Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |    Xây dựng các bảng lương mới áp dụng từ giữa năm 2024   |   

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao chất lượng hoạt động HĐND các cấp

  

00:46 09/07/2018

Việc lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng đối với hoạt động của HĐND vẫn còn một số mặt hạn chế, chưa đáp ứng kịp với yêu cầu đổi mới theo tinh thần các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thực tiễn phát triển của các địa phương.

Trong những năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng đối với HĐND đã từng bước được tăng cường, đổi mới, vừa đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, vừa góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND. Các cấp ủy đã tập trung chỉ đạo tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND, nhất là thành công của cuộc bầu cử nhiệm kỳ 2016-2021; bố trí, phân công khá hợp lý cơ cấu tổ chức, đội ngũ cán bộ chuyên trách và kiêm nhiệm công tác HĐND; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, chế độ, chính sách cho các hoạt động của HĐND theo luật định…

Sự lãnh đạo, chỉ đạo sát đúng, kịp thời của các cấp ủy đảng đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND trong việc thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng thành các cơ chế, chính sách, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo QPAN tại địa phương; HĐND các cấp đã từng bước khẳng định vai trò, vị trí là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân.

Tuy vậy, việc lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng đối với hoạt động của HĐND vẫn còn một số mặt hạn chế, chưa đáp ứng kịp với yêu cầu đổi mới theo tinh thần các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thực tiễn phát triển của các địa phương. Một số cấp ủy thiếu đổi mới phương thức lãnh đạo; việc bố trí cán bộ và tổ chức, cơ cấu của thường trực và các ban HĐND ở một số địa phương chưa phù hợp với nhiệm vụ được giao; năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một số đại biểu HĐND các cấp chưa đáp ứng yêu cầu.

Việc lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động HĐND, nhất là ở cấp cơ sở kết quả còn hạn chế; kỳ họp HĐND ở một số địa phương còn mang tính hình thức, chưa thể hiện được vai trò, trách nhiệm cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương; một số chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển KT-XH chưa sát với thực tiễn, thiếu tính khả thi; chất lượng giám sát và kết luận giám sát chưa cao; hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, xử lý các kiến nghị, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân chưa thực sự đổi mới; hoạt động của tổ đại biểu HĐND còn hạn chế; một số đại biểu HĐND, trong đó có cả đại biểu là đảng viên chưa tâm huyết, trách nhiệm; điều kiện đảm bảo hoạt động của HĐND ở một số địa phương, nhất là cơ sở chưa được quan tâm đúng mức; công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND với cảc ban xây dựng Đảng, với UBND, Ủy ban MTTQ và các cơ quan liên quan có lúc, có nơi chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ; việc tổ chức thực hiện các kiến nghị qua hoạt động giám sát của HĐND có nơi, có lúc còn bị xem nhẹ…

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp, sớm khắc phục những hạn chế, bất cập trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh yêu cầu các đảng đoàn, ban cán sự đảng, cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể tập trung thực hiện nghiêm túc một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vị trí, vai trò của HĐND trong hệ thống chính trị; tiếp tục lãnh đạo, thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là Luật Tổ chức chính quyền địa phương, phát huy đầy đủ vai trò của HĐND theo luật định. Tăng cường quán triệt, tuyên truyền kịp thời, sâu rộng nội dung các nghị quyết của HĐND đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là những chủ trương, cơ chế, chính sách mới.

2. Thực hiện tốt công tác tổ chức, cán bộ nhằm đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với HĐND, đồng thời phát huy tính dân chủ đại diện, nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND các cấp. Thực hiện bí thư cấp ủy làm chủ tịch HĐND, những nơi không đủ điều kiện thực hiện thì cơ cấu phó bí thư thường trực cấp ủy làm chủ tịch HĐND.

Trong nhiệm kỳ 2016-2021, những địa phương chưa bầu đủ số lượng chức danh phó chủ tịch HĐND thì không bầu bổ sung. Ở cấp huyện, những nơi đã bầu đủ số lượng phó chủ tịch HĐND thì cân nhắc bầu kiêm trưởng một ban HĐND; thí điểm việc điều chỉnh cơ cấu số lượng giữa phó chủ tịch HĐND với phó chủ tịch UBND cấp huyện những nơi có nhu cầu, đủ điều kiện và cấp ủy đồng thuận cao thì báo cáo Thường trực Tỉnh ủy xem xét quyết định theo quy định.

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND; rà soát lại quy hoạch cán bộ, chủ động chuẩn bị đội ngũ cán bộ tham gia HĐND các cấp nhiệm kỳ tới theo tinh thần các nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6, 7 BCH Trung ương Đảng khóa XII về đổi mới tổ chức bộ máy, công tác cán bộ. Chú trọng nâng cao chất lượng đại biểu, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Nâng cao vai trò của Đảng đoàn HĐND tỉnh, Thường trực HĐND huyện trong các kỳ bầu cử HĐND. Trước khi thực hiện quy trình hiệp thương lựa chọn ứng cử viên đại biểu HĐND, cần lấy ý kiến Đảng đoàn HĐND tỉnh đối với dự kiến cơ cấu HĐND tỉnh và ý kiến thường trực HĐND địa phương đối với dự kiến cơ cấu HĐND cấp huyện, cấp xã.

Chú trọng quy hoạch các chức danh chủ chốt của HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 và những nhiệm kỳ tới theo hướng 1 đồng chí phó chủ tịch HĐND là ủy viên thường vụ cấp ủy cùng cấp; đảm bảo số lượng, chất lượng các trưởng phó ban chuyên trách HĐND tỉnh; cân nhắc xem xét tăng số lượng cấp ủy viên đối với các trưởng ban HĐND chuyên trách; giảm số lượng đại biểu HĐND ở các cơ quan hành chính nhà nước, tăng số lượng đại biểu chuyên trách, đại biểu ở khối cơ quan mặt trận, tổ chức chính trị, xã hội, các thành phần kinh tế, các chuyên gia giỏi ở một số lĩnh vực…

Thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND bầu theo đúng quy định, đảm bảo thực chất, làm căn cứ cho việc đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm và bố trí cán bộ. Việc bổ nhiệm cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đối với những trường hợp là đại biểu HĐND tỉnh và các chức danh do HĐND tỉnh bầu thì phải lấy ý kiến Đảng đoàn HĐND.

3. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND; thường xuyên đổi mới, cập nhật nội dung, phương pháp bồi dưỡng, tập huấn, thực hiện tốt cơ chế thông tin nhiều chiều, kịp thời hỗ trợ đại biểu thực hiện tốt nhiệm vụ theo quy định pháp luật.

Xây dựng cơ chế và thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên là đại biểu HĐND hàng năm gắn với việc tham gia hoạt động của HĐND nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các đại biểu và các đối tượng chịu sự giám sát của HĐND trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, thường trực và các ban HĐND.

4. Xây dựng, ban hành quy định về những nội dung mà Đảng đoàn HĐND tỉnh, thường trực HĐND các cấp cần thông qua thường trực, ban thường vụ cấp ủy trước khi trình HĐND quyết định theo hướng vừa đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho HĐND thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định. Cấp ủy đảng cần kịp thời có ý kiến định hướng cho hoạt động của HĐND cùng cấp, nhất là với những vấn đề quan trọng ở địa phương thuộc trách nhiệm, thẩm quyền quyết định của HĐND.

5. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các chủ trương của cấp ủy và nghị quyết của HĐND, đánh giá việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên đối với hoạt động HĐND. Kịp thời cho ý kiến chỉ đạo đối với Đảng đoàn và Thường trực HĐND tỉnh, Thường trực HĐND, HĐND cấp huyện về những nội dung quan trọng phát sinh trên địa bàn được phát hiện trong quá trình thực hiện công tác giám sát, khảo sát của thường trực, các ban và tổ đại biểu HĐND.

Đẩy mạnh và phát huy vai trò hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội và quần chúng nhân dân đối với hoạt động HĐND. Xây dựng và thực hiện tốt chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy đối với hoạt động của Đảng đoàn HĐND tỉnh và Thường trực HĐND cùng cấp. Xây dựng quy chế phối hợp giữa ủy ban kiểm tra và các ban Đảng cùng cấp với Thường trực HĐND, các ban HĐND trong hoạt động giám sát nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực giám sát, đồng thời tránh chồng chéo, trùng lắp. Tăng cường công tác phối hợp giữa Đảng đoàn, Thường trực HĐND với Đảng đoàn, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cùng cấp, nhất là trong hoạt động giám sảt, khảo sát, trong tiếp xúc cử tri, vừa chú trọng dân chủ đại diện, vừa mở rộng dân chủ trực tiếp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của nhân dân, kịp thời đưa ra các quyết sách, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Đảng đoàn HĐND tỉnh và chỉ đạo ban tuyên giáo các địa phương phối hợp với thường trực HĐND các cấp thường xuyên tuyên truyền sâu rộng nội dung nghị quyết của HĐND; lồng ghép trong nội dung giao ban báo chí ở cấp tỉnh và đưa vào nội dung sinh hoạt của các chi bộ đảng, nhất là chi bộ đảng ở nông thôn, doanh nghiệp…

6. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, UBND các cấp theo quy định của pháp luật tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nghị quyết, kết luận, kiến nghị của HĐND. UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với HĐND cấp dưới và tham mưu cho cấp ủy đảng cùng cấp về những chủ trương, giải pháp chỉ đạo HĐND cấp dưới hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường phối hợp hoạt động, hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ giữa thường trực, các ban HĐND các cấp.

7. Kiện toàn tổ chức bộ máy, đảm bảo số lượng, chất lượng cán bộ làm công tác tham mưu, phục vụ các hoạt động của HĐND đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; có chính sách khuyến khích về đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, thu hút cán bộ giỏi, có kinh nghiệm thực tiễn làm công tác tham mưu cho thường trực và các ban HĐND. Ưu tiên đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí phục vụ hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND theo quy định hiện hành.

Đảng đoàn HĐND tỉnh chủ trì phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh xây dựng và thực hiện đề án sáp nhập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội với Văn phòng HĐND tỉnh ngay sau khi có hướng dẫn của Trung ương; phối hợp với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh nghiên cứu, xây dựng đề án sáp nhập Văn phòng HĐND và Đoàn đại biểu Quốc hội với Văn phòng UBND tỉnh để xem xét thực hiện khi có đủ điều kiện.

Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy căn cứ chức năng, nhiệm vụ theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát và báo cáo kết quả thực hiện chỉ thị cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Theo Baohatinh.vn

Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện