Khắc phục các tồn tại trong công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp trên địa bàn tỉnh
Thời gian qua, công tác triển khai chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành vào cuộc quyết liệt, đồng bộ và đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy vậy, việc chỉ đạo và tổ chức triển khai các giải pháp chống khai thác IUU tại một số sở, ngành, đơn vị và địa phương còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, đặc biệt là các tồn tại, hạn chế đã được Đoàn kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ ra trong đợt kiểm tra tại Hà Tĩnh vào ngày 12/01/2024 và tại Văn bản số 741/BNN-KN ngày 25/01/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có kết quả nhiệm vụ chống khai thác IUU.
Trong năm 2023, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo IUU tỉnh ban hành 02 Kế hoạch, 02 Quyết định, 03 Công điện và 15 Văn bản chỉ đạo. Cụ thể tại Kế hoạch số 67/KH- UBND ngày 15/3/2023 về Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu lần thứ 4; Công điện số 12/CĐ-UBND ngày 04/10/2023 về việc khẩn trương thực hiện các biện pháp mạnh chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4; Công điện số 14/CĐ-UBND ngày 21/11/2023 về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu; đã phân công rõ trách nhiệm cho các sở, ngành và địa phương trong việc thực hiện các giải pháp để khắc phục các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương nghiêm túc rà soát nhiệm vụ được phân công, xác định mức độ hoàn thành trách nhiệm được giao, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 28/02/2024.
Để khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế trong công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh, quyết tâm cùng cả nước gỡ cảnh báo thẻ vàng của EC tại đợt thanh tra lần thứ 5 dự kiến vào quý II năm 2024, trên cơ sở đề xuất, tham mưu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 329/SNN-TS ngày 31/01/2024; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã ven biển triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả Công điện số 1058/CĐ-TTg ngày 04/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 14/CĐ-UBND ngày 21/11/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu và các văn bản chỉ đạo khác có liên quan. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao trong thi hành công vụ, vi phạm quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến nỗ lực chung gỡ “Thẻ vàng” của cả nước; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện chống khai thác IUU tại các sở, ngành, đơn vị, địa phương.
Trong thời gian tới, yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương tập trung cao khắc phục các tồn tại, hạn chế cụ thể sau:
1. Về quản lý, giám sát hoạt động tàu cá
a) Về đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác, giấy chứng nhận VSATTP cho tàu cá:
- Đến nay tỷ lệ đăng kiểm tàu cá chỉ mới đạt 40,12%:
Nghi Xuân đạt tỷ lệ 84,21% (còn 03 tàu cá); Lộc Hà đạt tỷ lệ 73,33% (còn 24 tàu cá); thị xã Kỳ Anh đạt tỷ lệ 37,57% (còn 113 tàu cá); Thạch Hà đạt tỷ lệ 35,00% (còn 13 tàu cá); Kỳ Anh đạt tỷ lệ 21,05% (còn 30 tàu cá); Cẩm Xuyên đạt tỷ lệ 22,60% (còn 113 tàu cá).
- Về cấp giấy phép khai thác thủy sản chỉ đạt 92,99%:
Thạch Hà đạt tỷ lệ 99,12% (còn 05 tàu cá); Nghi Xuân đạt tỷ lệ 98,72% (còn 07 tàu cá); Lộc Hà đạt tỷ lệ 96,71% (còn 07 tàu cá); Kỳ Anh đạt tỷ lệ 94,35% (còn 14 tàu cá); thị xã Kỳ Anh đạt tỷ lệ 86,13% (còn 72 tàu cá); Cẩm Xuyên đạt tỷ lệ 86,41% (còn 86 tàu cá).
- Về cấp Giấy vệ sinh an toàn thực phẩm trên tàu cá chỉ mới đạt 70,93% Nghi Xuân đạt tỷ lệ 100%; thị xã Kỳ Anh đạt tỷ lệ 73,8% (còn 14 tàu cá);
Thạch Hà đạt tỷ lệ 66,67% (còn 01 tàu cá); Lộc Hà đạt tỷ lệ 62,5% (còn 03 tàu cá); Cẩm Xuyên đạt tỷ lệ 52,38% (còn 10 tàu cá).
UBND tỉnh yêu cầu:
- UBND các huyện, thị xã ven biển chủ trì, chịu trách nhiệm lập kế hoạch, chỉ đạo, kiểm tra các chủ tàu, yêu cầu chủ tàu cam kết, khẩn trương hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, Giấy phép khai thác thủy sản, Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định; tổng hợp, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 10/4/2024.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, đôn đốc các địa phương, khẩn trương hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm, Giấy phép khai thác thủy sản, Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, cập nhật số liệu trên hệ thống Vnfishbase đảm bảo số liệu tàu cá phải khớp, thống nhất giữa báo cáo của địa phương và trên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase). Kiểm tra toàn bộ dữ liệu đăng kiểm tàu cá, tổng hợp danh sách tàu cá thực hiện đăng kiểm ngoài địa phương và đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan cập nhật kết quả đăng kiểm tàu cá của địa phương vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia. Hoàn thành trước ngày 29/2/2024.
b) Về giám sát hoạt động tàu cá:
Hiện nay việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) đang hoạt động đạt 100%, tuy vậy, vẫn còn tình trạng tàu cá mất kết nối trên biển (Trong năm 2023, Hà Tĩnh có 85 lượt tàu cá mất kết nối khi hoạt động trên biển, trong đó Lộc Hà 31 lượt tàu, thị xã Kỳ Anh 29 lượt tàu, Cẩm Xuyên 14 lượt tàu, Nghi Xuân 11 lượt tàu), đặc biệt một số tàu cá mất kết nối dài ngày. Đến hết năm 2023, Hà Tĩnh có 06 tàu mất kết nối trên 6 tháng (Lộc Hà 03 tàu, Cẩm Xuyên 02 tàu và thị xã Kỳ Anh 01 tàu), 10 tàu mất kết nối trên 01 năm (thị xã Kỳ Anh 06 tàu, Cẩm Xuyên 03 tàu và Thạch Hà 01 tàu).
UBND tỉnh yêu cầu:
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi, giám sát tàu cá trên hệ thống Giám sát tàu cá, đảm bảo 100% tàu cá phải duy trì kết nối thiết bị VMS từ lúc rời cảng đến khi cập cảng. Khi phát hiện các trường hợp mất kết nối VMS, vượt ranh giới trên biển…. phải kịp thời phối hợp với các địa phương, lực lượng chức năng, liên lạc với thuyền trưởng yêu cầu tuân thủ quy định về VMS, tuyệt đối không để tàu cá vi phạm về VMS. Theo dõi, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của tàu cá trong và ngoài tỉnh hoạt động trên địa bàn; tàu cá của tỉnh hoạt động ở địa phương khác, đảm bảo không vi phạm khai thác IUU
- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương nắm rõ và xử lý nghiêm từng trường hợp vi phạm quy định về mất kết nối VMS (không báo cáo vị trí 6 tiếng một lần, mất kết nối quá 10 ngày không đưa tàu về bờ, mất kết nối trên 6 tháng, 01 năm; lập danh sách theo dõi, xử lý đến cùng các vụ việc vi phạm).
c) Việc đánh dấu tàu cá, kẻ vẽ biển số đạt tỷ lệ 100%, tuy vậy, hiện nay một số tàu cá thực hiện việc đánh dấu, kẻ vẽ biển số không đúng theo quy định
UBND tỉnh yêu cầu:
UBND các huyện, thị xã ven chủ trì và chịu trách nhiệm chỉ đạo việc đánh dấu tàu cá, kẻ vẽ biển số cho các tàu cá thuộc diện đánh dấu, kẻ vẽ biển số trên địa bàn đúng theo quy định tại Điều 20, Điều 25 Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/218 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hoàn thành trước ngày 31/3/2024. Đồng thời thường xuyên rà soát các tàu cá chưa thực hiện đánh dấu tàu cá, kẻ vẽ biển số theo quy định, hằng tuần tổng hợp số liệu, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
d) Về quản lý tàu cá “3 không” (Không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác thủy sản)
Hiện toàn tỉnh có khoảng 1.200 tàu cá “03 không”. UBND tỉnh yêu cầu:
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp quản lý chặt chẽ và xử lý dứt điểm đối với nhóm tàu cá “03 không”, đảm bảo không vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp
- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã ven biển tiến hành tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ số lượng tàu cá, nắm được thực trạng tàu cá, lập danh sách cụ thể số lượng tàu cá “03 không” tại địa phương; đối với các tàu cá đang hoạt động tạm thời phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức theo dõi, quản lý chặt chẽ theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Về giám sát sản lượng, thu nộp nhật ký khai thác và truy xuất nguồn gốc thủy sản
Hiện nay việc ghi, nộp Nhật ký khai thác thủy sản tại các cảng cá cho tàu cá cập cảng về cơ bản thực hiện đầy đủ; tuy vậy chất lượng của Nhật ký khai thác thủy sản còn nhiều sai sót (nhật ký khai thác ghi sai tọa độ đánh bắt, dữ liệu trên thiết bị VMS và nhật ký khai thác chưa thống nhất, thông tin trong nhật ký khai thác còn sai sót, ghi không đúng mẽ lưới...); tình trạng tàu cá khai thác sai vùng quy định (đặc biệt là tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên cả trong và ngoài tỉnh); Biên bản kiểm tra tàu cá cập cảng hầu như không có kết luận kiểm tra điều kiện tàu cá có đảm bảo hay không, chỉ có kết quả giám lượng bốc dỡ qua cảng. Sản lượng thủy sản khai thác của tỉnh được theo dõi, giám sát rất thấp (giám sát sản lượng khai thác tại cảng cá chỉ mới đạt khoảng 8 - 9% so với tổng sản lượng khai thác toàn tỉnh); việc đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm tại cảng cá; sản phẩm khai thác lên bến và hàng hóa tập kết xuống tàu (Hệ thống xử lý nước thải, nhà vệ sinh công cộng, mái che cầu cảng) chưa đáp ứng theo quy định.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, thực hiện nghiêm công tác giám sát sản lượng, thu nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác tại, đảm bảo tuân thủ đúng quy định. Đảm bảo tàu cá phải cập cảng và giám sát 100% sản lượng thủy sản khai thác qua cảng. Thu, nộp Nhật ký khai thác đảm bảo chất lượng, có sự kiểm tra, đối khớp với dữ liệu VMS, xử lý triệt để các trường hợp vi phạm. Tại các cảng cá phải đảm bảo duy trì vệ sinh sạch sẽ, tàu cá cập cảng bốc dỡ thủy sản khai thác phải đảm bảo vệ sinh nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm; sản phẩm thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng và hàng hóa tập kết xuống tàu phải được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp; Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá chủ trì, phối hợp với các đồn, trạm Biên phòng, UBND các huyện: Lộc Hà, Nghi Xuân thường xuyên kiểm tra, kiểm soát việc ghi nộp nhật ký khai thác đúng quy định, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp vi phạm.
3. Về thực thi pháp luật, xử lý vi phạm khai thác IUU
Việc thực thi pháp luật, kiểm tra phát hiện xử lý vi phạm tàu cá đánh bắt bất hợp pháp trên biển chưa nghiêm, tàu cá cập cảng bốc dỡ sản phẩm thủy sản khai thác vi phạm khai thác sai vùng ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, nhật ký ghi sai, ghi không đúng, không đầy đủ... với số lượng lớn nhưng chưa tiến hành xử phạt, các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc quyết liệt.
UBND tỉnh yêu cầu:
- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với các lực lượng liên quan, chịu trách nhiệm :
+ Kiên quyết ngăn chặn các tàu cá xuất bến không đủ các thủ tục, giấy tờ, các trang thiết bị theo quy định; phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện các biện pháp điều tra, xác minh tàu cá ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình; xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi vi phạm.
+ Mở đợt cao điểm thực thi pháp luật từ nay đến tháng 4 năm 2024 trong tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến, tàu cá ra vào cảng, tại các cửa sông, cửa biển, các bến cá tự phát, truyền thống; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đặc biệt là hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp, vi phạm ngắt kết nối VMS 6 tiếng không báo cáo vị trí, không đưa tàu cá tàu cá quay về bờ quá 10 ngày, vượt ranh giới cho phép trên biển (tuyệt đối không để xảy ra các vụ việc tàu cá không đủ điều kiện vẫn ra vào cảng, xuất, nhập bến tham gia hoạt động khai thác dẫn đến vi phạm khai thác IUU).
- Công an tỉnh chỉ đạo công an địa phương ưu tiên bố trí lực lượng thực hiện các đợt cao điểm từ nay đến ngày 30/4/2024 trong điều tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền đưa ra truy tố, xét xử các trường hợp vi phạm (nếu có) để răn đe, giáo dục.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng chịu trách nhiệm cập nhật đầy đủ kết quả xử phạt vào hệ thống phần mềm theo dõi, quản lý hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản tại https://vphc.tongcucthuysan.gov.vn/cms.nc; tổng hợp, báo cáo kết quả xử phạt vi phạm khai thác IUU tại địa phương. Tổ chức triển khai Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 10/3/2023.
Đây là nội dung quan trọng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã ven biển trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch, UBND tỉnh nếu để xảy ra vi phạm ảnh hưởng đến kết quả chống khai thác IUU của tỉnh.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc; tổng hợp tình hình thực hiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương, định kỳ hằng tuần và đột xuất báo cáo UBND tỉnh theo quy định./.
BBT
Thêm ý kiến góp ý