Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |    Xây dựng các bảng lương mới áp dụng từ giữa năm 2024   |   

Nắm bắt cơ hội, quyết tâm bứt phá, Hà Tĩnh mở tầm nhìn phát triển mới

  

08:33 06/05/2023


Đi qua gần nửa chặng đường của kế hoạch 5 năm (2021-2025) trong nhiều khó khăn, thử thách, Hà Tĩnh đang dồn sức cho nhiệm vụ năm bản lề - 2023 với những giải pháp khơi động lực, tạo đà bứt phá để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải đã chia sẻ những nội dung này trong cuộc trò chuyện mới đây với P.V Báo Hà Tĩnh.

• Thưa đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, vượt qua khó khăn trong những tháng đầu năm, Hà Tĩnh đang tăng tốc thực hiện các nhiệm vụ năm 2023 với những tín hiệu mới. Đồng chí có thể khái quát về bức tranh này?

•Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải: Như đã dự báo, những tháng đầu năm 2023, việc thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH của cả nước gặp nhiều khó khăn, thách thức. Bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, lạm phát toàn cầu ở mức cao, nhiều nước tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất, suy giảm tăng trưởng… đã tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Cùng với cả nước, Hà Tĩnh đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, tham gia tích cực của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp (DN) để triển khai linh hoạt, kịp thời, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp. Nhờ đó, nền kinh tế Hà Tĩnh tiếp tục có bước phục hồi và đạt được kết quả khá trên nhiều lĩnh vực. Trong quý I, tốc độ tăng trưởng GRDP của Hà Tĩnh đạt 4,08%, cao hơn bình quân chung cả nước (GRDP quý I/2023 cả nước là 3,32%); tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khoảng 9.864 tỷ đồng, tăng 46,08% so với cùng kỳ năm trước.


Cận cảnh công trường dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2. Ảnh: Thu Trang.

Trong bức tranh chung đó, nông nghiệp Hà Tĩnh tiếp tục đạt kết quả khá. Đến thời điểm này, cây trồng vụ xuân sinh trưởng thuận lợi, hứa hẹn mùa thu hoạch thắng lợi; sản xuất vụ đông đạt kết quả tốt. Sản xuất công nghiệp khó khăn do tổng cầu từ nước ngoài suy giảm mạnh khiến đơn hàng sụt giảm, tuy nhiên, một số sản phẩm chủ lực có mức tăng trưởng khá như bia, điện thương phẩm, điện sản xuất; các dự án công nghiệp lớn như Nhiệt điện Vũng Áng 2, Nhà máy Sản xuất Pin Lithium đảm bảo tiến độ triển khai thực hiện; Nhà máy Sản xuất Pin VinES tập trung lắp đặt hệ thống máy móc chạy thử thiết bị; Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 cơ bản khắc phục được sự cố Tổ máy số 1…

4 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành đạt  2.191,7 tỷ đồng, tăng 26,84% so với cùng kỳ năm trước

Bù đắp cho khó khăn trên lĩnh vực công nghiệp, những tháng đầu năm, ngành thương mại - dịch vụ tăng trưởng khá, trở thành điểm sáng của nền kinh tế. Tổng mức bán lẻ hàng hóa 4 tháng ước đạt gần 18.800 tỷ đồng, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm trước. Nổi bật là những đóng góp của hoạt động du lịch với kết quả ấn tượng của du lịch tâm linh những tháng đầu năm và sự khởi động đầy triển vọng của du lịch biển. Từ sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, ngành trong những chương trình, giải pháp phát triển du lịch, 4 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành đạt 2.191,7 tỷ đồng, tăng 26,84% so với cùng kỳ năm trước; tổng lượt khách lưu trú là 478.155 lượt, tăng 47,3% so với cùng kỳ năm trước.

Góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm còn có vai trò của các dự án xây dựng với khối lượng lớn trên địa bàn. Tiến độ các dự án như đường bộ cao tốc Bắc - Nam, Nhiệt điện Vũng Áng 2 được đảm bảo giúp cho lĩnh vực đầu tư, xây dựng có nhiều khởi sắc với tốc độ tăng trưởng hơn 15% so với cùng kỳ năm trước và trong những tháng tới đây cũng sẽ là một dư địa tạo nguồn thu cho kinh tế tỉnh nhà.


Với nỗ lực bàn giao mặt bằng của địa phương cùng việc nhà thầu huy động nhân lực, máy móc, chia làm hàng chục mũi thi công, tới thời điểm này, hình hài tuyến cao tốc Bắc – Nam qua Hà Tĩnh đang dần được hình thành. Ảnh: Văn Đức

Tổng thu ngân sách trên địa bàn đến ngày 26/4/2023 đạt hơn 4.610 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa đạt 2.015 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu đạt hơn 2.595 tỷ đồng

Những tháng đầu năm, ngành thuế liên tục thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm, giãn các sắc thuế như thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; thuế VAT; gia hạn thuế, tiền thuê đất năm 2023 nhằm giúp DN giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng phục hồi. Các chính sách được thực thi dẫu khiến cho ngành thuế giảm nguồn thu trên một số lĩnh vực, tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp sát thực tiễn, tổng thu ngân sách trên địa bàn đến ngày 26/4/2023 đạt hơn 4.610 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa đạt 2.015 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu đạt hơn 2.595 tỷ đồng.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng. Công tác bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm, triển khai đầy đủ, kịp thời. Ngành GD&ĐT ghi dấu những thành tích mới với kết quả nổi bật: 69 học sinh đoạt giải tại Kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia lớp 12, xếp thứ 2 cả nước về số lượng giải nhất; 2 em được chọn tham gia các đội tuyển chính thức dự kỳ thi quốc tế.

Cùng với những khởi sắc trên các lĩnh vực KT-XH, nhiệm vụ đảm bảo QP-AN cũng được chú trọng, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, không xảy ra các điểm nóng; Nhân dân tin tưởng, chung sức, đồng lòng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước. Đây là nền tảng để chúng ta tăng tốc thực hiện các nhiệm vụ từ đầu quý II và dồn sức tạo được những đột phá mới trong năm 2023.


Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh tại lễ khánh thành và bàn giao đưa vào sử dụng công trình xây dựng hạ tầng và nhà ở cho 24 hộ vạn chài thôn Tiền Phong, xã Quang Vĩnh (Đức Thọ). Ảnh: Dương Chiến.


Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải thăm hỏi đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, xã Hương Liên huyện Hương Khê (tháng 1/2023). Ảnh: Dương Chiến.

Các giải pháp, bước đi mới trong thu hút đầu tư sẽ được tập trung cao với kỳ vọng từ đây tạo sự bứt phá trong nữa kỳ kế hoạch còn lại của giai đoạn 2021-2025

Theo nhận định, trong quý II, dư địa tăng trưởng sẽ mở rộng khi các dự án lớn tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ, du lịch vào mùa cao điểm, các loại cây trồng vụ xuân cho thu hoạch... Trước mắt, tỉnh đang tập trung chỉ đạo thực hiện thắng lợi sản xuất vụ xuân, chủ động chuẩn bị sản xuất vụ hè thu năm 2023 và đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gắn với phòng, chống dịch bệnh; dồn sức phục hồi sản xuất công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp lớn, trọng điểm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và nguồn vốn chương trình phục hồi, phát triển KT-XH, các chương trình mục tiêu quốc gia; tích cực đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN; ổn định phát triển các hoạt động thương mại - dịch vụ, nhất là lĩnh vực du lịch; quyết liệt thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách, thu hồi nợ đọng thuế. Đặc biệt, các giải pháp, bước đi mới trong thu hút đầu tư sẽ được tập trung cao với kỳ vọng từ đây tạo sự bứt phá trong nửa kỳ kế hoạch còn lại của giai đoạn 2021-2025.

• Vâng, thưa đồng chí, được biết, lễ công bố Quy hoạch tỉnh gắn với xúc tiến đầu tư dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 5. Sự kiện này sẽ tạo nên những động lực như thế nào cho hoạt động thu hút đầu tư vào Hà Tĩnh thời gian tới?

• Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải: Với chủ đề “Hà Tĩnh - hiện thực hóa tiềm năng và khát vọng”, hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư do UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Bộ KH&ĐT tổ chức khẳng định quyết tâm và khát vọng của tỉnh nhà trên con đường lớn thực hiện những chiến lược đã được hoạch định tại Quy hoạch tỉnh.


Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh giới thiệu với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và các lãnh đạo bộ, ngành về các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh bên lề hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, diễn ra tại Bình Định (tháng 2/2023).

Chúng ta sẽ đón rất nhiều đại biểu là lãnh đạo Trung ương; các bộ, ngành; các cơ quan ngoại giao quốc tế; DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước; về tham dự hội nghị. Hội nghị là diễn đàn quan trọng để chúng ta công bố tầm nhìn, các định hướng chiến lược của Quy hoạch tỉnh, quảng bá tiềm năng, lợi thế và danh mục các dự án ưu tiên mời gọi đầu tư.

Cũng tại diễn đàn này, Hà Tĩnh sẽ lắng nghe ý kiến của DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước, đại diện các hiệp hội, tổ chức quốc tế…; chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các kiến nghị, giải pháp cho Hà Tĩnh, nhất là giải pháp huy động nguồn lực để hiện thực hóa quy hoạch, giải pháp phát triển bền vững, liên kết vùng… đặt trong chiến lược phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.


Dự kiến, Hà Tĩnh sẽ trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các DN; ký biên bản ghi nhớ với các DN, nhà đầu tư lớn. Trong đó, VSIP Group (liên doanh giữa Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Becamex IDC (Việt Nam) và liên minh các nhà đầu tư Singapore do Sembcorp Development LTD sẽ nghiên cứu tính khả thi đầu tư tổ hợp khu công nghiệp, trung tâm đô thị và dịch vụ với tổng diện tích khoảng 600 ha tại huyện Thạch Hà; Công ty cổ phần FPT đang khảo sát đầu tư dự án trường phổ thông liên cấp và Trường Cao đẳng FPT Polytechnic tại TP Hà Tĩnh.

• Từ cơ hội rộng mở, động lực mạnh mẽ và quyết tâm chính trị cao, Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện những chiến lược, giải pháp trọng tâm nào để tiến nhanh hơn, gần hơn với các mục tiêu đột phá của giai đoạn 2021-2025, thưa đồng chí?

• Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải: Mục tiêu xuyên suốt được đề ra tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước. Quá trình triển khai, bối cảnh khách quan trong những năm đầu nhiệm kỳ hết sức khó khăn do thiên tai và đại dịch COVID-19 khiến nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chưa đạt như kỳ vọng. Nhận định rõ yêu cầu đặt ra, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, BCH Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã, đang chỉ đạo các cấp, ngành vào cuộc một cách đồng bộ với quyết tâm cao và tư duy mới để đạt được mục tiêu đột phá trong chặng đường thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, tạo nền tảng hướng tới các mục tiêu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.


Các doanh nghiệp trong KKT Vũng Áng đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách. Ảnh: PV

Vẫn còn nhiều "điểm nghẽn" cần sớm được các cấp, ngành quyết liệt tháo gỡ, khơi thông để xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh hiện đại và  minh bạch

Theo đó, nhiệm vụ thường xuyên và cũng là giải pháp đột phá đó là đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, thu hút đầu tư. Theo các công bố vào đầu tháng 4 vừa rồi, thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Tĩnh năm 2022 tăng 9 bậc so với năm trước, xếp thứ 18 cả nước. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của chúng ta xếp thứ 8 cả nước. Bên cạnh những chỉ số thành phần khá cao, thể hiện môi trường đầu tư Hà Tĩnh đã có những cải thiện trên nhiều mặt thì không ít chỉ số khác còn thấp đã cho thấy vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” cần sớm được các cấp, ngành quyết liệt tháo gỡ, khơi thông để xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh hiện đại và minh bạch.

Đặc biệt, để sớm có kết quả mới trong thu hút đầu tư, tỉnh thành lập các tổ công tác đặc biệt, tổ giúp việc để hỗ trợ xử lý các nội dung tồn đọng, vướng mắc về đất đai, bồi thường, GPMB thực hiện các dự án trọng điểm; rà soát các dự án đang vướng mắc Nghị định số 148/2020/NĐ-CP chưa được cho thuê đất; trực tiếp vào cuộc hỗ trợ các dự án, DN đầu tư đang gặp khó khăn, vướng mắc tại địa phương để ổn định SXKD.


Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải trò chuyện với người dân xã Kỳ Lợi trong chuyến đi kiểm tra hạ tầng khu tái định cư trên địa bàn thị xã Kỳ Anh. Ảnh: Thu Hà.

Theo đó, sẽ nỗ lực cao nhất để rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục, sớm triển khai các dự án đầu tư trọng điểm; tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư trên các lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, đô thị, du lịch - nghỉ dưỡng, điện gió, nông nghiệp công nghệ cao… hoàn thiện các thủ tục đầu tư vào địa bàn. Đồng thời đẩy mạnh công tác phân luồng, đào tạo nghề gắn với định hướng việc làm theo nhu cầu của DN, trong tương lai không xa sẽ tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động với thu nhập khá và ổn định, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Cùng với tạo đột phá từ thu hút đầu tư, các giải pháp phục hồi sản xuất công nghiệp sẽ được chú trọng với việc tạo điều kiện thuận lợi để sớm hoàn thành khắc phục sự cố và hòa lưới trở lại đối với Tổ máy số 1 Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, đưa Nhà máy Sản xuất Pin VinES vận hành thử và sản xuất theo kế hoạch; đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án Nhiệt điện Vũng Áng 2, Nhà máy Sản xuất Pin Lithium. Tiếp tục đồng hành, hỗ trợ DN đầu tư trên các lĩnh vực sợi, bao bì, may mặc, dược phẩm, chè, bia… đạt được các chỉ tiêu, mục tiêu SXKD năm 2023, đặc biệt là 2 đơn vị chủ lực: Formosa Hà Tĩnh đạt gần 7 triệu tấn thép và Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 cán đích 6,4 tỷ kWh. Tầm nhìn trong tương lai, khi công nghiệp phụ trợ phát triển và có thêm các nhà đầu tư hậu thép, Khu kinh tế Vũng Áng với hạt nhân là Khu liên hợp gang thép Formosa, cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương sẽ mang lại sự phát triển mạnh mẽ không chỉ cho Hà Tĩnh mà cả khu vực Bắc Trung Bộ.


Hoạt động xuất khẩu thép tại Formosa Hà Tĩnh. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải.

Trên lộ trình xây dựng 3 trung tâm đô thị, việc mở rộng địa giới hành chính TP Hà Tĩnh sẽ tạo nền tảng để phát triển trung tâm đô thị xung quanh TP Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh là hạt nhân và các đô thị vệ tinh kết nối gồm: thị trấn Thạch Hà, thị trấn Cẩm Xuyên, thị trấn Lộc Hà). Đồng thời, 2 trung tâm đô thị còn lại ở phía Bắc (gồm TX Hồng Lĩnh gắn với thị trấn Tiên Điền, thị trấn Xuân An, đô thị mới Nghi Xuân) và phía Nam (TX Kỳ Anh gắn với Khu kinh tế Vũng Áng) sẽ được ưu tiên các nguồn lực để từng bước xây dựng, phát triển xứng tầm.

Cùng với thúc đẩy, phát triển sản xuất, tiếp tục rà soát, đánh giá các tiêu chí NTM cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, xây dựng đạt chuẩn tỉnh NTM giai đoạn 2021-2025

Bám sát các mục tiêu, giải pháp, chiến lược phát triển 4 lĩnh vực kinh tế trọng tâm mà Quy hoạch tỉnh đã đề ra, bên cạnh phát triển công nghiệp luyện thép, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo sau thép và sản xuất điện, Hà Tĩnh đồng thời đầu tư cho các ngành kinh tế: nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ logistics; du lịch. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp sẽ cáng đáng tốt hơn vai trò trụ đỡ của nền kinh tế khi được định hướng sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, ứng dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất để tăng năng suất, giá trị; các HTX tích cực cùng nông dân thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất, sản xuất cánh đồng lớn gắn với liên kết cùng DN tiêu thụ sản phẩm. Cùng với thúc đẩy phát triển sản xuất, tiếp tục rà soát, đánh giá các tiêu chí NTM cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, xây dựng đạt chuẩn tỉnh NTM giai đoạn 2021-2025.


Lễ khai trương du lịch biển Hà Tĩnh năm 2023 với chủ đề “Hà Tĩnh – Trang thơ hòa cánh sóng” tại Khu du lịch Xuân Thành (Nghi Xuân). Ảnh: PV.

Ưu tiên nguồn lực cho các công trình hạ tầng trọng yếu, nhất là cải thiện điều kiện giao thông những năm tới, từ các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, tỉnh sẽ giảm đầu tư nhỏ lẻ để đầu tư những việc lớn. Trong đó, trọng tâm là mở đại lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh từ TP Hà Tĩnh xuống biển, gắn với đó là quy hoạch để xây dựng những con phố thương mại, đô thị hiện đại hai bên tuyến đường. Đến năm 2025, khi hệ thống giao thông cao tốc Bắc - Nam hoàn thành, cùng với các tuyến quốc lộ 1, 8A, 15A, đường ven biển, Hà Tĩnh sẽ đồng bộ hệ thống giao thông. Bên cạnh đó, tỉnh đang từng bước triển khai chủ trương đầu tư sân bay theo hình thức xã hội hóa.

Hà Tĩnh cũng tiếp tục quan tâm phát triển toàn diện văn hóa, xã hội, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trên các lĩnh vực. Đặc biệt, luôn coi trọng và phát huy giá trị văn hóa, con người Hà Tĩnh, khơi dậy khát vọng mới, tư duy mới của mỗi người trên hành trình từng bước vươn tới mục tiêu chiến lược đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước và đến 2050, Hà Tĩnh là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững, trở thành một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước.

Theo Baohatinh

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện