Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |    Xây dựng các bảng lương mới áp dụng từ giữa năm 2024   |   

Văn phòng Chủ tịch nước công bố 9 Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2018

  

00:24 29/06/2018

Sáng 28/6, tại Phủ Chủ tịch diễn ra buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 Luật, trong đó có Luật quản lý nợ công.

Theo đó, từ ngày 1/7/2018, 9 Luật sẽ có hiệu lực thi hành. Đó là các Luật: Quản lý nợ công; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài; Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Thủy lợi; Luật Đường sắt và Luật Tiếp cận thông tin.

Văn phòng Chủ tịch nước công bố 9 Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2018

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. (Ảnh: TTXVN)

Luật Quản lý nợ công gồm 10 chương, 63 điều. Việc quản lý nợ công theo nguyên tắc nhà nước thống nhất quản lý và giao một cơ quan là Bộ Tài chính chịu trách nhiệm chính. Luật tăng cường thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, tăng thẩm quyền của tập thể, hạn chế quy định thẩm quyền của cá nhân; gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân với trách nhiệm quản lý huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ công.

Một trong những điểm thay đổi quan trọng của Luật là trước đây nhiệm vụ chủ trì, tổ chức, thực hiện vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài… được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nay chuyển về Bộ Tài chính.

Nhằm bảo đảm khả năng trả nợ, quản lý rủi ro đối với nợ công, Luật đưa việc bảo đảm khả năng trả nợ, quản lý rủi ro đối với nợ công về Quỹ tích lũy trả nợ. Quỹ tích lũy trả nợ được lập để đảm bảo nguồn ngoại tệ trả nợ.

Luật bổ sung khái niệm mới về "Ngưỡng cảnh báo nợ công" để cảnh báo khi mức nợ công tiến gần đến mức trần và theo đó thực hiện các biện pháp để xử lý, kiểm soát. Mức ngưỡng nợ công do Quốc hội quyết định trong từng thời kỳ. So với Luật Quản lý nợ công năm 2009, việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ được quy định theo hướng siết chặt đối với từng nhóm đối tượng, bổ sung quy định về quản lý rủi ro bảo lãnh Chính phủ. Việc quản lý nợ chính quyền địa phương được quy định chặt chẽ, xác định rõ trách nhiệm, điều kiện vay và trả nợ của chính quyền địa phương.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài chỉ quy định sửa đổi, bổ sung đối với 11 điều trong số 36 điều của Luật hiện hành, bổ sung quy định làm rõ nhiệm vụ bảo vệ bí mật Nhà nước, bảo đảm an ninh, an toàn đối với thành viên và trụ sở cơ quan đại diện; bổ sung quy định về việc cơ quan đại diện tổng hợp, báo cáo định kỳ hàng năm về hoạt động của các đoàn được cử đi công tác nước ngoài nhằm thể chế hóa Quy chế về thống nhất quản lý các hoạt động đối ngoại do Bộ Chính trị ban hành. Luật quy định về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nhằm thể chế hóa quy định của Hiến pháp 2013.

Luật Cảnh vệ có 6 chương, 33 điều nêu rõ 4 trường hợp cán bộ, chiến sỹ đang thi hành nhiệm vụ được nổ súng. Đó là; Nổ súng trong trường hợp cảnh báo đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ. Nổ súng vào đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn chỉ thiên nhưng không hiệu quả. Nổ súng để vô hiệu hóa đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối với cảnh vệ hoặc cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ đang thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, cán bộ, chiến sĩ Cảnh vệ được nổ súng trong các trường hợp khác theo quy định của luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ gồm 8 chương, 76 điều. Luật bổ sung đối tượng được trang bị vũ khí gồm có cảnh sát biển, cơ yếu, cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ quy định việc trang bị vũ khí cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý.

Về Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) có 9 chương, 78 điều, trong đó, Luật đã mở rộng nguyên tắc giải quyết bồi thường, cho phép người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ngay ra tòa án khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự và thi hành án dân sự; kết hợp giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự tại Tòa án đối với yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự và thi hành án dân sự. Người bị thiệt hại có quyền lựa chọn cơ chế giải quyết bồi thường phù hợp nhưng khi cơ quan giải quyết bồi thường đã thụ lý yêu cầu bồi thường thì người đó không được quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền khác giải quyết bồi thường.

Luật Chuyển giao công nghệ gồm 60 điều, được bố cục thành 6 chương, quy định quản lý chặt chẽ hơn đối với chuyển giao công nghệ không thuộc Danh mục hạn chế, cấm chuyển giao công nghệ. Theo đó, Luật có quy định bắt buộc đăng ký đối với chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài và chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn nhà nước. Bên cạnh đó, Luật bổ sung một loạt biện pháp nhằm tạo cơ chế phát triển nguồn cung, thúc đẩy nguồn cầu và phát triển các tổ chức trung gian của thị trường khoa học công nghệ.

Luật Thủy lợi quy định rõ nguyên tắc trong đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, trong đó, Nhà nước chỉ tập trung đầu tư các công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt, công trình thủy lợi lớn; công trình thủy lợi khó huy động các nguồn lực xã hội; công trình thủy lợi kết hợp phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai; công trình thủy lợi ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bị ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu.

Luật Đường sắt gồm 10 chương, 87 điều, tăng 2 chương, giảm 27 điều so với Luật Đường sắt năm 2005, với đầy đủ các quy định điều chỉnh mọi hoạt động trong lĩnh vực đường sắt, có vai trò quan trọng và tác động rất lớn tới sự phát triển của ngành đường sắt nói riêng và kinh tế- xã hội của Việt Nam nói chung, bổ sung quy định đối với niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt; tuy nhiên sẽ được thực hiện có lộ trình để bảo đảm không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt. Nội dung này giao Chính phủ quy định cụ thể để bảo đảm yêu cầu các phương tiện giao thông đường sắt dần được thay thế nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng và bảo đảm an toàn đường sắt.

Luật Tiếp cận thông tin gồm 5 chương, 37 điều quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước từ cơ quan hành pháp, tư pháp đến cơ quan lập pháp cung cấp thông tin cho công dân; đồng thời quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Điều cần lưu ý, các cơ quan chỉ có trách nhiệm thông tin do mình tạo ra. Đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện khó khăn, để tạo thuận lợi cho công dân trong việc yêu cầu cung cấp thông tin và căn cứ vào thực tiễn nắm giữ thông tin của UBND cấp xã, Luật giao thêm trách nhiệm cho UBND cấp xã thực hiện việc cung cấp các thông tin do mình nhận được từ cơ quan khác.../.

Theo Văn Hiếu/VOV



Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện