1. Tài chính, ngân hàng
1.1. Thu - chi ngân sách Nhà nước
Năm 2018 là năm thứ hai của thời kỳ ổn định ngân sách 2017 - 2020, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và tài chính - ngân sách giai đoạn 2016 - 2020. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn toàn tỉnh tính đến 01/3/2018 đạt 4050,3 tỷ đồng, bằng 110,82% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Thu nội địa đạt 673,4 tỷ đồng bằng 106,63% so với cùng kỳ; thu hải quan đạt 825,9 tỷ đồng bằng 284,42% so với cùng kỳ; thu chuyển nguồn đạt 337,4 tỷ đồng bằng 74,22% so với cùng kỳ. Như vậy, thu ngân sách Nhà nước 2 tháng đầu năm tăng hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chưa thuận lợi.
Tổng chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn tính đến ngày 01/3/2018 đạt 3247,7 tỷ đồng, bằng 112,89% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Chi đầu tư phát triển 704,6 tỷ đồng, bằng 92,69% so với cùng kỳ; chi thường xuyên 1.030,9 tỷ đồng, bằng 105,06% so với cùng kỳ; chi bổ sung cho ngân sách cấp dưới 1.512,1 tỷ đồng, bằng 133,19% so với cùng kỳ. Nhìn chung, việc điều hành và thực hiện dự toán chi ngân sách địa phương cơ bản đảm bảo tiến độ theo dự toán đầu năm và triển khai kịp thời các nhiệm vụ phát sinh cũng như các nhiệm vụ bổ sung từ nguồn ngân sách Trung ương.
1.2. Hoạt động ngân hàng
- Công tác huy động vốn: Tổng nguồn vốn huy động quản lý ước tính đến thời điểm 10/3/2018 đạt 43.185 tỷ đồng, tăng 3,61% so với đầu năm. Ước tính đến 31/3/2018, nguồn vốn huy động đạt 43.438 tỷ đồng, tăng 4,21% so với đầu năm.Nguồn vốn tiền gửi trung và dài hạn có xu hướng tăng giúp cho ngân hàng chủ động hơn trong công tác cho vay.
- Cho vay nền kinh tế: Với nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trên địa bàn, các tổ chức tín dụng đã thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vốn vay, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trong quá trình vay vốn. Doanh số cho vay 02 tháng đầu năm 2018 đạt 11.270 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2017. Dư nợ cho vay đến 28/02/2018 đạt 37.531 tỷ đồng, giảm 0,89% so với đầu năm.
Dư nợ cho vay đến ngày 10/3/2018 đạt 37.575 tỷ đồng, giảm 0,79% so với đầu năm. Ước tính đến 31/3/2018 tổng dư nợ đạt 37.725 tỷ đồng, giảm 0,39% so với đầu năm.
Đến 28/02/2018, nợ đủ tiêu chuẩn: 36.355 tỷ đồng, chiếm 96,86% tổng dư nợ; nợ cần chú ý: 641 tỷ đồng, chiếm 1,71% tổng dư nợ. Nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) là 535 tỷ đồng, chiếm 1,43% tổng dư nợ. Như vậy, nợ xấu có xu hướng tăng so với đầu năm (đầu năm nợ xấu chiếm 1,36%).
- Kết quả thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn: Trong 02 tháng đầu năm 2018, số khách hàng được cho vay hỗ trợ lãi suất theo các quyết định của Chính phủ, của tỉnh là 19 khách hàng, với doanh số cho vay là 3,35 tỷ đồng, lãi được hỗ trợ cho các khách hàng là 1,2 tỷ đồng (lũy kế từ thời điểm triển khai các quyết định hỗ trợ lãi suất doanh số cho vay đạt 8.680 tỷ đồng, số khách hàng, lượt khách được hỗ trợ là 43.150, số lãi được hỗ trợ 345 tỷ đồng).
Triển khai Nghị định 67, tính đến ngày 28/02/2018, các ngân hàng đã cho vay 11 chủ tàu với dư nợ đạt 162,62 tỷ đồng, đã thu nợ được 7,51 tỷ đồng, dư nợ đến thời điểm hiện tại 155,11 tỷ đồng. Triển khai Nghị quyết 02, các ngân hàng đã cho vay 1.027 khách hàng với dư nợ cam kết là 515 tỷ đồng, tính đến 28/02/2018 dư nợ hơn 360 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tập trung vốn chủ yếu các lĩnh vực ưu tiên, dự án trọng điểm của tỉnh; cho vay theo các Quyết định hỗ trợ lãi suất của Trung ương và của tỉnh. Doanh số cho vay trong 02 tháng đầu năm 2018 đạt hơn 9.500 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2017; dư nợ cho vay đến 28/02/2018 đạt 37.531 tỷ đồng.
- Công tác thanh toán, tiền tệ - kho quỹ, phát triển mạng lưới dịch vụ ngân hàng: Các dịch vụ ngân quỹ tiếp tục thực hiện đúng quy trình, đảm bảo an toàn trong giao dịch. Công tác phát hiện và xử lý tiền giả, việc phối hợp với các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng chống và ngăn ngừa tiền giả đặc biệt được quan tâm và thực hiện theo đúng các quy định. Đáp ứng tốt nhu cầu tiền trong lưu thông với chất lượng tiền sạch, đẹp, cơ cấu loại tiền hợp lý. Phối hợp tốt với lực lượng Công an bảo vệ mục tiêu trong công tác bảo vệ an toàn tài sản trước, trong và sau tết nguyên đán; đảm bảo an toàn tài sản.
Công tác thanh toán tiếp tục được đẩy mạnh, đảm bảo độ chính xác cao và an toàn, đảm bảo kịp thời, chính xác, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Công tác kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của máy ATM, POS được chú trọng và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thống đốc, đảm bảo phục vụ tốt nhất cho người dân trong quá trình sử dụng dịch vụ ngân hàng.
2. Đầu tư và xây dựng
2.1. Đầu tư phát triển
Ước tính vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I năm 2018 theo giá hiện hành đạt 6.568,81 tỷ đồng, giảm 11,34% so với cùng kỳ năm trước. Quý I tổng vốn đầu tư phát triển giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do nguồn vốn nhà nước giảm 31,75% và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 25,21%. Xét về nguồn hình thành vốn đầu tư phát triển thì nguồn vốn đầu tư trong quý I/2018 chủ yếu là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (chiếm 43,14%), vốn ngoài nhà nước (chiếm 41,97%) và được tập trung chủ yếu cho đầu tư xây dựng cơ bản (chiếm 92,51%).
Trong vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý thực hiện quý I ước đạt 607,18 tỷ đồng, bằng 18,45% kế hoạch và giảm 7,08% so với cùng kỳ năm trước, gồm có: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 352,29 tỷ đồng, bằng 15,25% và giảm 12,87%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước đạt 137,73 tỷ đồng, bằng 24,86% và tăng 48,2%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã ước đạt 117,16 tỷ đồng, bằng 27,46% và giảm 25%.
Nhìn chung, tình hình thực hiện vốn đầu tư có xu hướng giảm, do quá trình hoàn tất thủ tục và tổ chức đấu thầu thực hiện một số công trình mới vẫn chưa được thực hiện, tình hình giải ngân các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ và nguồn vốn ODA các tháng đầu năm đạt thấp; đồng thời, là thời gian trùng vào dịp lễ, tết Nguyên đán, nên các công trình tạm ngừng thi công và đạt giá trị thấp.
2.2. Xây dựng
Trong tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thì vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản chiếm 92,51% tổng nguồn vốn đầu tư. Vì vậy, khi nguồn vốn đầu tư phát triển giảm 14,58% thì giá trị sản xuất của ngành xây dựng giảm 17,43% so với cùng kỳ năm ngoái và chủ yếu giảm ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Do dự án Formosa cơ bản đã hoàn thành và bắt đầu đi vào hoạt động chính thức nên làm cho kết quả hoạt động xây dựng ở khu vực này giảm 85,79%.
Nếu phân theo loại công trình, thì ta thấy kết quả hoạt động xây dựng cũng có sự khác biệt. Đối với xây dựng công trình nhà ở, kết quả hoạt động xây dựng quý I/2018 tăng 13,61% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu tăng ở xây dựng khu vực hộ dân cư (tăng 35,58%); xây dựng công trình nhà không để ở tăng 19,8%; xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng giảm 61,09%, do ảnh hưởng từ hoạt động đầu tư khu vực Formosa và xây dựng chuyên dụng giảm 9,67%.
Trong quý I năm 2018, các công trình dự án trọng điểm trên địa bàn Hà Tĩnh cơ bản đã hoàn thành bao gồm: Hạ tầng khu dân cư Nông thôn mới An Phúc Lộc-Xuân Liên và Hội Thủy-Xuân Hội, Nghi Xuân; Đường giao thông biên giới Tân Lĩnh-Hồng Lĩnh; Hệ thống cấp nguồn ưu tiên Vinhomes Hà Tĩnh; với tổng vốn ước thực hiện 29,68 tỷ đồng, chủ yếu cho hoạt động xây dựng. Các công trình dự án trọng điểm đang triển khai, chưa hoàn thành gồm 12 công trình, với tổng vốn đầu tư theo kế hoạch là 2.234,6 tỷ đồng, trong đó xây dựng quý I ước đạt 182,86 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 05 công trình mới thi công, với tổng vốn đầu tư theo kế hoạch là 207,85 tỷ đồng, trong đó xây dựng quý I ước đạt 36,61 tỷ đồng (lớn nhất là dự án công trình xây dựng lò cao số 2 Formossa, với tổng vốn đầu tư theo kế hoạch là 135,47 tỷ đồng, xây dựng quý I ước đạt 15,27 tỷ đồng).
3. Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 03/2018 ước tính tăng 164,34% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng giảm 27,58%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 226,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 51,26%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,86%. Như vậy, công nghiệp Hà Tĩnh tiếp tục đạt tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước và chủ yếu tăng ở công nghiệp chế biến, chế tạo.
Tính chung 3 tháng, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 160,51% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức tăng của 2 tháng đầu năm (chung 2 tháng tăng 158,19%), cụ thể: ngành chế biến, chế tạo tiếp tục đà tăng cao với mức tăng 239,89%, đóng góp 149,22 điểm % vào mức tăng chung; sản xuất và phân phối điện tăng 34,19%, đóng góp 11,64 điểm %; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải tăng 2,12%, đóng góp 0,12 điểm %; riêng ngành khai khoáng giảm 19,37%, làm giảm 0,47 điểm %.
Nói chung, hoạt động công nghiệp ở Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng rất lớn từ dự án Formosa (chủ yếu là sản phẩm thép), từ lúc dự án tiến hành chạy thử đã đóng góp nhiều cho tốc độ tăng trưởng chung của ngành công nghiệp, nếu loại trừ ảnh hưởng của các sản phẩn than cốc, thép, điện sản xuất từ Công ty TNHH gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh thì chỉ số sản xuất ước tính tháng 3 tăng 18,41% so tháng trước và tăng 22,08% so cùng kỳ năm trước, tính chung 3 tháng chỉ tăng 15,58% so cùng kỳ năm trước.
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất 03 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất kim loại (chủ yếu sản xuất thép) tăng 8,39 lần; sản xuất cấu kiện kim loại tăng 143,67%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 133,04%; khai khoáng quặng kim loại (chủ yếu quặng kim loại không chứa sắt) tăng 133,95%; sản xuất than cốc tăng 104,22%. Bên cạnh đó, cũng có một số ngành giảm mạnh như: sản xuất hóa chất giảm 67,37%; sản xuất sản phẩm từ cao su giảm 33,48%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 29,68%; khai khoáng khác (chủ yếu khai thác đá, cát, sỏi) giảm 28,47%; sản xuất trang phục giảm 24,5%.
Trong 03 tháng năm 2018, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Thép tăng 8,39 lần; quặng zircon và tinh quặng zircon tăng 182,13%; than cốc tăng 104,22%; dược phẩm tăng 133,04%. Một số sản phẩm giảm mạnh: Thức ăn cho gia súc giảm 72,08%; chè (trà) giảm 59,35%; bê tông tươi giảm 52,78%; đá xây dựng giảm 28,82%; gạch xây dựng bằng đất sét nung giảm 25,84%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2018 tăng 73,61% so với tháng trước và tăng 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 3 tháng, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,85 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất kim loại (chủ yếu thép) tăng 8,42 lần; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 81,39%; sản xuất sản phẩm sản xuất than cốc tăng 44,66%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm mạnh: Sản xuất hóa chất giảm 73,01%; chế biến thực phẩm giảm 71,67%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 70,97%; sản xuất trang phục giảm 67,35%.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2018 tăng 15,83% so với tháng trước và tăng 140,18% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao so với cùng kỳ năm trước: sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 67,26 lần; bia tăng 178,84%; than cốc tăng 172,57%.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 3/2018 giảm 0,01% so với tháng trước và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 3 tháng tăng 7,77% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 1,33%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 9,1%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 20,67%. Như vậy, lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp quý I/2018 tăng chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
4. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp
4.1. Tình hình đăng ký kinh doanh
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thành lập mới 131 doanh nghiệp, giảm 17,6% so với cùng kỳ năm trước; số vốn đăng ký đạt 963 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân đạt 7,35 tỷ đồng/doanh nghiệp. Những năm gần đây số lượng doanh nghiệp đăng ký mới hàng năm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tăng khá cao, bên cạnh tăng về số lượng, các doanh nghiệp cũng góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. 3 tháng đầu năm đã giải quyết việc làm mới cho 971 lao động trên địa bàn, trong đó loại hình công ty cổ phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động mới nhất, tiếp đến là loại hình công ty TNHH và thấp nhất là loại hình doanh nghiệp tư nhân.
Số doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể là 123 doanh nghiệp (tạm ngừng 98 DN; giải thể 25 DN), cao gấp 2,4 lần so cùng kỳ năm trước. Như vậy, số doanh nghiệp thành lập mới từ đầu năm đến nay giảm so với cùng kỳ nhưng bên cạnh đó số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng tăng cao, thể hiện các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
4.2. Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp
Kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh quý I/2018 được điều tra thu thập thông tin tại 45 doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh, kết quả cụ thể như sau: Có 62,2% DN đánh giá SXKD của họ khả quan hơn và giữ ổn định so với quý trước (trong đó 15,56% khẳng định SXKD tốt lên, 46,67% khẳng định giữ ổn định); 37,78% DN đánh giá tình hình sản xuất khó khăn hơn quý trước. Dự báo quý II so với quý I năm 2018, có 77,7% doanh nghiệp đánh giá sản xuất kinh doanh quý II tốt hơn và giữ ổn định so với quý I (trong đó 33,33% số doanh nghiệp dự báo tốt lên, 44,44% số doanh nghiệp dự báo ổn định); còn 22,3% số doanh nghiệp khó khăn hơn.
Trong các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có 50,9% doanh nghiệp khẳng định yếu tố “nhu cầu thị trường trong nước thấp”, 61,9% doanh nghiệp khẳng định “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao”, 53,9% doanh nghiệp khẳng định “Lãi suất vay vốn cao” và 57,9% doanh nghiệp cho rằng vấn đề “Khó khăn về tài chính” là các yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến khả năng phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Liên quan tới tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý I/2018, có 15,56% doanh nghiệp tăng sản xuất so với quý trước; 37,78% giảm đi; có 14,29% doanh nghiệp có số lượng đơn đặt hàng mới tăng lên; 38,1% giảm đi; 68,2% doanh nghiệp có số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đánh giá tăng lên hoặc giữ nguyên; 28,89% doanh nghiệp đánh giá tồn kho thành phẩm giảm (ngành có tỷ lệ tồn kho thành phẩm giảm mạnh là sản xuất đồ uống, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ) và 26,67% doanh nghiệp có tồn kho nguyên vật liệu giảm (ngành có tỷ lệ lớn DN giảm tồn kho nguyên vật liệu là sản xuất đồ uống, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ); 8,89% doanh nghiệp có chi phí sản xuất trên một sản phẩm và 6,67% giá bán bình quân trên một đơn vị sản phẩm giảm.
Xu hướng dự kiến quý II so quý I có 31,71% số doanh nghiệp có lượng đơn đặt hàng mới tăng; 15,38% doanh nghiệp có số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng; 35,56% khối lượng thành phẩm tồn kho giảm và 28,89% khối lượng nguyên vật liệu tồn kho giảm.
Đánh giá về biến động lao động quý I/2018 so với quý IV/2017, có 84,4% số doanh nghiệp khẳng định qui mô lao động tăng lên và giữ ổn định (trong đó 6,67% khẳng định tăng lên, 77,78% khẳng định giữ ổn định) và 15,56% khẳng định lao động giảm. Dự báo lao động quý II so với quý I, có 88,8% số doanh nghiệp khẳng định qui mô lao động tăng lên và giữ ổn định (trong đó 8,89% khẳng định tăng lên, 80% khẳng định giữ ổn định) và 11,11% khẳng định lao động giảm.
5. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
5.1. Nông nghiệp
- Trồng trọt: Sản xuất trồng trọt trong quý I/2018, tập trung chủ yếu vào chăm sóc, thu hoạch cây vụ Đông 2017 và gieo trồng, chăm sóc cây vụ Xuân năm 2018.
+ Sản xuất vụ Đông năm 2017-2018: Tổng diện tích gieo trồng cây vụ Đông đạt 12.917 ha, bằng 114,6%, tăng 1.646 ha so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả sản xuất các loại cây trồng vụ Đông cụ thể như sau: Diện tích ngô ước đạt 3.870 ha, bằng 167,61%, tăng 1.561 ha, năng suất ngô ước đạt 27,68 tạ/ha, bằng 98,92%, giảm 0,3 tạ/ha với sản lượng ngô ước đạt 10.711 tấn, bằng 165,86%, tăng 4.253 tấn so với cùng kỳ năm trước; diện tích khoai lang ước đạt 1.565 ha, bằng 85,73%, giảm 260 ha, năng suất khoai lang ước đạt 56,95 tạ/ha, bằng 104,07%, tăng 2,23 tạ/ha với sản lượng khoai lang ước đạt 8.910 tấn, bằng 89,22%, giảm 1.077 tấn so với cùng kỳ năm trước; diện tích rau các loại ước đạt 4.565 ha, bằng 121,83%, tăng 818 ha, năng suất rau ước đạt 56,54 tạ/ha, bằng 102,93%, tăng 1,61 tạ/ha với sản lượng rau ước đạt 25.810 tấn, bằng 125,4%, tăng 5.228 tấn so với cùng kỳ năm trước.
+ Sản xuất vụ Xuân 2017: Để thực hiện sản xuất vụ Xuân 2018 đạt kết quả cao, các huyện, thành phố, thị xã đã triển khai Đề án sản xuất vụ Xuân của tỉnh đến tận các xã, phường, thị trấn và bà con nông dân.
Kết quả gieo cấy lúa vụ Xuân 2018 ước đạt 59.064 ha, đạt 100,92% (tăng 537 ha) so với kế hoạch và bằng 100,34% (tăng 198 ha) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Diện tích lúa cấy là 16.026 ha (chiếm 27,13% tổng diện tích gieo cấy) và diện tích lúa gieo thẳng là 43.038 ha (chiếm 72,87% tổng diện tích gieo cấy). Các địa phương có diện tích gieo cấy lúa vụ Xuân 2018 tăng so với cùng kỳ như: Huyện Hương Khê tăng 164 ha, Hương Sơn tăng 70 ha, thị xã Kỳ Anh tăng 40 ha...
Cùng với việc gieo cấy lúa thì tiến độ gieo trỉa một số loại cây trồng khác đạt được như sau: Cây ngô ước đạt 3.733 ha, bằng 115,54% (tăng 502 ha) so với kế hoạch và bằng 109,5% (tăng 324 ha) so với cùng kỳ năm trước; cây khoai lang ước đạt 1.071 ha, bằng 62,3% kế hoạch và bằng 67,61% (giảm 513 ha) so với cùng kỳ năm trước; cây lạc ước đạt 12.609 ha, bằng 85,63% kế hoạch và bằng 86,93% (giảm 1.895 ha) so với cùng kỳ năm trước; rau các loại ước đạt 4.595 ha, bằng 96,94% với kế hoạch và bằng 100,57% (tăng 26 ha) so với cùng kỳ năm trước.
+ Tình hình sâu bệnh: Hiện nay, bệnh đạo ôn lá trên lúa xuân đã phát sinh hơn 1.600 ha, nhiễm nặng 61,2 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Cẩm Xuyên 1.000 ha, Đức Thọ 400 ha. Tỷ lệ trung bình nhiễm bệnh từ 5-7%, cục bộ có nơi 20%; có gần 3.000 m2 bị cháy dưới dạng chòm, khóm, bệnh tập trung trên các loại giống VTNA6, KD18, XT28, P6. Còn trên cây lạc: Bệnh lỡ cổ rễ gây hại rải rác 1-3% tại các huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn.
- Chăn nuôi: Quý I/2018, tổng đàn gia súc trâu, bò ước tính hiện có 278.451 con, bằng 90,7%, giảm 28.544 con, trong đó: Đàn trâu ước tính có 76.601 con, bằng 89,99%, giảm 8.523 con so với cùng kỳ năm trước, sản lượng thịt trâu xuất chuồng trong quý I/2018 ước tính 1.374 tấn, bằng 98,99%, giảm 14 tấn so với cùng kỳ năm trước; đàn bò ước tính có 201.850 con, bằng 90,98%, giảm 20.021 con so với cùng kỳ năm trước, sản lượng thịt bò xuất chuồng trong quý I/2018 ước tính 3.355 tấn, bằng 95,39%, giảm 162 tấn so với cùng kỳ năm trước.
Dự án chăn nuôi bò Bình Hà, tính lũy kế đến nay tổng đàn bò nhập về thả nuôi là 43.394 con, hiện còn 490 con đang nuôi tại trại Cẩm Quan-Cẩm Xuyên (gồm 150 con bò nái, 180 con bò thịt, 130 con bê và 30 con bò lai). Còn dự án chăn nuôi bò chất lượng cao của Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, đến nay đang chăn nuôi 385 con bò nái và 230 con bê. Ngoài ra, còn chăn nuôi bò sữa theo hình thức liên kết với công ty cổ phần sữa Việt Nam-Vinamilk, với tổng đàn bò sữa 2.838 con, trong đó: tại trang trại Sơn Lễ-Hương Sơn nuôi 2.088 con; Thường Nga-Can Lộc nuôi 230 con; Đức Dũng-Đức Thọ nuôi 520 con.
Đàn lợn ước tính hiện có 420.964 con, bằng 88,68%, giảm 53.750 con so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng trong quý I/2018 ước tính 19.069 tấn, bằng 95,91%, giảm 813 tấn so với cùng kỳ năm trước. Do giá lợn hơi trong thời gian qua giảm mạnh; sau Tết giá thịt lợn hơi vẫn tiếp tục giảm, thị trường vẫn chưa ổn định nên người chăn nuôi, đặc biệt là các hộ chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ chưa tái đàn, đã làm cho tổng đàn lợn giảm. Hiện nay toàn tỉnh có 37 cơ sở nái (quy mô 300 con trở lên) với số lượng hơn 20.733 con.
Tổng đàn gia cầm ước tính hiện có 7.974 ngàn con, bằng 104,05%, tăng 311 ngàn con so với cùng kỳ năm trước, trong đó đàn gà ước tính hiện có 6.283 ngàn con, bằng 103,92%, tăng 237 ngàn con so với cùng kỳ năm trước. Do kiểm soát được dịch bệnh nên đàn gia cầm phát triển khá, giá thịt gia cầm rẻ hơn so với giá gia súc nên sản lượng tiêu thụ tăng hơn so với năm trước. Sản lượng thịt gia cầm quý I/2018 ước đạt 4.695 tấn, bằng 103,99%, tăng 180 tấn so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng thịt gà ước đạt 3.755 tấn, bằng 102,99%, tăng 109 tấn so với cùng kỳ năm trước.
Tình hình dịch bệnh: Trong quý I/2018, đã xảy ra dịch lở mồm long móng ở gia súc, chưa qua 21 ngày tại huyện Thạch Hà, Đức Thọ, Can Lộc, thị xã Hồng Lĩnh, với tổng số gia súc mắc bệnh 83 con (gồm 39 con bò; 13 con trâu và 31 con lợn), đã tiêu hủy 31 con lợn.
5.2. Lâm nghiệp
- Trồng, chăm sóc và nuôi dưỡng: Trong quý I/2018, cùng với việc hưởng ứng Tết trồng cây nhân dịp Xuân Mậu Tuất nên toàn tỉnh dự ước trồng được 1.113 ha rừng tập trung, bằng 124,92%, tăng 222 ha và 1163,5 ngàn cây phân tán, bằng 105,1%, tăng 56,5 ngàn cây so với cùng kỳ năm trước. Một số huyện trồng cây phân tán tăng so với cùng kỳ năm trước: Huyện Hương Sơn tăng 20 ngày cây, huyện Kỳ Anh tăng 163,8 ngàn cây, ... Một số huyện giảm: Huyện Cẩm Xuyên giảm 50 ngàn cây, Thạch Hà giảm 78 ngàn cây...
- Khai thác gỗ và lâm sản: Trong quý I/2018, toàn tỉnh dự ước khai thác đạt 19.214 m3 gỗ, bằng 219,16%, tăng 10.447 m3 so với cùng kỳ năm trước. Khai thác 113.202 Ste củi, bằng 103,36%, tăng 3.679 Ste so với cùng kỳ năm trước. Huyện Hương Khê khai thác 380 m3 gỗ và 7.050 Ste củi; huyện Hương Sơn khai thác 1.600 m3 gỗ và 22.000 Ste củi; huyện Vũ Quang khai thác 6.143 m3 gỗ và 3.290 Ste củi; huyện Cẩm Xuyên khai thác 2.550 m3 gỗ và 4.500 Ste củi; huyện Kỳ Anh khai thác 4.512 m3 gỗ và 45.570 Ste củi; huyện Thạch Hà khai thác 720 m3 gỗ và 3.905 Ste củi... Nguyên nhân khai thác lâm sản trong tháng tăng so với cùng kỳ năm trước là do người dân hiện vẫn đang tận thu sản phẩm thiệt hại sau cơn bão số 10 và nhu cầu sử dụng trong dịp Tết cao.
- Thiệt hại rừng: Công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng và quản lý lâm sản luôn được các cấp, các ngành và các hộ dân liên quan triển khai thực hiện một cách nghiêm túc. Trong quý I/2018 trên địa bàn tỉnh không xẩy ra thiệt hại về rừng.
5.3. Thuỷ sản
Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng quý I/2018 ước đạt 8.914 tấn, bằng 109,85%, tăng 799 tấn so với cùng kỳ năm trước, cụ thể:
Dự ước sản lượng khai thác Quý I/2018 đạt 6.254 tấn, bằng 109,93%, tăng 565 tấn so với cùng kỳ năm trước, trong đó: sản lượng khai thác biển ước đạt 5.405 tấn, tăng 10,26%; khai thác nội địa ước đạt 849 tấn, tăng 7,88%. Còn sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.660 tấn, bằng 109,65%, tăng 234 tấn so với cùng kỳ năm 2017.
Nguyên nhân sản lượng quý I/2018 tăng so với cùng kỳ là do năm nay thời tiết tương đối thuận lợi, nhu cầu sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán cao, nên nhiều tàu thuyền ra khơi đánh bắt thủy sản.
Trong quý I năm 2018 không xẩy ra dịch bệnh đối với hoạt động nuôi trồng thủy hải sản.
6. Thương mại, dịch vụ và giá cả
6.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa: ước đạt 2.644,02 tỷ đồng, tăng 5,67% so cùng kỳ năm trước và giảm 8,94% so với tháng trước. Trong đó: Kinh tế Nhà nước ước đạt 244,57 tỷ đồng, tăng 0,42% so tháng trước, tăng 2,45% so cùng kỳ năm trước; Kinh tế Tập thể ước đạt 1,05 tỷ đồng, giảm 11,20% so tháng trước, tăng 16,32% so cùng kỳ năm trước; Kinh tế Cá thể ước đạt 1.525,6 tỷ đồng, giảm 13,42% so tháng trước, tăng 0,84% so cùng kỳ năm trước; Kinh tế Tư nhân ước đạt 872,8 tỷ đồng, giảm 2,66% so tháng trước, tăng 16,42% so cùng kỳ năm trước. Hầu hết các thành phần kinh tế đều giảm so với tháng trước, trong đó mức giảm mạnh nhất ở khối cá thể, do các nhóm hàng thiết yếu phục vụ Tết phần lớn tập trung ở khối cá thể.
Tình hình thương mại, dịch vụ trong tháng trầm lắng hơn so với tháng trước, sau Tết hầu hết các nhóm hàng hóa tiêu thụ đều giảm. Giảm mạnh nhất là nhóm hàng may mặc (giảm 17,75%), tiếp đến là nhóm lương thực, thực phẩm (giảm 13,54%), nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm (giảm 11,81%). Chỉ có nhóm hàng gỗ và vật liệu xây dựng tăng so với tháng trước (tăng 7,59%), do các công trình mới đồng loạt khởi công xây dựng, làm cho giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến doanh thu của nhóm này tăng.
Tính chung 3 tháng đầu năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hoá ước đạt 8.308,4 tỷ đồng, tăng 9,17% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Nhà nước ước đạt 736,73 tỷ đồng, tăng 3,41%; Tập thể ước đạt 3,37 tỷ đồng, giảm 30,22%; Cá thể ước đạt 4.930,05 tỷ đồng, tăng 5,93%; Tư nhân ước đạt 2.638,16 tỷ đồng, tăng 17,83%. Như vậy, các thành phần kinh tế đều tăng chỉ có kinh tế tập thể giảm so với cùng kỳ năm 2017, do một số Hợp tác xã trước đây hoạt động cả lĩnh vực thương mại và công nghiệp nay chuyển sang chỉ hoạt động công nghiệp.
Trong tổng mức bán lẻ hàng hóa thì nhóm hàng lương thực và thực phẩm ước đạt 3.147,22 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất 37,88% tăng 6,19% so với cùng kỳ, tiếp đến là nhóm đồ dùng dụng cụ trang thiết bị gia đình ước đạt 1.106,55 tỷ đồng, chiếm 13,32% tăng 1,15% so với cùng kỳ. Đặc biệt là nhóm Ô tô ước đạt 406,5 tỷ đồng có mức tăng mạnh nhất 283,11% so với cùng kỳ năm trước, do đầu năm 2018 với chính sách giảm thuế xe ô tô vào các nước Asean bắt đầu có hiệu lực nên số lượng xe bán ra tăng mạnh.
- Hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành: Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tháng 3/2018 ước đạt 368,58 tỷ đồng, tăng 2,92% so tháng trước và tăng 5,42% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 25,77 tỷ đồng, tăng 2,17% so tháng trước và tăng 1,53% so cùng kỳ năm trước; dịch vụ ăn uống ước đạt 341,75 tỷ đồng, tăng 2,96% so tháng trước và tăng 5,66% so cùng kỳ; dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch ước đạt 1,06 tỷ đồng, tăng 6,0% so tháng trước và tăng 31,84% so cùng kỳ. Do trong tháng, lượt khách đến tham quan, vãn cảnh các địa điểm tâm linh như: Chùa Hương, đền ông Hoàng Mười… và dâng hương tri ân tại khu tưởng niệm “Ngã ba Đồng Lộc” tăng; là thời điểm trùng với ngày lễ 8/3, mùa cưới hỏi nên nhu cầu đặt tiệc tại các nhà hàng, trung tâm tiệc cưới tăng; ngoài ra các công ty du lịch chủ động thiết kế các tour du lịch ngắn ngày, với mức giá hợp lý nên thu hút được nhiều ngươi tham gia. Tất cả các yếu tố này đã làm cho doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tăng.
Tính chung 3 tháng đầu năm 2018, doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước đạt 1.080 tỷ đồng, tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, tình hình hoạt động lưu trú, ăn uống, du lịch trong quý có tăng nhưng chỉ tăng nhẹ và chủ yếu là khách du lịch tham quan các địa điểm đền chùa, vãn cảnh, chỉ nghỉ chân trong thời gian ngắn rồi tiếp tục hành trình.
- Hoạt động dịch vụ khác: Doanh thu hoạt động dịch vụ tháng 3/2018 ước đạt 122,49 tỷ đồng, giảm 5,79% so với tháng trước và tăng 5,25% so cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Phân theo loại hình kinh tế Nhà nước ước đạt 6,07 tỷ đồng, giảm 6,20% so tháng trước; tập thể ước đạt 0,65 tỷ đồng, giảm 7,57%; cá thể ước đạt 91,49 tỷ đồng, giảm 4%; tư nhân ước đạt 23,811 tỷ đồng, giảm 12,20%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 0,45 tỷ đồng, tăng 9,83%. Do dịch vụ phục vụ cá nhân như cắt tóc, uốn sấy, trang điểm, làm đẹp khối cá thể giảm sâu đã làm cho doanh thu kinh doanh dịch vụ khác trong tháng giảm.
Chung 3 tháng đầu năm 2018, doanh thu hoạt động dịch vụ khác ước đạt 374,09 tỷ đồng, tăng 5,25% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, doanh thu hoạt động dịch vụ khác trong quý I tăng trưởng nhẹ, hầu hết các ngành dịch vụ đều có xu hướng tăng so với cùng kỳ. Mức tăng cao nhất ở nhóm y tế, đặc biệt là các cơ sở y tế ở khối kinh tế tư nhân ngày càng phát triển mạnh do được trang bị khá hơn các trang thiết bị hiện đại, cùng với sự phục vụ nhiệt tình chu đáo và kịp thời; ngoài ra một số cơ sở còn nhận khám theo bảo hiểm y tế nên số lượt khách đến khám ngày càng tăng.
6.2. Hoạt động vận tải
- Vận tải hàng hóa: Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 3/2018 ước đạt 2,68 triệu tấn, tăng 3,68% so với tháng trước, với khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 65,44 triệu tấn.km, tăng 6,07%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 225,17 tỷ đồng, tăng 6,96%. Sang tháng 3, giá xăng dầu ổn định, chưa điều chỉnh tăng, nhu cầu vận chuyển các mặt hàng như vật liệu xây dựng (cát, sỏi, sắt thép các loại) và nguyên liệu sản xuất (gỗ xẻ, gỗ keo, phân bón,...) tăng, làm cho hoạt động vận tải hàng hóa tăng.
Vận tải hành khách: Khối lượng hành khách vận chuyển tháng 3/2018 ước đạt 1,84 triệu lượt hành khách, giảm 4,24% so với tháng trước, với khối lượng luân chuyển là 321,94 triệu lượt hành khách.km, giảm 5,21%; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 137,06 tỷ đồng, giảm 8,85%. Do lượt người tham gia phương tiện công cộng giảm; cùng với lượt khách đi lễ tại chùa Hương (Can Lộc) dự kiến trong tháng 3 giảm mạnh, nên làm cho hoạt động vận tải hành khách giảm.
Đối với hoạt động kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải, doanh thu tháng 3/2018 ước đạt 72 tỷ đồng, tăng 7,02% so tháng trước và tăng 35,6% so cùng kỳ năm trước. Do lượt phương tiện lưu thông qua các tuyến đường nhiều hơn, dẫn đến hoạt động các dịch vụ thu phí đường bộ, bảo trì, kiểm định và cứu hộ giao thông tăng; đồng thời, lượt tàu ra vào các cảng biển trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực khu kinh tế Vũng Áng tăng, làm cho doanh thu các dịch vụ bốc xếp, lai dắt tàu biển, kho bãi tăng. Đây chính là những yếu tố làm tăng doanh thu của lĩnh vực này.
- Tính chung 3 tháng, khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 8,08 triệu tấn, tăng 5,93% so với cùng kỳ năm trước, với khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 203,18 triệu tấn.km, tăng 10,45%; doanh thu hoạt động vận tải hàng hóa ước đạt 677,05 tỷ đồng, tăng 9,39%. Còn số lượng hành khách vận chuyển ước đạt 5,62 triệu lượt hành khách, tăng 3,05% với khối lượng luân chuyển là 990,14 triệu lượt hành khách.km, tăng 7,95%; doanh thu hoạt động vận tải hành khách ước đạt 429,28 tỷ đồng, tăng 10,54%. Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt ước đạt 192,9 tỷ đồng tăng 23,27%.
Nhìn chung, trong quý I/2018, hoạt động vận tải tuy gặp một số khó khăn do yếu tố chi phí nhiên liệu tăng giá so quý trước và cùng kỳ năm trước nhưng hoạt động vận tải vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do sự phục hồi của nền kinh tế tỉnh từ năm 2017, ngoài các dự án đang vận hành thì từ cuối năm 2017 tỉnh Hà Tĩnh đã cấp phép cho nhiều dự án mới, trong đó có dự án xây dựng cầu cảng số 5 và 6 tại cảng Vũng Áng đã tác động trực tiếp đến hoạt động vận tải kho bãi; nền kinh tế phát triển tạo ra nhiều việc làm, thu hút nhiều lao động trong và ngoài tỉnh, thúc đẩy lưu thông hành khách cũng như hàng hoá.
6.3 Chỉ số giá tiêu dùng
Thị trường hàng hóa tiêu dùng trong tháng 3/2018 nhìn chung trầm lắng hơn so tháng trước. Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa nhìn chung có xu hướng giảm, sản lượng tiêu thụ các mặt hàng giảm so tháng trước.
CPI tháng 3 năm 2018, giảm 0,03% so tháng trước, tăng 3,06% so cùng tháng năm trước và tăng 1,36% so với tháng 12 năm trước. So với tháng trước khu vực thành thị giảm 0,07% và khu vực nông thôn giảm 0,01%.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 07 nhóm hàng hóa chỉ số giá giảm gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,7% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 0,22%, tăng 1,16% so với tháng 12 năm trước; Đồ uống và thuốc lá giảm 1,6% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 0,74%, giảm 0,47% so với tháng 12 năm trước; May mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,77% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 3,51%, tăng 0,37% so với tháng 12 năm trước; Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,14% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 3,44%, tăng 0,81% so với tháng 12 năm trước; Thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,66% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 1,98%, tăng 1,16% so với tháng 12 năm trước; Giao thông giảm 1,01% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 2,17%, tăng 2,07% so với tháng 12 năm trước; Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,27% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 1,66%, tăng 0,04% so với tháng 12 năm trước; Hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,28% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 3,88%, tăng 2,02% so với tháng 12 năm trước.
Nhóm hàng hóa có chỉ số tăng: Thuốc và dịch vụ y tế tăng 9,08% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 9,21%, tăng 9,08% so với tháng 12 năm trước.
Các nhóm Giáo dục; Bưu chính viễn thông ổn định, không có sự tăng giảm so tháng trước.
CPI tháng 3 năm 2018 biến động giảm so với tháng trước chủ yếu do:
(1) Do tháng 3 rơi vào thời điểm sau Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, đặc biệt các nhóm thực phẩm, điện, nước, phương tiện giao thông, đồ dùng gia đình, hàng may mặc đều có xu hướng giảm so tháng trước.
(2) Giá xăng dầu bình quân giảm so tháng trước.
(3) Giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng theo yêu cầu của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Chỉ số giá vàng giảm 0,37% so tháng trước, tăng 6,02% so cùng tháng năm trước và tăng 3,17% so với tháng 12 năm trước. Thị trường giá vàng trong tháng biến động với xu hướng giảm, mức giá hiện tại thời điểm ngày 22/3/2018 ở mức 3.710 nghìn đồng/chỉ. Bình quân giá vàng trong tháng là 3.685 nghìn đồng/chỉ.
Chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,2% so tháng trước, giảm 0,32% so cùng tháng năm trước và giảm 0,11% so với tháng 12 năm trước. Giá USD bình quân thị trường Hà Tĩnh mức giá bán ra 2.273,8 nghìn đồng/100USD. Giá USD tự do ngày 22/3/2018 ở mức giá 2.279 nghìn đồng/100USD.
Dự kiến CPI tháng 04/2018 sẽ tăng so với tháng 3/2018. Nguyên nhân chủ yếu do tháng 4 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh bước vào mùa du lịch, trong đó có du lịch biển chiếm tỷ trọng lớn. Các loại thực phẩm thủy sản có khả năng tăng giá. Ngoài ra, do chuyển mùa nắng nóng, nhu cầu tiêu dùng các loại mặt hàng may mặc mùa hè, đồ uống, hoa quả, rau củ quả, điện lạnh cũng tăng giá.
7. Các vấn đề xã hội
7.1. Tình hình đời sống dân cư
Nhìn chung, đời sống dân cư Hà Tĩnh quý I năm 2018 có cải thiện hơn so với cùng kỳ năm năm 2017. Đời sống cán bộ công nhân viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và lao động hưởng lương, nhờ sự thay đổi mức lương tối thiểu từ 1.210 nghìn đồng lên 1.300 nghìn đồng; mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng tăng thêm 7,44%; mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc trong các doanh nghiệp tăng từ 180-230 nghìn đồng/tháng nên đời sống được cải thiện hơn. Đồng thời, do thời tiết thuận lợi tạo điều kiện cho người dân sản xuất các loại cây trồng Vụ Đông và làm thêm các ngành nghề khác tăng thêm thu nhập. Mặt khác, theo quyết định số 528/QĐ-UBND ngày 01/02/2018, tỉnh đã trích 2.762 triệu đồng mua gạo trợ cấp cho các hộ nghèo trong dịp tết Nguyên Đán và thời gian giáp hạt năm 2018 cho các huyện Thạch Hà, Hương Khê, Cẩm Xuyên và Thị xã Kỳ Anh. Sự quan tâm kịp thời của lãnh đạo các cấp cũng đã góp phần tạo sự ổn định cho đời sống nhân dân. Dự kiến trong tháng tới tình hình thiếu đói vẫn không xảy ra.
7.2. Công tác đảm bảo an sinh xã hội
- Công tác giảm nghèo: Tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về giảm nghèo bền vững; chính sách an sinh xã hội trên các lĩnh vực: Giảm nghèo, giải quyết việc làm, đào tạo nghề, cải thiện nhà ở cho người có công, gia đình nghèo...Tập trung ưu tiên cho các vùng khó khăn nhằm tạo điều kiện để người dân được hưởng lợi từ các chương trình, dự án một cách hiệu quả nhất. Theo kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2017 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỷ lệ hộ nghèo là 8,57% giảm 1,89 điểm phần trăm so với năm 2016; tỷ lệ hộ cận nghèo là 7,78% giảm 0.61 điểm phần trăm so với năm 2016. Mặc dù tốc độ giảm nghèo của Hà Tĩnh nhanh hơn tốc độ giảm nghèo chung của cả nước, tuy nhiên kết quả giảm nghèo của tỉnh vẫn chưa thực sự bền vững. Sự chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, các địa phương còn cao.
- Công tác an sinh xã hội: Các chế độ, chính sách đối người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Đến ngày 10/02/2018 (tức ngày 25/12 Âm lịch), các đoàn lãnh đạo tỉnh đã hoàn thành việc thăm hỏi, tặng quà người có công, gia đình chính sách, dâng hương các di tích lịch sử, thăm và tặng quà các đơn vị trong và ngoài tỉnh; cáchuyện, thành phố, thị xã đã chi trả trợ cấp tháng 02/2018 cho 45.615 người có công, với kinh phí 70 tỷ đồng; chi trả trợ cấp thường xuyên cho 69.539 đối tượng bảo trợ xã hội, với kinh phí 25,5 tỷ đồng, cấp 41.551 thẻ BHYT cho hộ nghèo, 59.688 thẻ BHYT cho hộ cận nghèo, 105.148 thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và 53.262 thẻ BHYT cho người có công
Công tác đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh được triển khai kịp thời; các cấp, các ngành đã làm tốt công tác huy động nguồn lực, tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được quan tâm chu đáo; mọi người, mọi nhà đón Tết cổ truyền của dân tộc trong yên bình, vui vẻ, đầm ấm. Đã tổ chức thăm hỏi, tặng 216.731 suất quà, tổng kinh phí 49,3 tỷ đồng, trong đó: Quà cho người có công 96.604 suất, kinh phí 20,1 tỷ đồng (quà trung ương 54.827 suất, kinh phí 11,2 tỷ đồng; quà địa phương 37.407 suất, kinh phí 7,3 tỷ đồng); quà cho đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn 33.137 suất, kinh phí 2,7 tỷ đồng; quà cho người nghèo37.535 suất, kinh phí 13 tỷ đồng; quà cho người cao tuổi 35.851 suất, kinh phí 6,3 tỷ đồng; quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn 6.896 suất, kinh phí 1,5 tỷ đồng; quà cho đối tượng khác (bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển, gặp rủi ro đột xuất…) 6.710 suất, kinh phí 5,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã quyết định cấp kinh phí mua 243,57 tấn gạo hỗ trợ 5.740 hộ, 10.672 nhân khẩu; các địa phương cũng đã triển khai hỗ trợ gạo kịp thời, đảm bảo không để người dân nào thiếu đói trong dịp Tết.
- Thực hiện chính sách đối với người có công: Làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với các đối tượng chính sách, người có công. Đã trao 01 sổ tiết kiệm tình nghĩa cho gia đình chính sách, trị giá 3 triệu đồng; xây mới 04 nhà tình nghĩa, trị giá 205 triệu đồng và sữa chữa 08 nhà với tổng giá trị là 40 triệu đồng.
Cùng với việc giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công, các gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, Hà Tĩnh cũng tích cực đẩy mạnh phong trào “đền ơn đáp nghĩa”. Chiều 10/2/2018, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Hà Tĩnh đã tổ chức Lễ truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” đợt 9 cho 17 mẹ. Qua 9 đợt, đến nay, Hà Tĩnh đã có 1.985 Mẹ được trao tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà Mẹ Việt Nam anh hùng.
7.3. Công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề
Quý I/2018, toàn tỉnh đã đào tạo 911 người, trong đó: Cao đẳng nghề là 37 người; trung cấp nghề là 118 người; sơ cấp nghề và dạy nghề dưới ba tháng là 668 người.
Giải quyết việc làm cho 6.227 người, tăng 8,24% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó: lao động được giải quyết việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh 3.331 người, tăng 6,08%; xuất khẩu lao động 1.646 người, giảm 6,26%; lao động đi làm việc ngoại tỉnh 1.250 người, tăng 45,86%.
7.4. Hoạt động giáo dục đào tạo
- Giáo dục phổ thông
+ Giáo dục mầm non: Tổng số trường mầm non hiện nay là 273 trường, tăng 04 trường so năm học trước. Tổng số học sinh nhà trẻ có 12.725 cháu, giảm 17,11% (giảm 2.627 cháu); tổng số học sinh mẫu giáo có 75.376 74.168 cháu, tăng 1,63% (tăng 1.208 cháu) và tổng số giáo viên mầm non là 5.018 người, tăng 9,52% (tăng 436 người) so với cùng kỳ năm trước.
+ Giáo dục tiểu học: Tổng số giáo viên giảng dạy 5.338 người, giảm 4,17% (giảm 232 người); tổng số học sinh có 102.518 em, tăng 3,19% (tăng 3.170 em) so với cùng kỳ năm trước. Số học sinh học đúng tuổi (6-10 tuổi) ở cấp tiểu học là 101.492 em, chiếm tỷ lệ 99%.
+ Trung học cơ sở: Tổng số giáo viên giảng dạy 4.971 người, giảm 3,06% (giảm 157 người); tổng số học sinh có 75.627 em, tăng 0,84% (tăng 633 em) so với cùng kỳ năm trước. Số học sinh học đúng tuổi (11-14 tuổi) ở cấp trung học cơ sở là 74.173 em, chiếm tỷ lệ 98,08%.
+ Trung học phổ thông: Tổng số giáo viên giảng dạy 2.882 người, tăng 2,53% (tăng 71 người); tổng số học sinh có 43.582 em, giảm 3,11% (giảm 1.398 em) so cùng kỳ năm trước. Số học sinh học đúng tuổi (15-17 tuổi) ở cấp THPT là 41.576 em, chiếm tỷ lệ 95,4%.
Ngoài ra, công tác nghiên cứu khoa học trong cán bộ, giáo viên và học sinh tiếp tục được đẩy mạnh; toàn ngành có 53 sáng kiến cấp tỉnh; có 49 sáng kiến cấp ngành (đợt 1). Cuộc thi khoa học - kỹ thuật cho học sinh trung học toàn tỉnh có 136 dự án (lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi: 28 dự án; lĩnh vực tin học, phần mềm: 6 dự án; lĩnh vực sinh học, hóa học, môi trường: 14 dự án; lĩnh vực kỹ thuật năng lượng: 88 dự án). Kết quả có 6 giải nhất, 14 giải nhì, 20 giải ba và 40 giải khuyến khích.
- Giáo dục đào tạo
Năm học 2017-2018 ngành Giáo dục - Đào tạo Hà Tĩnh vẫn tiếp tục đổi mới công tác quản lý; chăm lo đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; phát triển mạng lưới trường, lớp và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục.
+ Về giáo viên: Trường Đại học gồm có 216 người (trình độ trên đại học 193 người; đại học 23 người); trường Cao đẳng có 67 người (trên đại học 41 người; đại học 25 người; trình độ khác 01 người).
+ Về học sinh: Trường Đại học có 2.932 học sinh (hệ đại học 2.816 học sinh, hệ cao đẳng 81 học sinh và hệ trung cấp chuyên nghiệp 35 học sinh); số tuyển mới có 468 học sinh hệ đại học. Các trường Cao đẳng có 1.030 học sinh (hệ cao đẳng 682 học sinh và hệ trung cấp chuyên nghiệp 348 học sinh); số tuyển mới là 526 học sinh (hệ cao đẳng 374 học sinh và hệ trung cấp chuyên nghiệp 152 học sinh).
7.5. Hoạt động Y tế
- Tình hình dịch bệnh: Quý I năm 2018, công tác phòng chống dịch tiếp tục được triển khai một cách đồng bộ, thường xuyên, kịp thời, chủ động. Đặc biệt, công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết đã triển khai mạnh mẽ từ tỉnh đến cơ sở nên các ca bệnh đều đã được điều trị khỏi, không có trường hợp tử vong, dịch đã sớm dập tắt và không lan rộng. Tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp không để dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm lây sang người. Chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát chuyên môn, kỷ thuật về y tế dự phòng cho tuyến dưới. Trong quý, trên địa bàn Hà Tĩnh chỉ có 143 trường hợp sốt rét và không có trường hợp nào bị tử vong.
- Công tác phòng chống HIV/AIDS: Nhằm hạn chế tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư, thời gian qua Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương triển khai nhiều biện pháp phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn. Tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông thay đổi hành vi, nhằm giảm sự mặc cảm, kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Đẩy mạnh chương trình can thiệp giảm thiểu tác hại, giám sát theo dõi, tư vấn xét nghiệm HIV, cũng như tăng cường chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Quý I năm 2018, Hà Tĩnh có 15 trường hợp nhiễm HIV, giảm 01 trường hợp so với năm trước; có 17 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS, tăng 02 trường hợp và không có người chết vì AIDS.
- Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP): Để hướng tới một thị trường có thực phẩm an toàn, các cơ quan chức năng Hà Tĩnh đã vào cuộc với nhiều biện pháp quyết liệt, nhằm ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ATVSTP. Ngành y tế Hà Tĩnh tiếp tục tập trung vào công tác quản lý, chỉ đạo; thông tin tuyên truyền giáo dục; thanh tra liên ngành về an toàn thực phẩm; giám sát phát hiện sớm ca ngộ độc tực phẩm trong cộng đồng; điều tra, xử lý khắc phục vụ ngộ độc thực phẩm; bảo đảm vật tư, hóa chất, phương tiện phòng chống vụ ngộ độc thực phẩm. Quý I/2018, trên địa bàn Hà Tĩnh chỉ có 345 ca ngộ độc thực phẩm đơn lẻ (giảm 28,13% so với cùng kỳ năm trước) và không có trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm.
- Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán: Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh và bệnh viện đa khoa các huyện, thành phố, thị xã đều tổ chức thường trực cấp cứu 24/24 giờ; duy trì hoạt động khám, chữa bệnh, cấp cứu bình thường. Tổng số bệnh nhân còn lại đến ngày 20/02/2018 (tức ngày 05 Tết âm lịch) tại bệnh viện các huyện, thành phố, thị xã và Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh là 1.642 bệnh nhân; tổng số lượt bệnh nhân khám 2.263; thực hiện 176 ca phẫu thuật, 243 ca đẻ và mổ đẻ; tổng số ca tử vong tại các bệnh viện toàn tỉnh là 06 ca. Tổ chức tốt việc động viên, thăm hỏi bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện trong dịp Tết.
7.6. Hoạt động văn hóa - thể thao
- Hoạt động văn hóa: Chào xuân Mậu Tuất, Hà Tĩnh đã triển khai các cụm panô, áp phích, khẩu hiệu, tổ chức các hoạt động tuyên truyền với nội dung mừng Đảng, mừng Xuân trên địa bàn tất cả các huyện, thành phố, thị xã. Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh đã tổ chức chương trình nghệ thuật “Mùa xuân dâng Đảng” biểu diễn tại 13 huyện, thị xã, thành phố, từ ngày 27/01/2018 đến ngày 08/02/2018; Chương trình nghệ thuật “Chào Xuân” biểu diễn vào tối Ngày 30 tháng Chạp tại Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh. Đêm giao thừa Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm nay, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức 2 điểm bắn pháo hoa tầm thấp tại thành phố Hà Tĩnh và thị xã Hồng Lĩnh.
Bên cạnh đó, các đơn vị: Bảo tàng tỉnh, Ban Quản lý Khu lưu niệm Nguyễn Du, Ban Quản lý Khu di tích cố Tổng Bí thư Trần Phú, Ban Quản lý Khu di tích cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, Ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đều chuẩn bị tốt các điều kiện cho các đoàn dâng hương vào dịp đầu năm mới. Các cơ quan báo chí thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân; thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của tỉnh; phản ánh đầy đủ, toàn diện không khí vui xuân, đón tết của nhân dân trên địa bàn tỉnh; tổ chức Hội báo xuân, triển lãm Bản đồ và trưng bày tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Khu Tưởng niệm Anh hùng Liệt sỹ Lý Tự Trọng thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham quan.
- Công tác kiểm tra, thanh tra văn hóa: Thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa, du lịch trước trong và sau Tết cổ truyền dân tộc, trong đó tập trung kiểm tra chấn chỉnh công tác tổ chức lễ hội ở một số điểm văn hóa tâm linh. Trong tháng đã đình chỉ 12 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính 11 triệu đồng.
- Hoạt động thể thao: Nhân dịp đón Xuân Mậu Tuất, các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đều tổ chức các hoạt động thể thao quần chúng sôi nổi như: Kéo co, bóng chuyền, bóng đá, thi đấu cờ tướng, đua thuyền, như: Hội đua thuyền truyền thống trên sông La lần thứ 18 được tổ chức tại huyện Đức Thọ, với 13 đội thuyền (2 đội thuyền nữ và 11 đội thuyền nam) đến từ 11 xã ven sông La với hơn 200 vận động viên tham gia; giải cờ thẻ mừng xuân Mậu Tuất tại thành phố Hà Tĩnh, thu hút 14 kỳ thủ đến từ các phường, xã trên địa bàn tham gia; giải bóng chuyền nam thanh niên tại huyện Cẩm Xuyên, với sự tham gia của 9 đội bóng. Giải góp phần tạo không khí sôi nổi, động viên nhân dân đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, quyết tâm giành thắng lợi ngay từ những ngày đầu năm mới.
Thể thao thành tích cao: Trong quý, đoàn Hà Tĩnh dành được 07 HCV tại giải Karatedo miền Trung Tây Nguyên.
7.7. Tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội
- Về an toàn giao thông: Tính từ ngày 16/12/2017 đến ngày 15/3/2018, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra 38 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 39 người và bị thương 14 người, thiệt hại tài sản ước tính 285 triệu đồng (Riêng dịp Tết nguyên đán xảy ra 08 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 11 người và bị thương 04 người). So với cùng kỳ năm 2017 tăng 09 vụ, tăng 11 người chết và tăng 03 người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu là không làm chủ tốc độ, đi sai phần đường và lạng lách đánh võng.
- Về an ninh, chính trị: Trong dịp Tết Nguyên đán, tính từ 14-20/02/2018 (tức từ ngày 29/01/2017-05/01/2018 âm lịch) xảy ra 12 vụ phạm pháp hình sự (tăng 05 vụ so với cùng kỳ năm 2017), làm chết 01 người, bị thương 11 người; phát hiện và bắt giữ 02 vụ đánh bạc, 08 đối tượng (giảm 01 vụ so với cùng kỳ năm 2017). Phát hiện 146 vụ, 151 đối tượng tàng trữ, sử dụng pháo trái phép, thu giữ 07 kg pháo các loại, riêng trong đêm giao thừa phát hiện, bắt giữ 135 vụ, 137 đối tượng tàng trữ, sử dụng trái phép pháo (tăng 74 vụ so với Tết năm 2017).
7.8. Môi trường
- Tình hình cháy, nổ: Quý I/2018, trong khu vực dân sự đã xẩy ra 28 vụ cháy, tăng 16 vụ so với cùng kỳ năm trước, ước tính thiệt hại về tài sản là 2,59 tỷ đồng. Trong đó: Cháy nhà dân 08 vụ; 09 vụ cháy đường dây điện; 11 vụ cháy khác, nguyên nhân chủ yếu do bất cẩn trong sử dụng lửa. Ngoài ra, còn xảy ra 02 vụ nổ, làm bị thương 08 người.
- Công tác bảo vệ môi trường: Với mục tiêu bảo đảm môi trường luôn xanh, sạch đẹp, Sở tài nguyên môi trường đã kết hợp với các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan liên ngành tăng cường công tác kiểm tra thanh tra công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Quý I/2017, đã kiểm tra phát hiện và xử lý 5 cơ sở vi phạm môi trường, với số tiền 13,5 triệu đồng.
Add New Comment