* Đường bộ: Mạng lưới đường bộ toàn tỉnh có tổng chiều dài là 16.655,16km. Riêng hệ thống đường Quốc lộ và đường tỉnh có dài là 850,03km, trong đó đường Quốc lộ có 07 tuyến với tổng chiều dài 492,50km, đường tỉnh có 10 tuyến với tổng chiều dài là 357,53km. Các tuyến đường Quốc lộ, đường tỉnh đã hình thành nên hệ thống trục dọc, trục ngang kết hợp với hệ thống đường GTNT tạo nên mạng lưới giao thông đường bộ tỉnh Hà Tĩnh liên hoàn, hợp lý kết nối thuận tiện giữa các vùng miền trong tỉnh, với các tỉnh khác và với nước bạn Lào. Trừ một số đoạn thuộc QL15, QL8B, QL8 đã được đầu tư xây dựng từ lâu chưa được nâng cấp mở rộng thì các đoạn còn lại trên các tuyến quốc lộ đều đạt tiêu chuẩn đường cấp III, cấp IV với tải trọng khai thác của đường là 10tấn/trục xe, tải trọng khai thác các cầu đều lớn hơn 30 tấn. Cụ thể các tuyến quốc lộ như sau:
- Hệ thống trục dọc gồm:
+ Quốc lộ 1: Đoạn đi qua tỉnh Hà Tĩnh bắt đầu từ Bến Thuỷ, kết thúc ở Đèo Ngang (Kỳ Anh) dài 127,5 km, đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với quy mô đoạn ngoài đô thị là 20,5m, quy mô trong đô thị là 25,5m với 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ.
+ Đường Hồ Chí Minh: Đoạn nằm trong tỉnh Hà Tĩnh có tổng chiều dài 80,5km, đạt tiêu chuẩn cấp III miền núi (Bnền = 9m, Bmặt = 7m), đã được trải nhựa, chất lượng mặt đường trung bình.
+ Quốc lộ 15: Đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh từ Km355 (Xã Trường Sơn - Đức Thọ) đến Km446 (La Khê – Hương Khê) dài 90,70 km, trong đó có 15,5km đi chung với QL8 và đường Hồ Chí Minh; 75,2km còn lại đã được rải nhựa, trong đó đoạn từ Km361¸Km363 (thuộc thị trấn Đức thọ, Bnền=22m. Bmặt=14m) và đoạn Km 423+200¸Km 427+400 (thị trấn Hương Khê, Bnền=12m; Bmặt=8m) dài 6,2 km đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng, chất lượng tốt; các đoạn còn lại đạt tiêu chuẩn cấp IV, cấp V, chất lượng mặt đường trung bình.
+ Quốc lộ 15B: Điểm đầu Km0+00 tại Đồng Lộc- huyện Can Lộc, điểm cuối Km52+00 tại Cẩm Nhượng (cầu Cửa Nhượng) - huyện Cẩm Xuyên, dài 52km; Đoạn từ Km0+00 đến Km14+00 đạt tiêu chuẩn đường cấp VI (Bnền=6,5m, Bmặt=5,5m), đã được láng nhựa, chất lượng mặt đường trung bình; đoạn từ Km14+00 đến Km15+00 trùng QL1 và đoạn từ Km15+00 đến Km52+00, đạt tiêu chuẩn đường cấp III (Bnền=12m, Bmặt= 11m), đã được trải nhựa, chất lượng mặt đường tốt.
- Hệ thống trục ngang gồm:
+ Quốc lộ 8: Từ thị xã Hồng Lĩnh đến cửa khẩu Cầu Treo. Toàn tuyến nằm trong địa phận tỉnh Hà Tĩnh dài 85,3km, hiện tại đã hoàn thành nâng cấp mở rộng giai đoạn I với chiều dài 37km đi qua các huyện là: Thị xã Hồng Lĩnh, Đức Thọ và Hương Sơn đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng (Bnền=12m, Bmặt=11m). Các đoạn còn lại đang được tiếp tục triển khai nâng cấp cải tạo.
+ Quốc lộ 8B: Từ thị xã Hồng Lĩnh chạy dưới chân núi Hồng Lĩnh qua Minh Lộc ra Xuân An về thị trấn Nghi Xuân đến cảng Xuân Hải. Toàn tuyến nằm trong địa phận tỉnh Hà Tĩnh, tổng chiều dài 25 km, trong đó: 16,5km đường từ km0 (Thị xã Hồng Lĩnh) đến km16+500 (giao với đường đầu cầu Bến Thủy II) tuyến đi trùng với đường quốc lộ 1 mới, đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng có quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ với Bnền= 20,5m, Bmặt=19,5m và 8,5km đường còn lại từ km16+500 (giao với đường đầu cầu Bến Thủy II) đến km25 (Cảng Xuân Hải) đạt tiêu chuẩn cấp V đồng bằng (Bnền=9m. Bmặt= 6m), chất lượng đường trung bình.
+ Quốc lộ 12C: Điểm đầu tuyến tại Cảng Vũng Áng, điểm cuối tại Hóa Tiến (Giao với đường Hồ Chí Minh – Quảng Bình) tổng chiều dài 47km, trong đó có 10km đi chung với QL1. Đây là tuyến hành lang quan trọng phục vụ việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của Lào và đông bắc Thái Lan qua cảng Vũng Áng, quy mô đường cấp III (Bnền=12 - 22m, Bmặt= 9 -18m), đã được trải nhựa chất lượng mặt đường trung bình.
* Đường sắt: Đường sắt qua địa bàn Hà Tĩnh là 71km, khổ đường 1m. Trên tuyến có 2 ga hàng hóa, 8 ga hành khách chủ yếu là ga xép; tuy đã có ga hành khách chính (Yên Trung) được đầu tư trong thời kỳ 1999-2004 nhưng quy mô nhỏ chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Chịu ảnh hưởng nhiều của điều kiện tự nhiên, đoạn tuyến đường sắt qua địa bàn Hà Tĩnh có độ dốc lớn, quanh co, thường bị ngập lụt, xói lở nền vào mùa mưa lũ. Đường bộ nối với các ga hàng hóa còn bị hạn chế ảnh hưởng xấu đến việc liên kết giữa vận tải đường sắt và đường bộ.
* Đường biển: Với chiều dài 137km bờ biển, có 4 cửa biển lớn thuận lợi cho việc vận tải ven biển. Hiện tại có 2 cảng biển: Cảng Xuân Hải và cụm Cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương:
- Bến Cảng Xuân Hải với vai trò là vệ tinh cho cảng chính Vũng Áng, hiện có 2 cầu bến gồm Cầu bến số 1 có chiều dài 42m, rộng 16m, độ sâu trước bến -4,5m, có thể tiếp nhận tàu 2.000DWT và Cầu bến số 2 có chiều dài 63m, rộng 12m, độ sâu trước bến -4,5m, có thể tiếp nhận tàu 2.000DWT; Kho chứa hàng của các Bến cảng Xuân Hải có diện tích 1.350m2. Sản lượng hàng qua cảng các năm thường đạt bình quân 120-130 ngàn T/năm. Từ tháng 9/2014 đến nay, cùng với việc công bố tuyến vận tải ven biển Quang Ninh- Quảng Bình và tăng cường kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ, lượng hàng qua cảng có xu hướng tăng cao. Dự kiến sản lượng hàng năm 2015 đạt 250-300 ngàn T/năm.
- Khu bến tổng hợp Vũng Áng: Hiện đang vận hành khai thác 2 bến gồm Bến số 1 với chiều dài cầu bến 195m, chiều rộng 28m, độ sâu trước bến -11m, công suất thiết kế 460 ngàn T/năm, diện tích kho chứa hàng 3.200m2, diện tích bãi 7.040m2 và Bến số 2 với chiều dài cầu bến 270m, rộng 31m, độ sâu trước bến -13m, công suất thiết kế 860 ngàn T/ năm, diện tích kho chứa hàng 5.040m2, diện tích bãi 17.800m2; Các bến này đã tiếp nhận được tàu chở hàng tổng hợp trọng tải 3 – 4,5 vạn DWT, tàu chở dăm gỗ trọng tải 5,5 vạn DWT. Lượng hàng thông qua cảng năm 2013 đạt gần 2,7 triệu tấn, năm 2014 đạt 2,856 triệu tấn tăng gấp hơn 2 lần công suất thiết kế.
- Các bến cảng chuyên dụng tại Vũng Áng: Hiện đang vận hành khai thác 2 bến chuyên dụng gồm 1 cầu cảng chuyên dụng xăng dầu cho Tổng kho xăng dầu cho tàu trọng tải 1,5 vạn tấn và 1 cầu cảng chuyên dụng than cho nhiệt điện Vũng Áng 1 cho tàu trọng tải đến 3 vạn DWT.
* Đường thủy nội địa: Hà Tĩnh có 9 tuyến sông với chiều dài 437km. Hầu hết là các sông nhỏ, độ dốc lớn, nhiều thác ghềnh, chiều dài khai thác vận tải ngắn, bị hạn chế bởi tĩnh không cầu đường bộ. Tổng chiều dài tuyến sông đưa vào quản lý khai thác vận tải trên địa bàn tỉnh là 246,5km, trong đó Trung ương quản lý 88,5km, địa phương quản lý 158km. Các tuyến sông này cho phép vận tải các loại tàu thuyền, xà lan từ 10 - 150 tấn, còn lại chưa được đầu tư kinh phí để quản lý sửa chữa nên rất khó khăn trong việc phát triển vận tải đường sông.
BBT