Gắn biên giới đất liền với biển, đảo khơi xa: Bài cuối: Không ngừng đổi mới công tác tuyên truyền, tạo sức lan tỏa sâu rộng
Hàng năm các cơ quan, đơn vị Hải quân phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức sơ kết chương trình phối hợp tuyên truyền biển, đảo (TTBĐ), nhằm không ngừng đổi nội dung, hình thức tuyên truyền.
Phối hợp chặt chẽ
Trong công tác phối hợp TTBĐ giữa các cơ quan, đơn vị Hải quân với địa phương, hàng năm hai bên đều tổ chức sơ kết và tiếp tục ký kết chương trình tiếp theo. Thời gian qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã linh hoạt vận dụng cả hình thức sơ kết trực tiếp hoặc trao đổi văn bản. Dù triển khai bằng phương pháp, cách thức khác nhau thì đích hướng tới trong công tác phối hợp TTBĐ là bám sát định hướng của trên, tạo được sức lan tỏa lớn trong tuyên truyền. Thượng tá Hoàng Quốc Hoàn, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tham mưu Hải quân cho biết: Năm 2022 các đơn vị trực thuộc Bộ Tham mưu đều xây dựng và tổ chức phối hợp TTBĐ theo kế hoạch đã xác định. Riêng phong trào “Cán bộ, chiến sĩ Bộ Tham mưu Hải quân đồng hành cùng các em học sinh trường nội trú biên giới tỉnh Lai Châu” tiếp tục triển khai hiệu quả.
Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân ký kết tuyên truyền biển, đảo với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang, Ca Mau, Kiên Giang năm 2022. Ảnh: Văn Định
Để công tác phối hợp TTBĐ tiếp tục đạt được nhiều kết quả, các cơ quan, đơn vị khi được giao phối hợp đều chuẩn bị khá kỹ lưỡng. Cục Kỹ thuật, Quân chủng Hải quân ký kết với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng triển khai nhiều nội dung phong phú, trong đó có phối hợp tổ chức cho đội ngũ văn nghệ sĩ thâm nhập các tuyến đảo ven bờ, các đơn vị trong Cục Kỹ thuật và các địa phương thuộc tỉnh Cao Bằng để sáng tác về đề tài biển, đảo, người chiến sĩ Hải quân và con người, quê hương Cao Bằng.
Đối với Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (đơn vị phối hợp TTBĐ với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Thanh Hóa...) trong năm 2022, Tổng công ty cũng xác định phải đổi mới hình thức, phương pháp phối hợp tuyên truyền theo hướng đa dạng về đối tượng, phạm vi, địa bàn hoạt động. Trong đó, Tổng công ty cùng các tỉnh chú trọng tuyên truyền đến đối tượng là thanh niên, học sinh và đồng bào công giáo tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, những nơi ít có điều kiện tiếp cận các thông tin biển, đảo. Tổng công ty tiếp tục kết hợp giữa TTBĐ với tuyên truyền thu hút nguồn lực; tăng số lượng hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa tại các địa phương... Theo Đại tá Phạm Văn Phèn, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, đơn vị báo cáo Quân chủng tạo điều kiện cho lãnh đạo chủ chốt, báo cáo viên của các tỉnh và các cá nhân đạt giải thưởng trong các cuộc thi tìm hiểu về biển, đảo được đi thăm, thực tế tại huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) để góp phần nâng cao chất lượng công tác TTBĐ trong thời gian tới.
Hiệu quả tuyên truyền ở Tri Tôn
Trong số các địa phương có đường biên giới trên bộ, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang đã có nhiều cách làm phù hợp tạo được dấu ấn đậm nét về biển, đảo. Tri Tôn là huyện dân tộc, miền núi, có đường biên giới dài 15,5km giáp với huyện KiriVong, tỉnh Takeo, Vương quốc Campuchia. Đây cũng là huyện có diện tích tự nhiên rộng nhất trong tỉnh An Giang. Toàn huyện có 13 xã, 2 thị trấn với 77 khóm, ấp, trong đó có 10 xã, thị trấn với 25 khóm, ấp (60 phum sóc) có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Kinh tế-xã hội của huyện từng bước được nâng lên nhưng còn thấp so mặt bằng chung trong tỉnh.
Học sinh Trường Dân tộc nội trú huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông trao đổi trong thu hút nguồn lực. Ảnh: Công Hoan
Huyện Tri Tôn tuy không giáp biển nhưng địa phương cũng rất quan tâm đến công tác TTBĐ. Hàng năm Ban Tuyên giáo Huyện ủy tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành kế hoạch TTBĐ gắn với tuyên truyền về thông tin đối ngoại, về công tác phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới đất liền đối với tuyến biên giới Việt Nam và Campuchia, nhất là trong công tác phối hợp TTBĐ với Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân. Hình thức mỗi buổi tuyên truyền được tổ chức linh hoạt như: Mở lớp tuyên truyền tập trung; lồng ghép tuyên truyền trong sinh hoạt chi bộ, họp cơ quan, đơn vị; tuyên truyền trực quan và tuyên truyền miệng trên hệ thống truyền thanh huyện, xã. Mỗi năm, Ban Tuyên giáo Huyện ủy mở trên 30 lớp để tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, mỗi lớp từ 80-100 người. Cùng với đó, huyện phát huy sức mạnh tổng hợp của mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, các trường học để tiến hành tuyên truyền. Trong Tháng thanh niên năm 2022, đoàn thanh niên địa phương tổ chức hội thi tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam, thu hút đông đảo tuổi trẻ tham gia...
Nhờ làm tốt công tác TTBĐ và tuyên truyền về biên giới nên các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, quân và dân huyện Tri Tôn luôn ra sức gìn giữ, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn đường biên giới và có nhiều có hoạt động thiết thực hướng về biển, đảo Tổ quốc. Đồng chí Trần Văn Hợp, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Tri Tôn chia sẻ: Trên cơ sở kết quả đã đạt được trong phối hợp TTBĐ với Vùng 5 Hải quân, thời gian tới chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền 40 năm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và 10 năm Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ban hành Luật Biển Việt Nam, tạo điểm nhấn cho công tác tuyên truyền năm nay.
Dọc theo chiều dài đất nước trên biên giới đất liền, các đơn vị Hải quân đã và đang có nhiều hoạt động phối hợp với những địa phương trong công tác TTBĐ, tuyên truyền về biên giới Tổ quốc. Qua đó, giúp mọi người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm, giữ gìn đường biên giới an toàn, hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng đồng thời thấy được tiềm năng, thế mạnh của biển, đảo, luôn hướng về biển, đảo quê hương, tạo nên sức mạnh tổng hợp để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo baohaiquanvietnam.vn