Đảm bảo chuyển tiếp quản lý tài chính, ngân sách khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp   |    Thống nhất cao trong công cuộc xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền   |    Thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tiến tới Đại hội XIV của Đảng   |    UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo thực hiện Kế hoạch tuyên truyền đại hội Đảng bộ các cấp và tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng   |    Quy trình chỉ định nhân sự cấp ủy cấp xã thành lập mới nhiệm kỳ 2025-2030   |   

Hà Tĩnh ban hành phương án báo tin động đất, cảnh báo sóng thần năm 2025

  

11:06 28/04/2025

Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành Quyết định về việc phê duyệt phương án báo tin động đất, cảnh báo sóng thần năm 2025.

Động đất là sự rung động mặt đất bởi sự giải phóng đột ngột năng lượng trong vỏ trái đất dưới dạng sóng địa chấn, có thể gây ra biến dạng trên mặt đất, phá hủy nhà cửa, công trình, của cải và sinh mạng con người. Một số khái niệm cơ bản về động đất như sau: Chấn tiêu là vị trí nguồn phát sinh ra trận động đất. Chấn tâm động đất là hình chiếu theo chiều thẳng đứng của chấn tiêu lên bề mặt trái đất. Độ sâu chấn tiêu là khoảng cách từ chấn tiêu đến chấn tâm. Cường độ chấn động trên bề mặt (ký hiệu I) là đại lượng biểu thị khả năng rung động do một trận động đất gây ra trên mặt đất và được đánh giá qua mức độ tác động của nó đối với nhà cửa, công trình, mặt đất, đồ vật, con người. Độ lớn động đất (ký hiệu M) là đại lượng đặc trưng cho mức năng lượng mà trận động đất phát và truyền ra không gian xung quanh dưới dạng sóng đàn hồi. Độ lớn động đất sử dụng thang độ mô men. Động đất được phân thành các loại: Vi động đất (M<2,0), động đất yếu (2,0≤M≤3,9), động đất nhẹ (4,0≤M≤4,9), động đất trung bình (5,0≤M≤5,9), động đất mạnh (6,0≤M≤6,9), động đất rất mạnh (7,0≤M≤7,9) và động đất hủy diệt (M≥8,0).

Sóng thần là chuỗi sóng biển chu kỳ dài (từ vài phút tới hàng giờ), lan truyền với vận tốc lớn. Tùy theo độ sâu đáy biển, vận tốc lan truyền sóng thần có thể đạt từ 720 km/giờ trở lên.

Một số nguyên nhân gây ra sóng thần: Động đất, núi lửa phun trào và các vụ nổ dưới đáy biển (kể cả các vụ thử hạt nhân dưới nước), trượt lở đất, va chạm của các thiên thạch... xảy ra trên biển đều có khả năng gây ra sóng thần.

Vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của sóng thần là vùng biển nông ven bờ và vùng đất nằm trong phạm vi sóng thần có thể lan truyền tới. Tùy thuộc vào độ cao địa hình, sóng thần có thể ảnh hưởng trực tiếp sâu vào đất liền hàng ki- lô-mét tính từ bờ biển.

I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI CÓ PHƯONG ÁN BÁO TIN ĐỘNG ĐẤT CẢNH BÁO SÓNG THẦN

Việt Nam nằm ở phần Đông Nam của mảng lục địa Á - Âu, giữa mảng lục địa Ấn Độ, Philippine và mảng lục địa Úc. Việt Nam không nằm trên đường ranh giới của bất kỳ mảng kiến tạo nào, như vậy nguy cơ bị tổn thương vì động đất ít hơn so với các nước khác trong khu vực. Các khu vực phía Bắc của Việt Nam có nguy cơ xảy ra địa chấn từ mức thấp đến mức vừa phải. Khu vực này có một số hệ thống phay (geologic fault) đứt gãy, chẳng hạn như xung quanh khu vực sông Hồng, sông Mã và khu vực Lai Châu - Điện Biên.

Xác suất xảy ra sóng thần ở Việt Nam là rất thấp. Việt Nam chưa ghi nhận một trận sóng thần nào gây thiệt hại, nhưng khu vực các tỉnh ven biển miền Trung vẫn có khả năng chịu ảnh hưởng của sóng thần. Bờ biển miền Trung từ Đông Hà (Quảng Trị) đến Phan Rang (Ninh Thuận) là khu vực có nhiều khả năng bị ảnh hưởng sóng thần nhất. Các tỉnh ven biển miền Bắc và miền Nam ít có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sóng thần.

Động đất rất khó dự báo trước; từ lúc xuất hiện các dấu hiệu xảy ra động đất đến khi xảy ra động đất chỉ trong thời gian rất ngắn nên các nhà khoa học khó dự báo chính xác thời điểm và vị trí xảy ra động đất. Khả năng dự báo chủ yếu dựa vào tài liệu thống kê tần suất xảy ra động đất trong lịch sử. Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của Viện vật lý địa cầu, độ nguy hiểm động đất phân bổ không đều trên toàn bộ dải ven biển và thềm lục địa Việt Nam. Vì vậy, việc xây dựng Phương án Báo tin động đất, cảnh báo sóng thần năm 2025 để sắn sàng phòng, tránh là rất cần thiết.

II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Mục tiêu

Quy định cụ thể công tác báo tin động đất, cảnh báo sóng thần cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong trường hợp xảy ra loại hình thiên tai này tại Hà Tĩnh nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó khắc phục các sự cố có thể xẩy ra, giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do động đất, sóng thần gây ra.

2. Nhiệm vụ và giải pháp

- Xây dựng và duy trì hệ thống truyền tin về động đất, cảnh báo sóng thần đảm bảo thông suốt từ cơ quan cung cấp bản tin là Viện Vật lý địa cầu (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đến tận người dân trong tỉnh.

- Phổ biến và hướng dẫn các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan về chế độ báo tin động đất và cảnh báo sóng thần; Tuyên truyền, giáo dục cho các cán bộ, công chức, viên chức và người dân kỹ năng về báo tin, nhận tin báo để ứng phó với động đất, sóng thần; Phòng ngừa và giảm nhẹ thiệt hại do động đất, sóng thần gây ra cho con người và tài sản; Khắc phục hậu quả và phục hồi sau khi xảy ra động đất, sóng thần.

III. PHẠM VI BÁO TIN ĐỘNG ĐẤT, CẢNH BÁO SÓNG THẦN

Phạm vi áp dụng của phương án là toàn bộ người dân trong tỉnh, trong đó đặc biệt lưu ý các địa phương ven biển và vùng có nguy cơ ảnh hưởng theo khuyến cáo của bản tin.

IV. MỘT SỐ NỘI DUNG CẦN BIẾT VỀ BẢN TIN ĐỘNG ĐẤT, CẢNH BÁO SÓNG THẦN

1. Ban hành bản tin động đất Bản tin động đất được ban hành khi:

- Xảy ra những trận động đất có độ lớn (M) bằng hoặc lớn hơn 3,5 (theo thang Richter hoặc tương đương) có ảnh hưởng đến Việt Nam.

- Những trận động đất có độ lớn trên 6,5 (theo thang Richter hoặc tương đương) xảy ra trên biển có khả năng gây ra sóng thần ảnh hưởng đến Việt Nam.

2. Nội dung tin động đất

- Tiêu đề Tin động đất.

- Thời gian xảy ra động đất: Báo theo giờ GMT và giờ Hà Nội.

- Địa điểm xảy ra động đất: Tên địa phương, tọa độ chấn tâm, độ sâu chấn tiêu.

- Độ lớn động đất, cường độ chấn động ở khu vực chấn tâm và các địa phương lân cận: báo theo thang MSK-64.

- Hậu quả có thể xảy ra do động đất.

- Cấp độ rủi ro thiên tai do động đất theo quy định.

3. Ban hành bản tin cảnh báo sóng thần

Bản tin cảnh báo sóng thần được ban hành khi:

- Những trận động đất có độ lớn trên 6,5 (theo thang Richter hoặc tương đương) xảy ra trên biển có khả năng gây ra sóng thần ảnh hưởng đến Việt Nam.

- Những trận sóng thần xảy ra do động đất ở vùng biển xa, có khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam.

4. Các loại tin cảnh báo sóng thần

- Tin cảnh báo sóng thần được báo theo 3 mức:

+ Tin cảnh báo sóng thần mức 1: Được ban hành khi phát hiện động đất mạnh, có khả năng gây sóng thần, khuyến cáo sắn sàng sơ tán;

+ Tin cảnh báo sóng thần mức 2: Được ban hành khi đã phát hiện sóng thần không có sức hủy diệt, nhưng cần đề phòng sóng lớn gây thiệt hại ở vùng ven biển, khuyến cáo sắn sàng sơ tán;

+ Tin cảnh báo sóng thần mức 3: Được ban hành khi đã phát hiện sóng thần có sức hủy diệt, phải sơ tán ngay lập tức.

- Tin hủy cảnh báo sóng thần được ban hành khi sóng thần không xảy ra như đã cảnh báo.

- Tin cuối cùng về sóng thần được ban hành khi sóng thần kết thúc hoàn toàn.

5. Nội dung tin cảnh báo sóng thần

- Tiêu đề Tin cảnh báo sóng thần.

- Nhận định về sóng thần:

+ Vị trí, thời gian, độ lớn, tọa độ chấn tâm, độ sâu chấn tiêu của động đất;

+ Khả năng xảy ra sóng thần, mức độ nguy hiểm và khu vực có thể bị ảnh hưởng trực tiếp của sóng thần;

+ Độ cao sóng thần tại bờ biển và thời gian sẽ ảnh hưởng.

- Yêu cầu sơ tán tùy theo mức tin cảnh báo.

- Cấp độ rủi ro thiên tai do sóng thần theo quy định.

- Thời gian ban hành bản tin.

- Tên và chữ ký của người chịu trách nhiệm ban hành bản tin.

V. PHƯONG THỨC CUNG CẤP TIN, CHẾ ĐỘ TRUYỀN PHÁT TIN

1. Phương thức cung cấp tin về động đất sóng thần

a) Hệ thống thông tin công cộng, bao gồm: Mạng viễn thông cố định mặt đất, mạng viễn thông di động mặt đất, mạng bưu chính công cộng, mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước, quốc phòng, an ninh, hệ thống phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương;

b) Hệ thống thông tin chuyên dùng, bao gồm: Hệ thống đường dây nóng phục vụ trực tiếp công tác chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai; hệ thống thông tin, liên lạc, phát thanh chuyên dùng của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; hệ thống thông tin liên lạc của Bộ đội Biên phòng; hệ thống thông tin cảnh báo sóng thần, kết hợp cảnh báo thiên tai khác; hệ thống dịch vụ thông tin liên lạc phục vụ công tác phòng, chống thiên tai của các doanh nghiệp viễn thông.

c) Các tổ chức, cá nhân có liên quan có thể phát ra cảnh báo theo quy định tại Điều 41 Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ thông qua các phương tiện truyền thông đa dạng như điện thoại di động, loa công cộng, đèn giao thông, biển báo điện tử, email, website, mạng xã hội …. Hệ thống này phải lấy thông tin từ nguồn chính thống và liên kết với các hệ thống cảnh báo khác để chia sẻ thông tin và hỗ trợ nhau khi cần.

2. Chế độ truyền phát tin về động đất, cảnh báo sóng thần

a) Đối với Báo Hà Tĩnh

- Tin động đất được truyền phát một lần ngay sau khi tiếp nhận và phát lại vào chương trình thời sự gần nhất;

- Tin cảnh báo sóng thần mức 1 và Tin cảnh báo sóng thần mức 2 được truyền phát ngay sau khi nhận được bản tin và phát lại 02 lần, mỗi lần cách nhau 05 phút. Sau đó cứ 30 phút, phát lại tin đã phát cho đến khi nhận được Tin cuối cùng về sóng thần hoặc Tin hủy cảnh báo sóng thần;

- Tin cảnh báo sóng thần mức 3 được truyền phát ngay sau khi nhận được bản tin và phát lại 02 lần, mỗi lần cách nhau 05 phút. Sau đó cứ 20 phút, phát lại tin đã phát cho đến khi nhận được Tin cuối cùng về sóng thần;

- Tin cuối cùng về sóng thần hoặc Tin hủy cảnh báo sóng thần được truyền phát một lần ngay sau khi nhận được bản tin và phát lại vào chương trình thời sự gần nhất.

b) Đối với Hệ thống Thông tin duyên hải Việt Nam và hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần

- Tin cảnh báo sóng thần mức 1 và Tin cảnh báo sóng thần mức 2 được truyền phát ngay sau khi nhận được bản tin và phát 02 lần, mỗi lần cách nhau 5 phút. Sau đó cứ 15 phút, phát lại tin đã phát cho đến khi nhận được Tin cuối cùng về sóng thần hoặc Tin hủy cảnh báo sóng thần;

- Tin cảnh báo sóng thần mức 3 được truyền phát ngay sau khi nhận được bản tin và liên tục phát lại, mỗi lần cách nhau 05 phút cho đến khi nhận được Tin cuối cùng về sóng thần;

- Tin cuối cùng về sóng thần hoặc Tin hủy cảnh báo sóng thần được truyền phát ngay sau khi nhận được bản tin và nhắc lại một lần sau đó 5 phút.

VI. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Nhiệm vụ thành viên Tiểu ban báo tin động đất, cảnh báo sóng thần

Thực hiện nhiệm vụ theo phân công tại Quyết định số 180/QĐ-PCTT ngày 26/4/2025 của Trưởng Tiểu ban báo tin động đất, cảnh báo sóng thần năm 2025 về việc phân công nhiệm vụ các thành viên Tiểu ban báo tin động đất, cảnh báo sóng thần năm 2025 và đảm bảo các yêu cầu sau:

- Tích cực, chủ động trong báo tin động đất, cảnh báo sóng thần sớm; thu thập và xử lý thông tin nhanh, chính xác; chỉ huy điều hành thống nhất theo phương án linh hoạt, sáng tạo và quyết đoán.

- Phát huy sức mạnh tổng hợp của các sở, ban, ngành, các cấp.

- Tranh thủ sự chi viện, giúp đỡ của Trung ương, các tỉnh lân cận, các ngành, các tổ chức theo từng tình huống xảy ra.

2. Nhiệm vụ các cấp, các ngành

2.1. Sở Nông nghiệp và Môi trường

- Thiết lập kênh nhận tin động đất, cảnh báo sóng thần từ Viện Vật lý địa cầu (theo Phụ lục 4 Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ).

- Đảm bảo để Tổ thường trực Tiểu ban Báo tin động đất, cảnh báo sóng thần năm 2025 (nhân sự thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường) hoạt động và duy trì chế độ thường trực theo quy định; cập nhật các bản tin dự báo của Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, các công điện, văn bản chỉ đạo của Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương, kịp thời tham mưu cho Tiểu ban để báo cáo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, UBND tỉnh ban hành công điện khẩn cảnh báo và các văn bản chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp.

- Truyền phát ngay các bản tin động đất, cảnh báo sóng thần đến các tổ chức, cá nhân quản lý các hồ chứa thủy lợi trong phạm vi quản lý để chủ động phòng, tránh.

- Chỉ đạo Chi cục thủy sản yêu cầu tổ chức, cá nhân sử dụng tàu cá trên biển trang bị các thiết bị thông tin cần thiết để tiếp nhận thông tin về cảnh báo sóng thần; duy trì thông tin liên lạc với nhau và với hệ thống thông tin duyên hải Việt Nam, thông tin của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh.

- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cùng các bộ, ngành thực hiện xây dựng, vận hành và tổ chức truyền phát tin cảnh báo sóng thần trên hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần.

- Cập nhật vào kế hoạch công tác năm 2025 các nhiệm vụ theo phương án này và thực hiện tuyên truyền, phổ biến kiến thức về rủi ro thiên tai động đất, sóng thần; hướng dẫn sử dụng tin về động đất, sóng thần cho nhân dân ở vùng hạ du các đập, hồ chứa nước thủy lợi và các tổ chức cá nhân sử dụng tàu cá trên biển.

- Khi nhận được thông tin động đất hoặc động đất có kèm sóng thần từ Viện Vật lý địa cầu, Tổ thường trực thực hiện truyền tin theo phương thức cung cấp tin về động đất sóng thần và các phương tiện khác như: Điện thoại, zalo, email và gửi fax theo các chế độ báo tin quy định tại Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ cho các cơ quan, đơn vị: Văn phòng UBND tỉnh; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; Các thành viên Tiểu ban báo tin động đất, cảnh báo sóng thần năm 2025 theo danh sách liên lạc sau:


2.2. Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh

- Tiếp nhận kịp thời thông tin từ Cục Khí tượng thuỷ văn, Đài Khí tượng thủy văn Trung bộ và phối hợp với Tiểu ban báo tin động đất, cảnh báo sóng thần năm 2025 để sớm có bản tin về động đất, cảnh báo sóng thần.

- Xây dựng phương án và đảm bảo các điều kiện cho công tác dự báo thiên tai, đa thiên tai khi xảy ra động đất, sóng thần.

2.3. Sở Văn hóa thể thao và Du lịch

- Chỉ đạo cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở các cấp từ tỉnh đến xã, đưa tin kịp thời, chính xác, tin cậy, đủ tần suất các bản tin về động đất, cảnh báo sóng thần và các nội dung phổ biến tuyên truyền về động đất, sóng thần.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương cập nhật, thông tin các bản tin về động đất, cảnh báo sóng thần và các nội dung phổ biến tuyên truyền về động đất, sóng thần cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, các khu, điểm du lịch được biết và có biện pháp cảnh báo kịp thời để du khách nắm bắt được tình hình trên địa bàn tỉnh và chủ động phòng ngừa các tai nạn cho du khách.

- Khi Tiểu ban có yêu cầu, cử cán bộ tham gia phổ biến kiến thức về rủi ro thiên tai động đất, sóng thần và hướng dẫn sử dụng tin về động đất, cảnh báo sóng thần.

- Cập nhật vào kế hoạch công tác năm 2025 các giải pháp (nếu có) để hỗ trợ Tiểu ban báo tin động đất, cảnh báo sóng thần năm 2025 nâng cao công nghệ truyền tin.

2.4. Sở Khoa học và Công nghệ

- Phối hợp, đề nghị các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động tổ chức gửi tin nhắn cảnh báo về động đất, sóng thần, khả năng xảy ra dư chấn (theo mẫu được cung cấp) cho các thuê bao di động theo yêu cầu của các cơ quan chức năng khi có dự báo về động đất, cảnh báo sóng thần có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn xây dựng và triển khai các phương án đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Cấp ủy, chính quyền các cấp trong ứng phó và khắc phục hậu quả do động đất, sóng thần gây ra.

- Khi Tiểu ban có yêu cầu, cử cán bộ tham gia phổ biến kiến thức về rủi ro thiên tai động đất, sóng thần và hướng dẫn sử dụng tin về động đất, cảnh báo sóng thần.

- Cập nhật vào kế hoạch công tác năm 2025 các giải pháp (nếu có) để hỗ trợ Tiểu ban báo tin động đất, cảnh báo sóng thần năm 2025 nâng cao công nghệ truyền tin.

2.5. Báo Hà Tĩnh

- Khi nhận được tin về động đất, cảnh báo sóng thần từ Tiểu ban báo tin động đất, cảnh báo sóng thần năm 2025 (do Tổ thường trực Tiểu ban Báo tin động đất, cảnh báo sóng thần năm 2025 thực hiện), tạm ngưng các chương trình đang phát thanh, truyền hình, thực hiện ngay việc đưa tin theo quy định.

- Phát lại các bản tin dự báo, cảnh báo mới nhất về động đất, cảnh báo sóng thần do Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt nam đã phát, đưa tin.

- Cập nhật vào kế hoạch công tác năm 2025 nội dung tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cộng đồng về động đất, sóng thần và hướng dẫn sử dụng tin về động đất, cảnh báo sóng thần.

- Đưa tin đầy đủ, chính xác, kịp thời nội dung các bản tin về động đất, cảnh báo sóng thần.

- Cập nhật vào kế hoạch công tác năm 2025 nội dung công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cộng đồng về động đất, sóng thần và hướng dẫn sử dụng tin về động đất, cảnh báo sóng thần.

2.6. Sở Xây dựng

- Thông báo ngay các bản tin động đất, cảnh báo sóng thần đến các phòng, đơn vị trực thuộc và các cơ quan, đơn vị liên quan để chủ động phòng, tránh.

- Cập nhật vào kế hoạch công tác năm 2025 các nhiệm vụ của ngành xây dựng đảm bảo thuận lợi, kịp thời cho việc báo tin động đất, cảnh báo sóng thần.

2.7. Sở Công Thương

- Tổ chức thông báo, báo động và cảnh báo kịp thời đến các tổ chức, cá nhân quản lý các hồ, đập thủy điện các bản tin động đất, cảnh báo sóng thần để chủ động phòng, tránh, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện theo quy định.

- Cập nhật vào kế hoạch công tác năm 2025 nội dung tuyên truyền, phổ biến kiến thức về rủi ro thiên tai động đất, sóng thần và hướng dẫn sử dụng tin về động đất cho nhân dân ở vùng hạ du hồ chứa thủy điện.

2.8. Sở Tài chính

- Tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Tiểu ban như: tuyên truyền; in ấn tài liệu; hoạt động phổ biến và hướng dẫn kiến thức về phòng, chống động đất, sóng thần;...

2.9. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh

- Xây dựng kế hoạch bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị đảm bảo điều kiện truyền, nhận thông tin khi xảy ra động đất, sóng thần.

- Khi nhận được tin động đất, cảnh báo sóng thần từ Tiểu ban, khẩn trương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc truyền phát kịp thời các bản tin về động đất, sóng thần trên hệ thống thông tin liên lạc do đơn vị quản lý.

- Tổ chức diễn tập, đảm bảo truyền, nhận thông tin động đất, sóng thần nhằm ứng phó có hiệu quả đối với từng các huống giả định.

- Cập nhật vào kế hoạch công tác năm 2025 các nhiệm vụ theo phương án này.

2.10. Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh

- Xây dựng kế hoạch bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị đảm bảo

điều kiện truyền, nhận thông tin khi xảy ra động đất, sóng thần.

- Khi nhận được tin động đất, cảnh báo sóng thần từ Tiểu ban, khẩn trương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc truyền phát kịp thời các bản tin về động đất, sóng thần trên hệ thống thông tin liên lạc do đơn vị quản lý.

- Xây dựng Quy chế về bắn pháo hiệu báo tin cho tàu, thuyền tránh ra khỏi vùng nguy hiểm khi có thông tin về động đất, sóng thần. Phổ biến, hướng dẫn, tuyên truyền Quy chế về bắn pháo hiệu cảnh báo sóng thần cho ngư dân, các tổ chức cá nhân khác hoạt động trên biển biết để chủ động điều khiển phương tiện tàu thuyền.

- Xây dựng giải pháp báo tin về động đất đến khu vực biên giới, vùng biển.

- Tổ chức diễn tập, đảm bảo truyền, nhận thông tin động đất, sóng thần nhằm ứng phó có hiệu quả đối với từng tình huống giả định.

- Cập nhật vào kế hoạch công tác năm 2025 các nhiệm vụ theo phương án này.

2.11. Công an tỉnh

- Xây dựng kế hoạch bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị đảm bảo

điều kiện an ninh trong truyền, nhận thông tin khi xảy ra động đất, sóng thần.

- Khi nhận được tin động đất, cảnh báo sóng thần từ Tiểu ban, khẩn trương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc truyền phát kịp thời các bản tin về động đất, sóng thần trên hệ thống thông tin liên lạc do đơn vị quản lý.

- Tổ chức diễn tập, đảm bảo truyền, nhận thông tin động đất, sóng thần, chống các thông tin giả tạo gây rối loạn trật tự an toàn xã hội nhằm ứng phó có hiệu quả đối với các tình huống giả định.

- Cập nhật vào kế hoạch công tác năm 2025 các nhiệm vụ theo phương án này.

2.12. Ủy ban nhân các huyện, thành phố, thị xã

- Khi nhận được tin báo động đất, cảnh báo sóng thần từ Tiểu ban, khẩn

trương chỉ đạo Trung tâm văn hóa - Truyền thông các huyện, thành phố, thị xã và UBND cấp xã thực hiện phát tin báo động đất, cảnh báo sóng thần đến người dân ở địa phương.

- Chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã đưa ra các giải pháp báo tin động đất, cảnh báo sóng thần đến người dân ở địa phương.

- Cập nhật vào kế hoạch công tác năm 2025 các nhiệm vụ theo phương án này.

2.13. Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn

- Chủ tịch UBND cấp xã chỉ đạo xây dựng và thực hiện kế hoạch báo tin

động đất, cảnh báo sóng thần đến người dân ở địa phương.

- UBND cấp xã có trách nhiệm thông tin ngay lập tức đến người dân bằng các phương tiện truyền thanh, truyền tin hiện có để thực hiện các biện pháp phòng tránh, sơ tán.

- Lắp đặt, duy tu, bảo dưỡng và thường xuyên kiểm tra hệ thống truyền thanh, truyền tin của địa phương.

3. Nhiệm vụ các tổ chức cá nhân liên quan

- Thực hiện các công tác chuẩn bị về nguồn lực, thiết bị, tài liệu và hệ thống thông tin liên lạc phục vụ công tác truyền và tiếp nhận thông tin động đất, cảnh báo sóng thần.

- Thực hiện các quy định về báo tin động đất và cảnh báo sóng thần; tuân theo các chỉ dẫn của cơ quan có thẩm quyền khi có cảnh báo sóng thần; tham gia các buổi tuyên truyền, giáo dục và diễn tập về kỹ năng nhận và sử dụng bản tin động đất, cảnh báo sóng thần.

VII. KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ VIỆC TRIỂN KHAI PHƯƠNG ÁN

Các thành viên theo Quyết định số 176/QĐ-PCTT ngày 26/4/2025 của Trưởng Tiểu ban báo tin động đất, cảnh báo sóng thần năm 2025 thường xuyên

tự kiểm tra cơ quan, đơn vị, địa phương mình trong việc triển khai phương án báo tin động đất, cảnh báo sóng thần (đo lường mức độ hoàn thành các công việc đã thực hiện so với kế hoạch); trên cơ sở đó căn cứ quy định pháp luật, tình hình thực tiễn, kiến nghị của người dân và kinh nghiệm để điều chỉnh hoàn thiện phương án báo tin động đất cảnh báo sóng thần đồng bộ với công tác phòng, chống thiên tai và công tác khác đáp ứng các tiêu chí: chính xác, kịp thời, phủ kín đối tượng cần báo tin,.v.v., theo quy định.

Phương án này là cơ sở để triển khai công tác Báo tin động đất, cảnh báo sóng thần năm 2025. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị liên hệ với Sở Nông nghiệp và Môi trường (cơ quan thường trực), địa chỉ: Số 04, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường Bắc Hà, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, điện thoại: 02393.855.598 để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết./.

TIỂU BAN BÁO TIN ĐỘNG ĐẤT, CẢNH BÁO SÓNG THẦN NĂM 2025



Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại