Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |    Xây dựng các bảng lương mới áp dụng từ giữa năm 2024   |   

Các địa phương phải luôn tạo môi trường, diễn đàn, cơ hội để người dân phản biện, góp ý, hiến kế

  

08:24 23/03/2023

Hội nghị gặp mặt cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn; bí thư, thôn trưởng, tổ trưởng tổ dân phố không chỉ giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh nắm rõ thêm tình hình cơ sở mà còn là cơ hội để cán bộ cơ sở phát huy tinh thần trách nhiệm, đóng góp ý kiến, kiến nghị sớm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Sáng 22/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị gặp mặt cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn; bí thư, thôn trưởng, tổ trưởng tổ dân phố tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải chủ trì hội nghị.

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy cùng 770 cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn; bí thư, thôn trưởng, tổ trưởng tổ dân phố tiêu biểu.

Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Mở đầu hội nghị, các đại biểu đã nghe Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng giới thiệu cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng quán triệt nội dung cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cuốn sách được kết cấu làm 3 phần, với hơn 600 trang và gần 100 bức ảnh; ra mắt đúng vào dịp Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.


Nội dung gồm những bài viết, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư được rút ra từ thực tiễn phong phú trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Việt Nam; góp phần làm sáng rõ tư duy lý luận của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tiếp tục khẳng định sự quan tâm sâu sắc của đồng chí Tổng Bí thư đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; lan tỏa quyết tâm to lớn trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đối với sự nghiệp quan trọng này.


Cuốn sách là tài liệu rất giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn. Qua đó, cán bộ, đảng viên, Nhân dân, bạn đọc trong và ngoài nước hiểu rõ hơn về chủ trương, đường lối và quyết tâm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm tham nhũng, tiêu cực; khẳng định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược” nhưng cũng là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng đề nghị, sau hội nghị, các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ cốt cán cơ sở cần tập trung chỉ đạo tổ chức tốt đợt sinh hoạt chính trị chuyên đề về nội dung cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở; xem xét đưa vào nội dung sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề, liên hệ với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của cơ quan, đơn vị, địa phương...

Nâng cao năng lực, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ cơ sở

Trao đổi một số nội dung về công tác quản lý Nhà nước tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải nhấn mạnh: Những kết quả tích cực về KT-XH của tỉnh, ngoài nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị còn khẳng định vai trò hạt nhân của hệ thống chính trị cơ sở cấp xã phường, thôn, tổ dân phố.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải quán triệt trao đổi một số nội dung về công tác quản lý Nhà nước và nhiệm vụ trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, cần thực hiện nghiêm quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ; bảo đảm nguyên tắc “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý”; Thường trực Đảng ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ phải đoàn kết, thống nhất.

Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở. Chính quyền cấp huyện phải hết sức chú trọng nâng cao năng lực, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức ở cấp xã; làm tốt công tác tuyển dụng, bố trí, sắp xếp, luân chuyển, đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ. Đội ngũ lãnh đạo xã phải nắm vững quy định pháp luật, nắm vững quy định quản lý Nhà nước; năng động, đổi mới.

Tăng cường công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; rà soát lại các quy hoạch vùng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng… đảm bảo phù hợp thực tiễn và phù hợp Quy hoạch tỉnh; quy hoạch phải đi trước một bước, đảm bảo tính dự phòng, dự báo cao.


Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng NTM ở các xã; duy trì tốt phong trào xây dựng NTM ở các thôn và ngay trong mỗi hộ gia đình, trở thành hoạt động thường xuyên; cán bộ xã phải lăn lộn, gương mẫu; xây dựng kế hoạch cụ thể cho cả giai đoạn và hằng năm theo phương châm “làm đến đâu chắc đến đó, phải thiết thực, bền vững”. Lãnh đạo xã cần chủ động, tích cực để tìm giải pháp phát triển KT-XH của địa phương; phát huy mạnh mẽ tinh thần tích cực hỗ trợ, khuyến khích người nông dân thay đổi tư duy, tập quán sản xuất...

Tăng cường quản lý đất đai, khoáng sản trên địa bàn; làm tốt nhiệm vụ quản lý đất đai; rà soát hồ sơ địa chính; tập trung giải quyết kịp thời các nhu cầu, hồ sơ thủ tục đất cho người dân theo quy định. Tập trung cao công tác bồi thường, GPMB, tái định cư đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Mỗi xã, phường, thị trấn phải rà soát và xây dựng kế hoạch xử lý các vụ việc tồn đọng trên địa bàn.

Tăng cường quản lý môi trường ở đô thị và nông thôn; thực hiện hiệu quả việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Quản lý chất lượng các công trình xây dựng trên địa bàn; tăng cường các giải pháp thu ngân sách, quản lý tài chính, tài sản công.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường đối thoại, tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chú trọng công tác tôn giáo. Chủ động xây dựng các phương án sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, xã đến năm 2025 và năm 2030.

Những ý kiến tâm huyết từ cơ sở

Tại hội nghị, cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn; bí thư, thôn trưởng, tổ trưởng tổ dân phố đã phát huy tinh thần trách nhiệm đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng; đồng thời, chia sẻ bài học kinh nghiệm và đưa ra các đề xuất, kiến nghị để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng trò chuyện với các đại biểu bên lề hội nghị.

Theo đó, một số đại biểu nêu thực tế về việc đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ thôn, nhất là cán bộ trẻ; công tác phát triển đảng viên nông thôn gặp khó khăn do thanh niên đi làm ăn xa, đi xuất khẩu lao động.

Đại biểu kiến nghị tỉnh cần nghiên cứu chính sách nhằm thu hút cán bộ trẻ, cán bộ giỏi tham gia hệ thống chính trị cấp cơ sở nhằm tạo nguồn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đối với đảng ủy trực thuộc huyện ủy có từ 300 đảng viên trở lên, cần bố trí chủ nhiệm UBKT đảng ủy, văn phòng đảng ủy chuyên trách. Bố trí cán bộ dôi dư do sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã làm văn phòng cấp ủy.

Bà Nguyễn Thị Phúc - Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Phong (huyện Kỳ Anh) nêu thực tế công tác phát triển đảng viên nông thôn gặp khó khăn do thanh niên chủ yếu đi làm ăn xa, xuất khẩu lao động.

Đồng thời, đề nghị tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ cho cán bộ không chuyên trách cấp xã, cán bộ chi hội; tăng mức hỗ trợ đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố. Xem xét chế độ phụ cấp kiêm nhiệm đối với bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch HĐND hoặc kiêm chủ tịch UBND các phường, xã; có chế độ cho bí thư chi bộ ở các chung cư trên địa bàn TP Hà Tĩnh.

Ông Đinh Văn Nam - Bí thư Đảng ủy xã Lâm Trung Thủy (Đức Thọ) đề nghị tỉnh cần tăng tăng chế độ phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã và cán bộ chi hội.

Về công tác đầu tư - quy hoạch, đề nghị tỉnh cần thực hiện tốt phân kỳ đầu tư, thực hiện quy hoạch, tránh quy hoạch treo, ảnh hưởng tới đời sống Nhân dân; giải quyết dứt điểm dự án hươu giống Việt Nam tại trại hươu giống cũ Hương Sơn (thôn Sông Con, Quang Diệm) do quy hoạch đã “treo” 8 năm không thực hiện và người dân không thể kiến thiết, cơi nới xây dựng; chỉ đạo các sở, ngành làm việc với nhà đầu tư để thống nhất việc tiếp tục hay dừng triển khai dự án đầu tư Nhà máy Điện mặt trời Solar Park Hương Sơn.

Các đại biểu đề nghị tỉnh cần cho chủ trương đấu giá đất tại các điểm trường, trụ sở cấp xã và nhà văn hóa khu dân cư sau sáp nhập; hỗ trợ xây dựng trụ sở làm việc cho các xã sáp nhập, xây dựng nhà văn hóa...

Bí thư Đảng ủy xã Quang Diệm (Hương Sơn) Nguyễn Xuân Cảnh đề nghị UBND tỉnh giải quyết dứt điểm dự án hươu giống Việt Nam tại trại hươu giống cũ Hương Sơn (thôn Sông Con, Quang Diệm).

Liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp - NTM, đại biểu đề nghị tỉnh xem xét, bổ sung các chính sách hỗ trợ đối với lĩnh vực này, đặc biệt là đối với các xã miền núi, biên giới.

Các đại biểu cũng đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong xây dựng NTM như: cần phát huy tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên trong thôn; làm tốt công tác dân vận, thực hiện tốt dân chủ cơ sở; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắt về mặt tư tưởng trong Nhân dân; đoàn kết, thống nhất trong thành viên cấp ủy, mặt trận thôn để tạo ra sức mạnh lãnh đạo chung.

Ông Phạm Ái - Trưởng thôn Đông Thịnh (xã Gia Phố, Hương Khê) cho rằng, để xây dựng NTM đạt hiệu quả, cần phát huy tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên trong thôn; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về mặt tư tưởng trong Nhân dân...

Về tích tụ ruộng đất, phát triển nông nghiệp, đánh giá lại các mô hình đã đạt để có định hướng phát triển cho các hộ và nhân rộng các mô hình, đồng thời thay đổi phương pháp sản xuất đối với mô hình không hiệu quả; tăng cường công tác dân vận, ngày càng đổi mới nội dung, phương pháp vận động.

Ông Trần Văn Khiêm - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Minh (Cẩm Xuyên) đề nghị cần cấp GCN QSD đất cho người dân sau khi thực hiện chủ trương chuyển đổi, tích tụ ruộng đất.

Tại hội nghị, một số đại biểu cũng đưa ra đề xuất tỉnh nên đầu tư theo hướng du lịch tâm linh, trải nghiệm. Theo đó, muốn khai thác hiệu quả danh lam thắng cảnh, trước hết phải đầu tư hạ tầng, cơ sở lưu trú, các dịch vụ và kêu gọi nhà đầu tư...

Ông Trần Quốc Anh - Chủ tịch UBND xã Xuân Thành (Nghi Xuân) đề xuất các giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch biển, phát triển ngành du lịch - dịch vụ.

Hội nghị còn ghi nhận 13 ý kiến đại diện cho lãnh đạo các huyện, thành phố, thị xã trong toàn tỉnh.

Kịp thời đưa chủ trương, chính sách đến với người dân

Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những đóng góp của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp ủy xã, phường, thị trấn, bí thư, thôn trưởng, tổ trưởng dân phố trong toàn tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng kết luận hội nghị.

Bí thư Tỉnh ủy cũng thông tin thêm về thành tựu trong phát triển KT-XH của tỉnh liên quan đến thu ngân sách, thu hút đầu tư, công tác an sinh xã hội; tình hình ANTT, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị...

Về nhiệm vụ chung của tỉnh trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, các địa phương phải thể hiện ý chí, quyết tâm cao, tạo những đột phá mới về thu hút đầu tư, chăm lo hơn nữa công tác an sinh xã hội; quan tâm xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Các địa phương, các cấp, ngành, đơn vị tiếp tục rà soát các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX để tập trung chỉ đạo; tiếp tục cụ thể hóa, tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành, nhất là về công tác cán bộ, về xây dựng NTM, tích tụ ruộng đất. Tập trung triển khai Quy hoạch tỉnh gắn với hoàn chỉnh các quy hoạch vùng, quy hoạch ngành đảm bảo đồng bộ.

Cán bộ các cấp phải xác định, Hà Tĩnh cần nhà đầu tư, tha thiết mời gọi các nhà đầu tư. Khi có các nhà đầu tư tiềm năng vào đầu tư, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc hỗ trợ. Phát huy lợi thế cảng biển nước sâu và Khu kinh tế Vũng Áng để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ cảng biển và logictics; công nghiệp chế biến. Tập trung điều chỉnh quy hoạch Khu Kinh tế Vũng Áng, mở rộng quy mô diện tích dành cho sản xuất công nghiệp gấp 2 lần hiện nay, từng bước hình thành thành phố công nghiệp ven biển.

Đề xuất Chính phủ triển khai lập quy hoạch và kêu gọi đầu tư Cảng hàng không tại Cẩm Xuyên theo hình thức đối tác công tư để phục vụ phát triển KT-XH. Trong thời gian sớm nhất, phải khởi công Dự án khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) tại huyện Thạch Hà.

Đề nghị các địa phương có đường cao tốc Bắc - Nam đi qua phải vận động người dân đồng hành chủ trương. Địa phương nào thiếu tập trung chỉ đạo, để chậm tiến độ phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Tiếp tục tập trung cao thực hiện Đề án xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM; tạo điều kiện để các doanh nghiệp hợp tác, đầu tư các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn... Các xã, thôn đã đạt chuẩn cần tiếp tục phấn đấu đạt chuẩn nâng cao, kiểu mẫu. Việc công nhận các tiêu chí đạt chuẩn phải được các cấp thực hiện thực chất hơn, minh bạch hơn; tuyệt đối không gây phiền hà và tốn kém đối với cơ sở.

Khai thác hiệu quả các lợi thế về điều kiện tự nhiên, hệ thống giao thông, các di sản văn hóa để phát triển du lịch, dịch vụ. Chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa đã được UNESCO vinh danh. Kêu gọi nguồn lực xã hội hóa để nâng cấp, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn để đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống, giáo dục lễ nghĩa, hướng thiện cho người dân; thực hiện hiệu quả phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đội ngũ cán bộ, công chức. Ngoài việc đồng hành thực hiện nhiệm vụ chung của tỉnh, đề nghị đối với cấp xã cần linh hoạt trong tuyên truyền, vận động để đưa chủ trương, chính sách kịp thời đến với người dân.

Các địa phương phải luôn tạo môi trường, diễn đàn, cơ hội để người dân phản biện, góp ý, hiến kế tham gia vào việc chung. Quan tâm giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với các phong trào xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng NTM, đô thị văn minh...

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng đề nghị các thành phần tham dự lan tỏa tinh thần hội nghị và tiếp tục khơi dậy truyền thống văn hóa, phẩm chất, khát vọng của con người Hà Tĩnh đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân toàn tỉnh. Các huyện, thị, thành ủy chủ động triển khai các hội nghị gặp mặt bí thư, thôn trưởng, tổ trưởng tổ dân phố theo kế hoạch tỉnh đã triển khai.

Theo BHT

Link gốc: https://baohatinh.vn/xay-dung-dang/cac-dia-phuong-phai-luon-tao-moi-truong-dien-dan-co-hoi-de-nguoi-dan-phan-bien-gop-y-hien-ke/246048.htm


Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện