Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |    Xây dựng các bảng lương mới áp dụng từ giữa năm 2024   |   

Ung thư phổi có nguy cơ tăng cao do hút thuốc lá

  

01:57 15/11/2022

Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 22.000 trường hợp tử vong vì bệnh ung thư phổi, đây thực sự là con số đáng báo động. Trong đó, thuốc lá gây ra 90% trường hợp ung thư phổi, 75% các trường hợp phổi tắc nghẽn mãn tính và 25% các trường hợp bệnh tim thiếu máu cục bộ. Không chỉ người hút thuốc bị nguy hiểm mà người hút thuốc lá thụ động cũng chịu ảnh hưởng nặng nề không kém.

Ung thư phổi là một trong những ung thư đứng hàng đầu và là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong các bệnh nhân ung thư ở nam giới. Những người nghiện thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 20 - 40 lần so với người không hút thuốc lá. Có 60 - 70% các trường hợp ung thư phổi được phát hiện ở các giai đoạn muộn của bệnh, vì vậy phần lớn các trường hợp này đều không thể chữa trị khỏi.

(Hình minh họa)

Theo BS.Võ Văn Phương - Trưởng khoa Ung bướu và Y học hạt nhân, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi, có 90% bệnh nhân bị ung thư phổi là do hút thuốc lá, 90% bệnh nhân ung thư phổi hút thuốc lá hơn 10 điếu/ngày trong 20 năm. Tỷ lệ ung thư phổi gia tăng tỷ lệ thuận theo số năm hút thuốc và số lượng thuốc hút mỗi ngày. Những người nghiện thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 20 - 40 lần so với người không hút. Tiếp xúc lâu dài với khói thuốc thụ động cũng làm tăng nguy cơ. Ung thư phổi thường gặp nhiều nhất ở tuổi 50-75 tuổi, dưới 40 ít gặp và trên 75 tuổi tỷ lệ cũng thấp.

Đặc biệt, ung thư phổi rất thường gặp ở các nước công nghiệp phát triển, ở thành thị số người bị ung thư phổi nhiều gấp 5 lần ở nông thôn. Những công nhân tiếp xúc với bụi silic có nguy cơ cao bị ung thư phổi. Ngoài ra, có những yếu tố nguy cơ khác liên quan đến ung thư phổi như: làm việc tiếp xúc tia phóng xạ, thợ mỏ đá và uranium, thợ mỏ than, dầu mỏ, niken, crom, khí than. Ô nhiễm môi trường cũng có vai trò gia tăng ung thư phổi.

Dấu hiệu hay gặp nhất của ung thư phổi là ho kéo dài. Ho có đờm, lẫn máu và đau ngực cũng có thể là dấu hiệu chỉ điểm của ung thư phổi. Khi bệnh diễn tiến về sau, người bệnh có thể gầy sút, mệt mỏi, thở nông, khàn giọng, khó nuốt, đau xương, thở khò khè và tràn dịch màng phổi. Có khoảng 13% bệnh nhân không biểu hiện bất cứ triệu chứng nào như trên đến khi phát hiện ra ung thư phổi. Ngoài các triệu chứng thường gặp trên, bệnh nhân thường đến bệnh viện ở giai đoạn muộn nên có thể xuất hiện các triệu chứng của di căn như di căn hạch thượng đòn, di căn não gây tăng áp lực nội sọ và liệt thần kinh khu trú, di căn xương gây đau ở vị trí di căn, hội chứng chèn ép tĩnh mạch chủ trên gây phù mặt cổ bạnh.

BS. Khoa Ung bướu BVĐK Tỉnh kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân có dấu hiệu ung thư phổi vì thuốc lá

Hiện nay, tại BVĐK tỉnh Hà Tĩnh đã áp dụng được tất cả các phương pháp điều trị trên bao gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và chăm sóc nâng đỡ. Để phát hiện sớm ung thư phổi chúng ta nên kiểm tra sức khỏe định kỳ. Đối với người trên 40 tuổi chưa có bất cứ triệu chứng gì nên đi chụp X-quang phổi mỗi 6-12 tháng/lần. Khi phát hiện các triệu chứng như ho kéo dài, ho có đờm lẫn máu, đau ngực người bệnh nên đi khám ngay tại các cơ sở y tế.

Người mắc bệnh ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng luôn trong tâm trạng hoang mang, lo lắng, có suy nghĩ tiêu cực cho rằng bệnh của mình không thể chữa khỏi, dễ dẫn đến stress, bỏ ăn, bỏ ngủ làm ảnh hưởng đến sức khỏe và ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Vì vậy, bác sỹ nên đồng thời là người thầy thuốc, vừa là một nhà tâm lý, gần gũi bệnh nhân, quan tâm, chăm sóc, hiểu tâm tư nguyện vọng, động viên, chia sẻ với nỗi đau của họ…giúp họ hợp tác để kết quả điều trị đạt được hiệu quả cao.

Đặc biệt, yếu tố quan trọng nhất trong việc phòng ngừa ung thư phổi là giảm hút thuốc lá. Bên cạnh đó, cần tạo môi trường sống sạch đẹp, bầu không khí trong lành không khói thuốc. Chủ động điều trị khỏi các bệnh như viêm phế quản mạn, lao phổi… Theo BS.Võ Văn Phương khuyến cáo thêm, cần cải thiện vệ sinh công nghiệp và tránh tiếp xúc với bụi silic để giúp phòng ngừa bệnh ung thư phổi./.

Nhật Thắng



Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện