Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |    Xây dựng các bảng lương mới áp dụng từ giữa năm 2024   |   

"Khắc phục tình trạng chạy vào quy hoạch Trung ương khoá mới"

  

01:23 24/12/2018

Phó ban Tổ chức Trung ương cho biết, quy hoạch cán bộ cấp chiến lược sẽ "không vì số lượng mà hạ thấp tiêu chuẩn".

Hội nghị Trung ương 9, khoá XII khai mạc đầu tuần tới sẽ xem xét tờ trình Quy hoạch Ban chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho biết, kế thừa kinh nghiệm, cách làm của các nhiệm kỳ trước và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Bộ Chính trị đã ban hành kế hoạch số 11 triển khai công việc nêu trên, trong đó có một số điểm đổi mới căn bản.

Trước hết, việc xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược của Trung ương Đảng phải gắn chặt chẽ với tình hình, yêu cầu nhiệm vụ và công tác nhân sự của mỗi nhiệm kỳ Đại hội toàn quốc của Đảng.

"Công việc này được tiến hành theo phương châm làm từng bước, đến đâu chắc đến đó. Lộ trình là quy hoạch Ban chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026 trình Hội nghị Trung ương 9, sau đó tiến hành quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư", ông nói.

“Khắc phục tình trạng chạy vào quy hoạch Trung ương khoá mới”

Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình. Ảnh: Giang Huy

Điểm mới tiếp theo là đổi mới quy trình, cách làm trên cơ sở tiếp tục mở rộng dân chủ; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm trực tiếp của các cấp uỷ, tổ chức Đảng và người đứng đầu các cấp trong việc xem xét, phát hiện, giới thiệu nhân sự của địa phương, cơ quan, đơn vị mình vào quy hoạch cấp chiến lược.

Quy hoạch lần này cũng được cụ thể hoá về tiêu chuẩn, điều kiện đối với các chức danh theo quy định 90 của Bộ Chính trị khoá XII. Trong đó nêu rõ tiêu chuẩn chung cũng như tiêu chuẩn từng chức danh cụ thể của Uỷ viên Trung ương, Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban bí thư, Tổng bí thư, Chủ tịch nước...

Đồng thời, quy hoạch cũng bổ sung nội dung về cơ cấu, số lượng, đối tượng, cách làm theo hướng thống nhất và liên thông. "Quy trình phát hiện, giới thiệu nhân sự quy hoạch ở địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện theo 4 bước. Còn quy trình rà soát, thẩm tra, phê duyệt quy hoạch ở Trung ương thực hiện theo 5 bước", ông Bình cho hay.

Theo lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự quy hoạch phải coi trọng tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; sự gương mẫu của bản thân và gia đình, năng lực gắn với kết quả công tác, sản phẩm cụ thể ở lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách. Đó cũng phải là người có hoài bão, khát vọng đổi mới vì sự phát triển đất nước.

"Lần này đề cao trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức Đảng và các cơ quan tham mưu trong công tác phối hợp để nâng cao chất lượng thẩm tra nhân sự quy hoạch, giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ trong xem xét, không vì số lượng mà hạ thấp tiêu chuẩn", ông Bình nói.

Bên cạnh đó, để quy trình được chặt chẽ, các cơ quan chức năng còn có cơ chế kiểm tra, không để lọt vào quy hoạch những người có một trong các hạn chế, khuyết điểm như: Tự diễn biến, tự chuyển hoá; cơ hội chính trị, xu nịnh, chạy chức, chạy quyền, tham vọng cá nhân; bản thân và gia đình không gương mẫu chấp hành chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước...

"Trên cơ sở yêu cầu và cách làm như trên, vừa qua các cấp uỷ, tổ chức Đảng đã thực hiện nghiêm kế hoạch 11 của Bộ Chính trị, tạo sự đồng thuận trong toàn hệ thống. Nhìn chung kết quả giới thiệu nhân sự cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra, bước đầu góp phần khắc phục hiện tượng chạy quy hoạch hoặc vận động, xin phiếu giới thiệu thông qua quen biết...", ông Bình khẳng định.

“Khắc phục tình trạng chạy vào quy hoạch Trung ương khoá mới”

Các đại biểu tham dự Hội nghị Trung ương 8, khóa XII vào đầu tháng 10/2018. Ảnh: VGP

Theo tìm hiểu, sau khi các địa phương hoàn thành việc giới thiệu nhân sự quy hoạch theo quy trình 4 bước chặt chẽ, khâu quan trọng nhất sẽ được thực hiện ở Trung ương với quy trình gồm 5 bước. Đầu tiên, tổ giúp việc của Ban chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ tổng hợp nhân sự giới thiệu của địa phương, bộ, ban ngành; phân tích xem đã đúng đối tượng hay chưa, có đảm bảo tiêu chuẩn, tiêu chí không?.

Trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo sẽ tiến hành các bước thẩm định, khám sức khoẻ nhân sự được giới thiệu theo quy định của Ban bảo vệ chăm sóc sức khoẻ Trung ương; lấy ý kiến thẩm định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, vấn đề liên quan đến công tác kiểm tra Đảng.

Sau khi tổng hợp, bước thứ hai là báo cáo Bộ Chính trị xem xét rồi mới trình Trung ương. Tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương, các đại biểu sẽ nghiên cứu tờ trình và các văn bản liên quan và giới thiệu bằng phiếu. Đây là phiếu giới thiệu, không phải phiếu bầu cử, tỷ lệ tính trên tổng số người có mặt. Uỷ viên Trung ương chính thức và dự khuyết đều được quyền giới thiệu.

Trên cơ sở giới thiệu này, Ban chỉ đạo tiếp tục tổng hợp lại và báo cáo Bộ Chính trị tiến hành phê duyệt. Sau bước này, các nhân sự giới thiệu chính thức được coi là nằm trong quy hoạch vào Ban chấp hành Trung ương lần đầu.

Tiếp theo, Bộ Chính trị sẽ tổ chức các lớp dự nguồn; nếu còn thiếu trường hợp nào theo cơ cấu đã được phân bổ trước đó thì Bộ Chính trị sẽ giao Ban chỉ đạo tiến hành bổ sung vì đây mới là quy hoạch lần đầu. Việc bổ sung được thực hiện trong các năm 2019 và 2020.

Theo VNE


Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện