Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |    Xây dựng các bảng lương mới áp dụng từ giữa năm 2024   |   

COVID-19 sẽ trở thành bệnh đường hô hấp thông thường, đại dịch "giấu mặt" COVID kéo dài tại nhiều quốc gia

  

00:32 07/09/2022

Đến sáng 7/9, thế giới có trên 611 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,5 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 611 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 96,64 triệu ca mắc và gần 1,073 triệu trường hợp tử vong.

Hàng loạt bài báo và nghiên cứu được đăng tải cho thấy, hội chứng COVID kéo dài đã trở thành một đại dịch "giấu mặt" tại nhiều quốc gia trên thế giới. Học viện Y học thể chất và Phục hồi chức năng Mỹ ước tính, đến ngày 4/9, quốc gia này đã ghi nhận hơn 28 triệu trường hợp mắc các triệu chứng của COVID kéo dài.

Theo dữ liệu mới nhất được công bố trên trang web chính thức của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, cứ 13 người trưởng thành ở Mỹ lại có một người gặp phải hội chứng COVID kéo dài. CDC cho biết, trong số những người trưởng thành từng mắc COVID-19 tại Mỹ, tương đương 40% số người trưởng thành tại quốc gia này, khoảng 19% đang chịu ảnh hưởng của các triệu chứng liên quan COVID kéo dài.

Những người mắc COVID kéo dài có thể gặp các vấn đề về thể lực lẫn trí lực, đi kèm với các triệu chứng xảy ra trong khoảng thời gian khác nhau, như mệt mỏi, khó thở, bất thường về tim mạch, chứng đau nửa đầu, não "sương mù", trầm cảm và lo lắng,...

Chính phủ Mỹ quy định, hội chứng COVID kéo dài có thể được coi là một hạn chế về khả năng, theo đó yêu cầu chủ doanh nghiệp hỗ trợ các điều kiện thích hợp cho nhân viên bị hội chứng này. Forbes trích dẫn một báo cáo của Viện Brookings cho biết, hội chứng COVID kéo dài khiến khoảng 4 triệu người Mỹ thất nghiệp, với ước tính thiệt hại về lương tối thiểu là 170 tỷ USD/năm. Đây được coi là một tổn thất kinh tế lớn, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát leo thang và chi phí sinh hoạt tăng vọt.

Theo Tổ chức nghiên cứu sức khỏe Kaiser Family có trụ sở tại Mỹ, nhiều chuyên gia y tế ví COVID kéo dài là "đại dịch sau đại dịch COVID-19".

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 6/9, nước này ghi nhận tổng cộng trên 44,47 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm hơn 528.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.

Ngày 6/9, Bộ trưởng Bộ Y tế Ấn Độ Mansukh Mandaviya thông báo, vaccine ngừa COVID-19 dạng xịt mũi do hãng Bharat Biotech bào chế đã được Cơ quan Kiểm soát dược phẩm nước này (DCGI) cấp phép sử dụng cho nhóm người trưởng thành trong tình huống khẩn cấp. Đây là vaccine ngừa COVID-19 dạng xịt mũi đầu tiên của Ấn Độ được cơ quan này phê duyệt.

Trên mạng xã hội Twitter, ông Mandaviya cho biết, vaccine của Bharat Biotech đã được DCGI cấp phép để tiêm cho nhóm người trên 18 tuổi và sử dụng hạn chế trong tình huống khẩn cấp.

Ấn Độ đã cấp phép cho loại vaccine COVID-19 dạng hít đầu tiên. (Ảnh: AP)

Tháng 8, hãng Bharat Biotech thông báo đã hoàn tất 2 cuộc thử nghiệm lâm sàng riêng rẽ đối với vaccine của hãng bao gồm thử liều chính và liều tăng cường. Kết quả thử nghiệm cho thấy, vaccine này an toàn, dung nạp tốt và tạo miễn dịch ở các đối tượng tham gia thử nghiệm. Dữ liệu của cả hai cuộc thử nghiệm đã được trình lên các cơ quan chức năng Ấn Độ để xin cấp phép sử dụng. Nếu được thông qua, vaccine dạng xịt mũi này sẽ dễ dàng được triển khai hơn trong chương trình tiêm chủng đại trà.

Pháp hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 154.300 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 34,62 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Brazil đứng sau Pháp về tổng số người dân mắc COVID-19 với trên 34,65 triệu ca nhưng chỉ sau Mỹ về số người thiệt mạng với hơn 684.500 trường hợp.

Nhiều nước như Anh, Đức, hay Australia cũng chịu sức ép liên quan việc nhiều người mắc phải hội chứng COVID kéo dài. Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) của Anh vào ngày 1/9 công bố dữ liệu ước tính đến cuối tháng 7 vừa qua cho thấy, khoảng 2 triệu người, tương đương 3,1% dân số quốc gia, đang đối mặt với các triệu chứng COVID kéo dài. Theo ONS, các triệu chứng COVID kéo dài đã tác động tiêu cực đến đời sống thường nhật của 1,5 triệu người. Sau 2 năm kể từ khi đại dịch bùng phát, khoảng 540.000 người Anh vẫn đang chịu các tác động của hội chứng COVID kéo dài.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Đức Karl Lauterbach hồi tháng 7 cảnh báo, hội chứng COVID kéo dài là một vấn đề xã hội lớn, đặc biệt tác động đến thị trường lao động khi nhiều người chưa thể khôi phục năng lực làm việc trước đây.

Tại Australia, Bộ trưởng Bộ Y tế Mark Butler dự báo, trong các năm tới, số người mắc hội chứng COVID kéo dài tại quốc gia này còn gia tăng, có thể lên đến 1,4 triệu người.

Cơ quan Dược phẩm Italy (AIFA) đã phê chuẩn vaccine phòng COVID-19 đặc hiệu chống biến thể Omicron. Bộ trưởng Bộ Y tế Italy Roberto Speranza cho biết, nước này có thể bắt đầu tiêm loại vaccine mới chống biến thể Omicron cho những đối tượng dễ bị tổn thương trong vòng 10 ngày tới.

Quyết định trên được đưa ra sau khi Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) vào ngày 1/9 đã đồng ý cho phép sử dụng vaccine của Pfizer-BioNTech và Mordena được điều chỉnh phù hợp để chống dòng phụ BA.1 của biến thể Omicron. Anh, Mỹ, Canada cũng có động thái tương tự.

Kể từ đầu đại dịch đến nay, Italy phát hiện trên 21,94 ca mắc COVID-19 và 175.872 người thiệt mạng.

Nhật Bản đang thay đổi cách tiếp cận với dịch COVID-19 theo hướng nới lỏng dần các biện pháp phòng chống dịch ở trong nước. Theo đó, các biện pháp phòng dịch trọng điểm hay tình trạng khẩn cấp không được thực hiện, mặc dù số lượng người mắc COVID-19 hiện còn tăng gấp nhiều lần so với các làn sóng dịch trước đó.

Nhật Bản mở cửa hơn nữa cho du khách nước ngoài. (Ảnh: AP)

Hiện các hoạt động văn hóa, lễ hội hay sự kiện đông người tại Nhật Bản đã diễn ra mà không có hạn chế, những hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như nhà hàng cũng đang diễn ra khá tự do. Nhật Bản nới lỏng các biện pháp hạn chế nhập cảnh như tăng giới hạn số lượng người nhập cảnh mỗi ngày, miễn xét nghiệm COVID-19 đối với những du khách đã tiêm đủ 3 mũi vaccine. Việc Nhật Bản dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch được cho là xuất phát từ thành quả tiêm chủng của nước này, hiện nay gần 70% người dân Nhật Bản đã tiêm đủ 3 mũi vaccine.

Bộ Giáo dục và Thể thao Lào khuyến nghị, các nhà quản lý trường học, giáo viên và học sinh tiếp tục thực hiện và tuân thủ các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 trong bối cảnh học sinh nước này bắt đầu năm học mới 2022-2023.

Trong năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào đã cho phép tất cả các trường học và cơ sở học tập ở các cấp tiểu học, trung học và đại học tổ chức các lớp học trực tiếp. Tuy nhiên, ban quản lý nhà trường và các giáo viên ở tất cả các cơ sở giáo dục được yêu cầu cảnh giác trước sự bùng phát của COVID-19.

Các trường học phải thực hiện những biện pháp ngăn ngừa COVID-19 như đo thân nhiệt, giãn cách xã hội, đeo khẩu trang trong lớp và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Bất kỳ thành viên nào trong trường, hoặc học sinh của trường bị mắc COVID-19 đều phải nghỉ làm và nghỉ học, tổ chức học tập hoặc làm việc trực tuyến tại nhà.

Nếu xác nhận có một vài trường hợp bị mắc COVID-19, Hội đồng nhà trường và lực lượng phòng chống COVID-19 sẽ thực hiện đánh giá rủi ro và quyết định xem liệu các lớp học đó có tiếp tục được dạy trực tiếp hay tạm nghỉ. Ủy ban Phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Giáo dục và Thể thao Lào cũng khuyến khích giáo viên và học sinh tiêm chủng đầy đủ để hạn chế sự lây lan dịch bệnh, vừa để bảo vệ bản thân, vừa để tăng cường mức độ miễn dịch trong dân số nói chung.

Bên cạnh đó, Ủy ban Phòng chống dịch COVID-19 quốc gia của Lào đã khuyến cáo các trung tâm thể thao trong nhà và ngoài trời ở thủ đô Vientainae và các tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống COVID-19. Theo đó, các nhân viên và khách hàng phải được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ, kiểm tra thân nhiệt, giữ khoảng cách ít nhất 1 mét, đeo khẩu trang và rửa tay bằng xà phòng.

Một chuyên gia nghiên cứu virus của Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) cho rằng, COVID-19 sẽ trở thành bệnh đường hô hấp thông thường, với đặc điểm lây lan mạnh hơn trong những tháng ẩm ướt và lạnh giá. Ông nêu rõ khả năng lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 sẽ cao hơn vào mùa mưa (từ tháng 6 đến tháng 9) và mùa lạnh (từ tháng 12 đến tháng 3), nhưng tốc độ lây nhiễm trong mùa lạnh sẽ bớt nghiêm trọng hơn.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các đợt dịch cúm mùa đạt đỉnh điểm khác nhau giữa các khu vực, nhưng virus cúm có xu hướng lây lan dễ dàng hơn trong điều kiện ẩm ướt và lạnh giá. Mức độ nghiêm trọng của các đợt lây lan dịch bệnh sẽ giảm dần cho đến mùa mưa năm tiếp theo.

Theo VTV News

Link gốc: https://vtv.vn/the-gioi/covid-19-se-tro-thanh-benh-duong-ho-hap-thong-thuong-dai-dich-giau-mat-covid-keo-dai-tai-nhieu-quoc-gia-20220906195758888.htm


Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện