Thực hiện Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ, để chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 3, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; thủ trưởng các đơn vị nêu trên thực hiện nghiêm các nhiệm vụ liên quan.
Theo đó, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến của bão để kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Tranh thủ tối đa những ngày thời tiết thuận lợi chỉ đạo huy động tối đa máy móc, nhân lực để tập trung thu hoạch nhanh gọn lúa Hè Thu 2024, phấn đấu kết thúc trong ngày 5/9/2024, với phương châm lúa chín đến đâu tổ chức thu hoạch đến đó, kiên quyết không để lúa chín bị ngập khi mưa lũ xảy ra; rà soát số lượng máy gặt đập trên địa bàn, có kế hoạch điều phối hợp lý giữa các địa phương để đảm bảo thu hoạch lúa Hè Thu nhanh nhất; soát xét, khai thác tối đa công suất các cơ sở sấy trên địa bàn sẵn sàng các điều kiện để sấy lúa cho người dân trong điều kiện mưa lũ xảy ra nhằm giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch. Hướng dẫn người dân triển khai phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp, cây ăn quả có múi, diện tích nuôi trồng thủy hải sản đã đến kỳ thu hoạch; chủ động tiêu thoát nước đệm phòng, chống ngập úng, bảo vệ sản xuất.
Kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân ra đường trong thời gian mưa bão, lũ lớn để đảm bảo an toàn, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả bão, lũ nếu xẩy ra tại địa phương, hạn chế tối đa thiệt hại có thể xẩy ra.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh và UBND các địa phương ven biển theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến của bão; tổ chức kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn. Kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp.
Giao Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh căn cứ diễn biến của bão chủ động cấm biển đối với tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch.
Sở NN&PTNT tổ chức kiểm tra và chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai phương án đảm bảo an toàn các công trình đê điều, hồ đập thủy lợi, đặc biệt là đối với các công trình xung yếu, không đảm bảo an toàn; đôn đốc thu hoạch nhanh gọn lúa Hè thu 2024 nhằm giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ.
Sở VH-TT&DL tổ chức kiểm tra và chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, tài sản cho khách du lịch tại các khu du lịch ven biển trên địa bàn.
Chủ đầu tư các công trình đang thi công trên địa bàn tỉnh khẩn trương triển khai phương án bảo đảm an toàn đối với công trình, người và máy móc, thiết bị khi có bão và mưa lớn xẩy ra; đặc biệt lưu ý đối với các công trình phòng chống thiên tai như: cảng cá, kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển và các hồ đập đang thi công dở dang.
Chỉ huy trưởng: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng đóng trên địa bàn rà soát phương án ứng phó, chủ động tổ chức triển khai lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ các địa phương ứng phó với bão, sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Các Sở: Giao thông vận tải, Công Thương theo chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai công tác vận hành đảm bảo an toàn hồ chứa thủy điện, đặc biệt là các công trình thủy điện đang thi công; đảm bảo an toàn giao thông theo quy định.
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan có liên quan để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó.
Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến thiên tai; tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động phòng, tránh.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (Cơ quan thường trực Sở NN&PTNT) theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, đôn đốc công tác triển khai ứng phó phù hợp, kịp thời báo cáo đề xuất UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo trong trường hợp vượt thẩm quyền.
Tổ chức lực lượng trực ban 24/24h tại các cơ quan, đơn vị để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra, kịp thời báo cáo về UBND tỉnh và Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để chỉ đạo.
BBT
Thêm nhận xét mới