Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |    Xây dựng các bảng lương mới áp dụng từ giữa năm 2024   |   

Bác Hồ - Người đã thay đổi đời tôi

  

00:26 18/05/2020

Lời dặn dò, gửi gắm của Bác Hồ đối với thế hệ thanh, thiếu niên trong lần Người về thăm Hà Tĩnh (15/6/1957) đã trở thành động lực phấn đấu trong suốt cuộc đời của y sĩ Nguyễn Huyến (88 tuổi), nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Can Lộc.


Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh

Tôi sung sướng mà mắt cứ nhòe đi

Ông Nguyễn Huyến sinh năm 1932, tại thôn Đại Lự, xã Hồng Lộc (Lộc Hà) trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 1952, ông nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại chiến trường Trung - Thượng Lào. Năm 1954, ông trở về địa phương tham gia công tác đoàn thanh niên với vai trò Ban Chấp hành Đoàn xã kiêm Bí thư Chi đoàn thôn. Ngày 15/6/1957, ông là 1 trong 2 đại biểu ưu tú đại diện cho cán bộ và Nhân dân Hồng Lộc vinh dự được gặp Bác khi Người về thăm Hà Tĩnh.

Ông Nguyễn Huyến kể: “Hôm đó, biết tin được đi gặp Bác, trong lòng tôi bồi hồi, rạo rực. Mới 2h sáng, tôi đã thức dậy chuẩn bị, khoảng 3h thì tôi và ông Hồ Diên (Bí thư Đảng ủy xã Hồng Lộc lúc bấy giờ) đã cùng nhau đi bộ trên quãng đường hơn 20 km. Tôi còn nhớ lúc đó 2 anh em đều đi đôi dép đã sờn cũ, lo đi bộ đường dài bị đứt, chúng tôi bèn bảo nhau cởi dép, vừa đi, vừa chạy. Qua đò Hộ Độ, vào gần đến nơi, chúng tôi mới dám đi dép”.


Ông Nguyễn Huyến, 88 tuổi, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Can Lộc

Ông Huyến nhớ lại, lúc vào gặp Bác ở hội trường, ông ngồi phía sát lối đi, hàng ghế thứ 5. Khi Bác xuất hiện trên sân khấu, cả hội trường vỡ òa đứng dậy.

“Lần đầu tiên được thấy lãnh tụ bằng xương bằng thịt, tôi cũng như mọi người đều sung sướng mà mắt cứ nhòe đi. Chúng tôi gọi tên Người trong sự xúc động vô bờ. Suốt cả buổi, chúng tôi lắng nghe lời Bác như nuốt từng lời. Khi đang nghĩ được nhìn thấy Bác đã thỏa nguyện rồi thì bất ngờ cuối buổi, Người đi xuống hỏi han một số đồng chí rồi bắt tay những người xung quanh. Trong hàng chục cánh tay giơ lên, tôi nhoài người lên đưa tay theo. Bỗng Bác nhìn về phía tôi, rồi bắt tay thật nhanh nhưng cũng thật chặt trong nụ cười và ánh mắt hiền từ. Giây phút ấy, tôi cảm giác sung sướng như có một luồng năng lượng ấm nóng truyền qua mình”.


Ao sen nơi Bác Hồ dừng chân nói chuyện với cán bộ và Nhân dân Hà Tĩnh (15/6/1957) hiện vẫn còn được bảo tồn tại Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh.

Cũng trong lần gặp Bác duy nhất đó, ông Huyến nhớ mãi và suy nghĩ về lời dặn của Người. “Tôi nhớ Bác nói rằng: Đất nước có thay đổi được hay không là phụ thuộc vào thế hệ thanh, thiếu niên… Các cháu phải làm sao để đời sống Nhân dân được thay đổi, được nâng lên. Vì vậy, cuối năm 1957, khi được đề cử đi học khóa Y dược tại Trường Trung cấp Y Nam Định, tôi đã nắm bắt cơ hội để được cống hiến”.

Kỳ tích trạm y tế điển hình toàn miền Bắc

Sau 3 năm nỗ lực học tập, ông Nguyễn Huyến tốt nghiệp, trở thành y sĩ đa khoa. Năm 1961, ông được điều về làm Trạm trưởng Trạm Y tế Hồng Lộc khi trạm vừa thành lập.

Tại đây, trong suốt 10 năm liền (1961-1970), trong vai trò Trạm trưởng, ông Huyến đã đưa một trạm y tế tuyến xã trở thành đơn vị điển hình tiên tiến duy nhất của Hà Tĩnh tham dự Đại hội ngành y tế toàn miền Bắc, trở thành lá cờ đầu ngành y toàn miền Bắc giai đoạn 1965-1970 và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba (1968).

Đặc biệt, ngày 24/11/1969, Trạm Y tế xã Hồng Lộc được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Văn Hưởng cùng Thứ trưởng Bộ Y tế Đinh Thị Cẩn về tham quan. Bộ trưởng hết lời khen ngợi vườn thuốc nam và những phương pháp, bài thuốc chữa bệnh kết hợp giữa Đông - Tây y của trạm. Trong đó, bài thuốc nam chữa sốt xuất huyết do trạm sáng chế trở thành phương pháp Đông y chữa sốt xuất huyết hiệu quả đầu tiên toàn miền Bắc.

Ông Huyến kể: “Lúc đó, vườn dược liệu của Trạm Y tế Hồng Lộc trồng đầy đủ các vị thuốc nam, mỗi năm thu hoạch hàng tấn thuốc, đặc biệt là trồng cây sâm di thực (sâm cau) cho hiệu quả cao. Những sản phẩm thuốc nam này lúc đó không chỉ phục vụ tại trạm y tế xã mà còn gửi ra chiến trường”.


Bức ảnh tư liệu do Bộ VH-TT&DL chụp ông Nguyễn Huyến đang khám bệnh tại Trạm Y tế xã Hồng Lộc, tháng 11/1969.

Giai đoạn từ năm 1961-1975, đặc biệt những năm 1968-1969, khi đế quốc Mỹ leo thang ra miền Bắc, đánh phá ác liệt ở Ngã ba Đồng Lộc, Trạm Y tế Hồng Lộc trở thành đơn vị y tế trọng điểm của vùng hạ Can Lộc. Nơi đây thường xuyên nhận hàng trăm ca cấp cứu, điều trị cho bà con Nhân dân, kết hợp với phân y viện điều trị cho bộ đội ở chiến trường Vĩnh Linh (Quảng Trị) tập kết.

Bà Nguyễn Thị Ất (76 tuổi) nguyên là y tá của Trạm Y tế Hồng Lộc nhớ lại: “Dù chỉ là y sĩ trạm xá tuyến xã nhưng ông Huyến đã trực tiếp cấp cứu thành công hàng trăm ca bệnh nguy hiểm như: bị bom sát thương phải cắt chân, cắt u thịt thừa, bị tràn dịch màng phổi… Tôi nhớ mãi ca một bệnh nhân bị u phổi. Lúc đó, bụng bệnh nhân phình to, khu vực phổi sau lưng cương lên, đau đớn không đứng, không nằm được. Ông Huyến đã mạnh dạn cam đoan với người nhà sẽ chữa khỏi. Ông dùng bơm kim tiêm cỡ đại, chọc trực tiếp từ sau lưng bệnh nhân, hút mủ dịch từ trong phổi ra ngoài”.

“Đó là ông Phạm Bá Đỉnh, người thôn Trung Sơn, hiện nay đã 70 tuổi, đang sinh sống ở Bến Cát (Bình Dương). Dịp tết nào cũng bảo con cháu gửi quà mừng tuổi tôi” - ông Huyến vui vẻ cho biết.


Những phần thưởng cao quý Nhà nước tặng ông Nguyễn Huyến.

Với những kết quả đạt được, 9 năm liền (1961-1969), ông Nguyễn Huyến được Nhà nước trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua và Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Ông liên tục được mời đi báo cáo điển hình ở nhiều đơn vị tại Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An… Năm 1972, ông được chuyển về làm cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy Can Lộc. Từ năm 1979 - 1992, ông được điều sang làm Bí thư Đảng ủy kiêm Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Can Lộc, sau đó nghỉ hưu.

Dù nghỉ hưu nhưng trong suốt gần 30 năm qua, ông Huyến vẫn miệt mài trao truyền y đức cho thế hệ trẻ và con cháu. Người con thứ 2 của ông hiện là Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lộc Hà - bác sĩ Nguyễn Trọng Quân.

Những ngày tháng 5 này, vừa hồi phục sau một cơn bạo bệnh, ông Huyến lại bồi hồi khi nhớ về lần duy nhất gặp Bác Hồ. Ông luôn biết ơn Bác - vì Người đã làm thay đổi cuộc đời của người đoàn viên nông dân Nguyễn Huyến.

Theo Baohatinh.vn


Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện