Đảm bảo chuyển tiếp quản lý tài chính, ngân sách khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp   |    Thống nhất cao trong công cuộc xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền   |    Thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tiến tới Đại hội XIV của Đảng   |    UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo thực hiện Kế hoạch tuyên truyền đại hội Đảng bộ các cấp và tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng   |    Quy trình chỉ định nhân sự cấp ủy cấp xã thành lập mới nhiệm kỳ 2025-2030   |   

"Thanh, kiểm tra doanh nghiệp không quá 1 lần/năm, tránh gây nhũng nhiễu"

  

14:32 16/05/2025

Số lần thanh tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không được quá 1 lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng.

Sáng 16/5, giải trình một số ý kiến đại biểu quan tâm về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết một số cơ chế chính sách đột phá quy định tại dự thảo nghị quyết và các luật sửa đổi đang trình tại kỳ họp thứ 9 đảm bảo không bị phá vỡ nguyên tắc chung.

Thanh tra doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh không quá 1 lần trong năm

Theo ông Thắng, dự thảo nghị quyết đưa ra một số quy định mang tính nguyên tắc để định hướng, sửa đổi các luật chuyên ngành đảm bảo tuân thủ nguyên tắc chung. Với phân cấp, phân quyền cho địa phương như đầu tư hạ tầng, hỗ trợ tiền thuê lại đất, tài sản… dự thảo giao cho địa phương để cân đối nguồn lực, các tiêu chí phải minh bạch.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng giải trình (Ảnh: Phạm Thắng).

Về các chính sách ưu đãi thuế, phí trên cơ sở nuôi dưỡng nguồn thu, ông Thắng cho rằng có thể làm giảm nguồn thu nhưng doanh nghiệp có cơ hội sản xuất kinh doanh, đóng góp nhiều hơn vào ngân sách Nhà nước và phát triển.

Theo ông Thắng, một số ý kiến cho rằng việc bỏ thuế khoán có thể tạo gánh nặng tuân thủ cho các hộ kinh doanh, tuy nhiên việc bỏ thuế khoán rất đúng đắn, đảm bảo bình đẳng về chế độ thuế giữa doanh nghiệp và hộ kinh doanh, giúp hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết chính sách này đã thí điểm tại một số nơi và thấy rất hiệu quả, cần triển khai trong thời gian sớm nhất.

Ngoài ra, có những nội dung ưu đãi khá lớn để hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Đây là một trong những giải pháp trọng yếu để gia tăng số lượng doanh nghiệp, đảm bảo mục tiêu của nghị quyết và tăng trưởng kinh tế, theo ông Thắng.

Về quy định số lần thanh tra, kiểm tra với doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh không được quá 1 lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng, ông Thắng cho biết quy định này đã thể chế hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị nhằm chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lặp kéo dài, lạm dụng thanh kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh quy định tại dự thảo nghị quyết hướng tới giảm thanh tra kiểm tra trực tiếp, hướng tới tiền kiểm sang hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra từ xa dựa trên dữ liệu điện tử và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan… nên không làm giảm hiệu lực quản lý của Nhà nước, không cản trở hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng không hạn chế thanh tra, kiểm tra đột xuất khi doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng, theo ông Thắng.

Tránh tình trạng "xin - cho", trên bảo dưới không nghe

Thảo luận về nghị quyết này, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) băn khoăn việc đây là nghị quyết đặc biệt nhưng có một số nội dung trái với một số luật thì sẽ ưu tiên nghị quyết hay luật. Đại biểu đề nghị quy định rõ để doanh nghiệp thực hiện thuận lợi.

Trong nội dung nghị quyết, đại biểu đề nghị Quốc hội đưa thêm mục nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan thực thi công vụ, công việc để phát triển kinh tế tư nhân nhằm tránh tình trạng "xin - cho", trên bảo dưới không nghe...

Đại biểu Nguyễn Văn Thân phát biểu thảo luận (Ảnh: Phạm Thắng).

Về quy định hỗ trợ gói thầu sử dụng ngân sách Nhà nước có giá không quá 20 tỷ đồng được dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Thân cho rằng việc hỗ trợ này cũng đã "rất tốt", bởi trước đây khối doanh nghiệp này chỉ được hỗ trợ gói thầu 3 tỷ đồng.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội quan tâm đến Nghị quyết số 164/2024/QH15 của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự đối với các vụ án thuộc diện Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chỉ đạo.

Đại biểu đề nghị cho phép được áp dụng thí điểm Nghị quyết số 164 đối với nghị quyết đặc thù về kinh tế tư nhân, bởi trong đó có những biện pháp cho phép doanh nghiệp được đặt tiền bảo đảm để giải tỏa tài sản bị phong tỏa, tiếp tục đưa vào kinh doanh.

Bên cạnh đó, cho phép chủ sở hữu doanh nghiệp được quản lý, sử dụng, khai thác tiếp tài sản đó và bảo đảm việc khai thác đúng quy định thay vì hiện nay bị "đóng băng", không đưa được vào nền kinh tế, theo bà Thủy.

Cùng quan tâm về nguyên tắc xử lý các sai phạm và giải quyết các vụ việc trong hoạt động kinh doanh, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề nghị cần làm rõ hơn và giải quyết thật nghiêm doanh nghiệp vi phạm nhưng không làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, không gây đình trệ và chấm dứt việc cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp tư nhân.

Theo ông Trí, không nên dễ dãi trong việc gắn mác "tang vật vụ án" trên công cụ sản xuất, máy móc, thiết bị của doanh nghiệp; nếu có thì phải nhanh chóng giải quyết để sớm đưa vật tư, thiết bị, máy móc vào hoạt động sản xuất.

Theo DANTRI

Link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/thanh-kiem-tra-doanh-nghiep-khong-qua-1-lannam-tranh-gay-nhung-nhieu-20250516104343594.htm


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện