Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |    Xây dựng các bảng lương mới áp dụng từ giữa năm 2024   |   

Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh góp ý Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi

  

03:10 14/06/2018

Sáng nay 13/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Thay mặt Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh, đại biểu Lê Anh Tuấn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tham gia góp ý.

Đại biểu Lê Anh Tuấn góp ý Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Trước hết, đại biểu bày tỏ sự nhất trí với nhiều nội dung được nêu trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Chính phủ, đặc biệt là tán thành cao với nhiều nội dung đề xuất và phản biện trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban tư pháp Quốc hội về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Lần sửa đổi này, có thể nói là thời cơ thuận lợi để chúng ta tiếp tục thể chế hóa mạnh mẽ chủ trương, đường lối và quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay. Đây cũng là thời điểm để chúng ta tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng và nội luật hóa một cách đầy đủ hơn, toàn diện hơn các cam kết quốc tế của Việt Nam khi tham gia Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng, các cam kết khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO, APEC, ASEAN…

Đây là dự án luật khó, phức tạp, có mối liên hệ với nhiều đạo luật chuyên ngành khác và để bảo đảm thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống tham nhũng cũng đòi hỏi phải có sự đồng bộ, chặt chẽ từ phía các chế định có liên quan đến phòng, chống tham nhũng trong các luật chuyên ngành. Qua nghiên cứu dự thảo, đại biểu Lê Anh Tuấn đóng góp ý kiến về 2 vấn đề cụ thể sau đây:

Vấn đề thứ nhất, về Điều 59 của dự thảo: Xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý.

Báo cáo 155/BC-CP của Chính phủ giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật ủng hộ phương án 1 Điều 59 theo hướng: “Cơ chế thu hồi tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc được thực hiện thông qua việc xác định đó là hành vi trốn thuế và có quy định về việc chuyển hồ sơ vụ việc từ cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập sang cho cơ quan quản lý thuế”. Tuy nhiên, theo đại biểu, nếu lựa chọn phương án này thì phải cân nhắc thận trọng trên cơ sở có sự phân biệt giữa tài sản, thu nhập kê khai không trung thực nhưng có nguồn gốc hợp pháp và tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được về nguồn gốc tài sản.

Về nguyên tắc, thu nhập chịu thuế chỉ là các thu nhập hợp pháp. Theo đó, chỉ đối với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực nhưng có nguồn gốc hợp pháp mới có thể xác định đó là hành vi trốn thuế và có quy định về việc chuyển hồ sơ vụ việc từ cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập sang cho cơ quan quản lý thuế để xử lý theo thẩm quyền.

Còn đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được về nguồn gốc tài sản thì về nguyên tắc phải tiến hành điều tra, xác minh về nguồn gốc tài sản, từ đó khẳng định về tính hợp pháp hay bất hợp pháp của tài sản, thu nhập tăng thêm. Trường hợp có nguồn gốc bất hợp pháp thì phải xử lý theo pháp luật về hình sự hoặc pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Theo đại biểu, dù lựa chọn theo phương án nào thì đều cần có sự phân biệt rạch ròi 2 trường hợp nêu trên, không thể đánh đồng 2 loại này với nhau để từ đó chỉ đưa ra một giải pháp pháp lý chung xử lý những hành vi vi phạm nhưng có sự khác nhau về nguồn gốc tài sản.

Đồng thời, để tránh áp dụng hồi tố, việc này nên được tiến hành có lộ trình và chỉ áp dụng đối với các kết luận về điều tra, xác minh tài sản sau khi Luật này có hiệu lực. Ngoài ra, cần thiết kế một điều khoản chuyển tiếp để giải quyết các trường hợp đang trong quá trình điều tra xác minh tài sản, thu nhập mà chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các trường hợp đã có kết luậntrước khi Luật này có hiệu lực.

Vấn đề thứ hai, về Điều 106 - Hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản tham nhũng được quy định còn khá sơ sài, mới chỉ ở mức nguyên tắc, thiếu chặt chẽ, đặc biệt khi Việt Nam chúng ta có một số bảo lưu khi tham gia Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

Điều 106, khoản 1 quy định: “Trên cơ sở điều ước quốc tế mà Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài trong việc thực hiện các biện pháp phong tỏa, tạm giữ, tịch thu, thu hồi tài sản tham nhũng và trả lại tài sản đó cho chủ sở hữu hợp pháp”.

Khi tham gia Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng,một trong những Tuyên bố của Việt Nam gửi kèm Văn kiện phê chuẩn Công ước đã nhấn mạnh: Việt Nam tuyên bố không bị ràng buộc bởi các quy định về hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp theo quy định tại Điều 20 của Công ước.

Như vậy, với quy định chung như Điều 106 khoản 1 của dự thảo cùng với hệ thống pháp luật liên quan về phòng chống tham nhũng, pháp luật về hình sự hiện nay đã có sự thay đổi và hiện tại là đã thực hiện ở mức cao hơn các bảo lưu trong Tuyên bố của Việt Nam khi gia nhập Công ước.

Từ đây, đại biểu đặt ra hai vấn đề pháp lý cần được giải quyết: Thứ nhất, trên cơ sở ban hành đạo luật này, Việt Nam có thay đổi các bảo lưu được tuyên bố khi gia nhập công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng hay không?; thứ hai, với quy định như dự thảo thì chúng ta có xử lý đối với hành vi làm giàu bất hợp pháp hay không, từ đó có sự phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài trong việc thực hiện các biện pháp như dự thảo đã nêu đối với hành vi này hay không?

Nếu chúng ta vẫn giữ bảo lưu như đã nói trên thì liệu các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài có cơ sở pháp lý để tiến hành các biện pháp điều tra, áp dụng các biện pháp tư pháp trong việc thu hồi tài sản tham nhũng liên quan đến hành vi làm giàu bất hợp pháp như đã được nêu trong dự thảo hay không?

Bên cạnh đó, ngoại trừ các nguồn vốn đầu tư viện trợ phát triển, thì các nguồn vốn khác của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp vào Việt Nam có cần thẩm tra về nguồn gốc hợp pháp hay không. Đây là những vấn đề pháp lý cần phải được làm rõ, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng, đẩy mạnh việc nội luật hóa, thực hiện ngày càng đầy đủ hơn các cam kết quốc tế về chống tham nhũng.

Cũng đặc biệt nữa là chúng ta đang xây dựng và hoàn thiện Luật về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, với độ mở rất cao, thì việc bảo đảm tính hợp pháp của nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vừa là sự khẳng định của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế, đồng thời cũng là giải pháp để bảo vệ các nhà đầu tư nước ngoài, tránh rủi ro pháp lý khi đạo Luật này có hiệu lực.

Theo Baohatinh.vn

Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện