Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |    Xây dựng các bảng lương mới áp dụng từ giữa năm 2024   |   

Điều gì sẽ xảy ra sau kết quả điều tra chấn động về ông Trump?

  

02:41 29/03/2019

Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi, đồn đoán sau khi Công tố viên đặc biệt Mỹ kết thúc điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 và nghi vấn quan hệ Moscow - Donald Trump.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr đã trình lên Quốc hội Mỹ bản báo cáo tóm tắt kết quả cuộc điều tra kéo dài hơn 22 tháng của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller. Theo quan chức này, ông Mueller kết luận rằng, không ai thuộc chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump dính líu đến các hoạt động can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ cách đây hơn 2 năm. Ông Barr cũng nói không tìm thấy đủ bằng chứng để truy tố ông Trump tội cản trở công lý.

Tuy nhiên, báo cáo tóm tắt điều tra của Bộ trưởng Tư pháp lại dấy lên tranh cãi mới. Nhiều người tỏ ra hoài nghi các kết luận "minh oan" cho lãnh đạo Nhà Trắng của ông Barr.

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff kêu gọi ông Barr công bố toàn văn nội dung báo cáo điều tra của ông Mueller vì việc đưa ra "một bản tóm tắt các kết luận đơn giản không làm sáng tỏ vấn đề". Hơn thế nữa, Tổng thống Trump vẫn đang phải đối mặt với nhiều cuộc điều tra nhắm vào công việc làm ăn cũng như các khía cạnh khác trong chiến dịch vận động tranh cử của ông.


Tổng thống Mỹ Donald Trump rời khỏi trực thăng khi trở về Nhà Trắng sau khi Bộ trưởng Tư pháp William Barr gửi cho Quốc hội báo cáo tóm tắt kết quả điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller hôm 24/3. Ảnh: Reuters

Dưới đây là một số kịch bản được dự đoán có thể xảy ra ở Washington tiếp sau báo cáo điều tra chấn động của ông Mueller:

Công bố thêm nội dung báo cáo điều tra

Bộ trưởng Tư pháp Barr nhấn mạnh, ông muốn công bố càng nhiều phần nội dung báo cáo của ông Mueller càng tốt, chừng nào việc đó không hủy hoại các quy trình pháp lý cần phải giữ bí mật (ví dụ như các cuộc thẩm vấn của đại bồi thẩm đoàn) và cũng không ảnh hưởng tới các cuộc điều tra khác đang tiếp diễn.

Phe Dân chủ cũng đang thúc bách ông Barr công bố toàn văn báo cáo của Công tố viên đặc biệt để họ có thể tự rút ra kết luận. Nếu ông Barr từ chối yêu cầu này, nước Mỹ có thể sẽ phải chứng kiến một cuộc xung đột kéo dài, nhiều khả năng cần sự phân xử trước tòa.

Tiếp tục điều tra ông Trump cản trở công lý

Theo các nhà phân tích, mối quan tâm hàng đầu của đảng chính trị đối lập là liệu Tổng thống Trump có cản trở công lý thông qua can thiệp vào cuộc điều tra của ông Mueller và các cuộc điều tra khác hay không. Câu trả lời của Bộ trưởng Tư pháp Barr là "Không". Song, ông nói thêm Công tố viên Mueller đã cung cấp bằng chứng cho cả 2 cách trả lời câu hỏi.

Phe Dân chủ do đó được tin sẽ tìm cách tiếp cận toàn văn báo cáo điều tra của ông Mueller cũng như các bằng chứng ông thu thập được trong quá trình điều tra, bao gồm cả việc thẩm vấn 500 nhân chứng và phát hơn 2.800 trát đòi hầu tòa.

Tuần trước, các chính trị gia Dân chủ đang giữ chức chủ tịch của 6 ủy ban thuộc Hạ viện Mỹ từng tuyên bố muốn các bằng chứng điều tra về mọi vấn đề liên quan, từ thuế đến lĩnh vực ngân hàng, sẽ được chuyển giao cho ủy ban của họ theo yêu cầu. Ủy ban Tư pháp Hạ viện dự kiến sẽ tiếp tục cuộc điều tra của cơ quan này đối với nghi vấn tổng thống cản trở công lý sau khi gửi thư tới 81 người và tổ chức yêu cầu cung cấp các tài liệu.

Các đồng minh của ông Trump ra tay

Cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ đã trở thành nỗi ám ảnh của Tổng thống Trump ngay từ những tháng đầu tiên ông lên nắm quyền ở Nhà Trắng. Các đồng minh của ông Trump cho rằng, hiện đã đến lúc gác lại quá khứ để bước tiếp và tập trung vào những vấn đề trọng yếu như kinh tế và thương mại.

Tuy nhiên, một vài người ủng hộ chủ chốt của lãnh đạo Nhà Trắng trên Đồi Capitol không muốn vấn đề trôi qua một cách dễ dàng.

Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Lindsey Graham, một chính trị gia thuộc đảng Cộng hòa, bày tỏ mong muốn điều tra xem liệu các quan chức hàng đầu thuộc Bộ Tư pháp có từng thảo luận về việc buộc ông Trump phải từ nhiệm hoặc thúc ép Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) phải giao nộp các tài liệu liên quan đến quá trình họ theo dõi Carter Page, cố vấn chính sách đối ngoại cho chiến dịch tranh cử của ông Trump hay không.

Bộ trưởng Tư pháp điều trần trước Quốc hội

Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerrold Nadler, một thành viên thuộc đảng Dân chủ nói ông có ý định yêu cầu Bộ trưởng Barr ra điều trần trước cơ quan của ông, để giải thích về lí do tại sao quan chức này nghĩ Tổng thống Trump không nên bị truy tố tội cản trở công lý. Nhiều chính trị gia Dân chủ cũng nghi ngờ quan điểm của ông Barr về vấn đề nói trên.

Năm ngoái, chính ông Barr từng viết một bản khuyến nghị nội bộ gửi các nhân viên thuộc Bộ Tư pháp, trong đó có nhận định cuộc điều tra của Công tố viên Mueller đối với nghi vấn Tổng thống Trump cản trở công lý là "sai lầm nhận thức chết người" và rằng tổng thống có quyền bao trùm lên mọi cuộc điều tra hành pháp, kể cả những cuộc điều tra liên quan trực tiếp đến ông.

Quan điểm của ông Barr về các quyền của tổng thống không chỉ gói gọn trong vấn đề cản trở công lý mà còn cả những vấn đề khác, chẳng hạn như việc các nhà điều tra của quốc hội có thể đòi hỏi chính quyền hợp tác đến đâu. Đây dự kiến sẽ là chủ đề gây tranh cãi chủ yếu trong chính trường Mỹ 2 năm tới.

Ông Barr từng đối mặt với các câu hỏi khó từ các nghị sĩ Dân chủ trong buổi điều trần phê chuẩn việc đề cử ông vào ghế lãnh đạo Bộ Tư pháp hồi tháng Một. Giới quan sát nhận định, bất kỳ phiên điều trần nào khác của ông Barr trước Quốc hội, liên quan đến vấn đề cản trở công lý và quyền lực của tổng thống, cũng có thể "nóng bỏng" hơn thế.

Công tố viên Mueller lên tiếng

Công tố viên đặc biệt Mueller chưa từng công khai lên tiếng suốt cuộc điều tra kéo dài 22 tháng vừa qua. Nhưng điều đó hiện có thể thay đổi khi công việc của ông đã hoàn tất.

Cả Chủ tịch Ủy ban Tư pháp và Chủ tịch Ủy Tình báo của Hạ viện đều từng đề cập đến khả năng sẽ yêu cầu ông Mueller điều trần trước Quốc hội. Song, nếu điều này thành hiện thực, việc đặt câu hỏi có thể "tương đối lịch thiệp" do ông Mueller, cựu giám đốc FBI là một trong những nhân vật được kính trọng ở Washington.

Song, việc ông Mueller điều trần có thể không dẫn tới các phát hiện gây chấn động. Lí do vì, ông nổi tiếng là một công tố viên cẩn trọng và ông có thể không sẵn sàng thảo luận về các bằng chứng hoặc đưa ra những kết luận không xuất hiện trong báo cáo trước đó của mình.

Ngoài ra, với vai trò công tố viên đặc biệt, ông Mueller còn có trách nhiệm tuân theo quyết định của Bộ trưởng Tư pháp Barr về những nội dung điều tra nào có thể công bố trước công chúng.

Theo Vietnamnet



Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện