Chiều ngày 31/5/2022, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức hội nghị phổ biến chính sách pháp luật và định hướng phát triển bưu chính đến năm 2030. Tham dự có đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT; Các doanh nghiệp trong lĩnh vực bưu chính, chuyển phát…
Toàn cảnh hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, Vụ trưởng Vụ Bưu chính Nguyễn Vũ Hồng Thanh cho biết, sự gia nhập mạnh mẽ vào thị trường bưu chính của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch, công bằng cho doanh nghiệp phát triển.
Bà Thanh cho biết, đến hết Quý I/2022, đã có 750 doanh nghiệp, trong đó, ngày càng có nhiều doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ hiện đại, sử dụng các nền tảng của kinh tế chia sẻ. Sự phát triển mạnh mẽ và đa đạng của thị trường bưu chính đặt ra các thách thức về bảo đảm an toàn thông tin trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính, đặc biệt là an toàn thông tin mạng, bảo vệ dữ liệu của người sử dụng dịch vụ và về chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng bưu chính.
Hội nghị phổ biến chính sách, pháp luật và định hướng phát triển bưu chính đến năm 2030 là cơ hội để cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp cùng nhau thảo luận, trao đổi, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho thị trường bưu chính phát triển mạnh mẽ, minh bạch, công bằng cho tất cả doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển, bà Thanh nhấn mạnh.
Đảm bảo an toàn và phát triển bưu chính tăng trưởng cao.
Trình bày tham luận tại hội nghị, ông Dương Tôn Bảo, Phó Vụ trưởng tập sự Vụ Bưu chính cho biết, Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 30/5/2022 và có hiệu lực kể từ ngày ký.
Từ trước đó, năm 2001, chiến lược phát triển bưu chính viễn thông đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành là một chiến lược phát triển gắn liền sự phát triển của bưu chính, viễn thông có tầm nhìn đến năm 2020. Trải qua 20 năm thực hiện chiến lược, đối với lĩnh vực Bưu chính đã hoàn thành nhiều kết quả, vượt chỉ tiêu đề ra đề ra trong Chiến lược.
Một trong những thành tựu lớn nhất đối với giai đoạn thực hiện chiến lược này về chính sách đã ban hành được Luật Bưu chính. Đây là một trong những văn bản quy phạm pháp luật cao nhất để hình thành nên lĩnh vực bưu chính. Năm 2011, Bộ TT&TT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Luật Bưu chính. Những kết quả về thị trường 2021 đã đánh giá 10 năm cho thấy kết quả về quy mô, doanh thu đóng góp của lĩnh vực bưu chính.
Tuy nhiên chiến lược phát triển bưu chính viễn thông ban hành năm 2011 gắn liền 2 lĩnh vực viễn thông và bưu chính. Trong thời gian qua, cùng với sự thay đổi của xu hướng phát triển của kinh tế, xã hội và công nghệ, bưu chính đã trở thành một trong những lĩnh vực lớn và đóng góp vào sự phát triển quan trọng của đất nước. Do đó, cần phải có định hướng mới trong giai đoạn tiếp theo. Theo đó, năm 2021, Bộ TT&TT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 654 phê duyệt Chương trình phát triển bưu chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Chiến lược được xây dựng công phu có sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, các tổ chức, doanh nghiệp, trong đó Chiến lược đưa ra khát vọng lớn để chuyển mình trở thành lĩnh vực quan trọng, trở thành hạ tầng thiết yếu của nền kinh tế số, tầm nhìn 2030 trong đó nổi bật, mục tiêu là đưa bưu chính tăng trưởng cao.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe và chia sẻ về các nội dung: Tổng quan về thị trường bưu chính Việt nam, theo đó, Vụ Bưu chính sẽ đánh giá kết quả hoạt động năm 2021 và định hướng một số nội dung trọng tâm cần triển khai năm 2022; Giới thiệu Quyết định số 654/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Phổ biến và giới thiệu những điểm mới của Nghị định số 25/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 47/2011/NĐ-CP; Phổ biến pháp luật và trình bày giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng trong lĩnh vực bưu chính.
Để đảm bảo an toàn thông tin dữ liệu Đại diện Cục An toàn thông tin đã chia sẻ giải pháp cần thiết để công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, dữ liệu được hiệu quả trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc an toàn thông tin, an ninh mạng là tiền đề thúc đẩy triển khai Chính phủ số nhanh hơn, bền vững hơn; Triển khai các giải pháp, hoạt động bảo đảm an toàn thông tin xuyên suốt quá trình xây dựng, phát triển, vận hành, khai thác các hạ tầng mạng lưới, hạ tầng số và hạ tầng dữ liệu bưu chính, chú trọng bảo đảm an toàn thông tin, dữ liệu cá nhân người dùng...
Liên quan đến thương mại điện tử, vấn đề an ninh bưu chính, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Bưu điện Việt Nam cho rằng, việc giải quyết đến các vấn đề hàng lậu, hàng giả, lợi dụng mạng bưu chính để trục lợi, các biện pháp đấu tranh phải thay đổi đối với việc kiểm soát. Các doanh nghiệp bưu chính thì không thể trở thành các barie như các lực lượng chức năng khác. Doanh nghiệp có quy định kiểm tra nhưng hoạt động bưu chính giờ đây chuyển sang thương mại điện tử thì hàng hoá tự động từ các kho hàng lớn, không có chứng từ cụ thể theo hàng nên cần có những điều chỉnh, rồi có lực lượng kiểm tra ở các hub như giao kiểm vật liệu nổ…
Đại diện Bưu điện Việt Nam cũng kiến nghị với Bộ TT&TT cần quan tâm, hướng dẫn thêm về giao kết trên chứng từ điện tử mà các doanh nghiệp phải chuyển đổi. Các Cục, Vụ liên quan hướng dẫn thêm cho doanh nghiệp đối với khách hàng nhất quán về các quy trình để liên quan đến các giao kết chứng từ điện tử…
Theo BBT