Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |    Xây dựng các bảng lương mới áp dụng từ giữa năm 2024   |   

Đại dịch Covid-19 đẩy Mỹ Latinh chìm sâu hơn vào tình trạng nợ nần

  

07:33 12/03/2021

Theo báo cáo, Mỹ Latinh và Caribe trong năm 2020 là khu vực mắc nợ nhiều nhất trong số các nước đang phát triển, khiến khả năng phục hồi kinh tế của các quốc gia trong khu vực gặp trở ngại lớn.


Thủ đô Santiago, Chile. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 11/3, Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) của Liên hợp quốc mới đây đưa ra báo cáo, trong đó cho thấy đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã buộc các nước Mỹ Latinh và Caribe phải mở rộng nhu cầu tài chính nhằm đối mặt với tình trạng khẩn cấp về y tế, qua đó đưa mức nợ của khu vực tăng từ tương đương 68,9% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2019 lên 79,3% GDP vào năm 2020.

Theo báo cáo, Mỹ Latinh và Caribe trong năm 2020 là khu vực mắc nợ nhiều nhất trong số các nước đang phát triển, khiến khả năng phục hồi kinh tế của các quốc gia trong khu vực gặp trở ngại lớn.

Thâm hụt tài khoản vãng lai đã tăng từ tương đương 1,4% GDP năm 2019 lên 4,5% GDP vào năm 2020 ở khu vực Trung Mỹ và từ 4,8% GDP lên 17,2% GDP ở vùng Caribe.

Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại khu vực này suy giảm từ 45% đến 55% trong năm 2020 xuống mức thấp nhất trên phạm vi toàn cầu.

Thư ký điều hành của CEPAL Alicia Barcena cho biết, chênh lệch tài chính khu vực công ngày càng trầm trọng hơn do nhu cầu hỗ trợ cán cân thanh toán tăng cao, đặc biệt là ở các nền kinh tế nhỏ trong khu vực.

Điều này là do chuỗi cung ứng bị gián đoạn, cùng với đó là hoạt động xuất khẩu và du lịch sụt giảm mạnh.

Theo phân tích của CEPAL, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến tháng 1/2021, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã phân bổ khoảng 66,5 tỷ USD cho 21 quốc gia Mỹ Latinh, chiếm 63% tổng số vốn giải ngân dành cho 85 nền kinh tế đang phát triển.

Tuy nhiên, các nguồn lực này chỉ đáp ứng lần lượt 32,3% và 23,1% nhu cầu tài chính bên trong và bên ngoài của các nước Mỹ Latinh và Caribe vào năm 2020.

Thêm vào đó, số tín dụng này không mang lại lợi ích như nhau cho tất cả các quốc gia. Những nước có nền tảng kinh tế vững chắc, chẳng hạn như Chile, Colombia và Peru, có thể tiếp cận nguồn tài chính mà không có hạn ngạch.

Trong khi đó, đây không phải là một lựa chọn khả thi dành cho hầu hết các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là các quốc đảo nhỏ của vùng Caribe.

Trong số các giải pháp được CEPAL đưa ra, tổ chức này đề xuất áp dụng các biện pháp duy trì thu nhập tạm thời đặc biệt nhằm hỗ trợ tiêu dùng cho các cá nhân và hộ gia đình, nhất là những người thuộc nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất.

Ngoài ra, CEPAL đề nghị phân bổ lại Quyền rút vốn đặc biệt của IMF từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển, đồng thời tăng khả năng giải ngân và cho vay vốn của các tổ chức tài chính khu vực.

Cơ quan này tin rằng cần phải đẩy mạnh Sáng kiến đình chỉ dịch vụ nợ (DSSI) của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và đang nổi hàng đầu thế giới (G20), đồng thời thúc đẩy các biện pháp giảm nợ gắn với chiến lược hỗ trợ phát triển.

Theo TTXVN/Vietnam+


Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện