"Bước qua lời nguyền", tận tình giúp dân
“Ốc đảo Hansen” tồn tại hơn 30 năm giữa "sóng cuồng, bão giật". Đấy là nơi trú ngụ của những người dân bị mắc bệnh phong. Tuy biệt lập, cách trở là vậy nhưng họ không đơn độc, bởi các chiến sĩ quân quân hàm xanh đã giúp họ xóa bỏ mặc cảm, vươn lên xây dựng cuộc sống.
Con đường độc đạo xuống làng phong Hòa Vân chìm trong lau lách. Trên cao nhìn xuống, “ốc đảo Hansen” thơ mộng như vầng trăng khuyết. Mấy ai biết rằng, một thời số phận của những con người sống trong ngôi làng bé nhỏ ấy âm thầm như đá... Tuy nhiên giờ đây, người dân làng phong Hòa Vân đã chuyển vào sinh sống trên đất liền thuộc tổ 9, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.
Ngược dòng thời gian trở về với làng phong Hòa Vân trên “ốc đảo Hansen” năm nào, khi nơi đây còn mang cái tên dân gian “làng cùi”. Hồi đó, bệnh phong được coi là “tứ chứng nan y”. Người mắc bệnh phải gánh chịu nhiều di chứng nặng nề. Hơn 270 con người lầm lũi sống bên nhau trong sự mặc cảm, tự ti và căn bệnh quái ác cứ đeo đẳng họ trong mỗi bữa ăn, giấc ngủ.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hải Vân (Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng) giúp ngư dân đưa phương tiện khai thác lên vị trí an toàn, tháng 9-2021.
Từ buổi đầu gian khổ, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hải Vân đã “bước qua lời nguyền” để ra “ốc đảo Hansen” giúp đỡ những con người vô tội ấy hòa nhập cộng đồng. Xóa bỏ mặc cảm, các anh trực tiếp lăn lộn vào cuộc sống thường nhật của người dân “làng cùi”, thực hiện “3 cùng” với họ để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bồi dưỡng kiến thức về bệnh phong; giúp bà con lao động sản xuất. Sự hòa đồng của các anh đối với người dân được thể hiện ngay từ những cử chỉ rất nhỏ như: Bắt tay, chào hỏi, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn bên mâm cơm; chạy chữa thuốc men lúc đau ốm...
Người dân Hòa Vân vẫn thường kể cho con cháu nghe về công ơn BĐBP: Ngày ấy, vùng đất này hoang vu, cây cối um tùm, chỉ có tiếng sóng dội vào vách đá. Hầu như chẳng ai dám ra vùng “lam sơn chướng khí” này, chỉ có BĐBP tự nguyện ra giúp đỡ bà con khai rừng mở lối, cải tạo ruộng nương. Bộ đội chủ động lên núi vỡ đất làm nương rẫy trồng lúa, trỉa bắp. Bàn tay người lính rộp phồng vì sỏi, đá.
Đồn Biên phòng Phú Lộc, BĐBP TP Đà Nẵng tổ chức tuyên truyền Phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và chống xuất, nhập cảnh trái phép” ở khu dân cư Tân Trung 2 (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng).
Với phương châm “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”, các anh gần gũi động viên, “cầm tay chỉ việc” giúp bà con lao động, làm ra hạt lúa, củ khoai nuôi sống gia đình. Để giúp người dân tăng thêm nguồn thực phẩm, bộ đội hướng dẫn mọi người lên rừng chặt cây về làm xuồng, đợi ngày sóng yên biển lặng ra khơi thả lưới đánh bắt con tôm, con cá....
Người kể cho con cháu nghe nhiều nhất về những việc làm tình nghĩa mà BĐBP dành cho dân là cụ Nguyễn Văn Xứng, 85 tuổi, nguyên Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Hòa Vân. Giọng cụ Xứng xúc động: “Ngày ấy, ai cũng xa lánh người dân trong thôn, chỉ có BĐBP là gần gũi động viên, giúp đỡ bà con. Công ơn các chú, già này nhớ mãi!”.
Còn nhiều nữa những câu chuyện mà người dân làng phong Hòa Vân kể về BĐBP. Mỗi câu chuyện là một kỷ niệm hết sức cảm động, đầy tính nhân văn. “Muốn bà con đỡ khổ, người lính phải gắng sức, sẵn sàng nhận khó khăn về mình, nhường thuận lợi cho dân”, Trung tá QNCN Lê Quang Huy, nhân viên kiểm soát hành chính, Trạm Biên phòng Hòa Vân chia sẻ.
Trọn nghĩa với đồng bào
Buổi sáng, khung cảnh phố biển thật thanh bình. Phóng tầm mắt về hướng cửa vịnh Đà Nẵng, những con sóng vỗ bờ dào dạt. Theo Đại tá Đỗ Văn Đông, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP TP Đà Nẵng, nhiều năm trước, hành trình đem cái chữ đến với người nghèo trên địa bàn của các chiến sĩ quân hàm xanh cũng lắm gian nan. Học viên thuộc nhiều đối tượng: Thợ phụ hồ, đục đá, bán vé số, xe thồ... đa số lớn tuổi, lại đã lập gia đình, do vậy, họ thường mặc cảm, tự ti khi đến lớp. Vì thế, việc tuyên truyền, vận động và tổ chức lớp học cũng như truyền thụ kiến thức hết sức khó khăn. Không quản nắng mưa, ngày cũng như đêm, người thầy giáo quân hàm xanh vẫn bám lớp học tình thương, miệt mài đem cái chữ đến với người nghèo.
Cán bộ Đồn Biên phòng Sơn Trà, BĐBP TP Đà Nẵng tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân chấp hành đúng quy định của pháp luật khi khai thác hải sản trên biển.
Đại tá Nguyễn Thanh Thủy, Phó chính ủy BĐBP TP Đà Nẵng tâm sự: “Công tác xóa mù chữ cho người nghèo đòi hỏi tính kiên trì, chịu khó. Đem được cái chữ đến với người nghèo vừa thể hiện trách nhiệm, vừa là tình thương đối với đồng bào”. Để có kết quả như mong muốn, các anh kiên trì vận động bà con theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Trong điều kiện học viên thường xuyên bươn chải với nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền” khiến việc học tập của họ luôn bị gián đoạn, những khi ấy, BĐBP tới từng nhà động viên bà con đến lớp. Đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bỏ học nửa chừng, các anh chủ động tìm hiểu, nắm tình hình, báo cáo đơn vị hỗ trợ gạo, muối, quần áo, chăn màn. Thời điểm mưa gió, các anh gồng mình giúp dân chống bão. Nhiều khi nhà học viên có công chuyện, đơn vị lại cử lực lượng xuống giúp việc gia đình để họ yên tâm đi học...
Ban chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng Đà Nẵng tổ chức trao quà tặng học sinh trong
Chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, tháng 10-2021.
Đối với chủ trương xóa nghèo, BĐBP TP Đà Nẵng phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố phát động Cuộc vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, vận động xây dựng hàng trăm nhà đại đoàn kết, 6 công trình dân sinh với tổng trị giá gần 20 tỷ đồng. Hưởng ứng Phong trào "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới", BĐBP TP Đà Nẵng trích hơn 120 triệu đồng mua 10 con bò, 20 con heo tặng 18 hộ nghèo; huy động hơn 6.000 ngày công giúp nhân dân xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang làm đường bê tông; tặng quà, xây dựng, sửa chữa nhà cửa với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng; nhận giúp đỡ 30 địa chỉ nhân đạo tại phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu.
Đến với dân những lúc khó khăn, về với dân trong điều kiện thiên tai, bão lũ là việc làm thường xuyên của những người lính biên phòng. Trong những năm qua, BĐBP TP Đà Nẵng đã tổ chức đón tiếp hơn 2.500 lượt người dân đến các đơn vị biên phòng tránh trú bão; di dời hàng nghìn hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; kêu gọi hàng nghìn lượt tàu, thuyền với hàng chục nghìn lượt lao động trên biển trở về bờ an toàn; giúp dân kéo hơn 17.250 lượt phương tiện lên bờ tránh bão; cứu kéo 500 phương tiện/2.782 lao động bị nước lũ cuốn trôi hoặc bị sự cố trên biển; huy động hơn 12.000 ngày công giúp dân khắc phục hậu quả sau bão... Những việc làm tình nghĩa của các anh đã góp phần xây dựng tình cảm quân dân ngày càng sâu nặng, thắm thiết.
Vì chủ quyền an ninh biên giới
Tôi biết Đại tá Trần Công Thành, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP TP Đà Nẵng từ hồi còn là lính biển. Ngày ấy, những trận bóng chuyền “nảy lửa” giữa BĐBP TP Đà Nẵng và Vùng 3 Hải quân khiến chúng tôi ấn tượng về nhau. Thế nên vừa thấy tôi sang, anh vào việc ngay: “Thời kỳ đổi mới, việc quản lý bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, biên giới biển không có đối đầu về vũ trang nhưng tính chất của cuộc đấu tranh vẫn gay go, quyết liệt. Để góp phần giữ vững chủ quyền an ninh biên giới biển, những người lính quân hàm xanh phải đương đầu với bao khó khăn, thử thách. Những năm qua, BĐBP TP Đà Nẵng đã tổ chức xuất kích hơn 500 lượt tàu làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, quản lý bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển, xua đuổi hàng nghìn lượt tàu nước ngoài, bắt xử lý hàng trăm tàu cá với hàng nghìn ngư dân nước ngoài vi phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương huy động hàng trăm lượt tàu cá với hàng nghìn lượt ngư dân trực tiếp tham gia đấu tranh chống hoạt động xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam để khai thác hải sản của tàu, thuyền nước ngoài...”.
Trên mặt trận đấu tranh chống các loại tội phạm, BĐBP TP Đà Nẵng đã phối hợp với các lực lượng và trực tiếp bắt giữ, điều tra, xử lý 1.665 vụ/2.749 đối tượng, chủ yếu là các vụ mua bán, tàng trữ, sử dụng các chất ma túy, trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng, đánh người gây thương tích, lưu hành tàng trữ, tán phát văn hóa phẩm có nội dung xấu. Khởi tố 154 vụ/182 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 1.888 vụ/2.422 đối tượng, phạt tiền hơn 3,996 tỷ đồng và thu giữ nhiều tang vật vi phạm.
Hơn 46 năm qua, người chiến sĩ quân hàm xanh ở nơi đầu sóng ngọn gió luôn gắn bó, chia sẻ ngọt bùi với đồng bào. Tình cảm ấy lòng dân nhớ mãi. Đánh giá về vai trò của BĐBP thành phố, đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định: “Tình cảm quân dân sâu nặng, tình đoàn kết, gắn bó keo sơn, bền chặt là nguồn sức mạnh tinh thần giúp địa phương chúng tôi vượt mọi khó khăn, thử thách. Lòng dân Đà Nẵng luôn đặt trọn niềm tin vào cán bộ, chiến sĩ BĐBP!”.
Chia tay các chiến sĩ quân hàm xanh trong chiều cuối xuân chộn rộn, tiết trời se lạnh, nhưng phố phường Đà Nẵng nhộn nhịp người, xe buổi tan tầm. Cuộc sống thành phố nơi “đầu biển cuối sông” trải qua một thời gian khá dài chịu sự tác động ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vẫn bình yên. Thế nhưng chúng tôi biết, để bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, để người dân yên tâm xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội và văn hóa, người chiến sĩ quân hàm xanh lại phải đối mặt với bao khó khăn, gian khổ đang đợi chờ phía trước...
Theo qdnd.vn