Chiếc bóng đèn này chỉ nhỏ bằng một đốt ngón tay nhưng trong đêm ánh sáng của nó có thể vươn tới khoảng cách 20 hải lý. Đó là nhờ công sức bảo dưỡng hàng ngày của những người gác đèn đối với hệ thống thấu kính và các đầu dây điện trước khí hậu khắc nghiệt ở Trường Sa.
Anh Vũ Trọng Khánh (Nhân viên Trạm hải đăng Trường Sa Lớn) cho biết: "Nắng nóng ảnh hưởng đến đầu mối nối dây. Hơi nước mặn liên tục thổi tất cả các mùa trong năm, ảnh hưởng rất nhiều đến vấn đề hoạt động của máy móc. Vì thế anh em phải quan sát và bảo trì hàng ngày. Trong mấy chục năm qua, ngày nào cũng thế, bất kể là nắng cháy da hay trong những trận siêu bão, hải đăng Trường Sa luôn đảm bảo lên đèn đều đặn suốt 12 tiếng trong đêm".
Anh Nguyễn Văn Lầm (Ngư dân tỉnh Ninh Thuận) chia sẻ: "Ngọn hải đăng rất quan trọng vì khi bão tố là chúng tôi có thể biết để vào đất liền. Hải đăng cho mình niềm tin là gần tới bờ. Nhìn thấy hải đăng là nhìn thấy bến bờ Việt Nam của mình".
Từ năm 1993, các trạm hải đăng chính thức được xây dựng ở quần đảo Trường Sa, dẫn lối cho tàu thuyền qua lại an toàn, đón tàu bè gặp nạn, tránh trú bão đồng thời là những cột mốc chủ quyền của Tổ quốc trên Biển Đông.
Anh Nguyễn Minh Thắng (Nhân viên Trạm hải đăng An Bang) nói về một trong những khó khăn trên đảo: "Có những lần tàu tiếp tế ra đảo An Bang, sóng to, nhiều khi tiếp cận vào đảo không được. Xuồng đưa đồ vào đến bờ mà sóng nó đánh lật xuồng. Không nhận được, anh em phải căn chỉnh thực phẩm để đợi tiếp tế chuyến sau. Rất khó khăn".
Dù khó khăn nhưng những người gác hải đăng Trường Sa luôn làm tròn nhiệm vụ của mình. Ánh sáng hiên ngang của những ngọn hải đăng thuộc quần đảo Trường Sa là sự khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
BBT