Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |    Xây dựng các bảng lương mới áp dụng từ giữa năm 2024   |   

Kinh nghiệm các nước trong kiểm soát, quản lý mạng xã hội

  

08:29 15/08/2022

Tình trạng tin giả, tin độc hại trên mạng xã hội là một vấn đề lớn hiện nay. Thực trạng này như thế nào trên thế giới và giải pháp của các nước châu Âu và Australia ra sao?

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, mạng xã hội xuyên quốc gia như Facebook, Twitter, Youtube… đã tạo ra những cơ hội, khả năng tiếp xúc, giao lưu văn hóa, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trên thế giới. Nhưng chưa bao giờ môi trường ảo lại nhiều tác động tiêu cực như hiện nay. Tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật, các nội dung phản cảm, thiếu tính giáo dục, kích động bạo lực trên internet, mạng xã hội đang diễn biến rất phức tạp.

Nhận thức rõ những nguy cơ mà mạng xã hội gây ra đối với an ninh quốc gia, nhiều nước trên thế giới cũng đã triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát tốt hơn những thông tin được phép đăng tải trên mạng xã hội và hạn chế tối đa sự lan tràn, phát tán những thông tin giả mạo và độc hại.

Logo một số mạng xã hội. Ảnh: Elevatealaska.

Tình trạng tin giả và biện pháp quản lý tại châu Âu

Cách đây 1 tuần, Snapchat, một trong những nền tảng giao tiếp và là mạng xã hội rất được giới trẻ phương Tây ưa chuộng, đã chính thức phải đưa vào sử dụng một tính năng được gọi là “Family Center” (Trung tâm gia đình), trong đó trọng tâm là việc cho phép các phụ huynh được kiểm soát được một phần việc sử dụng mạng xã hội của con cái. Thông qua tính năng này, các bậc cha mẹ sẽ biết được tần suất đăng nhập vào mạng xã hội, những đối tượng giao tiếp của con mình trên mạng xã hội, dù không được phép tiếp cận với nội dung các giao tiếp.

Trước Snapchat, nhiều mạng xã hội khác như Instagram cũng đã phải đưa vào sử dụng các tính năng tương tự bởi lẽ việc bảo vệ trẻ vị thành niên là một trong những ưu tiên lớn nhất của các cơ quan quản lý các mạng xã hội tại các nước phương Tây, đặc biệt tại châu Âu. Trước đó, khi vụ scandal Facebook Papers lộ ra cách đây vài năm, các mạng xã hội đều có công cụ để đo các tác động tiêu cực của việc sử dụng quá đà các mạng xã hội đối với giới trẻ nhưng hoàn toàn không có biện pháp để hạn chế các tác động đó. Vì thế, đối với các cơ quan quản lý phương Tây thì một trong những biện pháp mạnh đầu tiên là phải bảo vệ được trẻ vị thành niên khi tham gia mạng xã hội.

Tại Pháp và hầu hết các nước châu Âu, trẻ dưới 13 tuổi không được phép sử dụng mạng xã hội và trên lý thuyết, các mạng xã hội sẽ buộc người dùng phải khai báo có kiểm chứng độ tuổi thật. Đầu năm 2022, Thượng viện Pháp đã thông qua một bộ luật bắt buộc tất cả các mạng xã hội phải có chức năng cho phép phụ huynh giám sát hoạt động của trẻ vị thành niên nhằm bảo vệ những đối tượng trẻ tuổi này khỏi các nội dung bạo lực, khiêu dâm… Tất nhiên, việc kiểm soát này vẫn có nhiều lỗ hổng và với một số mạng xã hội được giới trẻ đặc biệt ưa thích, ví dụ như Tik Tok, thì đôi khi việc kiểm tra độ tuổi của người dùng vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Ngoài vấn đề bảo vệ trẻ vị thành niên trên mạng xã hội, các nước châu Âu cũng đang ngày càng siết chặt hơn các quy định về phát ngôn và thông tin trên mạng. Người dùng mạng xã hội tại Pháp và châu Âu được bảo đảm quyền tự do ngôn luận và tự do thông tin nhưng đây là các quyền hạn chế chứ không phải là tự do hoàn toàn.

Tại Pháp, một trong những vi phạm phổ biến nhất là việc bôi nhọ, thông tin sai sự thật về cá nhân, tổ chức trên mạng xã hội. Các cơ quan quản lý của Pháp phạt vi phạm này dựa trên các quy định của Luật Báo chí, với người vi phạm có thể bị phạt tù 1 năm và phạt tiền đến 45.000 euro.

Trên bình diện châu Âu, một trong những sự kiện đáng chú ý nhất là việc Liên minh châu Âu hồi tháng 4/2022 thông qua Đạo luật về Dịch vụ số, qua đó bắt buộc các tập đoàn công nghệ khổng lồ như Meta, Google, Amazon… phải hành động nhiều hơn và chịu trách nhiệm pháp lý nhiều hơn trong việc đấu tranh chống lại tin giả cũng như các nội dung độc hại, đồng thời hạn chế các quảng cáo thiếu tin cậy. Theo Đạo luật này, châu Âu có thể phạt tới hàng tỷ euro đối với những công ty công nghệ không tuân thủ các quy định của khối. Có thể nói, hiện tại châu Âu đang là một trong những khu vực có các quy định pháp lý và tài chính chặt chẽ và nghiêm khắc nhất để quản lý hoạt động của các mạng xã hội.

Chế tài trừng phạt tại Australia đã đủ sức răn đe chưa?

Việc trẻ em dùng mạng xã hội đang là thực thế khiến nhiều bậc cha mẹ tại Australia lo ngại bởi các em có thể bị bắt nạt trên mạng, có thể tiếp cận các thông tin độc hại, không phù hợp lứa tuổi hoặc bị lạm dụng hình ảnh hoặc bị các đối tượng xấu tiếp cận. Số liệu thống kê trong một cuộc điều tra năm 2018 tại Australia đối với 4.000 trẻ vị thành niên từ 12 đến 15 tuổi cho thấy mạng xã hội là nguyên nhân chính khiến cho sức khỏe tâm thần của trẻ em ở lứa tuổi này ngày càng tồi tệ hơn.

Chính vì vậy vào năm ngoái, chính phủ Australia đã đưa ra dự thảo luật nhằm gia tăng sự bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến. Một trong những nội dung đáng chú ý của dự luật là việc đề xuất những trẻ em dưới 16 tuổi muốn tham gia các nền tảng xã hội thì cần nhận được sự đồng ý của cha mẹ. Dự luật này yêu cầu các nền tảng xã hội phải có trách nhiệm trong việc xác định tuổi của các thành viên tham gia. Bên cạnh đó, dự luật cũng yêu cầu các nền tảng xã hội phải cân nhắc những vấn đề liên quan đến lợi ích trẻ em khi xử lý các thông tin liên quan đến trẻ em, đặc biệt là các thông tin gửi cho bên thứ 3 nhằm phục vụ hoạt động quảng cáo

Ngoài các vấn đề liên quan đến trẻ em, dự luật còn yêu cầu các nền tảng xã hội phải có chính sách về quyền riêng tư một cách rõ ràng, dễ hiểu về việc thu thập, lưu giữ và sử dụng thông tin cá nhân của các thành viên, phải thông báo tới các thành viên về việc thu thập các thông tin này và phải nhận được sử đồng ý của các thành viên đối với các hành vi này.

Dự luật đề xuất nếu một cá nhân vi phạm các quy định này thì có thể sẽ bị phạt lên tới hơn 500.000 AUD và còn nếu tổ chức vi phạm thì có thể sẽ bị phạt tới 10 triệu AUD.

Cũng trong năm ngoái, Australia cũng xem xét việc yêu cầu người dùng mạng xã hội cung cấp giấy tờ tùy thân khi mở tài khoản trên mạng xã hội để gắn trách nhiệm của từng cá nhân đối với các hành vi trên mạng. Đồng thời, Australia cũng cân nhắc cấm những người dùng mạng xã hội dưới dạng ẩn danh để tham gia các trang hẹn hò trực tuyến. Australia mong muốn bằng việc xác định danh tính của từng cá nhân trên mạng xã hội sẽ làm gia tăng trách nhiệm của từng người đối với các hoạt động của mình trên mạng xã hội để đưa các nền tảng này trở thành môi trường lành mạnh.

Kinh nghiệm đáng tham khảo của châu Âu và Australia

Từ thực tế về việc quản lý các mạng xã hội tại châu Âu, có thể thấy châu Âu đặc biệt coi trọng việc tạo dựng các tiêu chuẩn của riêng khối này về pháp lý, về tài chính để buộc các tập đoàn công nghệ lớn, vốn là chủ của các mạng xã hội, phải tuân thủ.

Châu Âu cho rằng nhiều năm qua các tập đoàn công nghệ lớn đã hoạt động mà không tuân thủ nhiều quy tắc thị trường của Liên minh châu Âu, như việc cạnh tranh không lành mạnh, việc các mạng xã hội bỏ mặc việc quản lý nội dung, đồng thời lo ngại về tác động của các mạng xã hội đối với các sự kiện chính trị-xã hội lớn, đặc biệt là các cuộc bầu cử. Do đó, châu Âu tuyên bố họ cần phải lấy lại chủ quyền của mình trong lĩnh vực số và các công ty công nghệ muốn hoạt động tại châu Âu cần phải tuân thủ các quy định của châu Âu, không thể viện dẫn các lí do như tự do ngôn luận để hoạt động hoàn toàn nằm ngoài sự quản lý của các chính phủ.

Đây là kinh nghiệm rất đáng tham khảo đối với các nước đi sau. Ngày nay, vấn đề chủ quyền trên không gian mạng là một vấn đề thực sự quan trọng bởi khi số lượng công dân các nước sử dụng mạng xã hội càng nhiều thì các thông tin, dữ liệu về dân cư, về các doanh nghiệp của quốc gia đó càng bị thu thập nhiều hơn. Đây là kho tài nguyên số, tài nguyên dữ liệu vô cùng quan trọng đối với an ninh kinh tế, an ninh văn hoá và thậm chí là chủ quyền quốc gia.

Vì thế, kinh nghiệm từ châu Âu cho thấy là các nước bắt buộc phải từng bước giành lại quyền kiểm soát kho tài nguyên số này về tay mình chứ không thể để các tài nguyên này nằm hoàn toàn dưới sự kiểm soát của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia. Thực tế nhiều năm qua đã cho thấy, các tập đoàn công nghệ lớn hoạt động hoàn toàn vì lợi ích, lợi nhuận của họ trong khi các tác động tiêu cực nhất lại là do các quốc gia phải gánh vác và xử lý.

Australia rất quan tâm tới việc giáo dục, hướng dẫn và bảo vệ trẻ em trên các nền tảng xã hội. Tại Australia, việc này đầu tiên được coi là thuộc trách nhiệm của gia đình. Với trẻ em lứa tuổi nhỏ thì cha mẹ sẽ là người xác định nội dung, thông tin và thời gian để trẻ tiếp cận thông tin trên internet. Khi lớn hơn và có thể bắt đầu tự sử dụng các thiết bị điện tử cá nhân như điện thoại, máy tính bảng hay máy tính, các bậc cha mẹ nói chuyện, hướng dẫn con cái trước khi cho con sử dụng các thiết bị này và lập ra một quy tắc trong gia đình về việc sử dụng các thiết bị điện tử.

Với các trang mạng xã hội, luật pháp tại Australia quy định, chỉ có người từ 13 tuổi trở lên mới được tham gia song lại chưa có biện pháp để kiểm soát chặt chẽ điều này. Sử dụng internet và mạng xã hội an toàn cũng là nội dung được chú trọng tại trường học.

Theo các chuyên gia, xu hướng phát triển mạng xã hội là tất yếu và cần điều chỉnh để phát triển minh bạch, rõ ràng và kiểm soát được nhưng không nên kìm hãm. trong bối cảnh các công ty công nghệ lớn như Google, Facebook và Tiktok… ngày càng tạo ra nhiều sức ảnh hưởng song lại có quá ít trách nhiệm với cộng đồng, thì vai trò thắt chặt kiểm soát của các chính phủ là cần thiết. Ngoài trách nhiệm của các công ty công nghệ, một yếu tố quan trọng khác để đảm bảo môi trường mạng xã hội lành mạnh, đó là ý thức của mỗi người tham gia mạng xã hội. Ở đây, vai trò của giáo dục là rất quan trọng.

Một số quốc gia như Australia đã đưa các nội dung ứng xử trên không gian mạng vào trường học. Hay Indonesia, mới đây Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia đã ký kết thỏa thuận với Twitter nhằm thiết lập giáo trình và mô hình học tập về nhận thức sử dụng mạng xã hội cho các đối tượng là học sinh, giáo viên và những người làm công tác giáo dục ở cấp cơ sở. Những chương trình như vậy được kỳ vọng sẽ góp phần định hướng và điều chỉnh cách ứng xử phù hợp trên không gian mạng./.

Theo VOV.VN

Link gốc: https://vov.vn/the-gioi/cuoc-song-do-day/kinh-nghiem-cac-nuoc-trong-kiem-soat-quan-ly-mang-xa-hoi-post963374.vov


Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện