Lấy ý kiến dự thảo quyết định của UBND tỉnh về ủy quyền giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng theo quy định tại QĐ số 62/2011/QĐ-TTg   |    Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |   

Tình hình KTXH Hà Tĩnh tháng 8 năm 2020

  

08:55 03/09/2020


1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

1.1. Nông nghiệp


       

  - Trồng trọt: sản xuất vụ Hè Thu năm nay từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 7 nắng nóng gay gắt trên diện rộng nền nhiệt cao đã ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển các loại cây trồng. Sau đợt mưa lớn đầu tháng 8 vừa qua, nguồn nước ở các hồ đập đã được bổ sung để đảm bảo lượng nước tưới cho cây trồng. Hiện nay, cây lúa đang trong giai đoạn chắc hạt. Đối với cây trồng cạn thì nhiều diện tích đến đầu tháng 7 mới bắt đầu làm đất để tiến hành gieo trỉa, đến nay các loại rau màu và cây trồng cạn đã gieo trồng xong và đang trong thời kỳ sinh trưởng, phát triển. Tổng diện tích gieo trồng vụ Hè Thu năm 2020 toàn tỉnh tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù diện tích gieo trồng lúa vụ Hè Thu năm 2020 chỉ đạt 98,95% kế hoạch, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc vận động, tuyên truyền người dân hạn chế tình trạng bỏ hoang ruộng đất. Cùng với đó, do năm nay có nhuận 2 tháng 4 âm lịch, người dân nhận thấy khả năng có thể thu hoạch lúa sớm trước mùa mưa lũ nên nhiều hộ dân đã tiến hành gieo cấy lúa vụ Hè Thu ở vùng đất thấp trũng. Vì vậy, diện tích gieo cấy lúa vụ Hè Thu năm nay vẫn tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Một số huyện có diện tích lúa tăng như: Thị xã Hồng Lĩnh tăng 135 ha, hyện Hương Sơn tăng 110 ha, huyện Đức Thọ tăng 106 ha, huyện Lộc Hà tăng 88 ha...Cơ cấu giống lúa thiếu tập trung, còn giàn trải nhiều loại giống. Những giống lúa truyền thống như Khang dân 18, Khang dân đột biến, Xuân Mai, BT09, Nếp 97, Nếp 98 có năng suất cao, ít sâu bệnh, một số giống lúa như Thiên ưu 8, TH3-3 chất lượng gạo ngon nên người dân sử dụng nhiều. Các giống có triển vọng trong vụ Hè Thu tiếp tục được đưa vào sản xuất với quy mô phù hợp ở các địa phương có điều kiện thâm canh (vùng đồng bằng): giống DQ11, Bắc Hương 9, HDT10, ADI 28, VTNA6, Bắc Thịnh; các vùng chủ động tưới tiêu đưa vào sản xuất các giống mới ngắn ngày: giống HN6, Lam Sơn 8, Kim cương 111, TBR 279, Đài thơm 8, BT09...Giai đoạn lúa trổ bông điều kiện thời tiết thuận lợi nên ước tính năng suất lúa vụ Hè Thu năm 2020 bình quân toàn tỉnh tăng 4,67 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước.

Do điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài nên kết quả gieo trỉa một số cây trồng cạn thiếu ổn định. Kết quả sản xuất các loại cây trồng cạn vụ hè Thu năm 2020 đạt được như sau: diện tích ngô ước đạt 1.717 ha, giảm 91 ha, với năng suất ước đạt 28,68 tạ/ha, xấp xỉ bằng cùng kỳ năm trước; diện tích khoai lang ước đạt 455 ha, giảm 3 ha, với năng suất ước đạt 58,13 tạ/ha, tăng 1,88 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước; diện tích sắn ước đạt 2.712 ha, giảm 168 ha, với năng suất ước đạt 154,91 tạ/ha, tăng 4,72 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước; diện tích lạc ước đạt 345 ha, giảm 101 ha, với năng suất ước đạt 16,5 tạ/ha, tăng 1,87 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước; diện tích vừng ước đạt 542 ha, tăng 68 ha, với năng suất ước tính đạt 5,75 tạ/ha, tăng 0,26 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước; diện tích rau các loại ước đạt 2.440 ha, tăng 66 ha, với năng suất ước đạt 70,11 tạ/ha, tăng 1,65 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước; diện tích đậu ước đạt 3.244 ha, giảm 192 ha, với năng suất ước đạt 7,62 tạ/ha, giảm 0,97 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất lúa vụ Mùa thường gặp khó khăn về thời tiết nên người dân ít đầu tư sản xuất. Diện tích gieo cấy lúa vụ Mùa 2020 ước đạt 480 ha, so với cùng kỳ bằng 88,23%, giảm 64 ha. Vụ Mùa thường khó sản xuất và hiệu quả kinh tế thấp vì thời tiết đầu vụ khô hạn, cuối vụ lại thường gặp mưa bão lớn.

Tình hình sâu bệnh, thiệt hại: hiện nay trên lúa Hè Thu có sâu bệnh phát sinh gây hại nhưng mức độ ảnh hưởng thấp. Bệnh vàng lá di động gây hại trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên, tỷ lệ trung bình 10-15%, nơi cao 30-40%, cục bộ 70%, diện tích nhiễm bệnh 88 ha, trong đó 15 ha nhiễm nặng, gây hại chủ yếu trên giống lúa Xuân mai, Khang dân; bệnh khô vằn, tỷ lệ trung bình 7-10%, nơi cao 20-30%, diện tích nhiễm bệnh 465 ha; bệnh bạc lá phát sinh gây hại trên địa bàn các huyện Đức Thọ, Can Lộc, Lộc Hà, tỷ lệ trung bình 7-10%, nơi cao 15-30%, diện tích nhiễm bệnh 8 ha; bệnh rầy nâu, rầy lưng trắng, rầy xanh đuôi với mật độ trung bình 50-100 con/m2, nơi cao 500-1.000con/m2, cục bộ 2.000 con/m2, rầy đang ở độ tuổi T3,4, diện tích nhiễm bệnh 3 ha, phân bố chủ yếu ở huyện Đức Thọ. Trên cây ngô sâu keo mùa Thu phát sinh gây hại với mật độ trung bình 1-2 con/m2, nơi cao 3-4 con/m2, diện tích nhiễm bệnh 4 ha, tập trung trên trà ngô 5-7 lá ở huyện Cẩm Xuyên. Cây sắn có bệnh khảm lá gây hại với diện tích 205 ha ở huyện Kỳ Anh và nhện đỏ với tỷ lệ trung bình 10-15%, nơi cao 20-25%, diện tích bị gây hại là 22 ha, tập trung ở huyện Cẩm Xuyên. Trên cây ăn quả thì bệnh chảy gôm với tỷ lệ trung bình 3-5%, nơi cao 7-10%, diện tích bị bệnh 11,5 ha; sâu đục cành, đục quả gây hại trên diện tích 8 ha; nhện hại quả tỷ lệ trung bình 3-5%, diện tích gây hại là 25 ha, tập trung chủ yếu trên các vườn cây ăn quả ở huyện Vũ Quang và Hương Sơn. Trước tình hình diễn biến của sâu bệnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng, dự báo chính xác các đối tượng sâu, bệnh. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức phòng trừ sâu, bệnh đạt hiệu quả, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra đối với sản xuất vụ Hè Thu năm 2020.

- Chăn nuôi: tình hình chăn nuôi trên địa bàn trong tháng 8/2020 vẫn chưa có gì khởi sắc, số lượng đàn gia súc giảm hơn so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay mặc dù dịch tả lợn Châu Phi đã cơ bản được khống chế và dập tắt. Tuy nhiên, hậu quả của dịch bệnh vẫn ảnh hưởng nặng nề đối với hoạt động chăn nuôi lợn trên địa bàn Hà Tĩnh. Con giống khan hiếm và giá lợn giống quá cao đang là rào cản lớn cho việc tái đàn lợn. Trong khi chăn nuôi lợn gặp khó khăn thì người dân đã chuyển hướng đầu tư phát triển chăn nuôi bò và chăn nuôi gia cầm nhưng vẫn chưa có nhiều tín hiệu tích cực, khả quan do giá gia cầm đang có xu hướng giảm mạnh. Giai đoạn này, để thực hiện tái đàn lợn, phát triển chăn nuôi thì bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh phòng chống dịch bệnh, giải pháp trước mắt là cần phải tập trung tháo gỡ khó khăn, tìm nguồn cung cấp để đáp ứng nhu cầu con giống với chi phí hợp lý, giúp cho các hộ chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ tiếp tục tái đàn.

Tình hình dịch bệnh: từ ngày 20-25/7/2020, trên địa bàn huyện Đức Thọ đã xẩy ra dịch lở mồm long móng trên đàn trâu, có 8 con trâu bị bệnh ở thôn Đại liên, xã Thanh Bình Thịnh. Sau khi dịch bệnh xẩy ra UBND huyện cùng với xã triển khai các biện pháp phòng trừ dịch bệnh cấp bách và ban hành Công điện số 1628/CĐ-UBND ngày 22/7/2020 gửi UBND các xã trên địa bàn huyện yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Đến nay, tình hình dịch bệnh đối với đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh được kiểm soát ổn định, không có địch bệnh nguy hiểm xảy ra.

1.2. Lâm nghiệp


Trong tháng 8/2020, điều kiện thời tiết nền nhiệt thấp hơn nên kết quả trồng rừng tăng khá hơn so với cùng kỳ năm trước với mức tăng 43,2%. Diện tích rừng trồng mới tập trung trong tháng 8/2020 chủ yếu ở các địa phương: huyện Cẩm Xuyên 25 ha, huyện Thạch Hà 26 ha, huyện Vũ Quang 53 ha, huyện Kỳ Anh 61 ha...Đối với hoạt động khai thác gỗ, do rừng trồng chưa đến tuổi khai thác nên sản lượng giảm hơn so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng đã phát sinh 7 điểm phát lửa (Thạch Hà 1 điểm, Hương Sơn 2 điểm, Lộc Hà 1 điểm, huyện Kỳ Anh 2 điểm và thị xã Kỳ Anh 1 điểm). Trong đó có 4 vụ gây cháy rừng (ở xã Sơn Lĩnh, huyện Hương Sơn; xã Lộc Yên và xã Phú Gia, huyện Hương Khê; xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà); diện tích có rừng bị cháy 14,03 ha, diện tích rừng bị tiệt hại hoàn toàn không có khả năng phục hồi 4,78 ha. Như vậy, do thời tiết nắng nóng kéo dài cùng với việc thiếu ý thức của người dân nên trên địa bàn toàn tỉnh từ đầu năm đến nay đã có 48 điểm phát lửa (Thạch Hà 3 điểm, Hương Sơn 15 điểm, Lộc Hà 3 điểm, Đức Thọ 4 điểm, Cẩm Xuyên 5 điểm, huyện Kỳ Anh 8 điểm, Can Lộc 3 điểm, Hương Khê 3 điểm, Vũ Quang 1 điểm, thị xã Kỳ Anh 3 điểm). Trong đó đã có 11 vụ gây cháy rừng (Hương Sơn 1 vụ, Hương Sơn - Vũ Quang 1 vụ, huyện Kỳ Anh 1 vụ, Hương Khê 3 vụ, Đức Thọ 2 vụ, Can Lộc 1 vụ và Lộc Hà 2 vụ); diện tích có rừng bị cháy 68,46 ha, diện tích rừng bị tiệt hại hoàn toàn không có khả năng phục hồi 16,53 ha (riêng vụ cháy liên huyện Vũ Quang - Hương Sơn, diện tích rừng bị thiệt hại hoàn toàn trên địa bàn huyện Hương Sơn chưa thống kê được). Bên cạnh trách nhiệm bảo vệ rừng của các cơ quan chức năng thì người dân cũng cần phải nêu cao ý thức và trách nhiệm khi vào rừng để hạn chế thiệt hại do cháy rừng gây ra.

1.3. Thuỷ sản


Hoạt động sản xuất thủy sản tháng 8/2020 nhìn chung vẫn ổn định và tiếp tục có bước phát triển hơn so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng khai thác chiếm tỷ trọng trên 60% tổng sản lượng thủy hải sản, trong đó khai thác biển chiếm 88,5% tổng sản lượng khai thác trong tháng. Sản lượng nuôi trồng trong tháng chủ yếu là thu hoạch vụ tôm Xuân Hè năm 2020, với sản lượng tôm chiếm 53% tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng.

Trong tháng cũng đã phát sinh dịch bệnh đối với tôm nuôi: bệnh đốm trắng trên tôm xẩy ra tại xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên với diện tích nhiễm bệnh là 1,1 ha và bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm xẩy ra tại xã Thạch Khê và xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà với diện tích nhiễm bệnh là 0,97 ha. Các ngành chức năng đã phối hợp với các hộ nuôi trồng thủy sản xử lý, không để dịch bệnh lây lan.

 2. Sản xuất công nghiệp và vốn đầu tư


 - Hoạt động sản xuất công nghiệp: chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tháng 8/2020 giảm so với cùng kỳ năm trước (giảm 6,52%), nhưng so với tháng trước vẫn đạt mức tăng 4,74%. Sản xuất công nghiệp trong tháng 8/2020 tiếp tục có dấu hiệu tích cực hơn so với tháng trước. Trong đó, sản lượng thép tăng 15,8% góp phần làm cho chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,36% so tháng trước. Tuy nhiên, do trong tháng này Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh ngừng bảo dưỡng định kỳ máy móc thiết bị 30 ngày, lượng điện sản xuất đạt thấp làm chỉ số ngành sản xuất điện giảm so tháng trước, là nguyên nhân chính tác động giảm chỉ số phát triển sản xuất toàn ngành công nghiệp trong tháng này. Xét theo ngành công nghiệp cấp II, chỉ có ngành sản xuất và phân phối điện giảm 25,36%, còn lại tất cả các ngành công nghiệp đều tăng so với tháng trước. Trong đó có một số ngành tăng khá như: sản xuất trang phục tăng 18,31%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 11,25%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 14,06%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 10,01%; sản xuất kim loại tăng 15,8%, sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị tăng 9,2%...

 Tính chung 8 tháng năm 2020, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục giảm, chỉ số sản xuất cộng dồn giảm 6,52% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng làm giảm 0,06 điểm phần trăm; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo làm giảm 11,05 điểm phần trăm; sản xuất và phân phối điện đóng góp 4,55 điểm phần trăm; cung cấp nước và xử lý rác thải đóng góp 0,04 điểm phần trăm vào mức tăng chung toàn ngành. Thời gian tới, hoạt động sản xuất công nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung đang tiếp tục gặp nhiều khó khăn, khi mà dịch bệnh Covid-19 đang tái bùng phát ở một số địa phương trên toàn quốc; chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn đang diễn ra sẽ tiếp tục có những tác động tiêu cực tới kinh tế - xã hội, ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động xuất khẩu bị đình trệ, doanh nghiệp thiếu nguyên liệu sản xuất, giá bán sản phẩm giảm...

- Thực hiện vốn đầu tư: mặc dù đang là mùa cao điểm thi công các công trình xây dựng cơ bản, nhưng kết quả thực hiện vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 8/2020 ước tính có tăng so với tháng trước nhưng với mức tăng không cao (tăng 3,75%). Nguyên nhân do tiến độ triển khai một số công trình dự án lớn chậm như: Dự án cải tạo nâng cấp hệ thống kênh tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và thoát lũ cho vùng bắc Thạch Hà; dự án xây dựng hệ thống giám sát an toàn giao thông tại thành phố Hà Tĩnh...Bên cạnh sự sụt giảm của nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh, với việc các dự án đường, trường thuộc tiêu chí mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được đẩy nhanh tiến độ nên nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện và cấp xã tăng khá so với tháng trước. Hiện nay, nguồn thu ngân sách và cân đối vốn cho đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước đang còn hạn chế, nhất là đối với cấp huyện và cấp xã, cùng với đó là tiến độ giải ngân vốn chậm là những khó khăn trong việc thực hiện vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước trên địa bàn trong thời gian qua cũng như thời gian tới.

3. Thương mại, dịch vụ



Mặc dù dịch bệnh Covid-19 xuất hiện trở lại từ cuối tháng 7/2020 trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố nhưng ở Hà Tĩnh vẫn chưa có bệnh nhân nhiễm bệnh. Các hoạt động sản xuất, sinh hoạt và thị trường tiêu dùng hàng hoá vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đã khiến tâm lý người dân e ngại khi sử dụng các dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, lượt khách du lịch giảm, nhất là du lịch biển giảm mạnh; hàng loạt khách hàng đã huỷ các tour du lịch đặt trước trong quý, khiến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch lữ hành, khách sạn lưu trú bị ảnh hưởng nặng nề. Tất cả những yếu tố đó, đã làm cho kết quả hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ tháng 8/2020 giảm so với tháng trước.

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa: ước tính tháng 8/2020 giảm nhẹ so với tháng trước (giảm 0,75%), chủ yếu giảm ở các nhóm ngành hàng: lương thực, thực phẩm giảm 2,61%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình giảm 3,1%; ô tô các loại giảm 0,91%...Tính chung 8 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa hóa có tăng, nhưng chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước với mức tăng 1,25% và chủ yếu tăng ở các nhóm ngành hàng: ô tô các loại tăng 86,88%; sữa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 34,29%; lương thực, thực phẩm tăng 14,71%...

 - Dịch vụ l­ưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ khác: doanh thu hoạt động dịch vụ l­ưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tháng 8/2020 ước tính đạt giảm mạnh so với tháng trước với mức giảm 16,79% và so với cùng kỳ năm trước giảm 21,05%. Tính chung 8 tháng năm 2020, doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước tính giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước với mức giảm 25,27% và giảm ở cả 3 nhóm ngành dịch vụ.

Doanh thu dịch vụ khác tháng 8/2020 ước tính giảm so với tháng trước với mức giảm 5,44% và so với cùng kỳ năm trước giảm 2,83%. Tính chung 8 tháng năm 2020, doanh thu hoạt động dịch vụ khác dự ước giảm 14,82% so với cùng kỳ năm trước.

- Hoạt động vận tải: dịch bệnh covid-19 tái bùng phát trở lại gây ảnh hưởng đến hoạt động vận tải hành khách. Tuy nhiên, mức ảnh hưởng không lớn và chủ yếu là tuyến Hà Tĩnh - Đà Nẵng, nên làm cho hoạt động vận tải hành khách tháng 8/2020 giảm nhẹ so với tháng trước. Đối với vận tải hàng hóa vẫn ổn định và tăng nhẹ, do nhu cầu vận chuyển vật liệu xây dựng và hàng tiêu dùng tăng.

Vận tải hành khách tháng 8/2020 so với tháng trước ước tính giảm 0,53% về số lượng lượt khách vận chuyển và giảm 1,5% về số lượng khách luân chuyển; doanh thu giảm 2,55%. Tính chung 8 tháng năm 2020, giảm 54,05% về số lượng khách vận chuyển và giảm 37,4% về số lượng khách luân chuyển; doanh thu giảm 31,94% so với cùng kỳ năm trước.

  Vận tải hàng hóa tháng 8/2020 so với tháng trước ước tính tăng 0,15% về số lượng hàng hóa vận chuyển và tăng 0,31% về số lượng luân chuyển; doanh thu tăng 0,31%. Tính chung 8 tháng năm 2020, giảm 38,06% về số lượng hàng hóa vận chuyển và giảm 22,02% về số lượng luân chuyển; doanh thu giảm 22,99% so với cùng kỳ năm trước.

 Ước tính doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 8/2020 tăng 13,17% so với tháng trước và tăng 65% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2020, giảm 5,15% so với cùng kỳ năm trước.

 4. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)



CPI tháng 8 năm 2020 chỉ tăng nhẹ so với tháng trước với mức tăng 0,04% (cả khu vực thành thị và khu vực nông thôn đều tăng 0,04%), tăng 3,26% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,13% so với tháng 12/2019.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có 5 nhóm không có sự biến động so với tháng trước, gồm: đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón, giày dép; thuốc và dịch vụ y tế; bưu chính viễn thông và nhóm giáo dục. Có 2 nhóm hàng hóa có chỉ số giá giảm so với tháng trước là nhóm thiết bị, đồ dùng gia đình và nhóm văn hóa, giải trí, du lịch. Còn lại 4 nhóm hàng hóa chỉ số giá tăng so với tháng trước gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; giao thông và nhóm hàng hoá và dịch vụ khác.

Tháng 8 năm 2020, có 6 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá biến động so với tháng trước nhưng với mức biến động nhẹ nên chỉ số giá bình quân chung tương đối ổn định so với tháng trước. Một số yếu tố chính tác động đến sự biến động của chỉ số giá tháng 8 năm 2020 là: (i) Giá nhiên liệu xăng dầu bình quân tăng do chính sách điều chỉnh giá của Nhà nước; (ii) Dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát trở lại từ cuối tháng 7/2020 ở một số địa phương trong cả nước cũng đã ảnh hưởng đến thị trường cung - cầu hàng hóa, nhất là đối với các hoạt động lưu trú, lữ hành và ăn uống ngoài gia đình; (iii) Giá thịt lợn hơi giảm khiến các mặt hàng thịt lợn giảm nhẹ.

Chỉ số giá vàng tháng 8/2020 tăng 9,84% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 32,56% và tăng 31,3% so với tháng 12 năm 2019. Do giá vàng thế giới tăng mạnh nên giá vàng trong nước cũng đang biến động, hiện nay giá vàng vẫn trên mốc 50 triệu đồng/lượng. Giá vàng trên thị trường Hà Tĩnh, ngày 21/8/2020 ở khu vực thành thị là 5,49 triệu đồng/chỉ. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 8/2020 giảm 0,04% so với tháng trước, so cùng tháng năm trước giảm 0,1% và tăng 0,01% so với tháng 12 năm 2019. Giá USD bình quân thị trường Hà Tĩnh ngày 21/8/2020 mức giá bán ra là 2.318 nghìn đồng/100USD.

CPI bình quân 8 tháng đầu năm 2020 tăng 4,05% so với bình quân cùng kỳ năm trước và tăng cao hơn 2,6 điểm % so với mức tăng bình quân 8 tháng năm 2019, trong đó khu vực thành thị tăng 4,56% và khu vực nông thôn tăng 3,7%. Như vậy, CPI bình quân 8 tháng năm 2020 có mức tăng cao nhất trong giai đoạn 5 năm trở lại đây. Một số nhóm hàng có CPI bình quân tăng cao trên mức bình quân là: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 9,6%; nhà ở, điện, nước, chất đốt tăng 5,61%; may mặc, mũ nón và dày dép tăng 4,29%.

 Chỉ số CPI tháng 9/2020 dự kiến tăng nhẹ so với tháng trước. Nguyên nhân do nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm, hoa tươi, đồ uống trong dịp rằm tháng 7 và nghỉ lễ Quốc khánh dự kiến tăng mạnh. Giá điện, nước sinh hoạt dự kiến ổn định, không có nhiều biến động. Bên cạnh đó, giá gạo có thể giảm nhẹ khi thu hoạch lúa vụ Hè Thu.

 5. Các vấn đề xã hội

 5.1. Tình hình đời sống dân cư

Nhìn chung, tình hình đời sống dân cư trên địa bàn Hà Tĩnh thời gian qua vẫn ổn định. Công tác đảm bảo an sinh xã hội luôn được quan tâm, thực hiện đầy đủ và triển khai kịp thời. Vì vậy, tính đến 15/8/2020 trên địa bàn tỉnh không xảy ra thiếu đói và dự kiến trong tháng tới tình hình thiếu đói cũng không xảy ra.

5.2. Giáo dục phổ thông

Trong tháng 8/2020, ngành Giáo dục Hà Tĩnh đã tập trung thực hiện tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Năm nay, Hà Tĩnh có hơn 15.000 thí sinh dự thi, trong đó có 694 thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT tham gia thi để xét tuyển đại học; toàn tỉnh có 35 điểm thi tại các trường THPT.

 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra trong điều kiện dịch bệnh covid-19 diễn biến phức tạp. Vì vậy, các điểm thi đều đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị y tế phòng chống dịch bệnh, tất cả các thí sinh đều đeo khẩu trang và được kiểm tra thân nhiệt. Chiều ngày 8/8/2020, các em đã thực hiện việc khai báo y tế khi làm các thủ tục dự thi. Ngoài 696 phòng thi chính thức còn có hơn 100 phòng chờ cho các thí sinh; tại mỗi điểm thi cũng chuẩn bị sẵn phòng cách ly và 3 phòng thi dự phòng để chủ động trong các tình huống đột xuất. Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn cho cán bộ làm nhiệm vụ tại các điểm thi, Ban chỉ đạo tỉnh cũng đã bố trí ăn, ở tập trung tại nơi đặt điểm thi.

 Trong 2 ngày thi, công tác niêm phong đề thi được đảm bảo đúng quy định. Trật tự an toàn trường thi được đảm bảo, các thí sinh và giám thị coi thi thực hiện đúng quy chế trường thi, không có trường hợp nào vi phạm quy chế thi. Cùng với sự chuẩn bị chu đáo tại 35 điểm thi, sự đồng hành của các bậc phụ huynh, của các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp, thanh niên tình nguyện trong hoạt động hỗ trợ tiếp sức đã là động lực cho thí sinh Hà Tĩnh vượt qua một kỳ thi đáng nhớ, an toàn, nghiêm túc, không áp lực.

 5.3. Hoạt động Y tế

- Tình hình dịch bệnh: tính đến ngày 20/8/2020, ở Hà Tĩnh không có bệnh nhân bị nhiễm Covid-19; hiện đang cách ly, theo dõi tại các cơ sở y tế 17 người, cách ly tập trung 269 người. Từ 1/7/2020 đến 20/8/2020, tổng số công dân từ Đà Nẵng và các vùng có dịch về trên địa bàn được rà soát, lập danh sách là 15.073 người, hiện đang theo dõi, cách ly tại nhà 3.423 người, tất cả các trường hợp trên đều có sức khỏe ổn định.

Ngoài dịch bệnh Covid-19, Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện tốt Công điện số 862/CĐ-TTg ngày 8/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh bạch hầu. UBND tỉnh đã yêu cầu các sở ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu và chủ động đối phó với dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp tại một số địa bàn trên cả nước. Trong tháng, trên địa bàn Hà Tĩnh có 5 trường hợp sốt xuất huyết, 16 trường hợp sốt rét, 13 trường hợp mắc lỵ trực trùng, 25 trường hợp mắc lỵ a míp, 6 trường hợp mắc quai bị, 14 trường hợp mắc thủy đậu, 20 trường hợp mắc bệnh tay-chân-miệng, 27 trường hợp mắc viêm gan siêu vi trùng, 11 trường hợp mắc viêm gan siêu vi rút khác và không có trường hợp nào tử vong do các dịch bệnh trên.

- Công tác phòng chống HIV/AIDS: để hạn chế số người mắc bệnh HIV/AIDS, ngành y tế Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh phong trào phòng chống các bệnh tệ nạn xã hội, đặc biệt là công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng chống cũng như tác hại của HIV/AIDS đối với cá nhân và cộng đồng. Trong tháng, Hà Tĩnh có 7 trường hợp nhiễm HIV (tăng 6 trường hợp so với cùng kỳ năm 2019), 10 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS (tăng 9 trường hợp) và không trường hợp nào chết vì AIDS (giảm 1 trường hợp). Tính chung 8 tháng năm 2020, có 56 trường hợp nhiễm HIV, 51 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS và có 2 trường hợp chết vì AIDS.

 - Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được quan tâm thực hiện. Trong tháng, trên địa bàn Hà Tĩnh chỉ có 103 ca ngộ độc thực phẩm đơn lẻ, giảm 28,47% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 8 tháng năm 2020, có 785 ca ngộ độc thực phẩm đơn lẻ, giảm 30,65% so với cùng kỳ năm 2019 và không có trường hợp nào tử vong do ngộ độc thực phẩm.

5.4. Hoạt động văn hóa - thể thao

 - Hoạt động văn hóa: các hoạt động kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947- 27/7/2020) được tổ chức trang trọng: lễ thắp nến, dâng hoa, tri ân các anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang và đài tưởng niệm tại tất cả các địa phương trong tỉnh; tổ chức tặng quà, thăm hỏi các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân các anh hùng liệt sỹ và người có công tiêu biểu. Đặc biệt, tại Khu Di tích Ngã ba Đồng Lộc đã tổ chức lễ kỷ niệm 52 năm Chiến thắng Đồng Lộc (24/7/1968 - 24/7/2020), tưởng niệm ngày hy sinh của 10 nữ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc. Ngay sau lễ kỷ niệm là chương trình nghệ thuật "Huyền thoại Đồng Lộc", chương trình đã tái hiện lại những năm tháng hào hùng nơi tuyến lửa Đồng Lộc, tô đậm thêm những huyền thoại trên vùng đất Hà Tĩnh cũng như lòng biết ơn, sự tri ân của thế hệ trẻ đối với những hy sinh của cha ông; khẳng định niềm tự hào và quyết tâm giành những thắng lợi mới trong thời đại mới. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát trở lại nên các hoạt động văn hóa, thể thao, hội nghị tập trung đông người từ 100 người trở lên đang tạm dừng từ ngày 09/8/2020.

 - Công tác kiểm tra, thanh tra văn hóa: trong tháng, đã thực hiện 1 cuộc kiểm tra tại 35 cơ sở kinh doanh dịch vụ thể thao, qua kiểm tra nhắc nhở thực hiện đình chỉ 7 cơ sở không đảm bảo điều kiện hoạt động. Cùng với đó, đã tiến hành cấp 36 giấy phép, bao gồm 21 giấy phép thuộc lĩnh vực văn hóa cơ sở, 7 giấy phép thuộc lĩnh vực du lịch, 4 giấy phép thuộc lĩnh vực thể dục thể thao và 4 giấy phép thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

 - Hoạt động thể thao: do ảnh hưởng dịch Covid-19 bùng phát trở lại, tỉnh đã chỉ đạo hạn chế tổ chức các hoạt động thể thao có quy mô lớn, chỉ tăng cường các hoạt động nâng cao sức khỏe, thể lực cho chính bản thân. Còn đối với thể thao thành tích cao, số lượng giải cũng diễn ra ít. Trong tháng, Hà Tĩnh chỉ tham gia và giành được 1 HCĐ tại Giải vô địch trẻ toàn quốc môn Kickboxing diễn ra ở Nghệ An từ ngày 18-30/7/2020.

5.5. Tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội

Tính từ ngày 15/7/2020 đến ngày 14/8/2020, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra 11 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 10 người, bị thương 2 người. So với tháng trước giảm 4 vụ tai nạn đường bộ, giảm 6 người chết và giảm 14 người bị thương; so với cùng kỳ năm trước số vụ tai nạn đường bộ không thay đổi, tăng 1 người chết và giảm 5 người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu là không làm chủ tốc độ và đi sai phần đường do lái xe sử dụng rượu bia quá mức quy định.

 Như vây, tính từ ngày 15/12/2019 đến ngày 14/8/2020, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra 93 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 87 người và bị thương 37 người. So với cùng kỳ năm 2019 tăng 8 vụ tai nạn đường bộ, giảm 2 vụ tai nạn đường sắt, tăng 8 người chết và giảm 9 người bị thương.

 5.6. Môi trường

 - Tình hình cháy, nổ: Tính từ ngày 16/7/2020 đến ngày 15/8/2020, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra 12 vụ cháy, làm 4 người chết và 1 người bị thương, với tổng giá trị thiệt hại ước tính 136 triệu đồng; so với cùng kỳ năm 2019 tăng 7 vụ cháy, tăng 4 người chết và 1 người bị thương. Tính chung 8 tháng năm 2020, xẩy ra 50 vụ cháy, làm 7 người chết và 4 người bị thương, với tổng giá trị thiệt hại ước tính 4,67 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2019 giảm 16 vụ cháy và 5 vụ nổ, tăng 5 người chết và giảm 4 người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu do chập điện và bất cẩn khi sử dụng lửa.

- Công tác bảo vệ môi trường: Tính từ ngày 16/7/2020 đến ngày 15/8/2020, đã phát hiện và xử lý 4 vụ vi phạm môi trường, giảm 4 vụ so với cùng kỳ năm 2019, với số tiền xử phạt là 31 triệu đồng. Tính chung 8 tháng năm 2020, đã phát hiện 27 vụ và xử lý 26 vụ vi phạm môi trường, giảm 34 vụ so với cùng kỳ năm 2019, với số tiền 143,5 triệu đồng. Các vụ vi phạm chủ yếu là hoạt động khai thác đất, cát trái phép.

Cục Thống kê Hà Tĩnh         


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện