Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |    Xây dựng các bảng lương mới áp dụng từ giữa năm 2024   |   

Công điện khẩn của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tập trung ứng phó với Áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên biển Đông và tình hình mưa, lũ trên địa bàn tỉnh

  

08:47 16/10/2020

Từ ngày 16/10 - 21/10/2020, do ảnh hưởng không khí lạnh kết hợp với rìa Bắc dãi hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Trung Bộ nối với áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và đi vào Trung Bộ nên trên địa bàn toàn tỉnh sẽ có mưa to đến rất to, có ngày mưa đặc biệt to và dông, với tổng lượng mưa phổ biến 400 - 600mm/đợt, có nơi trên 900mm. Để chủ động ứng phó với diễn biến thiên tai hết sức phức tạp trong thời gian tới. Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Công điện khẩn số 24/CĐ-UBND ngày 16/10/2020 về việc tập trung ứng phó.

Theo tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia vào Hồi 07 giờ ngày 16/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc, 112,3 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Định khoảng 360km về phía Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8; dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được từ 25-30km, đến 19 giờ ngày 16/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 109,2 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Định. Trong 12 đến 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ rồi suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào.

Từ ngày hôm nay (16/10) đến ngày 21/10/2020, do ảnh hưởng không khí lạnh kết hợp với rìa Bắc dãi hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Trung Bộ nối với áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và đi vào Trung Bộ nên trên địa bàn toàn tỉnh sẽ có mưa to đến rất to, có ngày mưa đặc biệt to và dông, với tổng lượng mưa phổ biến 400 - 600mm/đợt, có nơi trên 900mm.

Thực hiện Công điện số 26/CĐ-TW ngày 15/10/2020 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - Văn phòng

Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN. Để chủ động ứng phó với diễn biến thiên tai hết sức phức tạp trong thời gian tới. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương thực hiện ngay một số nhiệm vụ sau:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã:

1.1. Thời gian qua, mưa kéo dài trong nhiều ngày, đất đã bão hòa nước nên rất dễ bị sạt lở; theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh từ ngày 16/10 đến ngày 21/10/2020 trên các sông khu vực Hà Tĩnh xuất hiện một đợt lũ với biên độ ở thượng lưu từ 6-11m, hạ lưu từ 3-5m, nguy cơ xuất hiện lũ đặc biệt lớn; yêu cầu các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát kỹ ngay tất cả các vị trí có nguy cơ cao về sạt lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt sâu để kịp thời thông báo cho người dân chủ động, phòng tránh có hiệu quả. Tổ chức rà soát các hộ dân, số điện thoại chủ hộ nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra ngập lũ, lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng liên lạc, ứng cứu nếu có thiên tai xảy ra, đặc biệt lưu ý đối với các xã Sơn Hồng, Sơn Kim 1, Sơn Kim 2 (huyện Hương Sơn); xã Kỳ Lâm, Kỳ Thượng, Kỳ Sơn (huyện Kỳ Anh); xã Xuân Lam (huyện Nghi Xuân). Phân công cán bộ theo dõi cụ thể các vùng có nguy cơ cao về thiên tai, chủ động triển khai các phương án ứng phó phù hợp; đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng cho người dân, không để người dân bị đói, rét, không có chỗ ở khi có tình huống xảy ra.

1.2. Chuẩn bị phương án dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu để ứng phó với thiên tai, đặc biệt là ứng phó với thời gian ngập lụt kéo dài đến sau ngày 21/10/2020.

1.3. Chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến giao thông trọng điểm, các tuyến đường đang thi công dang dở, đề phòng mưa lớn gây sạt lở, làm ách tắc giao thông; cử người trực và hướng dẫn giao thông tại các khu vực xung yếu, như: Ngầm qua suối, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc… nghiêm cấm vớt củi, đánh bắt cá ở những khu vực lũ nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho người dân; tránh lơ là, chủ quan trong mưa, lũ để xảy ra những tai nạn chết người do bất cẩn. Căn cứ tình hình mưa lũ xảy ra trên địa bàn, chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

1.4. Tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai các phương án đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ đập; đặc biệt là các hồ chứa vừa và nhỏ đã xuống cấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, các hồ chứa đã đầy hoặc gần đầy nước, các hồ chứa đang thi công, sửa chữa và các tuyến đê xung yếu, đê, cống qua đê đang thi công. Yêu cầu chủ tịch UBND cấp huyện, các xã có công trình hồ đập và đê điều phải tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố (nếu có) ngay từ giờ đầu; chuẩn bị đầy đủ, vật tư, phương tiện, nhân lực để xử lý khi có tình huống xấu xảy ra, đặc biệt tại các vị trí xung yếu.

2. Giám đốc các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh:

2.1. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp với Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển và UBND các huyện, thành phố, thị xã ven biển theo dõi chặt chẽ diễn biến của Áp thấp nhiệt đới, thông báo cho chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của

Áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Tổ chức theo dõi, kiểm soát các tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu, thuyền; hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền tại các bến, các khu vực cửa sông khi có Áp thấp nhiệt đới, mưa lũ lớn để đảm bảo an toàn.

2.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tổ chức kiểm tra, rà soát các công trình đê điều, hồ đập trên địa bàn tỉnh; trường hợp cần thiết cử các cán bộ kỹ thuật trực tiếp xuống địa phương để hỗ trợ, hướng dẫn triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình. Trực tiếp tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chỉ đạo vận hành, điều tiết xả lũ các hồ chứa trọng điểm để đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du.

2.2. Sở Công Thương: Tổ chức kiểm tra, chỉ đạo công tác vận hành, xả lũ của các Nhà máy thủy điện trên địa bàn, trong đó đặc biệt lưu ý việc vận hành xả lũ của Nhà máy thủy điện Hố Hô; yêu cầu phải điều tiết xả lũ cho phù hợp, vừa đảm bảo an toàn cho công trình, vừa an toàn cho Nhân dân vùng hạ du. Chuẩn bị đầy đủ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm thiết yếu để hỗ trợ các địa phương khi có lệnh; có phương án đảm bảo an toàn hệ thống điện, duy trì nguồn điện phục vụ tiêu úng, vận hành tràn xả lũ của các hồ chứa.

2.3. Sở Giao thông vận tải sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo giao thông trên các trục giao thông chính, chuẩn bị phương tiện, vật tư để khắc phục các sự cố sạt lở khi mưa lũ gây ra; đặc biệt chú trọng hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện ở các tuyến đường đang thi công dang dở, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị ngập thuộc phạm vi quản lý; đồng thời chỉ đạo các địa phương để chủ động triển khai ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra.

2.4. Bản Quản lý Khu kinh tế tỉnh: Tổ chức phân công chỉ huy, điều hành triển khai các phương án đối phó với thiên tai, bão, lũ đến tận các đơn vị thuộc địa bàn Khu Kinh tế nhằm đảm bảo an toàn cho lực lượng lao động, phương tiện trên công trường và cơ sở hạ tầng, tài sản trên địa bàn Khu kinh tế; nắm chắc tình hình và phối hợp với các lực lượng của tỉnh và địa phương để chủ động triển khai ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra.

2.5. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh,

Công an tỉnh sẵn sàng lực lượng, phương tiện chủ động chi viện cho các địa phương trong việc sơ tán dân, ứng phó bảo vệ đê điều, hồ đập và công trình xung yếu, đảm bảo an ninh trật tự và chủ động triển khai phương án ứng phó với thiên tai. Theo dõi diễn biến của thiên tai, tổ chức lập các Sở chỉ huy tại các địa phương có khu vực xung yếu, trọng điểm bão, lũ, sạt lở đất để chủ động sẵn sàng ứng cứu.

2.6. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo Viễn Thông tỉnh, Bưu Điện tỉnh, Viettel Hà Tĩnh chủ động các phương án đảm bảo thông tin liên lạc, phục vụ tốt công tác chỉ huy, điều hành trong mưa lũ; có các phương án dự phòng, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mưa lũ xảy ra. Đồng thời có các biện pháp để truyền các thông tin quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới người dân qua hệ thống tin nhắn của điện thoại di động.

2.7. Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh cập nhật tình hình mưa, lũ và phối hợp với Đài Phát thanh truyền hình, Báo Hà Tĩnh kịp thời đưa tin về diễn biến của thiên tai cho các cấp, các ngành và nhân dân biết để chủ động phòng tránh có hiệu quả.

2.8. Các sở, ngành, tổ chức, đoàn thể cấp tỉnh theo chức năng nhiệm vụ của mình chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai các biện pháp ứng phó với thiên tai một cách có hiệu quả.

3. Các Chủ đầu tư, các Ban Quản lý dự án chỉ đạo các Nhà thầu đang thi công các công trình phải huy động lực lượng, xe máy tập trung thường trực tại hiện trường 24/24h để chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện và công trình; đặc biệt là đối với các khu vực trọng điểm như: Khu kinh tế Vũng Áng, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và các công trình giao thông, thủy lợi, đê điều và Phòng chống thiên tai đang thi công dở dang.

4. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các công trình trọng điểm: Hồ Kẻ Gỗ - Bộc Nguyên; Sông Rác - Kim Sơn - thượng Sông Trí, đê La Giang, Khu kinh tế Vũng Áng, Nhà máy Thủy điện Hố Hô, Nhà máy Thủy điện Hương Sơn, công trình Ngàn Trươi - Cẩm Trang theo chức năng nhiệm vụ chủ động triển khai các phương án được duyệt đảm bảo an toàn cho công trình; đối với các công trình hồ chứa (thủy lợi, thủy điện) yêu cầu các chủ đập cần theo dõi diễn biến mưa lũ, cân đối nguồn nước và chủ động xả sớm để đón lũ, vừa đảm bảo an toàn công trình, hạn chế đến mức tối đa thiệt hại vùng hạ du.

5. Đề nghị các Đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tại các địa phương theo phân công của UBND tỉnh tại các Quyết định số 827/QĐ-UBND ngày 12/3/2020, Quyết định số 1581/QĐ-UBND ngày 22/5/2020 ngay từ ngày 17/10/2020 xuống cơ sở để kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai các giải pháp ứng phó với tình hình mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất. 

6. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh, các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến huyện, xã, phường, thị trấn thường xuyên thông báo diễn biến của Áp thấp nhiệt đới, mưa, lũ và các chỉ đạo của các cơ quan chức năng để các tổ chức, cá nhân toàn tỉnh biết chủ động phòng tránh.

7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các Tổ chức đoàn thể các cấp chỉ đạo, vận động các Hội viên, Đoàn viên tích cực chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với diễn biến của thiên tai trong thời gian tới.

8. Tổ chức lực lượng trực ban 24/24h tại các cơ quan, đơn vị để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra, kịp thời báo cáo về UBND tỉnh và Ban  Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để chỉ đạo./. 



Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện