Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |   

Báo cáo Tình hình kinh tế xã hội Hà Tĩnh tháng 4 và 4 tháng 2023

  

10:08 27/04/2023

I.LĨNH VỰC KINH TẾ

1.Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản

Vụ Xuân 2023 diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi cho các loại cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, đặc biệt là cây lúa. Hiện nay lúa đang trong thời kỳ trổ bông và dự kiến lúa sẽ trổ tập trung vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2023; Tổng đàn vật nuôi cơ bản ổn định và tăng nhẹ, tuy vậy, hoạt động chăn nuôi vẫn tiếp tục gặp khó khăn do chi phí chăn nuôi tiếp tục tăng cao trong khi giá sản phẩm lại giảm; tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023 khai thác gỗ vẫn đạt mức tăng khá, điều kiện thời tiết thuận lợi cho việc chăm sóc, trồng rừng và khai thác rừng; Khai thác thủy sản tiếp tục duy trì mức tăng ổn định, hiện nay vào mùa du lịch nên nhu cầu tăng, giá cả ổn định nên khuyến khích người dân ra khơi bám biển.

1.1 Sản xuất nông nghiệp

* Trồng trọt


Thời gian này khi lúa đang vào kỳ trổ bông, nhưng thời tiết diễn biến bất thường là điều kiện để sâu bệnh phát sinh gây hại, nhất là bệnh đạo ôn cổ bông nên cần phải thường xuyên thăm đồng để phát hiện và phòng, trừ sâu bệnh. Cùng với cây lúa thì các loại cây trồng vụ Xuân khác cũng đang được chăm sóc và sinh trưởng, phát triển tốt. Cây lạc đang trong giai đoạn đâm tia, phát triển củ; cây ăn quả như cam, bưởi…đang giai đoạn phát triển quả non.

Hiện nay, theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, trên các loại cây trồng vụ đang có các loại sâu bệnh phát sinh gây hại như sau: Trên cây lúa thì bệnh khô vằn phát sinh gây hại trên những chân ruộng sâu trũng, gieo cấy dày, bón thừa đạm. Chủ yếu tập trung ở Can Lộc, Cẩm Xuyên, thị xã Hồng Lĩnh, Thạch Hà,…tỷ lệ trung bình 3-7%, nơi cao 10-15%, diện tích 190 ha; chuột gây hại trên lúa gieo thẳng ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, với tỷ lệ trung bình 3-5%, nơi cao 7-10%, cục bộ 15-20%, diện tích 230 ha, trong đó 3 ha bị nặng. Trên cây ngô thì sâu keo mùa thu, sâu cắn lá phát sinh gây hại trên trà ngô 3-7 lá, diện tích nhiễm 12 ha, bệnh đốm lá lớn, đốm lá nhỏ gây hại trên trà ngô sớm, diện tích 22 ha tập trung tại Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Cẩm Xuyên…Cây lạc thì bệnh lỡ cổ rễ, nấm mốc đen, trắng phát sinh gây hại rải rác ở Thạch Hà, Hương Sơn, Vũ Quang, tỷ lệ trung bình 1-3%, diện tích 4 ha và nhóm sâu ăn lá (sâu xanh, sâu cuốn lá) diện tích 32 ha. Trên cây ăn quả có múi có sâu đục thân, đục cành 17 ha; sâu vẽ bùa, sâu nhớt 25 ha; rệp muội 25 ha; rầy chổng cánh 10 ha; nhện nhỏ 12 ha, phân bố tại Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê,…Hiện nay, các loại cây trồng vụ Xuân đang trong quá trình đơm hoa, kết trái nên cần tập trung phòng, trừ sâu bệnh để tránh thiệt hại, nhất là bệnh đạo ôn gây hại đối với cây lúa.

* Chăn nuôi


Tình hình chăn nuôi trên địa bàn trong tháng 4/2023 tiếp tục gặp khó khăn khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi giá bán sản phẩm giảm mạnh. Nhìn chung số lượng đàn đại gia súc ổn định, đàn lợn và đàn gia cầm tuy có tăng hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng với mức tăng không lớn và vẫn còn thiếu ổn định. Riêng đối với hoạt động chăn nuôi lợn, hiện nay giá lợn hơi đang ở mức thấp, trong khi giá thức ăn tăng quá cao nên tiếp tục gặp khó khăn trong việc thực hiện phát triển đàn lợn. Hoạt động chăn nuôi trong thời gian tới vẫn tiếp tục gặp khó khăn khi mà các khó khăn về giá bán sản phẩm, chi phí sản xuất chưa được tháo gỡ.

Tình hình dịch bệnh, thiệt hại: Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, tính đến ngày 10/4/2023, bệnh viêm da nổi cục đang xẩy ra và chưa qua 21 ngày trên địa bàn 5 phường, xã thuộc 3 huyện, thành phố, thị xã gồm: Phường Thạch Linh (thành phố Hà Tĩnh); phường Đậu Liêu (thị xã Hồng Lĩnh); xã Ngọc Sơn, xã Thạch Xuân và xã Thạch Ngọc (huyện Thạch Hà). Tổng số bò mắc bệnh 28 con, số chết tiêu hủy là 2 con với trọng lượng 146 kg. Thời gian tới, để phát triển chăn nuôi bên cạnh các chính sách nhằm phát triển đàn thì công tác phòng, chống dịch bệnh phải tiếp tục được quan tâm thực hiện để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi phát triển.

1.2 Lâm nghiệp


Trong tháng 4/2023, cùng với hoạt động khai thác thì với điều kiện thời tiết mát mẻ, nhiệt độ thấp, có mưa nên người dân vẫn tiếp tục tiến hành trồng rừng sản xuất. Tuy nhiên, do phụ thuộc vào chu kỳ khai thác nên kết quả diện tích rừng trồng tập trung tháng 4 cũng như tính chung 4 tháng đầu năm 2023 ước tính giảm hơn so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng gỗ khai thác tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ năm trước do diện tích rừng đến tuổi khai thác trên địa bàn vẫn còn khá lớn. Bên cạnh đó, do nhu cầu ngày càng giảm nên sản lượng củi khai thác tiếp tục giảm hơn so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động sản xuất lâm chủ yếu tập trung ở các địa phương như Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, huyện Kỳ Anh...

Tính từ đầu năm đến ngày 15/4/2023, trên địa bàn Hà Tĩnh không xẩy ra cháy rừng nhưng đã xẩy ra 23 vụ phá rừng (giảm 6 vụ), với diện tích rừng bị phá là 8,64 ha (giảm 0,73 ha) so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay đang chuẩn bị bước vào mùa nắng nóng nên các cơ quan chức năng cần phải tăng cường tuần tra kiểm soát và người dân khi vào rừng cần phải nâng cao ý thức để phòng chống cháy rừng.

1.3 Thủy sản


Kết quả sản xuất thủy sản tháng 4/2023 tiếp tục duy trì được mức tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, so với tháng trước lại giảm cả về sản lượng khai thác cũng như nuôi trồng. Trong khi sản lượng nuôi trồng giảm do sản phẩm chưa đến kỳ thu hoạch thì hoạt động khai thác biển cũng đang gặp rất nhiều khó khăn khi các chi phí đều tăng cao, nhất là giá xăng, dầu. Mặt khác, năm nay các loại hải sản ở vùng lộng xuất hiện ít hơn nên kết quả khai thác hải sản tăng không đáng kể. Thời gian tới, với điều kiện thời tiết thuận lợi cho hoạt động đánh bắt và nhu cầu tiêu dùng hải sản tăng trong mùa du lịch biển thì hy vọng hoạt động khai thác hải sản sẽ đạt được kết quả khá hơn.

Trong tháng 4/2023, các hộ nuôi trồng đã tập trung xuống giống thả nuôi vụ tôm Xuân Hè năm 2023. Theo khung lịch thời vụ năm 2023 của Sở NN&PTNT, vụ nuôi tôm Xuân Hè sẽ xuống giống trong tháng 3 và tháng 4 dương lịch. Toàn tỉnh dự kiến sẽ sản xuất trên diện tích hơn 2.230 ha với hơn 900 triệu con giống. Nuôi tôm vẫn tiếp tục được xem là hoạt động tạo ra sản phẩm thủy sản chủ lực và có lợi thế của tỉnh.

Tình hình dịch bệnh: Trong tháng không xẩy ra dịch bệnh đối với các loại thủy sản nuôi trồng trên địa bàn.

2.Sản xuất công nghiệp

Bốn tháng đầu năm 2023 tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn gặp khó khăn, chưa có sự bứt phá nào đáng kể so với năm 2022. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp cộng dồn 4 tháng đầu năm 2023 vẫn giảm nhẹ 0,83% so cùng kỳ năm trước.

2.1. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP)


Ước tháng 4/2023 chỉ số sản xuất ngành công nghiệp so với tháng 3/2023 giảm 3,17% và tăng 1,04% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 0,65% so với tháng trước và giảm 11,98% so với cùng kỳ năm trước; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,77% so với tháng trước và giảm 0,05% so với cùng kỳ năm trước; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,03% so với tháng trước và tăng 11,48% so với cùng kỳ năm trước; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 0,17% so với tháng 3/2023 và giảm 10,26% so với tháng 4/2022.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2023 chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 0,83% so cùng kỳ năm 2022. Cụ thể: Ngành công nghiệp khai khoáng giảm 11,42%, làm giảm 0,01 điểm phần trăm; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,14% làm giảm 1,29 điểm phần trăm (là ngành đóng góp chủ yếu vào mức tăng chung toàn ngành công nghiệp); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,46%, làm tăng 0,74 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 15,49%, làm giảm 0,29 điểm phần trăm vào mức tăng chung toàn ngành. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, do biến động của giá thị trường, giá nguyên liệu nhập khẩu vẫn ở mức cao, mặc dù giá thép thành phẩm có tăng nhưng vẫn ở mức thấp so với chi phí nên Công ty Formosa chưa tăng sản lượng sản xuất. Bên cạnh đó hiện nay, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 vận hành theo thị trường điện, tuy nhiên do tổ máy số 1 chưa khắc phục xong sự cố và giá than đang ở mức cao nên thường phải điều chỉnh công suất phát điện.

2.2. Một số sản phẩm chủ yếu


Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, trong số 19 nhóm sản phẩm chủ yếu được tổng hợp, có 6 nhóm sản phẩm tăng so cùng kỳ năm trước (chiếm 31,6% trong tổng số sản phẩm) và có 13 nhóm sản phẩm có chỉ số giảm (chiếm 68,4%) trong tổng số sản phẩm công nghiệp chủ yếu.

Cụ thể: Nhóm sản phẩm có chỉ số tăng bao gồm: Mực đông lạnh tăng 51,7%; điện thương phẩm tăng 15,06%; rác thải không độc hại đã thu gom không thể tái chế tăng 5,46%; điện sản xuất tăng 4,19%; bia đóng lon tăng 4,3%; thép không gỉ ở dạng bán thành phẩm tăng 1,15%. Ngoài ra một số nhóm sản phẩm có chỉ số giảm bao gồm: Quặng inmenit và tinh quặng inmenit giảm 69,7%; quặng zircon và tinh quặng zircon giảm 50,4%; gạch xây dựng bằng đất sét nung giảm 42,73%; thức ăn gia súc giảm 28,24%; bê tông trộn sẵn (bê tông tươi) giảm 27,21%; chè (trà) nguyên chất giảm 23,05%; nước không uống được giảm 16,76%; vỏ bảo, dăm gỗ giảm 14,62%...

2.3. Tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp

Chỉ số sử dụng lao động tháng 4/2023 ước tính tăng 0,13% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước giảm 7,61%.

Chỉ số sử dụng lao động cộng dồn đến cuối tháng 4/2023 ước tính giảm 7,39% so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp 4 tháng đầu năm 2023 giảm so với cùng kỳ chủ yếu là do giảm số lượng lao động của ngành công nghiệp khai khoáng và công nghiệp chế biến, chế tạo. Cụ thể chỉ số sử dụng lao động của ngành khai khoáng giảm 16% và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 8,73% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sử dụng lao động tính đến tháng 4/2024 đối với ngành ngành sản xuất và phân phối điện nhìn chung ổn định. Ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 2,96% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật đưa máy móc thiết bị vào quá trình sản xuất để tiết giảm lao động thì cũng có những doanh nghiệp do khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh nên đã giảm quy mô sản xuất và giảm lao động.

3. Vốn đầu tư

Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách do địa phương quản lý dự ước tháng 4/2023 mặc dù có cao hơn so với tháng trước (tăng 11,35%) tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước đạt thấp (giảm 13,11%). Tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý 4 tháng đầu năm 2023 ước giảm 18,08% so với cùng kỳ năm trước.


Tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 4/2023 ước đạt 330,22 tỷ đồng, tăng 11,35% so với tháng trước, giảm 13,11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 240,33 tỷ đồng, tăng 12,24% so với tháng trước và giảm 17,45% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 63,67 tỷ đồng, tăng 8,69% so với tháng trước và giảm 9,17% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 26,22 tỷ đồng, tăng 9,92% so với tháng trước và tăng 39,34% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách do địa phương quản lý dự ước tháng 4/2023 tăng cao hơn so với tháng trước do thời tiết trong tháng thuận lợi, nguồn vốn đảm bảo, thúc đẩy các nhà thầu tập trung thi công. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng được UBND các cấp và các đơn vị liên quan tập trung rà soát, đôn đốc. Tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách do địa phương quản lý giảm mạnh chủ yếu giảm ở nguồn vốn cấp tỉnh (giảm 17,45%), cấp huyện giảm (9,17%). Đây là 2 nguồn vốn chiếm tỷ trọng lớn (chiếm 92,06%) trong tổng tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách do địa phương quản lý

Nguồn vốn ngân sách do địa phương quản lý 4 tháng đầu năm ước đạt 1.168,30 tỷ đồng, giảm 18,08% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu do vốn kế hoạch năm giảm mạnh so với năm trước. Nhìn chung những tháng đầu năm 2023 khó khắn trong tiến độ giải phóng mặt bằng, bồi thường, vướng mắc trong công tác bàn giao ảnh hưởng tới tiến độ triển khai dự án lớn trên địa bàn.

4. Thương mại, dịch vụ và giá cả

4.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng


Trong tháng 4/2023, hoạt động thương mại và dịch vụ đạt mức tăng trưởng khá so với tháng trước do tác động nhiều yếu tố, ngoài ra, trong tháng trùng vào nhiều dịp nghỉ các lễ lớn như: Giỗ tổ Hùng Vương, Giải phóng miền Nam 30/4 và ngày Quốc tế Lao động 1/5 cũng là một trong những yếu tố kích cầu tiêu dùng. Du lịch tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả đáng kể, bứt phá so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt đã vào mùa du lịch biển cũng là cơ hội để tỉnh nhà khai thác tiềm năng du lịch địa phương.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa: Tháng 4/2023 doanh thu ước đạt 4.685,89 tỷ đồng, tăng 4,63% so với tháng trước và tăng 17,51% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Bán lẻ tại các trung tâm thương mại, siêu thị ước đạt 29,40 tỷ đồng, tăng 4,62% so với tháng trước và tăng 73,19% so với cùng kỳ năm trước. Xét trong các nhóm hàng chỉ có 2 nhóm hàng có doanh thu giảm nhẹ so với tháng trước là nhóm hàng hóa khác và nhóm Đá quý, kim loại quý. Còn lại các nhóm hàng đều có tốc độ tăng khá, đặc biệt các nhóm hàng chủ yếu và tăng khá như Lương thực, thực phẩm tăng 5,0% so với tháng trước, tăng 27,49% so với cùng kỳ. Hàng may mặc tăng 7,19% so với tháng trước, tăng 11,86% so với cùng kỳ. Đồ dùng, dụng cụ gia đình tăng 7,02% so với tháng trước, tăng 17,31% so với cùng kỳ; vật phẩm văn hóa giáo dục tăng 18,09% so với tháng trước, tăng 36,91% so cùng kỳ; Gỗ và vật liệu xây dựng tăng 7,69% so với tháng trước, tăng 40,73% so với cùng kỳ; Xăng, dầu các loại tăng 1,93% so với tháng trước, tăng 31,54% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do các nguyên nhân: Thứ nhất, do ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ, thời tiết chuyển sang mùa nắng tác động đến các nhóm hàng hóa thực phẩm, đồ uống, điện lạnh, vật liệu xây dựng, hàng may mặc. Thứ hai, Tình hình kinh tế khó khăn tại nhiều khu vực lớn trong nước ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Dư nợ cao trong khi lãi suất tín dụng tăng mạnh trong thời gian qua khiến người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Thứ ba, do ảnh hưởng của các chính sách điều hành từ Chính phủ về giá nhiên liệu xăng, dầu các loại.

Tính chung, 04 tháng đầu năm 2023 tổng mức bán lẻ hàng hóa dự tính đạt 18.797,57 tỷ đồng, tăng 21,55% so với cùng kỳ năm trước. Biến động rõ nét nhất so với cùng kỳ ở các nhóm mặt hàng thiết yếu và chiếm tỷ trọng doanh thu cao như: Lương thực, thực phẩm tăng 28,34%; may mặc tăng 35,99%; đồ dùng, thiết bị gia đình tăng 33,81%; xăng dầu các loại tăng 37,02%;... Chỉ có 2 nhóm hàng có doanh thu giảm so với cùng kỳ đó là nhóm ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) giảm 16,01%; phương tiện đi lại khác giảm 36,02%, nguyên nhân chủ yếu do đây là các mặt hàng xa xỉ, nguồn vốn huy động hạn chế do lãi suất tín dụng đang ở mức cao cũng như lượng vốn đang mắc tại thị trường bất động sản. Nhưng nhìn chung, tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng đầu năm tăng mạnh so cùng kỳ năm trước. Mức tăng chủ yếu do ảnh hưởng bởi yếu tố giá cả tăng mạnh ngoài ra, do sức mua tăng do tính chất mùa vụ: thời tiết đã chuyển mùa nhu cầu mua sắm quần áo, các đồ dùng dụng cụ gia đình như điều hòa, quạt điện…thiết bị làm mát tăng. Đặc biệt nhóm vật liệu xây dựng do thời tiết thuận lợi cho khởi công các công trình xây dựng giao thông, nên sản lượng hàng hóa bán lẻ vật liệu xây dựng sắt, thép, xi măng tăng.

Hoạt động dịch vụ l­ưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tháng 04/2023 doanh thu ước đạt 601,65 tỷ đồng, tăng 8,27% so với tháng trước, tăng 16,54% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Dịch vụ l­ưu trú ước đạt 24,02 tỷ đồng, tăng 27,52% so với tháng trước, tăng 6,35% so với cùng kỳ năm trước. Lượt khách phục vụ 129.764 lượt, tăng 9,51% so với tháng trước và tăng 16,13% so với cùng kỳ năm trước. Ngày khách phục vụ ước đạt 125.793 ngày khách tăng 12,67% so với tháng trước tăng 35,76% so với cùng kỳ; Dịch vụ ăn uống ước đạt 572,78 tỷ đồng, tăng 7,39% so với tháng trước, tăng 16,07% so với cùng kỳ năm trước; Du lịch lữ hành ước đạt 4,85 tỷ đồng tăng 37,7% so với tháng trước và tăng 21 lần so với cùng kỳ.

Trong tháng, tình hình thời tiết thuận lợi, Hà Tĩnh đang vào mùa du lịch, lượng khách du lịch tăng, công suất phòng lưu trú cũng tăng hơn, các cơ sở kinh doanh nhà hàng ăn uống hoạt động ổn định hơn. Mặt khác, trong tháng trùng các dịp lễ như: Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch), ngày Giải phóng miền Nam 30/4 và ngày Quốc tế Lao động 1/5, nhu cầu ăn uống ngoài gia đình tăng cao so với tháng trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước đạt 2.191,7 tỷ đồng tăng 26,84% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành l­ưu trú ước đạt 80,34 tỷ đồng, tăng 33,31%; lượt khách phục vụ 478.155 lượt, tăng 47,30%; ngày khách phục vụ 442.229 ngày, tăng 58,04% so với cùng kỳ năm trước; Ăn uống ước đạt 2.097,78 tỷ đồng, tăng 25,81%. Hoạt động du lịch trở lại hoạt động so với cùng kỳ năm trước đang bị tạm dừng, doanh thu ước đạt 13,58 tỷ đồng.

Hà Tĩnh được xác định là một trong những điểm dừng chân lý tưởng để tham quan, thưởng thức các thắng cảnh thiên nhiên đặc sắc, các di tích lịch sử và thưởng thức nét ẩm thực riêng của tỉnh. Đặc biệt, trong quý I đã tổ chức nhiều lễ hội văn hóa hấp dẫn như: lễ hội chùa Hương Tích (Can Lộc) gắn với khai trương năm du lịch Hà Tĩnh 2023; lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (Hương Sơn); lễ hội Đền Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (TX Kỳ Anh); lễ hội đền Củi (Nghi Xuân), lễ hội Văn Miếu (TP Hà Tĩnh)... Cùng với đó, dịp nghỉ các lễ lớn như Quốc tế phụ nữ 8/3; Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch), ngày Giải phóng miền Nam 30/4 và ngày Quốc tế Lao động 1/5 năm nay với thời gian nghỉ dài ngày và cũng là tháng bắt đầu mùa du lịch biển nên nhu cầu tham quan nghỉ mát tăng mạnh, lượng khách đến thuê phòng nghỉ tại các điểm du lịch biển dự kiến tăng dẫn đến doanh thu nhóm hàng này tăng cao trong quý.

Hoạt động dịch vụ khác: Doanh thu dịch vụ khác tháng 04/2023 ước tính đạt 363,03 tỷ đồng, tăng 4,39% so với tháng trước và tăng 21,19% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, doanh thu hoạt động dịch vụ khác ước đạt 1.436,81 tỷ đồng, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Nhóm kinh doanh bất động sản tăng 20,73%; hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 52,01%; giáo dục đào tạo tăng 33,17%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 2,36%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 193,15%; Dịch vụ khác tăng 14,12%.

Hoạt động dịch vụ 4 tháng đầu năm 2023 phát triển mạnh so với cùng kỳ năm trước. Người dân đã tích giải tỏa được tâm lý sau 1 năm dịch bệnh để hưởng ứng các dịp lễ lớn góp phần kích cầu tiêu dùng giúp cho tình hình hoạt động kinh doanh dịch vụ khác phát triển mạnh hơn. Bên cạnh đó, các công trình xây dựng lớn trên địa bàn tiếp tục thi công, nhu cầu thuê máy móc phục vụ san lấp mặt bằng tăng, các hoạt động nghệ thuật vui chơi giải trí cũng ngày càng phát triển để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người dân.

4.2. Hoạt động vận tải

Kết quả hoạt động kinh doanh vận tải tháng 4/2023 ước tính tăng hơn so với tháng trước. Do nhu cầu đi lại của người dân trong dịp nghỉ lễ 10/3 âm lịch và 30/4-1/5 gần nhau và kỳ nghỉ kéo dài khá dài ngày, cùng với đó là các đơn vị kinh doanh vận tải điều chỉnh giá cước do ảnh hưởng của giá xăng dầu khiến cho doanh thu vận tải hành khách tăng. Đối với vận tải hàng hóa, thời tiết thuận lợi cho hoạt động xây dựng, các công trình xây dựng cơ bản, nhu cầu vận tải hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, nguyên liệu sản xuất... nhất là hàng phục vụ giải khát tăng mạnh.


Doanh thu vận tải, kho bãi tháng 04 năm 2023 ước đạt 574,54 tỷ đồng, tăng 4,99% so tháng trước và tăng 15,55% so cùng kỳ năm trước. Trong đó:

Vận tải hành khách: Doanh thu ước đạt 89,32 tỷ đồng, tăng 12,99% so với tháng trước và tăng 49,79% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng hành khách vận chuyển ước đạt 1.110,5 nghìn HK, tăng 12,51% so với tháng trước và tăng 63,77% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển ước đạt 212.650,5 nghìn HK, tăng 12,4% so với tháng trước, tăng 84,01% so với cùng kỳ năm trước.

Vận tải hàng hóa: Doanh thu ước đạt 385,39 tỷ đồng, tăng 3,64% so với tháng trước và tăng 13,02% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hàng hóa vận chuyển ước tính đạt 4.203,3 nghìn tấn, tăng 3,42% so với tháng trước và tăng 14,06% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển ước đạt 131,49 triệu tấn.km, tăng 4,18% so với tháng trước và tăng 10,64% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 98,16 tỷ đồng, tăng 3,63% so với tháng trước và giảm 11,34% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, doanh thu vận tải dự tính đạt 2.126,37 tỷ đồng, tăng 10,25% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó: Vận tải hành khách ước tính đạt 330,30 tỷ đồng, tăng 57,82% với số lượng vận chuyển ước đạt 4.150,6 nghìn HK, tăng 75,02% và luân chuyển ước đạt 791,43 triệu HK.km, tăng 98,73% so với cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hóa ước tính đạt 1.421,28 tỷ đồng, tăng 10,72% với khối lượng vận chuyển đạt 15.538,1 nghìn tấn, tăng 11,74% và luân chuyển đạt 482,93 triệu tấn.km, tăng 7,19% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 369,24 tỷ đồng, giảm 17,45% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung, hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh 4 tháng đầu năm 2023 có sự phát triển mạnh, đáp ứng được nhu cầu của người dân. Nguyên nhân chủ yếu Thứ nhất, do thời tiết chuyển sang mùa nắng, nhu cầu đi lại bằng các phương tiện vận tải hành khách công cộng xe buýt, taxi tăng. Bên cạnh đó, lượng người du lịch, về thăm quê ở mức cao và việc các nhà xe cũng tăng giá vé xe do sự tăng giá nguyên, nhiên liệu; Thứ hai, thời tiết thuận lợi cho thi công xây dựng nên nhu cầu lớn về vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng, bên cạnh đó nhu cầu tiêu dùng hàng hóa đồ dùng, dụng cụ gia đình, nước giải khát, đồ uống có cồn, hàng may mặc tăng, sản phẩm chế biến phục vụ chăn nuôi đã làm khối lượng hàng hóa vận chuyển, luân chuyển tăng; Thứ ba, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng nên lượng hàng hóa thông qua 2 cảng Sơn Dương và Vũng Áng của Công ty TNHH Hưng nghiệp Gang thép Formosa và Công ty Cổ phần Cảng Vũng Áng Lào - Việt tăng làm cho doanh thu kho bãi, hỗ trợ vận tải tăng.

4.3. Xuất nhập khẩu hàng hóa

Hoạt động xuất, nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2023 đã có dấu hiệu khả quan hơn cùng kỳ năm trước và chuyển dịch cán cân hợp lý hơn khi tăng ở kim ngạch xuất khẩu và giảm dần kim ngạch nhập khẩu. Tính chung 4 tháng tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 1.969,09 triệu USD tăng 3,45% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chỉ tính riêng tháng 4/2023 thì tổng kim ngạch ước đạt 529,20 triệu USD giảm so với tháng trước (giảm nhẹ 0,60%) và cả so với cùng kỳ (giảm 8,20%).


Kim ngạch xuất khẩu: Tháng 4/2023 ước đạt 218,70 triệu USD, giảm 7,08% so với tháng trước nhưng tăng 5,86% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Xuất khẩu thép, phôi thép đạt 191,37 triệu USD giảm tới 13,49% so với tháng trước và tăng nhẹ 0,94% so với cùng kỳ; dệt và hàng may mặc ước đạt 1,60 triệu USD tăng 0,63% so với tháng trước và tăng 11,11% so với cùng kỳ năm trước; dăm gỗ đạt 5,0 triệu USD tăng 2,67% so với tháng trước nhưng tăng 28,87% so với cùng kỳ năm trước.

Cộng dồn 4 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 882,36 triệu USD, tăng 37,95% so với cùng kỳ năm trước. Tính trong các mặt hàng xuất khẩu, thép và phôi thép ước đạt 140,29 triệu USD và là mặt hàng có kim ngạch tăng lớn nhất tăng 40,29%, tiếp đến là mặt hàng Dăm gỗ ước đạt 22,79 triệu USD tăng 21,68% còn lại tất cả các mặt hàng khác đều giảm so với cùng kỳ. Mặt hàng Chè và xơ, sợi dệt các loại giảm sâu nhất (lần lượt giảm 22,88% và 21,64%), tiếp đến là dệt và hàng may mặc giảm 10,25%. Chứng tỏ sự khó khăn trong việc sản xuất và xuất khẩu chè, hàng may, sản phẩm vải cũng như các mặt hàng thủy sản...nhưng từ những tín hiệu tích cực trong xuất khẩu mặt hàng trọng điểm thép do giá thành thép cuộn tăng và việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu do có những hỗ trợ từ tiêu dùng trong nước, tạo cơ hội có các nước khác xuất khẩu thép như Viện Nam nói chung và tỉnh Hà Tĩnh nói riêng, điều đó đã góp phần giúp cân bằng lại kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh và đạt mức tăng trưởng xuất khẩu khá cao.

Kim ngạch nhập khẩu: Tháng 4 ước đạt 310,50 triệu USD, tăng 4,53% so với tháng trước và giảm 16,05% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do Formosa tăng nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất tăng sản lượng phục vụ xuất khẩu (Nhập khẩu Formosa ước đạt 260,50 triệu USD tăng 8,52% so với tháng trước và giảm 25,08% so với cùng kỳ). Cộng dồn 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.086,73 triệu USD, giảm 14,01% so với cùng kỳ năm trước.

5. Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 năm 2023 giảm nhẹ so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ vẫn ở mức tăng 1,45%. Mức giảm của chỉ số giá chủ yếu nằm ở mặt hàng thiết yếu lương thực, thực phẩm cụ thể ở mặt hàng thực phẩm do thời tiết nắng nóng nhu cầu tiêu thụ thịt lợn ở mức thấp trong khi nguồn thịt đông lạnh nhập khẩu giá rẻ số lượng lớn.


Tháng 04 năm 2023, chỉ số CPI chung giảm 0,05% so với tháng trước và tăng 1,65% so với cùng tháng năm trước. Xét trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 4 nhóm hàng biến động giảm nhẹ so với tháng trước trong sso giảm mạnh nhất ở nhóm hàng lương thực, thực phẩm, cụ thế là giảm ở nhóm hàng thực phẩm do nguyên nhân nhử đã nói ở trên. Còn lại có 5 nhóm hàng tăng không đáng kể so với tháng trước đều ở mức tăng dưới 0,85% và có 2 nhómChỉ có 02 nhóm hàng hóa ổn định giá không thay đổi so với tháng trước là Giáo dục và Đồ uống thuốc lá.

Một số yếu tố chính tác động đến giá cả thị trường tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ trong tháng 04/2023: Thứ nhất, ảnh hưởng thời tiết đầu mùa hè khắc nghiệt khi thời tiết nắng nóng, tác động đến nhu cầu thực phẩm, nước giải khát, hàng dệt may, hàng điện máy, giá và khối lượng tiêu dùng điện và nước sinh hoạt tăng. Thứ hai, giá xăng dầu bình quân tăng so tháng trước. Thứ ba, Giá vật liệu xây dựng tăng trở lại, tình hình thị trường tiêu dùng thịt gia súc tiếp tục gặp khó khăn, tuy nhiên dần cải thiện tốt hơn về cuối tháng

Tính chung 4 tháng đầu năm 2023 chỉ số giá bình quân tăng 2,32% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực thành thị tăng 1,83%; nông thôn tăng 2,54%. Rõ nét nhất là nhóm hàng nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng 4 tháng đã tăng bình quân 5,62%. Do thị trường xây dựng hoạt động mạnh trong thời gian qua khiến nhu cầu vật liệu xây dựng tăng cao, giá thép xây dựng cũng có xu hướng tăng trở lại sau thời gian dài neo ở mức thấp. Giá điện sinh hoạt tăng nhất là khu vực nông thôn có xu hướng tăng nhanh hơn do đời sống người dân được cải thiện. Mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng 3,40% do giá gạo tiếp tục tăng bởi nguồn cung ứng gạo nội tỉnh gặp khó khăn do hiện tại chưa đến thời điểm thu hoạch lúa vụ Đông Xuân trên địa bàn tỉnh. Còn lại các nhóm hàng mặt hàng khác có chỉ số gái cụ thể như sau: đồ uống và thuốc lá tăng 0,82%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,15%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,52%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,45%; giao thông giảm 0,92%; bưu chính viễn thông giảm 0,76%; giáo dục tăng 2,35%; văn hoá, giải trí và du lịch tăng 2,98%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,38% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường tiêu dùng, từ đầu năm đến nay các mặt hàng có mức biến động mạnh chủ yếu tập trung ở các nhóm lương thực, thực phẩm, xăng dầu, điện nước. Những yếu tố mùa vụ, tình hình khó khăn tại các khu kinh tế lớn trong nước và thời tiết là những điểm cơ bản ảnh hưởng lớn đến sự biến động giá cả hàng hoá dịch vụ. Bên cạnh đó là sự điều hành của các cơ quan quản lý đối với nhóm nhiên liệu.

Chỉ số giá vàng tháng 04/2023 tăng 2,06% so với tháng trước, tăng 0,15% so với cùng tháng năm trước; giá vàng bình quân trong tháng ở mức 5.564 nghìn đồng/chỉ 9999. Chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,55% so với tháng trước và tăng 1,84% so với cùng tháng năm trước; giá đô la Mỹ bình quân 2.354.995 đồng/100 USD.

Dự báo chỉ số giá bán lẻ hàng hoá và dịch vụ trong tháng 5/2023 dự kiến tăng các nhóm hàng hóa, dịch vụ, du lịch, ăn uống, thuỷ hải sản, giá phòng lưu trú, dịch vụ lữ hành. Giá điện và nước sinh hoạt tăng cao khi lượng tiêu thụ khả năng đạt ở mức cao khi tình hình thời tiết nắng nóng trên 40oC trên địa bàn tỉnh.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI.

1. Giáo dục

Tiếp nối những kết quả đã đạt được trong năm học 2022-2023, ngành giáo dục Hà Tĩnh tiếp tục gặt hái được nhiều thành tích. Tại kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 10, với 1.207 em dự thi, có 797 em đạt giải (gồm 75 giải Nhất, 201 giải Nhì, 275 giải Ba và 246 giải Khuyến khích); ngoài số thí sinh tham gia đạt giải, còn có 17 em được đặc cách công nhận học sinh giỏi tỉnh môn Tiếng Anh. Bên cạnh đó, tham gia cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” năm học 2022 -2023 do Bộ Giáo dục-Đào tạo phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) tổ chức, Hà Tĩnh đã giành được 2 giải nhì toàn quốc. Với 2 giải nhì của giáo viên và học sinh, Hà Tĩnh giữ vững thành tích là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn quốc tại cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”.

Cũng trong thời gian này, để chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT năm 2023, ngành giáo dục Hà Tĩnh đã tổ chức kỳ thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12 với gần 17.000 học sinh tham gia. Kỳ thi này là cơ hội cho học sinh lớp 12 tự kiểm tra kiến thức, kỹ năng, chuẩn bị tốt tâm lý, phương pháp làm bài, đồng thời tập dượt cho việc tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Kết quả của kỳ thi cũng là cơ sở để các trường THPT điều chỉnh kế hoạch dạy học, ôn tập cho học sinh lớp 12 trong thời gian tới..

2. Hoạt động y tế

Tình hình dịch bệnh Covid-19: Trước tình hình số lượng ca mắc COVID-19 gia tăng tại nhiều tỉnh thành, ngành y tế khuyến cáo người dân không chủ quan, lơ là, cần chủ động tiêm vắc-xin phòng COVID-19. Tại Hà Tĩnh, nhờ thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch nên hiện nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn vẫn được kiểm soát hiệu quả. Các cơ sở y tế không ghi nhận sự gia tăng đột biến các ca bệnh COVID-19. Tổng số ca mắc từ ngày 04/6/2021 đến nay là 58.259 ca mắc, còn tính từ ngày 01/01/2022 đến nay là 57.300 ca mắc.

Tình hình dịch bệnh khác: Trong tháng, trên địa bàn chỉ có một số ca bệnh đơn lẻ, cụ thể: 14 ca sốt xuất huyết, 01 ca sốt rét, 22 ca mắc bệnh quai bị, 27 ca mắc lỵ trực trùng, 29 ca mắc lỵ a míp, 17 ca mắc bệnh thủy đậu, 1.145 ca mắc bệnh cúm, 01 ca mắc bệnh do adeno, 21 ca chân tay miệng, 312 ca tiêu chảy, 7 ca viêm gan vi rút khác và không có người chết do các bệnh trên.


Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn cũng chỉ có một số ca bệnh đơn lẻ, không tạo thành dịch, cụ thể: 24 ca sốt xuất huyết (tăng 20 ca so với cùng kỳ năm trước), 2 ca sốt rét (cùng kỳ năm trước không xảy ra), 63 ca mắc bệnh quai bị (tăng 23 ca), 88 ca mắc lỵ trực trùng (tăng 16 ca), 106 ca mắc lỵ a míp (tăng 4 ca), 78 ca mắc bệnh thủy đậu (tăng 16 ca), 4.907 ca mắc bệnh cúm (tăng 801 ca), 5 ca mắc bệnh do adeno (cùng kỳ năm trước không xảy ra), 65 ca chân tay miệng (cùng kỳ năm trước không xảy ra), 868 ca tiêu chảy (tăng 120 ca), 29 ca viêm gan vi rút khác (tăng 12 ca) và không có người chết do các bệnh trên.

Công tác phòng chống HIV/AIDS: Trong tháng, có 5 người nhiễm mới HIV, 4 người chuyển thành AIDS và có 01 người chết vì AIDS; giảm 5 người nhiễm HIV, 6 người chuyển thành AIDS, còn số người chết vì AIDS không thay đổi so với tháng trước và giảm 2 người nhiễm AIDS, tăng 01 người chết vì AIDS, còn số người nhiễm mới HIV không thay đổi so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng năm 2023, có 21 người nhiễm mới HIV, 16 người chuyển thành AIDS và 3 người chết vì AIDS; tăng 10 người nhiễm HIV, 11 người chuyển thành AIDS và 3 người chết vì AIDS so với cùng kỳ năm trước.

Công tác an toàn thực phẩm: Thực hiện “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023, Hà Tĩnh đã triển khai mạnh mẽ chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cho các hộ sản xuất kinh doanh, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến các mô hình sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất đảm bảo an toàn, mang đậm nét truyền thống, đặc sản địa phương; công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm trái pháp luật.

Trong tháng, không có vụ ngộ độc tập thể nào xảy ra, chỉ có 73 ca ngộ độc đơn lẻ và không có người chết vì ngộ độc; tăng 5 ca ngộ độc đơn lẻ (tăng 7,35%) so với tháng trước và tăng 19 ca ngộ độc đơn lẻ (tăng 35,19%) so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng năm 2023, có 1 vụ ngộ độc tập thể (làm 7 người bị ngộ độc), 272 ca ngộ độc đơn lẻ và không có người chết vì ngộ độc; số vụ ngộ độc tập thể không thay đổi (nhưng tăng 4 người bị ngộ độc), tăng 98 ca ngộ độc đơn lẻ (tăng 56,32%) và số người chết không thay đổi so với cùng kỳ năm trước.

3. Hoạt động văn hoá, thể thao

Hoạt động văn hóa: Trong tháng, Hà Tĩnh đã khai mạc Tuần Văn hóa Nguyễn Du năm 2023 nhằm lan tỏa những giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều, đồng thời là dịp để huyện Nghi Xuân quảng bá hình ảnh con người, văn hóa địa phương đến du khách; tổ chức lễ hội khai trương du lịch biển năm 2023 với chủ đề “Hà Tĩnh trtrang thơ hòa cánh sóng” là dịp để huyện Nghi Xuân giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa, tiềm năng và sản phẩm du lịch của địa phương tới bạn bè, du khách trong và ngoài nước. Ngoài ra, Hà Tĩnh còn tham gia Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch “Một hành trình - Bốn địa phương - Nhiều trải nghiệm” tại Hà Nội, với thông điệp mà Hà Tĩnh mang đến hội nghị lần này là “Hà Tĩnh - Về Hà Tĩnh người ơi!”. Trong đó giới thiệu du lịch Hà Tĩnh qua các ấn phẩm, tài liệu, tờ rơi, tập gấp, sản phẩm quà tặng du lịch, đặc sản vùng miền của các địa phương trong tỉnh. Trình chiếu video clip giới thiệu tiềm năng, sản phẩm du lịch của tỉnh.

Công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động văn hóa: Công tác kiểm tra, thanh tra văn hóa được thực hiện thường xuyên và theo kế hoạch, đặc biệt là trong các dịp lễ, hội. Công tác kiểm tra, thanh tra nhằm tập trung quản lý, chấn chỉnh các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa, các hoạt động thuộc lĩnh vực Thông tin - truyền thông trên địa bàn tỉnh như chấn chỉnh bảng hiệu, quảng cáo tại các khu du lịch bãi biển....nhằm tạo môi trường cảnh quang văn minh, lịch sự tạo thiện cảm cho du khách khi đến với du lịch Hà Tĩnh.

Hoạt động thể thao:

Thể thao thành tích cao: Tháng 4 năm 2023, đoàn thể thao Hà Tĩnh tham gia 2 giải giành 21 huy chương (gồm 6 HCV, 9 HCB, 6 HCĐ), cụ thể: Giải điền kinh Cúp tốc độ Thống nhất thành phố Hồ Chí Minh năm 2023 từ 01-02/4 giành được 16 huy chương (gồm 5 HCV, 7 HCB, 4 HCĐ); Giải vô địch các câu lạc bộ Muay quốc gia năm 2023 từ 22-29/3 tại thành phố Pleiku giành 5 huy chương (gồm 1 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ). Cũng trong thời gian này, đội bóng đá U17 Hồng Lĩnh Hà Tĩnh đã giành được HCB U17 Quốc gia năm 2023 tại Hưng Yên.

Thể thao quần chúng: Bên cạnh hoạt động thể thao thành tích cao, ở Hà Tĩnh hoạt động thể thao quần chúng ngày càng phát triển mạnh mẽ và diễn ra sôi nổi như: Giải Bóng chuyền nữ huyện Cẩm Xuyên, với sự tham gia của gần 200 vận động viên đã mở màn cho chuỗi hoạt động du lịch biển Thiên Cầm năm 2023; Giải Bóng đá nam thị xã Hồng Lĩnh năm 2023; Giải Quần vợt TX Hồng Lĩnh mở rộng năm 2023; Giải bóng chuyền “phủi” gây quỹ ủng hộ trẻ mồ côi Hà Tĩnh; Giải Bóng chuyền hơi nam nữ Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh chào mừng kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Tổng Công ty…

4. Tình hình an toàn giao thông


Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4, 1/5 và Kỳ tốt nghiệp THPT năm 2023; Hà Tĩnh đã đổi mới công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật ATGT tới mọi tầng lớp nhân dân; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; tăng cường công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, hành lang ATGT, kịp thời khắc phục sửa chữa hư hỏng kết cấu, tổ chức giao thông...

Tính từ ngày 15/3-14/4/2023 xảy ra 20 vụ tai nạn đường bộ, làm 16 người chết, 9 người bị thương, thiệt hại 300 triệu đồng; tăng 9 vụ, tăng 5 người chết, tăng 8 người bị thương so với tháng trước và tăng 11 vụ, tăng 8 người chết, tăng 5 người bị thương so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, tính từ ngày 15/12/2022-14/4/2023 đã xảy ra 46 vụ tai nạn đường bộ, làm 39 người chết, 14 người bị thương, thiệt hại 610 triệu đồng; tăng 17 vụ, tăng 3 người chết, giảm 1 người bị thương so với cùng kỳ năm trước.

5. Môi trường


Tình hình cháy, nổ: Tính từ ngày 15/3-14/4/2023 trên địa bàn tỉnh đã xảy 9 vụ cháy không làm thiệt hại về người, ước tính giá trị thiệt hại tài sản 520 triệu đồng; tăng 6 vụ, thiệt hại về người không đổi so với tháng trước và tăng 7 vụ, thiệt hại về người không thay đổi so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng đã xảy ra 01 vụ cháy phương tiện giao thông ở thị xã Kỳ Anh, gây thiệt hại lớn về tài sản với giá trị ước là 500 triệu đồng.

Như vậy, tính từ 15/12/2022-14/4/2023 xảy ra 27 vụ không làm thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản 690 triệu đồng; tăng 19 vụ, giảm 1 người chết, số người bị thương không thay đổi so với cùng kỳ năm trước.

Vi phạm môi trường: Tính từ ngày 15/3-14/4/2023 đã phát hiện 43 vụ và đã xử lý 35 vụ, với tổng số tiền xử phạt 139,27 triệu đồng; tăng 14 vụ đã phát hiện, giảm 16 vụ đã xử lý, tăng 44,67 triệu đồng số tiền xử phạt so với tháng trước và tăng 4 vụ đã phát hiện, tăng 10 vụ đã xử lý, tăng 39,27 triệu đồng số tiền xử phạt so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng năm 2023 (từ 15/12/2022-14/4/2023) đã phát hiện 362 vụ, xử lý 302 vụ, tổng số tiền xử phạt 898,77 triệu đồng; giảm 48 vụ đã phát hiện (giảm 11,71%), tăng 11 vụ đã xử lý (tăng 3,78%), số tiền xử phạt giảm 80,11 triệu đồng (giảm 8,18%) so với cùng kỳ năm trước.

6. Tình hình thiên tai

Trong tháng không xảy ra thiên tai, không thay đổi so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Tính từ đầu năm đến nay không xảy ra thiên tai và không thay đổi so cùng kỳ năm trước.

Trên đây là một số tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh./.

BBT


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện