Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |    Xây dựng các bảng lương mới áp dụng từ giữa năm 2024   |   

Công điện khẩn của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng

  

03:47 30/06/2020

Ngày 30/6/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Công điện số 13/CĐ-UBND gửi Thủ trưởng các Sở, ngành: NN&PTNT, Công Thương, KH&ĐT, Tài chính, TT&TT; Công an tỉnh, Bộ CHQS, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Đài phát thanh truyền hình tỉnh và Báo Hà Tĩnh. Nội dung công điện như sau:


Một vụ cháy rừng vừa xảy ra trên dãy núi Mồng Gà thuộc địa phận xã Sơn Long (Hương Sơn, Hà Tĩnh) vào chiều 29/6. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Hiện nay, nắng nóng gay gắt đang diễn ra trên diện rộng, nhiệt độ luôn ở mức cao (từ 39 - 41 độ C), hầu hết các khu rừng trên địa bàn toàn tỉnh đang ở cấp cảnh báo cháy rừng Cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm); trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 14 điểm phát lửa, trong đó có 02 điểm cháy rừng, gây thiệt hại 1,25ha rừng. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, thời gian tới nắng nóng gay gắt sẽ tiếp tục diễn ra trên địa bàn, để chủ động thực hiện tốt Chỉ thị số 45-CT/TU ngày 24/6/2020 của Tỉnh ủy về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã
- Chỉ đạo UBND các xã, các ngành chức năng, chủ rừng thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, giám sát phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương, đơn vị coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.
- Tăng cường lực lượng trực gác phát hiện sớm lửa rừng đảm bảo 24/24 giờ trong suốt thời gian cao điểm nắng nóng; duy trì việc tuần tra, canh gác, chốt chặn, kiểm soát người ra, vào các khu vực rừng trọng điểm dễ cháy; chủ động “4 tại chỗ” sẵn sàng ứng cứu kịp thời các vụ cháy rừng khi mới phát sinh.
- Đẩy mạnh công tác tuyên tuyền phổ biến, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; thông báo cấp cảnh báo cháy rừng liên tục hàng ngày và các hành vi nghiêm cấm việc dùng lửa trong và ven rừng (xử lý thực bì bằng lửa, đốt ong, đốt hương khu vực nghĩa trang, đốt bờ ruộng,…) trong thời gian cao điểm nắng nóng, cấp dự báo cháy rừng từ Cấp (IV – V), để mọi người dân biết, phòng ngừa.
- Đối với các khu vực rừng gần khu dân cư, kho tàng, nhà máy, xí nghiệp  phải xây dựng các phương án ứng phó và chủ động sẵn sàng thực hiện sơ tán dân và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm khi xảy ra đám cháy, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân, Nhà nước và doanh nghiệp.
- Sau các vụ cháy rừng xẩy ra phải chỉ đạo điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy rừng để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật và trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng.
- Khi có cháy rừng xảy ra yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện báo cáo ngay cho Văn phòng Ban Chỉ đạo tỉnh theo số điện thoại: 0913 310 611; 0912 230 073; 02393 855 571 để phối hợp chỉ đạo và huy động lực lượng ứng cứu kịp thời khi cần thiết.

2. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm (Văn phòng Ban Chỉ đạo tỉnh) thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, dự báo, cảnh báo cấp dự báo cháy rừng hàng ngày để phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông tổ chức tuyên truyền đến mọi người dân khi cấp dự báo cháy rừng đến Cấp IV và Cấp V. Bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin tình hình cháy rừng tại các địa phương, đơn vị, báo cáo kịp thời, tham mưu cho Ban Chỉ đạo tỉnh huy động lực lượng, phương tiện ứng cứu chữa cháy rừng.
- Phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương, đơn vị; xử lý, hoặc tham mưu UBND tỉnh xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm để xẩy ra cháy rừng trên địa bàn.

3. Giám đốc Sở Công thương chỉ đạo Công ty Điện lực Hà Tĩnh và các đơn vị truyền tải điện phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hệ thống truyền tải điện trên địa bàn quản lý, nhất là đối với hệ thống truyền tải đi qua các khu rừng trọng điểm dễ cháy, kiên quyết không để xảy ra sự cố về hệ thống truyền tải, cung cấp điện phục vụ sản xuất và đời sống của người dân.

4. Thủ trưởng các đơn vị Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng: chủ động sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tham gia chữa cháy rừng theo Phương án số 176/PA-UBND ngày 19/5/2020 của UBND tỉnh; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư kịp thời ứng cứu các tình huống khẩn cấp về cháy rừng khi có yêu cầu của địa phương; chủ động đề xuất Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, phối hợp với Quân khu 4 và lực lượng chức năng của các tỉnh trong khu vực để hỗ trợ trong các trường hợp cần thiết, đặc biệt nghiêm trọng. Đồng thời, Công an tỉnh chỉ đạo các phòng, đơn vị trực phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ, truy tìm thủ phạm gây cháy rừng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

5. Giám đốc các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính: soát xét, tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, cân đối, bố trí kinh phí đảm bảo để thực hiện công tác PCCCR trên địa bàn, nhất là kinh phí phục vụ cho hoạt động của Ban Chỉ đạo, Văn phòng Ban Chỉ đạo tỉnh và kinh phí phục vụ cho công tác chữa cháy rừng.

6. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh tăng cường thời lượng tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy rừng; kịp thời đưa tin cảnh báo, cấp dự báo cháy rừng trong thời gian cao điểm nắng nóng để người dân biết, chủ động, phòng ngừa.

7. Các thành viên Ban Chỉ đạo về Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao, bám sát địa bàn được phân công, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng của địa phương, đơn vị; tổng hợp, báo cáo kết quả và tham mưu kịp thời cho Trưởng Ban chỉ đạo tỉnh xử lý các trường hợp khẩn cấp theo quy định.
Giao Văn phòng Ban Chỉ đạo tỉnh theo dõi, căn cứ kết quả thực hiện nhiệm vụ, tham mưu đề xuất UBND tỉnh, cấp có thẩm quyền khen thưởng, biểu dương kịp thời đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; kiên quyết xử lý kỷ luật đối với những tập thể, cá nhân thiếu tinh thần, trách nhiệm để xảy ra cháy rừng trên địa bàn quản lý./.

BBT




Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện