Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn. Ảnh: Hải Luận
Các khu bảo tồn biển đang đối mặt với sức tải của môi trường
- TS là nhà khoa học chuyên nghiên cứu về rạn san hô và đáy biển, đến thời điểm này, các khu bảo tồn biển của nước ta còn “vốn liếng” được bao nhiêu dưới đáy biển?
- Đến năm 2020, nước ta đã thành lập 11 khu bảo tồn biển: Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, vịnh Nha Trang, Núi Chúa, Hòn Cau, Côn Đảo, Phú Quốc, Cô Tô-Đảo Trần. Một số khu bảo tồn biển đã hoàn thành quy hoạch chi tiết và đang hoàn thiện hồ sơ để phê duyệt quy hoạch như: Hòn Mê, Hải Vân-Sơn Chà, Phú Quý, Nam Yết. Các khu bảo tồn biển sở hữu diện tích lớn rạn san hô, thảm cỏ biển và một phần rừng ngập mặn. Đây là những sinh cảnh có đa dạng sinh học cao, có ý nghĩa quan trọng về nguồn lợi hải sản và góp phần bảo vệ, chống xói lở bờ biển. Các khu bảo tồn biển cũng là nơi phân bố các bãi giống, bãi đẻ và nơi cư trú của các loài thủy sản kinh tế, cũng như hàng trăm loài quý hiếm và nguy cấp. Trong 16 khu bảo tồn biển được quy hoạch của Việt Nam, chỉ có khu bảo tồn biển đảo Nam Yết (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) nằm ở vùng biển khơi.
Khu bảo tồn biển là tài sản quý giá của biển, đảo Việt Nam, song tình trạng người dân vào khai thác nguồn lợi thủy sản ở các khu bảo tồn biển, thậm chí mang tính hủy diệt vẫn còn nhiều. Ngoài ra, nhiều tác động tích lũy gây suy thoái môi trường, Do vậy, nhiều rạn san hô đang bị suy thoái. Tôi lấy ví dụ, vịnh Nha Trang là một trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới, có hệ sinh thái đặc biệt nhất Việt Nam, những năm 1993-1994, độ che phủ san hô đạt 40%, có hàng trăm loại sinh vật biển cư ngụ. Hiện nay, độ phủ san hô chỉ còn 20%, sinh vật biển cũng giảm rất nhiều.
Vùng biển Trường Sa trước đây tôi ra lặn nghiên cứu, gặp nhiều cá mập, nó cứ bơi tới bao quanh lấy mình, về sau mới biết loại cá mập ở rạn san hô rất “hiền”, ít khi tấn công con người. Những năm gần đây, chúng tôi ra nghiên cứu lại vùng biển Trường Sa, ít nhìn thấy cá mập.
- Tôi từng nghe TS phàn nàn chuyện “lừa đảo dưới đáy biển”, cụ thể vấn đề này là như thế nào?
- Ở một số nơi, người ta đang bày chuyện phục hồi rạn san hô, bằng cách chuyển những cây san hô từ chỗ này sang chỗ khác để làm điểm tham quan dưới đáy biển. Toàn “tay ngang” làm, chẳng có nghiên cứu gì cả, anh muốn phục hồi san hô phải có căn cứ khoa học, phải hiểu sự thích nghi của loài san hô phục hồi với môi trường, dòng chảy, nhiệt độ, ánh sáng, dưới vùng đáy như thế nào? San hô có sống được không? Cách đào bới san hô như thế nào? Nước biển che lấp hết san hô, ít ai giám sát. Phục hồi san hô dưới đáy biển rất khó, cơ quan quản lý Nhà nước phải có hướng dẫn cho doanh nghiệp đầu tư theo hướng bảo tồn và sử dụng hợp lý.
Vấn đề căn cốt là thực thi chỉ thị hiệu quả
- Thực tiễn hiện nay, nhiều khu bảo tồn biển, vườn quốc gia trên các đảo có khai thác dịch vụ du lịch. Theo TS, cần giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường biển như thế nào?
- Du lịch biển là thời thượng hiện nay, khám phá các khu bảo tồn biển là “linh hồn” của biển. Nhiều khu bảo tồn biển khai thác du lịch đang quá tải như Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Hòn Mun (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang). Bản thân các Ban quản lý khu bảo tồn biển, vườn quốc gia và doanh nghiệp được giao mặt nước biển, bờ biển làm dịch vụ du lịch, cần ý thức sâu sắc và có biện pháp bảo vệ “nồi cơm” dưới đáy biển của chính mình. Tránh tình trạng sử dụng tài nguyên biển giống như “mì ăn liền”, chẳng khác nào tự tay triệt hạ nguồn thu nhập khổng lồ và lâu dài.
Các đơn vị được phép khai thác dịch vụ ở khu bảo tồn biển, vườn quốc gia, hàng năm phải trích ra 20-30% hoặc 50% lợi nhuận thu được để tái đầu tư vào công tác bảo vệ môi trường. Có như vậy, mới nói khai thác bền vững nhiều năm. Bỏ ngay tư tưởng chỉ có khai thác cạn kiện, mà không có phục hồi, tái tạo.
Nhặt rác dưới đáy Khu bảo tồn biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang, Khánh Hòa. Ảnh: Hải Luận
- Chính phủ đã ban hành chỉ thị bảo vệ khu bảo tồn biển, vấn đề căn cốt nhất là, các địa phương thực thi chỉ thị như thế nào cho hiệu quả, có đúng không thưa TS?
- Đúng vậy. Nhà nước đã ban hành nhiều bộ luật, văn bản dưới luật để bảo vệ môi trường biển rồi. Câu chuyện thực thi pháp luật, phân bổ kinh phí cho hoạt động bảo tồn, tái tạo môi trường, nguồn lợi thủy sản được bàn nhiều nhất ở các hội nghị, hội thảo. Năm ngoái, tôi đi dự hội nghị về biển, Tổng cục Thủy sản nói rằng, kinh phí từ ngân sách Nhà nước chi cho bảo vệ các khu bảo tồn biển rất hạn hẹp. Vì sao sinh nó ra mà không “nuôi” nó? Trong chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ lần này có nêu chi từ ngân sách cho khu bảo tồn biển.
Một vấn đề khác, tôi cho rằng, nó đóng góp quan trọng nhất đối với bảo vệ các khu bảo tồn biển hiện nay. Đó là ý thức và trách nhiệm của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh có biển nói chung và có khu bảo tồn biển nói riêng. Nếu có tâm huyết, hiểu biết về khu bảo tồn biển, môi trường biển, họ sẽ chủ động ban hành những nghị quyết, kế hoạch, chỉ thị, bố trí kinh phí hoạt động, điều động lực lượng tuần tra, bảo vệ nghiêm ngặt các khu bảo tồn biển. Các cơ quan chức năng trong tỉnh đình kỳ đi kiểm tra, giám sát việc thực thi nhiệm vụ bảo vệ môi trường, các dịch vụ kinh doanh tại thực địa có đúng như cam kết không.
Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam là mô hình thực tiễn rất sinh động, cho thấy sự quan tâm của tỉnh, với các quy định hợp lý và giao quyền cho Ban quản lý khu bảo tồn biển rất rõ ràng. Hàng năm, nguồn tài chính cho việc bảo tồn biển được bảo đảm. Người dân ở trên đảo thấy được lợi ích lâu dài, đồng thuận và cùng thực hiện nghiêm túc. Cả người dân và Ban quản lý đều được hưởng lợi từ các hoạt động dịch vụ du lịch mang lại.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Bienphong.com.vn