Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |    Xây dựng các bảng lương mới áp dụng từ giữa năm 2024   |   

Cán bộ cấp chiến lược phải ở một tầm cao mới

  

00:34 10/05/2018

Đảng ta từ những ngày đầu thành lập cho đến sau này luôn đặc biệt coi trọng vai trò của đội ngũ cán bộ, đặt công tác cán bộ lên vị trí hàng đầu. Tuy nhiên, trước yêu cầu của công cuộc hội nhập và phát triển đất nước, đòi hỏi đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược phải ở một tầm cao mới.

Hội nghị Trung ương 7 đang diễn ra tại Hà Nội bàn nhiều nội dung quan trọng trong đó có vấn đề xây dựng cán bộ cấp chiến lược. Ảnh VOV.

Đội ngũ cán bộ còn nhiều bất cập

Trong bài viết Nhìn lại 20 năm thực hiện “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”, đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn nhiều hạn chế. Đó là đội ngũ trong hệ thống chính trị đông nhưng không mạnh. Chất lượng cán bộ không đồng đều, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ còn xẩy ra ở nhiều nơi. Không ít cán bộ, kể cả cán bộ cấp chiến lược chưa ngang tầm với nhiệm vụ được giao. Trình độ tư duy và khả năng thích ứng với nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế của một bộ phận cán bộ còn chậm; năng lực tham mưu và tổ chức thực hiện còn hạn chế.

Nhiều khuyết điểm, yếu kém trong công tác cán bộ chậm được khắc phục. Cơ chế, phương pháp, quy trình đánh giá bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho từ chức đối với cán bộ chậm đổi mới. Chưa kiên quyết trong xử lý, thiếu quy chế sắp xếp, thay thế những cán bộ yếu kém. Đánh giá, bố trí cán bộ còn biểu hiện thiếu dân chủ. Chưa gắn giữa đào tạo với việc tuyển chọn, quy hoạch, bố trí, sắp xếp cán bộ, dẫn đến tình trạng vừa thiếu, vừa thừa. Chưa khắc phục được triệt để tình trạng cục bộ, khép kín theo địa phương, ban ngành trong công tác cán bộ. Chính sách thu hút nhân tài chưa cụ thể, thiếu sức thu hút. Chính sách cán bộ trong thực hiện còn nhiều điểm bất hợp lý, thiếu công bằng, nhất quán…

Cán bộ phải ngang tầm với nhiệm vụ

Một trong 3 đề án quan trọng sẽ được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 khóa XII tập trung bàn bạc, cho ý kiến, đó là xây dựng đội ngũ các cấp, nhất là cấp chiến lược, làm sao để có được năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ.

Bác Hồ đã từng dạy: Công tác cán bộ là “Cái gốc của mọi công việc, sự nghiệp cách mạng thành công hay thất bại phần lớn là do cán bộ quyết định”. Thực tiễn chỉ ra rằng, trong cùng một điều kiện, hoàn cảnh giống nhau nhưng kết quả mang lại khác nhau. Chính là do đội ngũ cán bộ, mà trước hết là người đứng đầu.


Xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất đóng vai trò then chốt trong việc hoạch định chính sách phát triển KT-XH quê hương, đất nước. Ảnh: Thanh Hải

Trong những năm qua, Trung ương đã có nhiều nghị quyết, bước đi, cách làm bài bản, thận trọng nhưng cũng không kém phần quyết liệt, cụ thể liên quan đến công tác cán bộ. Quá trình xây “lồng cơ chế” để “nhốt quyền lực” như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, Đảng ta đã ban hành hàng loạt quy định về việc luân chuyển cán bộ cấp chủ trì; định ra khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo ở các cấp… Chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng - chính trị, đạo đức - lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; quyết định về phân cấp quản lý, bổ nhiệm cán bộ đến các quy định của Bộ Chính trị.

Trên cơ sở kế thừa, bổ sung và phát triển các quan điểm của Đảng về công tác cán bộ, kinh nghiệm rèn luyện, kiện toàn đội ngũ, đề án xây dựng đội ngũ cán bộ trình Hội nghị Trung ương lần này có nhiều quan điểm mới, toàn diện hơn. Đề án đề xuất xây dựng chiến lược quốc gia về nhân tài; xác định rõ khái niệm, tiêu chí về nhân tài cũng như quan điểm phát triển, việc lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và phát huy những cơ chế, chính sách để nhân tài phát triển, gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược; cơ chế phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ trẻ.

Nhằm quyết tâm chặn đứng các tệ nạn tiêu cực, chống tình trạng chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ, đề án lần này coi việc kiểm soát quyền lực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ là khâu đột phá.

Chưa bao giờ Đảng ta có được trong tay một đội ngũ cán bộ hùng hậu, trong đó có nhiều người tài giỏi, được đào tạo một cách bài bản như hiện nay. Nếu chúng ta biết đánh giá, lựa chọn, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ đúng, đồng thời làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, nhất định sẽ phát huy được sức mạnh toàn bộ hệ thống chính trị, xây dựng Đảng vững mạnh, chính quyền hành động liêm chính, đưa đất nước phát triển lên một tầm cao mới.

Khắc Hiển

Theo Baohatinh.vn



Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện