Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |    Xây dựng các bảng lương mới áp dụng từ giữa năm 2024   |   

"Mong cử tri chia sẻ những khó khăn, rủi ro trong thực hiện các dự án về nông nghiệp"

  

08:00 17/07/2018

Nghị trường kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh, từ đầu buổi làm việc sáng nay (17/7) đã bắt đầu sôi động với phiên chất vấn tư lệnh ngành NN&PTNT về 2 vấn đề mà cử tri hết sức quan tâm: Hiệu quả của một số dự án lớn trên địa bàn và tình trạng, giải pháp xử lý các hành vi đánh bắt, hủy diệt nguồn thủy hải sản gần bờ.

Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Tập trung xử lý khó khăn của các dự án kém hiệu quả

Trong câu trả lời về hiệu quả 2 dự án lớn được quan tâm, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt đã thông tin khá chi tiết về quy mô, tình hình thực hiện, kết quả của các dự án, nhất là những tồn tại, khó khăn và nguyên nhân khách quan, chủ quan.

Nêu giải pháp đối với Dự án chăn nuôi bò của Công ty CP chăn nuôi Bình Hà, ông Nguyễn Văn Việt cho biết: Trước mắt, yêu cầu nhà đầu tư tiếp tục thực hiện đầy đủ các nội dung theo quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh, gồm: Sớm ổn định bộ máy quản lý để tái cơ cấu, tổ chức sản xuất, phát huy hiệu quả hệ thống hạ tầng đã đầu tư; phối hợp với cơ quan chuyên môn theo dõi, đánh giá kết quả diện tích chuối đã trồng (212,04 ha), không mở rộng diện tích sản xuất chuối đến khi có đầy đủ hồ sơ, thủ tục pháp lý theo quy định; thực hiện nghiêm các quy định về quản lý sử dụng đất, quản lý và bảo vệ môi trường, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh trên đàn bò hiện có.

“Mong cử tri chia sẻ những khó khăn, rủi ro trong thực hiện các dự án về nông nghiệp”
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt trả lời chất vấn về các lĩnh vực nông nghiệp

Đối với phần diện tích rừng và đất lâm nghiệp đang thuộc chủ trương đầu tư dự án mà Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà chưa thực hiện công tác bồi thường và tiếp nhận bàn giao (1.200ha), yêu cầu chủ rừng tiếp tục quản lý, bảo vệ, sản xuất theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan rà soát diện tích còn vướng mắc để thống nhất phương án xử lý dứt điểm.

Chấn vấn tại kỳ họp, các đại biểu: Đặng Quốc Cương (tổ đại biểu Cẩm Xuyên), Nguyễn Thị Thúy Nga (tổ đại biểu Can Lộc) cho rằng, trong phần đánh giá nguyên nhân khách quan dẫn đến những tồn tại của dự án là chưa đầy đủ. “Từ khâu thẩm định dự án cho đến quá trình triển khai, theo dõi, đánh giá dự án, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đã thể hiện như thế nào?”- đại biểu Cương chất vấn.

“Mong cử tri chia sẻ những khó khăn, rủi ro trong thực hiện các dự án về nông nghiệp”
Đại biểu Đặng Quốc Cương - tổ đại biểu Cẩm Xuyên chất vấn tại kỳ họp

Quan tâm đến việc doanh nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ trồng cỏ sang trồng chuối, các đại biểu Trần Văn Kỳ (tổ đại biểu huyện Kỳ Anh), Nguyễn Huy Hùng (tổ đại biểu Lộc Hà) đặt câu hỏi: UBND tỉnh sẽ xử lý sai phạm như thế nào?

Trước những chất vấn các đại biểu về trách nhiệm của ngành chức năng và việc xử lý những vi phạm liên quan đến của Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà, "tư lệnh" ngành NN&TNT cho rằng, trong thời điểm doanh nghiệp đang gặp khó khăn, các ngành chủ yếu đang đồng hành cùng tháo gỡ cùng doanh nghiệp để tái sản xuất một cách hiệu quả.

“Mong cử tri chia sẻ những khó khăn, rủi ro trong thực hiện các dự án về nông nghiệp”
Đại biểu Trần Văn Kỳ - tổ đại biểu huyện Kỳ Anh

Hiện nay, “UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp tục thực hiện việc đánh giá tổng thể dự án, tổng hợp báo cáo và tham mưu đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh chủ trương, quy mô đầu tư đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế, năng lực của nhà đầu tư”, ông Việt thông tin.

Đối với dự án trồng cao su trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hiện nay dự án đang gặp nhiều khó khăn bởi những tác động của thị trường, thiên tai. Tỉnh chỉ đạo doanh nghiệp tập trung chăm sóc, bảo vệ, khai thác có hiệu quả 9.300 ha cao su hiện có; tùy điều kiện cụ thể để từng bước mở rộng thêm khoảng 2.760 ha để ổn định 12.100 ha cao su đứng vào năm 2025.

“Tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn 2 công ty quản lý, sử dụng có hiệu quả diện tích 20.230 ha; tiếp tục chỉ đạo thu hồi 5.863 ha đất rừng của 2 công ty cao su. Việc thu hồi đất đang được Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, hướng dẫn các doanh nghiệp phối hợp với các địa phương thực hiện. Đến nay việc đo đạc, cắm mốc ranh giới sử dụng đất của 2 công ty đã cơ bản hoàn thành; đang thống nhất hoàn chỉnh hồ sơ thu hồi chuyển về chính quyền địa phương để giao cho hộ dân và tổ chức khác thuê đảm bảo theo đúng trình tự quy định”, Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định.

“Mong cử tri chia sẻ những khó khăn, rủi ro trong thực hiện các dự án về nông nghiệp”

Tham gia làm rõ các vấn đề đại biểu chất vấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn mong muốn cử tri tỉnh nhà chia sẻ những khó khăn, rủi ro trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư về nông nghiệp. Dự án chăn nuôi bò triển khai khi tỉnh ta đang quyết liệt thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và thời điểm đó dự án cao su đang hết sức khó khăn, đòi hỏi một hướng đầu tư mới.

Về trách nhiệm của các cấp, ngành đối với dự án này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng trách nhiệm đầu tiên thuộc về nhà đầu tư. Nhìn nhận khuyết điểm trong việc thực hiện đánh giá tác động môi trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết vấn đề này đã được khắc phục.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, quá trình doanh nghiệp chuyển đổi sang trồng chuối, tỉnh đã nhắc nhở công ty. Tuy nhiên, thời điểm đó công ty gặp rất nhiều khó khăn, nếu không có sự chia sẻ thì sẽ đổ vỡ dự án. Đối với việc chuyển từ trồng cỏ sang trồng chuối, Cục Trồng trọt đã có văn bản hướng dẫn việc bổ sung những hồ sơ cần thiết và có thể xem đây là một hướng chuyển đổi sản xuất cho doanh nghiệp

Phó Chủ tịch Đặng Ngọc Sơn khẳng định, việc hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp là quan điểm của Hà Tĩnh trong thu hút đầu tư. Trong thời gian tới, các ngành chức năng sẽ xem xét, hỗ trợ để doanh nghiệp thực hiện phương án chuyển đổi cơ cấu, đảm bảo được mục đích đầu tư của dự án là tạo đầu kéo cho sản xuất nông nghiệp, giải quyết việc làm cho nông dân.

Tăng nguồn lực và chế tài để ngăn chặn hình thức đánh bắt hủy diệt

"Tư lệnh" ngành NN&PTNT thừa nhận, những năm qua, tình trạng đánh bắt hủy diệt nguồn lợi thủy sản bằng các hình thức giã cào, xung điện, chất nổ,… diễn ra phức tạp trên vùng biển ven bờ và cả ở vùng nước ngọt, đặc biệt từ cuối năm 2017 trở lại đây.

“Mong cử tri chia sẻ những khó khăn, rủi ro trong thực hiện các dự án về nông nghiệp”
Về những giải pháp thời gian tới, đại biểu Nguyễn Thị Nhi (Nghi Xuân) quan tâm đến các vấn đề như chế độ chính sách hỗ trợ cho lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển cũng như có giải pháp nâng cao chất lượng của các tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ…

Trả lời cho câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Việt thừa nhận: “Thực sự nguồn lực hỗ trợ trực tiếp cho lực lượng này chưa có và đây là một nội dung mà sở đang xây dựng cho chính sách ban hành vào cuối năm”

Liên quan đến vấn đề tận diệt thủy sản bằng tàu giã cào, đại biểu Đỗ Khoa Văn nêu câu hỏi “Ngư dân các tỉnh khác đánh bắt trên địa bàn bằng hoạt động hủy diệt, giải pháp như thế nào?” Đại biểu Trần Báu Hà chất vấn: “Để hạn chế tình trạng tận diệt nguồn lợi thủy sản bằng tàu giã cào, đồng ý là cần sự phân cấp nhưng giải pháp là “đề nghị huyện chấm dứt hoạt động tàu giã cào trên địa bàn” thì nằm ngoài khả năng của địa phương. Do vậy, đề nghị Sở NN&PTNT có giải pháp hiệu quả hơn”.

Về nội dung này, Giám đốc Sở NN&PTNT thông tin: Sắp tới tỉnh sẽ thành lập ban chỉ đạo cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc khai thác thủy sản cấp huyện, trong đó có trách nhiệm của chính quyền địa phương. Chủ tịch huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh khi để diễn ra hoạt động đánh bắt tận diệt thủy sản trên địa bàn…

Trả lời về vấn đề liên quan đến trách nhiệm của địa phương trong giải quyết tàu giã cào, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cho rằng: “Nếu 1 hộ dân thuộc xã đánh bắt hủy diệt, có lưới, mìn ở trong nhà thì đương nhiên trách nhiệm thuộc về cơ sở. Chính quyền địa phương không ra tay làm việc này thì không ai làm tốt hơn. Có gắn trách nhiệm như vậy mới nâng cao hiệu quả quản lý của các đối tượng tàu trong tỉnh được”.

Cho rằng thời gian qua, việc chỉ đạo, thực hiện các giải pháp ngăn chặn hình thức khai thác hủy diệt chưa được quan tâm đúng mức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cho biết, “về chính sách hỗ trợ lực lượng kiểm ngư, chúng tôi sẽ kiến nghị với Bộ NN&PTNT phải chính quy lực lượng. Đồng thời, nếu Trung ương chưa có, chúng tôi sẽ tham mưu HĐND tỉnh chính sách về lực lượng kiểm ngư, nâng cao chế độ cho đối tượng này”.

Giải pháp mạnh mẽ về chế tài xử phạt, người đứng đầu ngành NN&PTNT cho rằng, khi Luật Thủy sản được triển khai thực hiện (từ ngày 01/01/2019), lực lượng kiểm ngư địa phương được thành lập để tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trên biển; các chế tài xử phát áp dụng cao hơn như: quy định tịch thu ngư cụ, phương tiện vi phạm, tịch thu giấy phép, tăng 10 lần mức xử phạt vi phạm hành chính so với mức tối đa trước đây đối với các hành vi khai thác thủy sản hủy diệt (mức phạt cao nhất lên tới 1 tỷ đồng đối với cá nhân vi phạm).

Theo Baohatinh.vn

Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện