Lấy ý kiến dự thảo quyết định của UBND tỉnh về ủy quyền giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng theo quy định tại QĐ số 62/2011/QĐ-TTg   |    Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |   

Quy hoạch tỉnh - hiện thực hóa tiềm năng và khát vọng của Hà Tĩnh

  

08:40 06/05/2023

Xác định tầm nhìn, mục tiêu phát triển

Ngày 8/11/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1363/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh). Đây là dấu mốc có ý nghĩa đặc biệt với chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh bởi quy hoạch được phê duyệt là cơ sở pháp lý, động lực thúc đẩy tỉnh khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, khâu đột phá mà các nghị quyết đã đề ra.


Mục tiêu quy hoạch đặt ra là phấn đấu đến năm 2030, Hà Tĩnh trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn cao nhất cả nước. Ảnh: Đình Nhất.

Theo Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Việt Hà, quy hoạch khẳng định khát vọng, tầm nhìn, chỉ ra các động lực phát triển của tỉnh. Quy hoạch được xây dựng đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khoa học, đa chiều, đa lĩnh vực, mở cánh cửa đưa Hà Tĩnh phát triển trong thời kỳ mới với những mục tiêu cao hơn, toàn diện và có tính bao quát hơn.

Mục tiêu mà quy hoạch đặt ra là xây dựng tỉnh Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn cao nhất cả nước; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, QP-AN, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại ổn định, bền vững. Và đến năm 2050, Hà Tĩnh là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững, trở thành một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước.

Để thực hiện mục tiêu, quy hoạch vạch rõ những định hướng lớn tạo đột phá phát triển với 4 ngành kinh tế trọng điểm, gồm công nghiệp luyện thép, chế tạo sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ, logistics; du lịch.


Khu kinh tế Vũng Áng với hạt nhân là nhà máy thép Formosa, cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương được xác định là trung tâm động lực tăng trưởng của tỉnh.

Quy hoạch định hướng 3 trung tâm đô thị đó là: trung tâm đô thị xung quanh TP Hà Tĩnh, trong đó TP Hà Tĩnh là hạt nhân và các đô thị vệ tinh kết nối TP Hà Tĩnh; trung tâm đô thị phía Bắc là TX Hồng Lĩnh gắn với thị trấn Tiên Điền, thị trấn Xuân An, đô thị mới Nghi Xuân và vùng phụ cận; trung tâm đô thị phía Nam với hạt nhân là TX Kỳ Anh gắn với Khu kinh tế Vũng Áng và các vùng phụ cận.

3 hành lang kinh tế gồm hành lang kinh tế đồng bằng ven biển cùng với quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam và quốc lộ ven biển; hành lang kinh tế dọc quốc lộ 8 từ TX Hồng Lĩnh đến Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; hành lang kinh tế trung du và miền núi phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh.

Quy hoạch cũng xác định 4 nền tảng chính để thực hiện các mục tiêu là nguồn lực và văn hóa con người Hà Tĩnh; chuyển đổi số; cơ sở hạ tầng đồng bộ; đổi mới và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh hiện đại và minh bạch. Khu kinh tế Vũng Áng với hạt nhân là nhà máy thép Formosa, cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương được xác định là trung tâm động lực tăng trưởng của tỉnh.


Quy hoạch tỉnh xác định công nghiệp luyện thép, chế tạo sau thép và sản xuất điện là 1 trong 4 ngành kinh tế trọng điểm.

Cùng với chiến lược phát triển toàn diện, Quy hoạch tỉnh cũng hoạch định phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng mang tính đột phá; định hướng phát triển không gian lãnh thổ, phát triển kết cấu hạ tầng; xây dựng danh mục các dự án ưu tiên đầu tư…

Nỗ lực hiện thực hóa quy hoạch

Được quy hoạch định hướng là đô thị hạt nhân của một trong 3 trung tâm đô thị, TP Hà Tĩnh đã xác định các nhiệm vụ then chốt cần tập trung triển khai. Ông Nguyễn Duy Đức - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh cho biết: Sau khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt, thành phố đã phối hợp các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch chung thành phố và vùng phụ cận gắn với việc mở rộng không gian đô thị thành phố; triển khai trình tự các bước lập điều chỉnh các quy hoạch phân khu cho từng phường, xã trên để phù hợp với Quy hoạch tỉnh.


TP Hà Tĩnh đang triển khai nhiều dự án đường giao thông chiến lược kết nối liên vùng. Trong ảnh: Thi công xây dựng dự án đường vành đai phía Đông.

Hiện nay, thành phố đã được UBND tỉnh phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển TP Hà Tĩnh có quy mô phù hợp, hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh, phấn đấu trở thành một trong những đô thị trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, thành phố đang xúc tiến và triển khai nhiều dự án trọng điểm như: dự án hạ tầng ưu tiên phát triển đô thị, thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng nguồn vốn ADB; các dự án đường giao thông chiến lược kết nối liên vùng (dự án đường vành đai phía Đông, đường Xuân Diệu kéo dài, đường Nguyễn Du kéo dài, đường Ngô Quyền kéo dài về phía Tây kết nối với đường cao tốc Bắc Nam…). Thành phố cũng đang phối hợp các sở, ngành đề xuất đầu tư tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh kéo dài về phía Đông, làm tiền đề cho việc định hình thành phố biển trong tương lai…

Bám sát những định hướng phát triển của ngành công nghiệp, dịch vụ theo Quy hoạch tỉnh, Sở Công thương cũng bắt tay triển khai hiện thực hóa các mục tiêu quy hoạch. Theo ông Hoàng Văn Quảng - Giám đốc Sở Công thương, đơn vị đã tổ chức hội nghị phổ biến chính sách hỗ trợ, phương án phát triển cụm công nghiệp được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh cho các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm có lợi thế của ngành như thép, sản phẩm từ thép, dệt may, sản xuất điện…; tăng cường thu hút các dự án đầu tư lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, các dự án sản xuất điện; thu hút đầu tư hạ tầng, dự án vào các cụm công nghiệp.


Ngành công thương tập trung đẩy mạnh phát triển các sản phẩm có lợi thế của ngành như thép, sản phẩm từ thép, dệt may, bao bì...

Trong lĩnh vực dịch vụ - thương mại, dịch vụ logistics, Sở Công thương đang tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; phát triển thương mại điện tử; xây dựng đồng bộ mạng lưới bán buôn, bán lẻ, hạ tầng thương mại; nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển thị trường xuất khẩu; triển khai đề án đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gắn với phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2021-2025…

Là cơ quan thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý về quy hoạch, kế hoạch và đầu tư phát triển, Sở KH&ĐT đã kịp thời triển khai các nhiệm vụ, từng bước triển khai thực hiện quy hoạch.

Ông Trần Việt Hà - Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, sau khi quy hoạch được phê duyệt, tỉnh đã thực hiện công tác tuyên truyền, đăng tải nội dung quy hoạch trên các phương tiện thông tin đại chúng để cộng đồng doanh nghiệp, toàn thể Nhân dân biết các nội dung cơ bản, cốt lõi của quy hoạch. Song song đó, xây dựng kế hoạch triển khai để bảo đảm sự đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cấp, ngành; chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh bổ sung, lập mới các quy hoạch liên quan và cụ thể hóa các nội dung Quy hoạch tỉnh vào chương trình phát triển KT-XH năm 2023; tập trung thu hút đầu tư các dự án theo định hướng quy hoạch đề ra. Đặc biệt, Sở KH&ĐT cùng các đơn vị đang tập trung công tác chuẩn bị để tổ chức lễ công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư vào cuối tháng 5 này.

Đường lớn đã mở. Sự chủ động vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương đã thể hiện sự thống nhất trong ý chí và quyết tâm hành động nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch. Với tinh thần quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, Hà Tĩnh sẽ từng bước hiện thực hóa quy hoạch, tạo những đột phá trong thời kỳ phát triển mới.

Theo Baohatinh

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện