Bộ Công an vừa ban hành thông tư 16/2024 quy định về mẫu thẻ căn cước và mẫu giấy chứng nhận căn cước. Thông tư này có hiệu lực kể từ 1.7, cùng thời điểm với luật Căn cước.
Kể từ 1.7, luật Căn cước bắt đầu có hiệu lực thi hành, quy định người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch sẽ được cấp giấy chứng nhận căn cước.
Công an làm thủ tục cấp căn cước cho người dân
Nhằm hướng dẫn cụ thể điểm mới trên, tại thông tư 16/2024 vừa ban hành, Bộ Công an quy định chi tiết về quy trình cấp giấy chứng nhận căn cước.
Theo đó, giấy chứng nhận căn cước có hình chữ nhật, chiều rộng 74 mm, chiều dài 105 mm; được sản xuất bằng chất liệu giấy.
Hai mặt của giấy chứng nhận căn cước in trên vân nền được thiết kế với hình ảnh, họa tiết truyền thống dân tộc. Nền mặt trước gồm hình bản đồ hành chính Việt Nam, trống đồng, các hoa văn, họa tiết trang trí dân tộc. Nền mặt sau gồm trống đồng, các hoa văn, họa tiết trang trí dân tộc.
Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và ảnh khuôn mặt của người được cấp giấy chứng nhận căn cước được in màu trực tiếp trên giấy chứng nhận căn cước.
Mặt trước giấy chứng nhận căn cước bao gồm các thông tin: hình Quốc huy, dòng chữ "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc"; dòng chữ "chứng nhận căn cước"; ảnh khuôn mặt của người được cấp giấy chứng nhận căn cước.
Ngoài ra còn có mã QR; số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; tình trạng hôn nhân; nơi ở hiện tại; thời hạn sử dụng đến.
Mặt sau giấy chứng nhận căn cước gồm các thông tin: vân tay ngón trỏ trái; vân tay ngón trỏ phải; họ, chữ đệm và tên cha, quốc tịch; họ, chữ đệm và tên mẹ, quốc tịch; họ, chữ đệm và tên vợ (chồng), quốc tịch; họ, chữ đệm và tên của người đại diện hợp pháp, người giám hộ, người được giám hộ, quốc tịch; ngày, tháng, năm.
Mẫu giấy chứng nhận căn cước theo quy định của Bộ Công an
Thêm ý kiến góp ý