Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |    Xây dựng các bảng lương mới áp dụng từ giữa năm 2024   |   

Cầu truyền hình Khúc tráng ca hòa bình: Những "điểm rơi cảm xúc" lắng đọng tại 6 điểm cầu

  

07:59 26/07/2022

Cầu truyền hình Khúc tráng ca hòa bình là chương trình đặc biệt khắc ghi những trang sử hào hùng của dân tộc, những người đã ngã xuống và hy sinh cho khát vọng hòa bình cháy bỏng của người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Và hôm nay, những thế hệ đã đi qua cuộc chiến hay những người được hạnh phúc sống trong thời không dội tiếng đạn bom đều lắng lòng, kể cho nhau nghe về những dấu chân đã làm nên hòa bình.

Khúc tráng ca hòa bình dài 120 phút sẽ được truyền hình trực tiếp vào 20h10 ngày 27/7/2022 trên kênh VTV1, nhưng ngay từ cuối tháng 5, Đài Truyền hình Việt Nam đã huy động đội ngũ nhân sự lớn, tập trung nguồn lực triển khai công tác chuẩn bị và bắt tay vào sản xuất. Bên cạnh đó, VTV cũng nhận được sự phối hợp chặt chẽ tại các địa phương nơi đặt các điểm cầu.

Các đơn vị của Đài Truyền hình Việt Nam gồm Ban Thanh thiếu niên, Ban Thời sự, VTV8, VTV9, Trung tâm Kỹ thuật sản xuất chương trình, Trung tâm Mỹ thuật... đã phối hợp, gấp rút chuẩn bị triển khai từ sản xuất nội dung, công tác kỹ thuật đến thiết kế sân khấu... Trong đó, Ban Thanh thiếu niên là đơn vị chủ lực xây dựng kịch bản, tổ chức sản xuất nội dung, thực hiện phóng sự tại các điểm cầu… Với 6 điểm cầu trải dài, điều đầu tiên khiến nhóm sản xuất trăn trở là lựa chọn chủ đề nào để có thể vừa tạo sự liên kết mà vẫn vừa bao quát. Và rồi từ khóa "hòa bình" đã được nhóm nội dung lấy làm "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt mạch câu chuyện của Khúc tráng ca hòa bình.

"Từ khóa ‘hòa bình’ sẽ được chúng tôi triển khai trong tất cả 3 chương của cầu truyền hình. Như ở chương đầu tiên là Những dấu chân hòa bình, nhìn lại bất cứ khi nào mà nền hòa bình bị đe dọa thì tất cả các thế hệ lại lên đường và họ để lại những dấu chân hòa bình ở trên khắp mọi miền Tổ quốc. Với điểm cầu Hà Nội, Quảng Nam, An Giang, TP Hồ Chí Minh…, những cái dấu chân hòa bình ấy đều rất rõ nét" - BTV Thu Yến, Ban Thanh thiếu niên chia sẻ.

Ngay khi tìm ra được từ khóa của chương trình cũng là lúc các ê-kíp tỏa đi tìm kiếm nhân vật và câu chuyện tại các địa phương. Nhóm nội dung đã mất rất nhiều thời gian cho việc tìm nhân vật, thậm chí có những nhân vật mà phóng viên đã theo đuổi tới 1 tháng rưỡi, nhưng đến 2 tuần còn lại, ê-kíp lại quyết định đổi một nhân vật khác.

Mỗi điểm cầu là mỗi vùng đất chứa đựng rất những câu chuyện đặc biệt. Điểm cầu Hà Nội sẽ mở ra với dấu chân hòa bình của cuộc tổng động viên sinh viên Hà Nội lên đường năm 1971, 1972. Những dòng nhật ký của các liệt sĩ, cựu chiến binh đều viết về "một ngày mai hòa bình cho đất nước tôi, nhân dân tôi". Chương trình tiếp tục đưa khán giả đến với Quảng Nam, Bình Định - hai trong số những địa phương có nhiều Mẹ Việt Nam anh hùng nhất của nước ta, đồng nghĩa với việc nơi đây cũng có nhiều những người con đã hy sinh nhất.

Ê-kíp tác nghiệp tại Bình Định.

"Nói đến Quảng Nam, người ta nhớ tới câu ‘Dốc Quảng Nam, gan Cộng sản’ – mảnh đất mà mới nói đến tên thôi là đã thấy sự kiên cường của người Quảng hay những người con đã dừng chân ở đất Quảng Nam như thế nào" - BTV Thu Yến chia sẻ - "Còn Bình Định với vị trí đặc biệt là điểm cuối cùng trước khi tập kết vào chiến trường miền Nam, thế nên ở mảnh đất Bình Định, chúng tôi sử dụng từ ‘biệt ly’. Bình Định là mảnh đất năm xưa Bác Hồ đã biệt ly cha của mình để ra đi tìm đường cứu nước. Đây cũng là mảnh đất những người con chào tạm biệt gia đình và gần như trở thành lời biệt ly rất khó để gặp lại nhau sau chiến tranh. Những vùng đất có nhiều dấu tích chiến tranh như vậy sẽ kể rất nhiều câu chuyện cảm xúc".


Tại điểm cầu An Giang, năm nay sẽ có 22 bộ hài cốt liệt sỹ hy sinh ở Campuchia được đưa trở về đất Mẹ trong đúng ngày tháng 7 này và sẽ được làm lễ an táng tại Việt Nam vào ngày 25/7 - rất sát thời điểm chương trình cầu truyền hình Khúc tráng ca hòa bình diễn ra. Những câu chuyện tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh hay An Giang đều là những câu chuyện rất mới.

Bên cạnh đó, Khúc tráng ca hòa bình còn có "điểm rơi cảm xúc" ở câu chuyện về tình đồng đội. Chiến tranh đã lùi xa, hình ảnh những cựu chiến binh với mái tóc đã bạc, lưng đã còng - họ vẫn đi cùng với đội quy tập sang Campuchia hay họ vẫn lang thang trên ngọn đồi Xuân Sơn, Bình Định - với khát vọng "Ở đâu đấy dưới những lớp này có bạn tôi nằm lại. Tôi còn một hơi thở thì tôi sẽ mang bạn tôi về".

Ngoài ra, chương trình cũng dành những phút giây lắng đọng về sự hy sinh trong thời bình như trong cuộc chiến chống COVID-19 hay cuộc chiến phòng chống tội phạm... Không chỉ vậy, Khúc tráng ca hòa bình sẽ cập nhật những thành tựu về kinh tế - xã hội của đất nước trong 6 tháng đầu năm 2022, cùng tinh thần sẵn sàng hy sinh, cống hiến của mỗi người con đất Việt nói chung, thế hệ trẻ nói riêng vì sự phồn vinh của Tổ quốc.


Để gửi tới khán giả cả nước những câu chuyện ấn tượng và ý nghĩa trong cầu truyền hình, các nhóm sản xuất nội dung của chương trình đã tỏa đi các địa phương để tìm kiếm, gặp gỡ, kết nối các nhân vật.

Tại Bình Định, ê-kíp của BTV Bàng Trường Giang mất khoảng 1 tháng cho quá trình tìm kiếm các nhân chứng của trận đánh trên đồi Xuân Sơn năm xưa. Những người còn sống hiện ở nhiều nơi nên ê-kíp phải tìm hiểu qua rất nhiều người, rồi thuyết phục nhân vật vào chiến trường cũ ở Bình Định để trực tiếp kể lại câu chuyện. "Chúng tôi quay chủ yếu ở huyện Hoài Ân và Hoài Nhơn, nơi đa số những gia đình mà chúng tôi tiếp xúc đều có liệt sỹ. Điều đó khiến chúng tôi rất xúc động" – BTV Trường Giang, Ban Thanh thiếu niên chia sẻ - "Chúng tôi còn đến nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Kiếm để thực hiện phóng sự. Mẹ đã 93 tuổi nên có thể đang ghi hình mẹ bị mệt, ê-kíp sẽ phải dừng lại chờ 1-2 ngày sau mới tiếp tục quay".

Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Kiếm (Bình Định).

Trong khi đó, một ê-kíp khác đến tác nghiệp ở Quảng Nam. Việc tác nghiệp ở tỉnh có nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng nhất hiện nay đã mang đến cho nhóm sản xuất nhiều cảm xúc. "Đến với mảnh đất Quảng Nam là những câu chuyện rất xúc động của những người Mẹ Việt Nam anh hùng và những người con của mảnh đất Quảng Nam đã chiến đấu để bảo vệ mảnh đất thiêng liêng ấy" - BTV Lan Anh, Ban Thanh thiếu niên chia sẻ.

Các nhóm được phân công phụ trách các điểm cầu khác tiếp tục tỏa đi Hà Giang, Hà Nội, An Giang, thành phố Hồ Chí Minh để tác nghiệp truyền tải câu chuyện.

(Trích dẫn một số chia sẻ từ chương trình VTV Kết nối)

Với đề tài về kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, một trong những cái khó của nhóm sản xuất nội dung là không chỉ tìm ra những câu chuyện mới, mà còn phải có cách kể chuyện mới. Các phóng sự trong Khúc tráng ca hòa bình sẽ hạn chế tối đa về lời bình của phóng viên, mà để các cựu chiến binh - những người đã sống và đi qua chiến tranh - sẽ kể câu chuyện của mình và đồng đội. Bên cạnh đó, những thủ pháp như tái hiện cũng được ê-kíp sử dụng để tăng hiệu quả cho nội dung và mạch cảm xúc của câu chuyện.


BTV Lan Anh với những hình ảnh tác nghiệp tại Quảng Nam.

Cùng với những câu chuyện sâu lắng ở 6 điểm cầu, âm nhạc sẽ là sợi dây xuyên suốt được ê-kíp sử dụng để kết nối và truyền tải nội dung. Nhóm sản xuất bật mí đã đặt sáng tác một bản giao hưởng Khúc tráng ca hòa bình dành riêng cho chương trình. Cùng với đó, những nét âm nhạc đặc trưng của các vùng miền hay đặc trưng theo từng thời kỳ cũng được khéo léo lồng ghép trong chương trình, để thấy trong chiến tranh, âm nhạc vẫn thường vang lên, ở đó vẫn có sự lạc quan, vẫn có tinh thần yêu đời và hy vọng vào ngày mai chúng ta có hòa bình. Đường dây âm nhạc đó kết nối và truyền đi khát vọng hòa bình không chỉ trên 6 điểm cầu, mà còn là suốt dọc dải đất hình chữ S thân yêu. Những ca khúc quen thuộc như Huyền thoại mẹ, Đất nước, Bài ca không quên… được Giám đốc âm nhạc Thanh Phương phối lại với tông màu của thời đại. Bên cạnh đó còn có tiết mục đặc biệt được thể hiện bởi cả thế hệ trẻ và những cựu chiến binh.


Người dẫn chương trình tại các điểm cầu đều là những gương mặt MC - BTV có kinh nghiệm dẫn nhiều chương trình truyền hình trực tiếp, đặc biệt là cầu truyền hình lớn. Được trao nhiệm vụ dẫn dắt ở các điểm cầu lần này, mỗi người đều cảm thấy vinh dự và tự hào khi được đóng góp phần nhỏ của mình vào cầu truyền hình lớn và ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ.

Ê-kíp tác nghiệp tại điểm cầu Hà Giang.

Trước đó, các MC đã nghiên cứu kịch bản, trao đổi với biên tập viên chính của điểm cầu, tìm hiểu câu chuyện và mảnh đất mình sẽ dẫn điểm cầu. Từ đó, họ sẽ tự viết lời dẫn để có thể truyền tải đúng, đủ và thật cảm xúc khi lên sóng. Bên cạnh đó, các MC còn xem kĩ các phóng sự, câu chuyện để nắm được toàn bộ nội dung chương trình, chứ không chỉ ở điểm cầu của mình. Nếu như có những thay đổi trên sóng, mỗi người dẫn đều có thể "gánh cầu" được.

Thái Trang là gương mặt trẻ từng tham gia dẫn cầu truyền hình quan trọng nên lần này, nữ BTV đón nhận nhiệm vụ với tâm thế tự hào và sẵn sàng thực hiện. Đây sẽ là lần đầu tiên BTV Thái Trang đặt chân đến mảnh đất Hà Giang, nơi cực Bắc Tổ quốc vô cùng thiêng liêng. Vì thế, những ngày tháng 7 này còn đặc biệt hơn với cô, bởi nơi núi đá Hà Giang ấy có những cha anh ta đã nằm xuống - hóa đá - để bảo vệ cho từng tấc đất, tấc rừng, cho bình yên của người dân quê mình. "Còn rất nhiều mong đợi, trăn trở, làm sao để có thể tìm thấy và đón được hết các anh về với đất mẹ, cũng khiến tôi đau đáu rất nhiều trong chuyến đi này" – nữ BTV bộc bạch.


Trong khi đó, BTV Hồng Phúc cho biết, các điểm cầu có sự kết nối với nhau nên MC phải làm sao giữ được sự kết nối đó và đảm bảo thời lượng ở điểm cầu mình trên sóng trực tiếp. Nam MC hy vọng món quà bất ngờ ở điểm cầu TP Hồ Chí Minh sẽ là điểm nhấn xúc động dành cho các gia đình liệt sỹ.

Dẫn điểm cầu Bình Định, BTV Hồng Nhung có cơ hội đọc và hiểu nhiều hơn về mảnh đất này. “Những nỗi đau chiến tranh ở nơi này vẫn chưa thể nguôi ngoai khi hàng chục ngàn tấn bom mìn vẫn còn sót lại, và chỉ mới đây thôi, có những liệt sỹ mới được tìm thấy và trở về với gia đình sau gần 60 năm nằm trong đất lạnh. Còn nhiều những câu chuyện cảm động khác về mảnh đất thượng võ này, mà tôi hy vọng sẽ có thể gửi đến quý vị khán giả một cách chân thành nhất” – nữ BTV chia sẻ - “Cầu truyền hình lần này được thực hiện tại 6 điểm - mỗi nơi đều vô cùng ý nghĩa nên cái khó với MC là làm sao truyền tải được hết nội dung và không khí tại mỗi điểm cầu trong một thời lượng rất ngắn”.



(Dự kiến các điểm cầu truyền hình)
Thông qua 3 chương "Những dấu chân hòa bình, Bài ca không quên và Khát vọng hòa bình", cầu truyền hình Khát vọng hòa bình tri ân và tưởng nhớ những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Chương trình còn truyền đi thông điệp quyết tâm giữ gìn, bảo vệ hòa bình của các thế hệ; khơi dậy động lực cống hiến - hi sinh vì một Việt Nam phát triển, phồn vinh như tinh thần đã được khẳng định tại Đại hội XIII của Đảng.


Cầu truyền hình "Khúc tráng ca hòa bình" phát sóng trực tiếp lúc 20h10 ngày 27/7 trên kênh VTV1. Mời quý vị đón xem!
Theo VTV News
Link gốc: https://vtv.vn/truyen-hinh/cau-truyen-hinh-khuc-trang-ca-hoa-binh-nhung-diem-roi-cam-xuc-lang-dong-tai-6-diem-cau-20220725162501801.htm


Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện