Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |    Xây dựng các bảng lương mới áp dụng từ giữa năm 2024   |   

Những câu hỏi day dứt trên diễn đàn Quốc hội

  

02:04 02/06/2022

Phiên thảo luận về kinh tế xã hội năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đang diễn rất sôi nổi, thẳng thắn và đầy hơi thở cuộc sống khi các đại biểu đã thay mặt cử tri gửi gắm niềm phấn khởi, lạc quan, tin tưởng, song cũng không ít băn khoăn, lo lắng.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ đã tạo được sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân, thực hiện tốt mục tiêu kép là phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện qua các con số cụ thể sinh động.

Nhiều đại biểu khẳng định, kết quả đó là điều dường như không tưởng, nếu chúng ta nhớ lại bối cảnh năm 2021, diễn biến dịch vô cùng phức tạp, nhiều nơi có nguy cơ chìm vào thảm hoạ của đại dịch Covid-19, hàng loạt các doanh nghiệp đóng cửa đứng bên bờ vực phá sản, dòng người lao động rời bỏ các trung tâm kinh tế lũ lượt kéo nhau về quê, lần đầu tiên trong lịch sử kinh tế tăng trưởng âm 6,1% vào quí 3/2021, đặc biệt là các trung tâm kinh tế lớn âm càng sâu như Hà Nội âm 7,02% và TP HCM âm 24,3%.

Đại biểu Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch KT-XH tại kỳ họp thứ 3

Trong bối cảnh đó, chúng ta chỉ mong thu ngân sách đạt kế hoạch để không làm vỡ chỉ tiêu kế hoạch bội chi, chứ ít ai dám mơ đến con số thu ngân sách vượt 16,8% so với kế hoạch thu năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2022 đã đạt 57%, tiếp tục hứa hẹn một năm “bội thu” ngân sách.

Đó là nhờ những lỗ lực của chúng ta đã lội ngược dòng chống dịch một cách ngoạn mục với việc bao phủ vaccine thần tốc, cũng như các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi có hiệu quả, để có được cuộc sống trở lại bình thường như hôm nay – đại biểu khẳng định.

Điểm tích cực, kết quả đạt được đã rõ, đáng được ghi nhận, song đại biểu Quốc hội cũng nêu hàng loạt hạn chế, tồn tại ở hầu hết các lĩnh vực mà đáng ra cần được xử lý quyết liệt hơn, kịp thời hơn để mang lại hiệu quả cao hơn.

Đó là về vấn đề chậm giải ngân, thực hiện các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội. Quy mô gần 350.000 tỷ đồng được Quốc hội thảo luận thông qua một cách khẩn trương nhưng đến nay có vẻ như chưa qua được vòng thủ tục, tiến độ rất chậm, mặc dù đã có cơ chế đặc. Đặt câu hỏi chúng ta có lý do để chậm hay không, có đang lãng phí cơ hội, thời gian hay không, đại biểu mong sự hành động quyết liệt hơn để không lỡ nhịp, không bỏ lỡ cơ hội và không để những hy vọng của người dân cùng với thời gian trở thành nguội lạnh.

Giải ngân vốn đầu tư công chậm và không đạt kế hoạch – một vấn đề mà gần như kỳ họp nào cũng được đặt lên bàn nghị sự như một hạn chế phải xử lý. Đại biểu cho rằng việc tăng cường kiểm soát, chỉ ra được tổ chức, cá nhân có trách nhiệm về việc triển khai chậm trễ này là việc làm cần thiết để các quyết sách của Nhà nước được thực thi nghiêm túc, có hiệu lực, hiệu quả rõ rệt, đáp ứng được sự mong đợi của người dân.


Các vấn đề “nóng” được dư luận đặc biệt quan tâm thời gian qua được rất nhiều ý kiến đề cập chính là biểu hiện lệch lạc trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp; hành vi lợi dụng chính sách, nhất là trong phòng, chống dịch để “đục nước béo cò”.

Nhiều sai phạm được phát hiện, hàng loạt cá nhân, tổ chức đã và đang bị xử lý nghiêm minh, trong đó có không ít cán bộ quản lý. Điều băn khoăn là bằng cách nào mà các tổ chức, cá nhân đó vượt qua được các cơ quan quản lý nhà nước một cách dễ dàng như vậy? Sao lại có những cái “bắt tay” cấu kết trên đau khổ của người dân trong đại dịch như vậy!

Ở một góc độ khác, như một đại biểu chia sẻ, hệ thống y tế đã trải qua những giờ phút không thể nào quên. Những thành công đã được xã hội ghi nhận bằng nhiều hình thức và những sai lầm đã phải trả giá đúng theo nguyên tắc công - tội phân minh. Vấn đề đặt ra là sau cơn bão lớn, việc phục hồi và phát triển tốt hơn một ngành trụ cột trong an sinh xã hội sẽ diễn ra như thế nào? Tìm được câu trả lời không hề dễ dàng, nhất là khi đang có sự bối rối, loay hoay chưa tìm được đường đi cho đúng, vì đi đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai.

Đối với giao thông, một quốc gia gần 100 triệu dân nhưng theo đại biểu, các vấn đề về giao thông giải quyết quá chậm, nhất là những vấn đề lớn phải tính toán cho cả một giai đoạn vài chục năm như: Đường sắt tốc độ cao, đường sắt nội đô metro, các tuyến đường vành đai ở các đô thị lớn, cao tốc trục ngang liên vùng. Đây là những vấn đề mang tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn, nếu chúng ta không bắt tay vào ngay sẽ không biết đến bao giờ mới có được hạ tầng giao thông hiện đại để phát triển.

Vấn đề nông nghiệp – nông dân – nông thôn vẫn luôn là lĩnh vực được cử tri gửi gắm nhiều điều đến nghị trường. Câu chuyện các yếu tố đầu vào của sản xuất, đầu ra của nhiều loại sản phẩm hàng hóa vẫn còn phụ thuộc lớn vào một thị trường tiếp tục được nêu ra, với hình ảnh hàng ngàn xe nông sản bị ách tắc tại các cửa khẩu trong khi “không thể kêu gọi giải cứu hàng hóa mãi”.

Rồi vấn đề lao động trong nông nghiệp, chắc chưa một ai quên hình ảnh đón hàng triệu lao động trở về từ tâm dịch để rồi “chúng ta giật mình và đau lòng, phải chăng sự phát triển bên cạnh những thành tựu đã kéo một bộ phận người nông dân ra khỏi ruộng vườn để rồi tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn tìm kiếm việc làm, tìm kiếm kế sinh nhai để sống”.

Day dứt hơn, đại biểu mang theo tâm tư nặng trĩu của người nông dân đang oằn mình trong bão giá, mà nếu không quan tâm khắc phục sớm sẽ dẫn đến một nghịch lý là chính nông dân - người tự sản xuất lương thực và đảm bảo an ninh lương thực sẽ rơi vào đói do nghèo.

Nhiều vấn đề "nóng" được các đại biểu Quốc hội thảo luận thẳng thắn trên nghị trường

Đại biểu cũng bày tỏ xót xa khi thực trạng một số di sản văn hóa bị đối xử tệ hại ngay trước mắt, trong khi mỗi di sản văn hóa là một thông điệp mà tổ tiên, các thế hệ đi trước để lại cho các thế hệ hôm nay và cả mai sau, ghi dấu lịch sử oai hùng.

Không ít ý kiến lo lắng vấn đề sức khỏe tâm thần và công tác tư vấn tâm lý học đường; bức xúc trước hậu quả đáng buồn về bạo lực học đường; đau xót khi số liệu thống kê cho thấy trung bình mỗi ngày có 5 trẻ em bị đuối nước, đứng đầu trong các tai nạn, thương tích của trẻ.

Và còn hàng loạt vấn đề khác đã và đang được Quốc hội, Chính phủ lắng nghe, giải trình, phân tích, gợi ý các giải pháp để có những quyết sách kịp thời, đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của cử tri, cũng như góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thời gian tới./.

Theo vov.vn

Link gốc: https://vov.vn/chinh-tri/nhung-cau-hoi-day-dut-tren-dien-dan-quoc-hoi-post947718.vov


Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện