗi một người dân, cộng đồng và xã hội. Trước những đòi hỏi khắt khe của hội nhập quốc tế, không để tụt hậu nhưng cũng không được vội vàng đốt cháy giai đoạn. Phải lấy tình hình, đặc điểm, thực trạng KT-XH để có các giải pháp xây dựng, phát triển văn hóa phù hợp.



Để phát triển văn hóa, con người Hà Tĩnh đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới, một trong những vấn đề cần quan tâm hàng đầu là cần xây dựng đội ngũ quản lý văn hóa và nghiên cứu văn hóa.

Thực tế ở tỉnh ta, số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa các cấp, nhất là ở cơ sở còn yếu và thiếu, dẫn đến những hạn chế, lúng túng, bị động trong tham mưu về hoạt động văn hóa. Bởi vậy, cần kiện toàn lại đội ngũ này đảm bảo có đủ trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác; có chính sách thu hút người có chuyên môn quản lý, chuyên gia văn hóa từ các viện nghiên cứu, trường đại học… về công tác. Về lâu dài, cần xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa một cách bài bản; coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa có tính kế thừa.

Về đội ngũ nghiên cứu, nên có quan điểm cởi mở để tranh thủ, phát huy được các nguồn lực. Không nên chỉ dựa vào lực lượng thuộc biên chế của ngành văn hóa Hà Tĩnh mà cần khai thác nguồn nhân lực nghiên cứu về văn hóa rất dồi dào ở trong các tầng lớp nhân dân, trong các cơ quan, đơn vị cả trong và ngoài tỉnh. Trên thực tế, thời gian qua, Liên hiệp Các hội KH&KT tỉnh và Sở KH&CN đã đặt hàng, khai thác tốt nguồn nhân lực này trong nghiên cứu ứng dụng KHCN, trong đó có nhiều đề tài văn hóa. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác nghiên cứu văn hóa trong hệ thống cơ quan quản lý hành chính Nhà nước các cấp.

Có chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với văn nghệ sỹ, nhất là nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú, nghệ nhân, nhà nghiên cứu, sưu tầm văn hóa và cán bộ làm việc trong lĩnh vực văn hóa có nhiều cống hiến cho tỉnh.

Theo BHT


Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện