Bưu điện Việt Nam khai trương Trung tâm Vận chuyển và Kho vận khu vực phía Bắc
Tổng Giám đốc Bưu điện Việt Nam Chu Quang Hào và khách mời tham quan hệ thống dây chuyền chia chọn tự động ứng dụng công nghệ Cross Belt
Với diện tích tổng thể hơn 42.000m2 và 28.000m2 cho khu vực chia chọn, Trung tâm Vận chuyển và Kho vận khu vực phía Bắc đặt tại Mê Linh (Hà Nội) đảm nhận khai thác, kết nối vận chuyển, lưu thông hàng hóa và trao đổi các chuyến thư quốc tế cho 21 tỉnh, thành phía Bắc. Đây cũng là hạ tầng đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ Logistics, E-Commerce tại khu vực thành phố Hà Nội, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của Vietnam Post và yêu cầu đa dạng của khách hàng trong bối cảnh thương mại điện tử đang ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Tại Trung tâm, Vietnam Post đã lắp đặt hệ thống dây chuyền chia chọn tự động ứng dụng công nghệ Cross Belt với công suất trên 24.000 bưu kiện/giờ. Bên cạnh đó, hệ thống đã tích hợp và đưa nền tảng số Make in Viet Nam do chính Bưu điện Việt Nam nghiên cứu, phát triển và ứng dụng thực tế. Trong đó nổi bật nhất là nền tảng Địa chỉ số gắn với bản đồ số Vmap - đây là 1 trong 35 nền tảng chuyển đổi số Quốc gia đã được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố.
Chia chọn tự động hóa hàng hóa tại Trung tâm
Toàn bộ quy trình chia chọn hàng hóa tại Trung tâm đều tự động hóa, được kiểm soát bằng mã vạch. Với ứng dụng trí tuệ nhân tạo, cùng khả năng thu nhận thông tin và phân tích hình ảnh bưu gửi, hệ thống cho phép chia chọn bưu kiện tốc độ cao, chính xác 100% theo gần 300 hướng đến tận cấp huyện và cấp xã. Qua đó giúp Bưu điện Việt Nam nâng cao năng suất, chất lượng dịch vụ, rút ngắn 70% thời giao nhận khai thác hàng hóa, nâng cao trải nghiệm và hiệu quả hoạt động của khách hàng, đặc biệt là doanh nghiệp thương mại điện tử.
Trung tâm Vận chuyển và Kho vận khu vực phía Bắc đi vào hoạt động sẽ là mảnh ghép hoàn chỉnh để Bưu điện Việt Nam kiện toàn, hiện đại hóa nền tảng hạ tầng tổ chức sản xuất theo hướng tự động hóa trên toàn mạng lưới.
Cùng với 6 HUB trung tâm khai thác vùng được đầu tư bài bản, ứng dụng công nghệ hiện đại gồm: Bắc Trung bộ đặt tại Nghệ An, miền Nam tại Hiệp Phước, miền Trung tại Hoà Khánh - Đà Nẵng, Đông Bắc bộ tại Hải Phòng, Nam Trung bộ tại Khánh Hoà, Tây Nam bộ tại Cần Thơ và 63 trung tâm khai thác cấp tỉnh, hơn 700 trung tâm khai thác cấp huyện và 10.600 điểm cung cấp dịch vụ, giao nhận hàng hoá cấp xã tạo nên hệ sinh thái khép kín, hiện đại từ công đoạn chấp nhận, khai thác, chia chọn, phát hàng hóa tới tận địa chỉ khách hàng yêu cầu, tiến tới cung cấp giải pháp hoàn tất đơn hàng tự động cho khách hàng lớn nhất Việt Nam. Qua đó, đảm bảo lưu thông dòng chảy hàng hóa thông suốt trong nước và quốc tế.
Đây cũng chính là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp bưu chính đáp ứng yêu cầu ngày càng cao cả về chất lượng và tốc độ tăng trưởng của thị trường chuyển phát hàng hóa thương mại điện tử e-commerce, logistics trong thời gian tới.
Hệ thống chia chọn tự động
Với hệ sinh thái đồng bộ về hạ tầng chuyển phát, xe chuyên dụng, tải cứng đường sắt, hàng không lớn nhất cùng hệ thống kho hàng hoá, kho ngoại quan, kho lạnh với tổng diện tích lên tới hàng trăm ngàn ha được đầu tư công nghệ hiện đại theo tiêu chuẩn Quốc tế, Vietnam Post đang từng bước khẳng định vị thế số 1 trong ngành dịch vụ vận tải, logistics và giao hàng chặng cuối.
Bên cạnh việc nâng cao năng lực hạ tầng của mạng lưới bưu chính đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ công ích, phục vụ Đảng, Chính phủ, Nhà nước và Nhân dân, Bưu điện Việt Nam sẽ tiếp tục ứng dụng các nền tảng số nhằm đẩy nhanh tốc độ xử lý đơn hàng, gia tăng công suất lưu thoát hàng hóa trên 200%, rút ngắn thời gian chuyển phát hàng hóa từ 1-2 ngày. Vietnam Post cũng sẽ góp phần tạo thêm những xung lực mới trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của bưu chính Việt Nam, thực hiện mục tiêu phát triển bưu chính thành một trong các hạ tầng quan trọng, thiết yếu của Quốc gia trong phát triển kinh tế số.
Theo Mic.gov.vn
Link gốc: https://mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/154605/Buu-dien-Viet-Nam-khai-truong-Trung-tam-Van-chuyen-va-Kho-van-khu-vuc-phia-Bac.html