Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |    Xây dựng các bảng lương mới áp dụng từ giữa năm 2024   |   

Dự kiến vào cuối năm 2028, 5G sẽ đạt mốc 5 tỷ thuê bao trên toàn cầu

  

08:12 02/02/2023

Theo báo cáo di động của Ericsson (Ericsson Mobility Report) xuất bản tháng 11/2022 dự báo đến cuối năm 2028, thế giới sẽ có 5 tỷ thuê bao 5G, chiếm 55% tổng số thuê bao di động.

Trong phân khúc 5G, báo cáo của Ericsson cho thấy gần 110 triệu thuê bao đã được bổ sung trên toàn cầu trong quý 3/2022, nâng tổng số thuê bao di động 5G toàn cầu tính đến cuối tháng 9 năm 2022 lên khoảng 870 triệu. Dự kiến, thuê bao 5G trên toàn cầu sẽ đạt mốc 1 tỷ vào cuối năm nay và 5 tỷ vào cuối năm 2028.


Theo số liệu mới công bố của Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSA), tính đến cuối tháng 10/2022 trên toàn cầu đã có 878 mẫu điện thoại thông minh hỗ trợ 5G đã được công bố, trong đó có 807 mẫu đã được thương mại hoá trên thị trường.

Tốc độ triển khai nhanh của 5G đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó, bao gồm sự sẵn có của các thiết bị hỗ trợ 5G giá rẻ đến từ nhiều nhà cung cấp và việc triển khai 5G sớm trên quy mô lớn tại nhiều thị trường tiên phong như Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ...

Trong khi đó, thuê bao di động 4G trên toàn cầu đã tăng thêm 41 triệu trong quý 3/2022 và đạt khoảng 5 tỷ thuê bao. Dự báo, thuê bao di động 4G sẽ đạt đỉnh là 5,2 tỷ vào cuối năm 2022, sau đó giảm xuống còn khoảng 3,6 tỷ vào cuối năm 2028 khi các thuê bao 4G chuyển dần sang 5G.

Nhìn chung, báo cáo cho biết số thuê bao di động toàn cầu dự kiến ​​sẽ đạt 8,4 tỷ vào cuối năm 2022 và 9,2 tỷ vào cuối năm 2028, trong đó số thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh ước tính đạt 6,6 tỷ vào cuối năm 2022, chiếm khoảng 79% tổng số thuê bao điện thoại di động.

Bắc Mỹ và Đông Bắc Á là những khu vực tăng trưởng 5G nhanh nhất trên toàn cầu trong năm 2022

Theo báo cáo, khu vực Bắc Mỹ và Đông Bắc Á tiếp tục chứng kiến ​​sự tăng trưởng mạnh mẽ của 5G, với tỷ lệ sử dụng thuê bao 5G ở các khu vực này dự kiến ​​sẽ đạt khoảng 35% vào cuối năm 2022, tiếp theo là các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh với 20% và Tây Âu với 11%.

Khu vực Bắc Mỹ đang đón nhận làn sóng thứ hai về phát triển mạng lưới và sự chấp nhận của người dùng 5G. Việc áp dụng 5G tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm nay, dự báo đến cuối năm 2022 sẽ có hơn 140 triệu thuê bao 5G mới được bổ sung trong khu vực này. Đến năm 2028, khu vực Bắc Mỹ dự kiến sẽ có khoảng 420 triệu thuê bao 5G, chiếm hơn 90% tổng số thuê bao di động của khu vực.

Trong khi đó, các nhà cung cấp dịch vụ di động ở khu vực Đông Bắc Á tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào 5G để cải thiện vùng phủ sóng. Dự báo thuê bao di động 5G của khu vực sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh và tăng thêm khoảng 320 triệu thuê bao trong năm 2022. Đến cuối năm 2023, thuê bao di động 5G của khu vực này được dự báo sẽ đạt 1 tỷ thuê bao.

5G sẽ trở thành công nghệ hàng đầu về số lượng thuê bao ở khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương vào năm 2028

Dự kiến hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ di động lớn ở khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương sẽ triển khai dịch vụ 5G thương mại vào cuối năm 2028. Báo cáo của Ericsson đưa ra dự đoán, số lượng thuê bao 5G trong khu vực sẽ đạt gần 30 triệu vào cuối năm 2022. Con số này sẽ tăng lên thành 620 triệu thuê bao 5G vào cuối năm 2028, với tỷ lệ thâm nhập đạt 48%.

Các nhà cung cấp dịch vụ di động ở Đông Nam Á và Châu Đại Dương có khả năng tạo ra khoảng 40 tỷ USD doanh thu bổ sung từ việc cung cấp dịch vụ 5G cho các doanh nghiệp vào năm 2030. Phần lớn sự tăng trưởng này dự kiến sẽ đến từ việc áp dụng 5G trong các ngành công nghiệp như sản xuất, năng lượng và tiện ích, dịch vụ tài chính, y tế, truyền thông và giải trí.

Về phía người dùng, công nghệ 5G đã làm thay đổi trong hành vi sử dụng. Người dùng 5G ở các quốc gia như Úc, Thái Lan và Singapore đã tham gia vào các ứng dụng mới như chơi trò chơi dựa trên đám mây, video 360 độ, ứng dụng thực tế tăng cường (AR) và các sự kiện và buổi hòa nhạc ảo.

Các ứng dụng mới dựa trên 5G được xem là yếu tố quan trọng để tăng lưu lượng truy cập di động trên mỗi điện thoại ở trong khu vực. Lưu lượng truy cập di động trên mỗi điện thoại thông minh dự kiến sẽ tăng từ 12,5GB/tháng trong năm 2022 lên 54GB/tháng vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt gần 30%.

Đến nay, khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương đã có 7 quốc gia triển khai thương mại 5G, bao gồm Úc, Indonesia, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore và Thái Lan. Trong đó, các nhà khai thác di động tại các quốc gia như Úc, Thái Lan và Singapore đã đạt được vùng phủ sóng tương đối rộng.

5G đang thay đổi bối cảnh kết nối ở Úc

Úc được xem là một trong những quốc gia tiên phong trong việc triển khai 5G thương mại trên thế giới, với việc nhà mạng Telstra lần đầu tiên ra mắt mạng 5G vào năm 2019. Số liệu thống kê cho thấy, 5G hiện đã phủ sóng khoảng 80% dân số tại Úc, dự báo tỷ lệ thâm nhập thuê bao 5G đạt 30% vào cuối năm 2022.

Các nhà cung cấp dịch vụ di động tại Úc đã đi đầu trong việc ra mắt dịch vụ truy cập vô tuyến cố định 5G (5G Fixed Wireless Access – 5G FWA) và ứng dụng băng rộng di động nâng cao (Enhanced Mobile Broadband - eMBB) để phục vụ cho cả hộ gia đình và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các nhà cung cấp dịch vụ di động tại Úc cũng đã triển khai một số công nghệ 5G tiên tiến nhất thế giới để tối đa hóa việc sử dụng tài nguyên phổ tần số, mở rộng vùng phủ sóng, tăng dung lượng mạng và tiết kiệm về chi phí như công nghệ tổng hợp sóng mang, chia sẻ phổ tần động và triển khai mạng 5G dựa trên kiến trúc độc lập.v.v.

Singapore thúc đẩy triển khai mạng 5G dựa trên kiến trúc độc lập

Singapore đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phủ sóng hoàn toàn bằng mạng 5G dựa trên kiến trúc độc lập (5G SA - Standalone), sau khi nhà mạng Singtel của nước này chính thức đạt tỷ lệ phủ sóng 5G lên tới 95%, sớm hơn 3 năm so với mục tiêu ban đầu đề ra là năm 2025. Cột mốc quan trọng này đã đưa Singapore trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới được phủ sóng hoàn toàn bằng mạng 5G dựa trên kiến trúc độc lập

Ngoài Singtel, các nhà cung cấp dịch vụ di động khác như M1 và Starhub cũng đang đẩy nhanh tốc độ phủ sóng 5G, trong đó đối thủ M1 của Singtel hiện đã đạt độ bao phủ 75%, phấn đấu đạt 95% vào cuối năm 2022. Cùng với đó, các nhà mạng di động của Singapore cũng đang tập trung phát triển các dịch vụ sáng tạo dựa trên công nghệ 5G cho các doanh nghiệp với sự hỗ trợ tích cực từ chính phủ và các cơ quan quản lý.

5G đã phủ sóng hơn 80% dân số Thái Lan

Thái Lan là một trong những quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á triển khai dịch vụ 5G thương mại. Các nhà cung cấp dịch vụ di động Thái Lan đã nhanh chóng triển khai vùng phủ sóng 5G trên toàn quốc và 5G hiện đã bao phủ hơn 80% dân số của quốc gia này. Tính đến cuối quý 2/2022, số thuê bao di động 5G của Thái Lan đã đạt mốc 7,3 triệu.

Indonesia: Giai đoạn đầu phát triển 5G

Công nghệ 5G đã được phủ sóng ở các thành phố lớn của Indonesia kể từ năm 2021. Các nhà cung cấp dịch vụ di động hàng đầu của Indonesia đã cung cấp dịch vụ 5G thương mại thông qua các băng tần đã được cấp phép bao gồm các băng tần 1.800 MHz, 2.100 MHz và 2.300 MHz. Tuy nhiên, việc triển khai mạng 5G đã bị chậm lại do thiếu phổ tần số trong băng tần trung (mid-band). Dự kiến, các phổ tần số mới dành cho 5G (700 MHz, 2,6 GHz, 3,5 GHz và 26 GHz) có thể sẽ được cấp phép cho các nhà cung cấp dịch vụ di động Indonesia từ năm 2023.

Malaysia: Thúc đẩy triển khai 5G trên toàn quốc

Malaysia đang triển khai 5G thông qua một mạng bán buôn duy nhất thuộc sở hữu của nhà nước sau đó cho phép các công ty viễn thông nắm giữ cổ phần để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và tăng tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng. Malaysia đặt mục tiêu phủ sóng 5G đến 40% dân số vào cuối năm 2022 và 80% dân số vào năm 2024. Hiện tại, 5 nhà cung cấp dịch vụ di động của Malaysia đã bắt đầu cung cấp dịch vụ 5G cho người dùng.

New Zealand: Tập trung vào Ứng dụng băng rộng di động nâng cao (eMBB) và truy cập vô tuyến cố định 5G (5G FWA)

New Zealand là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực triển khai thương mại các dịch vụ 5G vào tháng 12 năm 2019. Kể từ đó, cả 3 nhà cung cấp dịch vụ di động ở New Zealand đều đã ra mắt 5G và tập trung vào cung cấp ứng dụng eMBB và 5G FWA cho cả người dùng cá nhân và doanh nghiệp. Các nhà cung cấp dịch vụ di động của New Zealand đang đặt mục tiêu phủ sóng 5G đến 90% dân số vào năm 2023.

Philippines: Quốc gia đầu tiên trong khu vực triển khai 5G FWA

Philippines là quốc gia đầu tiên trong khu vực triển khai 5G FWA vào tháng 6 năm 2019. Đến tháng 2 năm 2020, quốc gia này bắt đầu thương mại hóa dịch vụ di động 5G sử dụng băng tần 3,5 GHz. Dựa trên kết quả đo kiểm Speedtest của Tổ chức Ookla cho thấy, tính đến cuối tháng 3/2022, nhà khai thác di động lớn nhất Philippines là Smart đã phủ sóng đến 25,5% dân số và triển khai được 7.300 trạm gốc 5G trên toàn quốc, trong khi đó một nhà khai thác di động lớn khác là Globe cũng đã phủ sóng được 15,3% dân số.

Khác với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam muốn thúc đẩy các công ty trong nước nghiên cứu, sản xuất và thương mại hóa thiết bị 5G do chính Việt Nam sản xuất.

Bắt đầu triển khai thử nghiệm 5G từ năm 2020, Việt Nam là một trong số những quốc gia sớm thực hiện thí điểm và ứng dụng 5G so với các khu vực và thế giới. Tính đến tháng 10/2022, các cuộc thử nghiệm 5G thương mại đang diễn ra ở 55 tỉnh, thành phố.

Để phổ biến hơn nữa công nghệ này, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiến hành thí điểm 5G ở các khu công nghệ cao, các trường đại học, viện nghiên cứu,... Việt Nam cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% dân số sẽ có kết nối 5G.

BBT


Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Đặt hàng mẫu

 Đơn đặt hàng của bạn đã được gửi thành công. Chúng tôi sẽ liên hệ với bạn ngay khi có thể.
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện