Hơn 3 tháng tác nghiệp cùng các lực lượng Hải quân tham gia chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh chúng tôi đã được chứng kiến những câu chuyện rất đặc biệt của các chiến sĩ. Mỗi câu chuyện đều toát lên tinh thần, bản lĩnh và ý chí quyết tâm vượt khó vươn lên hoàn thành nhiệm vụ. Các anh thực sự là những “chiến binh” không biết mỏi trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 của quân và dân ta.
Trung úy QNCN Vũ Mạnh Tuấn, Lái xe thuộc Phòng Hậu cần, Bộ Tham mưu Hải quân, được tăng cường cho Bộ tư lệnh TP. Hồ Chí Minh để cùng với đội xe cơ động của thành phố vận chuyển bệnh nhân. Khi nhận nhiệm vụ thì vợ mới sinh con thứ hai được 5 ngày, anh phải gửi ba mẹ con về nhà ngoại để yên tâm công việc. Thế nhưng chưa đầy 3 tuần xa vợ, xa con thì anh nhận được tin con gái mới gần 1 tháng tuổi bị nhiễm Covid-19.
Chiến sĩ Hải quân vận chuyển lương thực hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19
Anh Tuấn tâm sự: “Mới nhận tin tôi thực sự hoang mang và rất lo lắng, nhưng sau khi nhìn nhận lại vấn đề tôi thấy con mình đã được nhập viện để chăm sóc, mình có về thì cũng không giải quyết được vấn đề gì. Phải vượt lên chính mình để tiếp tục công việc, tôi hoàn thành nhiệm vụ tốt cũng là góp một phần để con mình nhanh khỏi bệnh. Tôi tiếp tục ở lại đơn vị để công tác cho đến hơn một tuần sau thì nhận được điện của vợ. “Alô! Chồng à! con khỏi bệnh rồi, nhưng vợ thì lại dương tính rồi!”. Nghe Tuấn kể lại mà chúng tôi thấy đau thắt con tim nhưng có lẽ tinh thần của người lính đã giúp anh vượt qua khó khăn để tự mình vượt lên hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Sau hơn 2 tháng miệt mài cùng chiếc xe trên các cung đường, Tuấn đã hoàn thành hàng trăm chuyến xe với hàng ngàn lượt người, bệnh nhân được vận chuyển, qua đó góp phần không nhỏ cho công tác phòng, chống dịch nơi tuyến đầu. Ghi nhận thành tích của anh, Quân chủng Hải quân đã tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh phòng, chống dịch Covid-19.
Cũng là một lái xe, nhưng câu chuyện về Thượng úy QNCN Đỗ Xuân Hồng, Lái xe Phòng Tham mưu, Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân lại có một tinh thần vượt khó khác. Anh Hồng được tăng cường cho Bộ Tư lệnh TP. Hồ Chí Minh để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch trên địa bàn Quận 7, TP. Hồ Chí Minh. Hơn 3 tháng lái xe cứu thương tại các bệnh viện, khu cách ly và chở tử thi, tro cốt từ TP. Hồ Chí Minh đi các địa phương lân cận Hồng đã phải trải qua biết bao cảm xúc, nỗi buồn và nỗi lo đan xen.
Anh Hồng cho biết: “Những ngày đầu thực hiện nhiệm vụ tôi thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân F0 vì phải hỗ trợ lực lượng y tế trong vận chuyển, giúp đỡ bệnh nhân già yếu. Mỗi lần như vậy tôi cũng rất lo mình nhiễm bệnh nhưng nỗi lo đó không thể so sánh với nỗi lo của toàn thể người dân thành phố khi mà hàng ngày số ca mắc và số ca tử vong cứ tăng lên. Có ngày tôi phải chở hàng chục chuyến xe trong đó có chở tử thi, chở tro cốt và chở cả các bệnh nhân F0 phát bệnh và F0 khỏi bệnh. Anh cứ hình dung, giữa đêm khuya một mình tôi cầm lái chở tử thi phía sau mà thấy ớn lạnh xương sống. Nếu khi ấy mình không có bản lĩnh, không có quyết tâm thì không thể vững vàng tay lái được”.
Phóng viên Báo Hải quân Việt Nam tác nghiệp tại tâm dịch TP. Hồ Chí Minh
Còn Thiếu úy QNCN Nguyễn Đức Chiều, Nhân viên máy tàu thuộc Tàu 513, Hải đội 3, Lữ đoàn 125 thì có thời gian hơn 3 tháng tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch tại TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh. Chiều cùng với 25 đồng đội khác vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm cho các bệnh viện, khu cách ly, nhà dân và các bếp nấu ăn phục vụ bệnh nhân F0.
Thượng tá Lê Hồng Quang, Phó Chính ủy Lữ đoàn 125 cho biết: “Đồng chí Nguyễn Đức Chiều tham gia phòng, chống dịch được gần 2 tháng thì nhận tin cả bố và mẹ đều bị nhiễm Covid-19. Mặc dù vậy, Chiều vẫn quyết tâm ở lại vùng dịch để tiếp tục giúp nhân dân chống dịch. Hoàn thành nhiệm vụ Chiều được Vùng, Lữ đoàn và Mặt trận Tổ quốc TP. Thủ Đức tặng Giấy khen. Đồng chí Chiều thực sự là tấm gương về tinh thần vượt lên chính mình ở đơn vị chúng tôi”.
Và cuối cùng là những phóng viên tham gia tác nghiệp nơi tuyến đầu chống dịch chúng tôi cũng không ngoại lệ là phải có tinh thần vượt lên chính mình. Nếu không vượt qua tâm lý sợ lây bệnh, không vượt lên sự vất vả, cam go và không có bản lĩnh tác nghiệp thì không thể có những bài viết hay, bức ảnh đẹp hay thước phim chân thực để phản ánh về đại dịch Covid-19. Bản thân tôi gần 4 tháng tác nghiệp nơi tuyến đầu chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh có không dưới 10 lần tiếp xúc với F0, nhưng tôi vẫn kiên cường vượt qua để có những tác phẩm kịp thời đăng tải trên các báo, đài.
Các phóng viên Hải quân quen tác nghiệp nơi đầu sóng, ngón gió và gắn bó với những con tàu thì hôm nay được trải nghiệm ở nơi “sóng” dịch Covid-19 đang đi khắp các ngóc ngách phố phường. Dù là ở môi trường tác nghiệp mới với nhiều khó khăn, thử thách nhưng những phóng viên của biển đã vượt qua tất cả để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Đó chính là nhiệm vụ tuyên truyền hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân” trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp ở nước ta hiện nay.
Theo baohaiquanvietnam.vn