TS. Vinaya Prakash Singh, Tổng Thư ký APPU phát biểu cho biết, Hội thảo về cải cách quy định bưu chính, với sự tham gia của các đại biểu từ 20 quốc gia thành viên APPU, là sự kiện quan trọng, nơi các nhà lãnh đạo, cơ quan quản lý và chuyên gia ngành Bưu chính cùng thảo luận về các thách thức, cơ hội và con đường thúc đẩy cải cách quy định.
TS. Vinaya Prakash Singh nhấn mạnh, với sự hỗ trợ của Bộ TT&TT, Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) và Cục Bưu chính Nhà nước Trung Quốc, hội thảo được kỳ vọng sẽ tạo ra một nền tảng chia sẻ thông tin và lưu trữ các thông lệ tốt nhất, nhằm xây dựng khung chính sách phù hợp với sự phát triển của ngành Bưu chính trong khu vực.
Sự đa dạng về quy định giữa các quốc gia và các giai đoạn cải cách khác nhau sẽ được phân tích sâu sắc qua các phiên họp, thảo luận nhóm và họp bàn tròn. Đây cũng là bước khởi đầu cho tầm nhìn dài hạn thiết lập cơ chế thường trực trong khuôn khổ APPU, nhằm đưa công tác cải cách bưu chính lên tầm cao mới, đảm bảo hệ thống này tiếp tục phát triển và đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện đại.
Đại biểu các nước cũng đã trao đổi và thảo luận về chiến lược cho sự phát triển bền vững của ngành Bưu chính trong tương lai và một số nội dung, như: Thiết lập quy định bưu chính xuyên biên giới cho thương mại điện tử; phát triển khung chính sách về bảo vệ dữ liệu bưu chính và quyền riêng tư; thúc đẩy tính bền vững môi trường trong dịch vụ bưu chính.
Trong hai ngày 10-11/12, Hội thảo quản lý bưu chính APPU tập trung thảo luận các nội dung liên quan đến cải cách thể chế bưu chính tại nhiều quốc gia và khu vực. Các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển chính sách bưu chính, tiêu biểu như Trung Quốc trình bày về các quy định cấp phép trong lĩnh vực bưu chính; Ấn Độ nhấn mạnh vai trò của các quy định tài chính trong bưu chính; Indonesia phân tích tác động của chính sách hải quan đến ngành Bưu chính. Việt Nam cũng góp mặt với tham luận về các giải pháp phát triển bền vững trong chuyển phát.
Những yếu tố quan trọng trong quy định bưu chính, bao gồm cải cách thể chế để dịch vụ bưu chính phổ cập (USO) đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, đồng thời đảm bảo cân bằng giữa khả năng tiếp cận và tính bền vững tài chính. Các nội dung khác như cấp phép, tự do hóa thị trường để thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng; kinh nghiệm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bưu chính quốc gia trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển; chuyển đổi số và tuân thủ EDI trong dịch vụ bưu chính; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; cũng như các giải pháp tăng trưởng thương mại điện tử sẽ được đề cập.
BBT