ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 110 NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ HÀ HUY TẬP - TỔNG BÍ THƯ CỦA ĐẢNG (24/4/1906 - 24/4/2016)
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN
KỶ NIỆM 110 NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ HÀ HUY TẬP
TỔNG BÍ THƯ CỦA ĐẢNG (24/4/1906 - 24/4/2016)
(Đề cương Tuyên truyền ban hành kèm theo
Hướng dẫn số 04 - HD/BTGTU ngày 25 tháng 02 năm 2016)
Đồng chí Hà Huy Tập thuộc lớp cán bộ tiền bối tiêu biểu của Đảng ta, là một trong số ít đồng chí được đào tạo tại Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Sau Cao trào 1930 - 1931 và Xô Viết Nghệ - Tĩnh, cách mạng Việt Nam lâm vào thoái trào, đồng chí được Quốc tế Cộng sản cử về nước để khôi phục phong trào. Đồng chí đã đưa ra những chủ trương đúng đắn trong thời kỳ vận động dân chủ (1936 - 1939). Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Hà Huy Tập trải qua 15 năm, trong đó có gần 2 năm làm Tổng Bí thư của Đảng (từ giữa năm 1936 đến tháng 3 năm 1938). Với 12 bí danh và tên gọi khác nhau, đồng chí Hà Huy Tập đã cùng với tập thể Ban Chấp hành Trung ương chèo lái con thuyền cách mạng nước ta vượt qua phong ba, bão táp, đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng tiến lên. Trong quá trình hoạt động và trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Hà Huy Tập đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng và có nhiều đóng góp to lớn đối với Đảng, với quê hương, đất nước.
I. KHÁI QUÁT VỀ QUÊ HƯƠNG VÀ THÂN THẾ CỦA ĐỒNG CHÍ HÀ HUY TẬP
1. Quê hương
Hà Tĩnh là một tỉnh phía Bắc Trung bộ, vùng đất địa linh, nhân kiệt. Nơi đây đã sinh ra nhiều người con ưu tú làm rạng rỡ truyền thống cách mạng của quê hương. Từ thời nhà Trần đến thời nhà Nguyễn, Hà Tĩnh có tới 148 vị đại khoa. Đặc biệt, Hà Tĩnh là nơi có nhiều danh nhân nổi tiếng như: Đại thi hào Nguyễn Du; nhà thơ, nhà kinh tế thủy lợi tài ba Nguyễn Công Trứ, La sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, nhà sử học Phan Huy Chú…; nhiều nhà khoa học nổi tiếng như: Lê Văn Thiêm, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Đình Tứ; nhiều chiến sỹ cộng sản lỗi lạc như: Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, Hà Huy Tập - Tổng Bí thư của Đảng, Lý Tự Trọng - người đoàn viên Cộng sản đầu tiên... Hà Tĩnh có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời. Đó là truyền thống cần cù, kiên trì, chịu đựng gian khổ, hy sinh trong lao động sản xuất và chiến đấu; thông minh, sáng tạo, ham học hỏi, thời nào cũng có người đỗ đạt cao. Truyền thống yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường, đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm; sống thủy chung, có nghĩa tình. Trải qua các thời kỳ lịch sử của cách mạng, Nhân dân Hà Tĩnh đã có những đóng góp xứng đáng vào truyền thống dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc.
Cẩm Hưng (trước là Tổng Thổ Ngọa, sau đổi thành xã Cẩm Hưng) - quê hương của đồng chí Hà Huy Tập nằm dưới chân dãy Hoành Sơn, cạnh đường Quốc lộ 1A. Huyện Cẩm Xuyên là một trong những địa phương của Hà Tĩnh có truyền thống hiếu học. Nhờ đức tính cần cù, ham học hỏi nên trải qua các triều đại có nhiều người đỗ đạt cao như: Dương Chấp Trung, Lê Tự, Biện Hoàng Tổng đậu tiến sĩ, Lê Phúc Nhạc đậu chế khoa... và rất nhiều người đậu hương cống, cử nhân. Quan võ cũng lắm người tài ba như: Nguyễn Hoàng, Nguyễn Trụ, Nguyễn Thạch, Nguyễn Giám... thời Tây Sơn có Đô đốc Dương Văn Tào, Dương Văn Phong, Nguyễn Khắc Trọng, Thượng tướng Nguyễn Biên danh tiếng lẫy lừng. Trải qua các thời kỳ lịch sử, nhân dân Cẩm Xuyên luôn nêu cao tinh thần yêu nước, kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm. Đảng bộ và Nhân dân Cẩm Xuyên luôn tự hào là quê hương của các phong trào cách mạng lớn, của những người lãnh tụ xuất sắc trong các cuộc khởi nghĩa chống Pháp nổi tiếng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
2. Thân thế đồng chí Hà Huy Tập
Đồng chí Hà Huy Tập sinh ngày 24/4/1906, trong một gia đình nhà Nho nghèo tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.
Thân phụ Hà Huy Tập là ông Hà Huy Tương, đỗ cử nhân nhưng không ra làm quan mà ở quê dạy học và làm thuốc. Thân mẫu là bà Nguyễn Thị Lộc, một nông dân cần cù, chất phác, cả cuộc đời gắn bó với đồng quê. Ông Hà Huy Tường và bà Nguyễn Thị Lộc sinh được năm người con, ba trai, hai gái. Hà Huy Tập là người con thứ hai của gia đình. Hoàn cảnh gia đình lúc bấy giờ rất khó khăn, tài sản chỉ có 3 gian nhà tranh và khoảng 2 mẫu tây ruộng. Đã có lúc gia đình phải bán đi một vài sào đất cho những người giàu có trong làng để trả nợ và ăn chờ đến mùa sau.
II. QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG
Sự kiện quan trọng đánh dấu bước trưởng thành, giác ngộ cách mạng của Hà Huy Tập là mùa thu năm 1926, đồng chí được gia nhập vào Hội Phục Việt (sau đổi tên thành Hội Hưng Nam) - một tổ chức cách mạng yêu nước ở Vinh. Trong thời gian này, Hà Huy Tập được đọc một số sách, báo Cộng sản từ Pháp gửi về như: tác phẩm Đường Kách Mệnh của Nguyễn Ái Quốc, báo LeParia (Người cùng khổ) do Nguyễn Ái Quốc làm chủ bút, báoL’ Humanité (Nhân đạo) - cơ quan lý luận của Đảng Cộng sản... Thông qua những tài liệu này, con đường đấu tranh cách mạng từng bước được định hình rõ, Hà Huy Tập hiểu được động lực chính của cách mạng và cái đích hướng tới của những người cộng sản, hiểu được vai trò to lớn của giai cấp công nhân trong đấu tranh cách mạng. Nhận thức được điều đó, Hà Huy Tập tích cực tuyên truyền, giác ngộ công nhân, kêu gọi mọi người đoàn kết cùng tranh đấu.
Ngoài việc dạy học ở trường Cao Xuân Dục, Hà Huy Tập còn dành thời gian mở một số lớp học cho công nhân ở Vinh; bề ngoài là chống mù chữ, nhưng bên trong là tập hợp công nhân lại để tuyên truyền… Hà Huy Tập còn tham gia vào nhóm công tác bí mật, tổ chức đưa những thanh niên ưu tú sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện do Nguyễn Ái Quốc tổ chức. Ngoài ra, đồng chí còn tổ chức chi bộ thanh niên ở ngay lớp học văn hóa của công nhân. Những hoạt động của đồng chí trong cuộc vận động cách mạng đã mang lại một số kết quả. Nhưng rồi, viên công sứ Vinh đã phát hiện ra những hoạt động cách mạng bí mật tại trường Cao Xuân Dục, chúng đã tìm cách đóng cửa các lớp học, bằng cách thuyên chuyển các thầy giáo đi nơi khác (trong đó có Hà Huy Tập).
Tháng 3/1927, Hà Huy Tập rời Vinh vào Sài Gòn, xin dạy tại trường tiểu học tư thục mang tên “An Nam học đường” vừa để kiếm sống, vừa che mắt địch. Trong thời gian ở Sài Gòn, Hà Huy Tập cùng với Nguyễn Đình Kiên, Đào Xuân Mai, Trần Ngọc Danh, Trần Phạm Hổ, Nguyễn Khoa Hiền sáng lập ra Kỳ bộ Việt Nam cách mạng Đảng ở Nam Kỳ do Nguyễn Đình Kiên làm Bí thư, Hà Huy Tập làm thư ký. Kỳ bộ có vài chi bộ với vài chục đảng viên, chủ yếu tập trung ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định. Tháng 1/1928, Hà Huy Tập, Nguyễn Đình Kiên, Đào Xuân Mai với tư cách là đại biểu đại diện cho Kỳ bộ Nam kỳ tham dự Hội nghị toàn quốc của Hội Hưng Nam tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Hội nghị bàn việc hợp nhất Hội Hưng Nam với Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Do chưa thống nhất được với nhau về biện pháp hợp nhất nên Hội nghị không đạt kết quả. Sau Hội nghị này, Hà Huy Tập ở lại Hà Tĩnh và Nghệ An một thời gian tham dự một số cuộc họp của Hội Hưng Nam và đi khảo sát tình hình ở các địa phương. Ngày 16/1/1928, Hà Huy Tập kết hôn với Nguyễn Thị Giáo là học sinh trường Đồng Khánh (Huế) giác ngộ cách mạng, vào Sài Gòn hoạt động trong tổ chức Việt Nam Cách mạng Đảng ở Nam kỳ. Hà Huy Tập và Nguyễn Thị Giáo sinh được một người con gái đặt tên là Hà Thị Thúy Hồng.
Sau khi Tân Việt được thành lập, có tôn chỉ, mục đích rõ ràng, Kỳ bộ Tân Việt ở Nam Kỳ hoạt động ngày càng có hiệu quả hơn. Tháng 6/1928, Hiệu trưởng “An Nam học đường” ký quyết định đình chỉ việc giảng dạy của Hà Huy Tập với lý do kích động học sinh bãi khóa nhiều lần. Rời khỏi “An Nam học đường”, Hà Huy Tập xin vào làm công cho một hiệu buôn, nhưng chỉ sau hai tháng đồng chí bỏ hiệu buôn xuống Bà Rịa làm công cho một đồn điền trồng mía ở Phú Mỹ. Tại đây, Hà Huy Tập lập ra một chi bộ công nhân do đồng chí trực tiếp làm bí thư, tổ chức nhiều lớp xóa nạn mù chữ cho công nhân và tổ chức nhiều cuộc đình công của công nhân chống chế độ hà khắc của bọn chủ đồn điền.
Tháng 12/1928, xảy ra vụ Bácbie ở Sài Gòn. Cảnh sát Nam Kỳ tiến hành lục soát xung quanh khu vực xảy ra vụ án. Không may chúng tìm thấy văn phòng bí mật và cơ sở ấn loát của Kỳ bộ Tân Việt. Chúng tìm thấy nhiều tài liệu quan trọng, bút tích viết bằng tay của các đồng chí, phần nhiều do Hà Huy Tập viết, khi đồng chí đang làm thư ký của Kỳ bộ. Trước tình hình đó, Kỳ bộ Tân Việt chủ trương cho một số đồng chí đi tạm lánh một thời gian để tránh sự vây ráp, săn lùng của địch. Cuối tháng 12/1928, Hà Huy Tập rời Sài Gòn đi Trung Quốc, ở Thượng Hải một thời gian, rồi tìm cách bắt liên lạc với tổ chức cách mạng Việt Nam ở nước ngoài. Các đồng chí trong tổ chức gợi ý cho đồng chí nên sang Liên Xô học. Tháng 5/1929, thông qua Tổng lãnh sự Liên Xô tại Trung Quốc, Quốc tế Cộng sản đồng ý cấp giấy thông hành cho Hà Huy Tập sang Liên Xô học. Ngày 24/7/1929, Hà Huy Tập vào học tại Trường Đại học Phương Đông. Những năm tháng học tại trường, đồng chí có dịp tiếp xúc, trao đổi với những sinh viên người Ấn Độ, Mông Cổ, Trung Quốc, Triều Tiên, Thái Lan... Anh đã dành nhiều thời gian nghiên cứu sâu Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, nghiên cứu Đề cương cách mạng ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa được thông qua tại Đại hội lần thứ VI Quốc tế Cộng sản. Ngoài ra, Hà Huy Tập còn say sưa tìm đọc các tác phẩm Tuyên ngôn Đảng Cộng sản của Mác - Ăng ghen, những nguyên lý chủ nghĩa Cộng sản của Ăngghen, những bài viết của Lênin bàn về Chủ nghĩa Mác.
Tháng 4/1932, Hà Huy Tập trở về nước, nhưng do sự kiểm soát gắt gao của cảnh sát và mật thám đã làm gián đoạn lộ trình về nước của đồng chí. Cuối tháng 6/1932, Hà Huy Tập phải quay trở lại Liên Xô. Những ngày ở Liên Xô, đồng chí tập trung sức lực, thời gian viết cuốn sách: Sơ thảo lịch sử phong trào Cộng sản ở Đông Dương. Cuốn sách được viết bằng tiếng Pháp với bút danh Hồng Thế Công. Cuốn sách nêu bật vai trò đấu tranh của công nhân Đông Dương, sôi nổi hơn cả là phong trào cách mạng của nhân dân Trung Kỳ, đặc biệt là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Năm 1934, Hà Huy Tập đến Trung Quốc, liên lạc được với Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai và một số đồng chí khác. Tháng 3/1934, các đồng chí đã thành lập ra Ban lãnh đạo Đảng ở nước ngoài gồm: Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Dựt, nhiệm vụ trọng tâm là khôi phục lại các tổ chức Đảng trong nước bị địch phá vỡ sau cao trào cách mạng 1930 - 1931. Các đồng chí đã liên lạc với các tổ chức Đảng trong nước, gửi tài liệu huấn luyện và chỉ đạo các mặt hoạt động, đồng thời chuẩn bị mọi mặt cho Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng. Từ ngày 27 đến 31/3/1935, tại Ma Cao (Trung Quốc) đã diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất, do đồng chí Hà Huy Tập chủ trì. Đại hội đã thông qua báo cáo chính trị do Hà Huy Tập trình bày và một số Nghị quyết quan trọng. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương gồm 5 đồng chí: Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Phùng Chí Kiên, Võ Văn Ngân... Hà Huy Tập được bầu làm thư ký Ban chỉ huy ở ngoài.
Tháng 7/1936, tại Thượng Hải (Trung Quốc), Hà Huy Tập tham dự Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Hội nghị phân công đồng chí Hà Huy Tập về nước tổ chức lại Ban Chấp hành Trung ương mới và khôi phục các mối quan hệ với các tổ chức Đảng trong nước. Cũng trong thời gian này, Hà Huy Tập và cơ quan Trung ương Đảng từ Trung Quốc bí mật chuyển về vùng Bà Điểm, Hóc Môn (Gia Định) cách Sài Gòn 15 km để trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước. Tháng 10/1936, Hà Huy Tập triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương mới. Tại Hội nghị này, đồng chí chính thức được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.
Tháng 9/1937, tại Bà Rịa, Hóc Môn (Gia Định), Hà Huy Tập chủ trì Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương. Tháng 3/1938, tại Bà Điểm, Hóc Môn (Gia Định), Hà Huy Tập chủ trì Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương. Đồng chí Hà Huy Tập với vai trò, trách nhiệm của mình đã góp phần quan trọng trong việc chuẩn bị nội dung dự thảo Nghị quyết và ra Nghị quyết chính thức của Hội nghị.
Ngày 01/5/1938, trong một chuyến đi công tác, Hà Huy Tập bị bọn mật thám Pháp bắt và bị đẩy vào nhà giam, nhưng chỉ sau mấy tháng được thả ra do bọn mật thám không đủ bằng cứ để kết tội. Sau đó, đồng chí bị trục xuất khỏi Sài Gòn trở về Nghệ - Tĩnh. Tại đây, đồng chí luôn chịu sự kiểm soát, theo dõi gắt gao của bọn mật thám và quan lại của thực dân Pháp ở địa phương. Ngày 30/3/1940, chúng bắt Hà Huy Tập và đưa vào giam tại Khám Lớn, Sài Gòn. Ngày 22/10/1940, Tòa án thực dân tại Sài Gòn kết án Hà Huy Tập 5 năm tù, “tước quyền công dân và chính trị, 10 năm không được sống ở các vùng có âm mưu lật đổ”.
Ngày 25/3/1941, sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940), thực dân Pháp mở phiên tòa án binh, đưa ra xử án hàng trăm người bị bắt, trong đó có Hà Huy Tập. Dù không dính líu đến cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, nhưng thực dân Pháp vẫn buộc Hà Huy Tập “chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ”. Chúng tuyên án tử hình Hà Huy Tập cùng với các đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai.
Ngày 28/8/1941, thực dân Pháp đưa Hà Huy Tập và một số đồng chí khác ra xử bắn tại Sở Rác (nay là Bệnh viện huyện Hóc Môn, Gia Định).
Hà Huy Tập ngã xuống ở tuổi 35, độ tuổi đang tràn đầy sức lực và tài năng sáng tạo cống hiến cho cách mạng. Đồng chí đi vào cõi vĩnh hằng một cách bình thản với lời hô vang “Cách mạng muôn năm!”. Khí phách hiên ngang, tinh thần kiên trung, cùng với những cống hiến to lớn của đồng chí đối với cách mạng sẽ luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ người Việt Nam học tập, noi theo.
III. PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG QUÊ HƯƠNG TỔNG BÍ THƯ HÀ HUY TẬP, ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HÀ TĨNH QUYẾT TÂM XÂY DỰNG TỈNH NHÀ PHÁT TRIỂN NHANH HƠN, BỀN VỮNG HƠN THEO HƯỚNG CÔNG NGHIỆP HIỆN ĐẠI
1. NHỮNG THÀNH QUẢ ĐÁNG TỰ HÀO
Phát huy truyền thống quê hương cách mạng của đồng chí Hà Huy Tập - Tổng Bí thư của Đảng, Đảng bộ Hà Tĩnh từ những ngày đầu thành lập đến nay luôn vững vàng chèo lái con thuyền cách mạng, giành nhiều thắng lợi vẻ vang, góp phần đưa đất nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
* Đảng bộ Hà Tĩnh là một trong những Đảng bộ ra đời sớm nhất trong toàn quốc và luôn đi tiên phong trong các phong trào cách mạng. Trong những năm 1930 - 1931, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh đã vùng dậy làm nên một cao trào cách mạng rộng lớn, quyết liệt làm lung lay bộ máy thống trị của chế độ thực dân, phong kiến. Trong giai đoạn cách mạng đấu tranh giành chính quyền năm 1945, Hà Tĩnh là một trong 4 tỉnh của cả nước về đích sớm nhất trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Đảng bộ đã lãnh đạo Nhân dân chiến đấu kiên cường, là tỉnh duy nhất trong cả nước không cho giặc đứng chân nổi 24h trên quê hương và xây dựng Hà Tĩnh thành hậu phương vững mạnh về mọi mặt, góp phần cùng với cả nước đánh bại thực dân Pháp xâm lược.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hà Tĩnh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là “hậu phương của tiền tuyến miền Nam, tiền tuyến của hậu phương miền Bắc”. Quân và dân Hà Tĩnh phải đương đầu với những thử thách ác liệt chưa từng thấy, chịu đựng nhiều tổn thất, hy sinh to lớn. Nhưng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ, quân và dân Hà Tĩnh đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vượt lên tất cả và đã dành được nhiều chiến công hiển hách. Từ năm 1960 đến năm 1975, toàn tỉnh có 92.913 thanh niên lên đường nhập ngũ (chiếm 10% dân số của tỉnh lúc đó); có 334.128 lượt người đi dân công hỏa tuyến, 10.636 thanh niên xung phong; 13.024 người con thân yêu đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường. Với những đóng góp to lớn vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, tất cả các huyện, thị xã lúc bấy giờ cùng 164 đơn vị, 31 chiến sỹ con em Hà Tĩnh đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 1.853 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng...
Trong công cuộc đổi mới, đặc biệt trong nhiệm kỳ 2010 - 2015 vừa qua, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh đã nỗ lực vươn lên giành được nhiều kết quả toàn diện và nổi bật trên các lĩnh vực:
Trên lĩnh vực kinh tế:
Kinh tế liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt trên 18%; cơ cấu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp; tái cơ cấu nền kinh tế được triển khai tích cực; GRDP bình quân đầu người đạt trên 44 triệu đồng
Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch được triển khai đồng bộ, có hiệu quả: Đã quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 với 08 cụm ngành chủ yếu có lợi thế cạnh tranh cao đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Huy động đa dạng các nguồn lực ưu tiên cho đầu tư phát triển, giai đoạn 2011 - 2015 đạt 287.000 tỷ đồng, tăng hơn 10 lần so với giai đoạn 2006 - 2010.
Nông nghiệp, nông thôn phát triển khá toàn diện: Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả. Đến nay, đã xây dựng và phát triển hơn 10.000 mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được Trung ương đánh giá là điểm sáng của cả nước, được Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Đến cuối năm 2015, có 52 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm gần 23% tổng số xã, không còn xã dưới 8 tiêu chí.
Công nghiệp có bước phát triển đột phá cả về quy mô và năng lực sản xuất: Tiểu thủ công nghiệp được tập trung đầu tư. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 tăng 38,3%. Đến nay, toàn tỉnh có 2 khu kinh tế, 19 khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thu hút 426 dự án đầu tư trong và ngoài nước, với tổng số vốn đăng ký trên 40 nghìn tỷ đồng và 20 tỷ USD.
Hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ, xuất nhập khẩu tiếp tục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội. Hoạt động tài chính, tín dụng, ngân hàng cơ bản đáp ứng yêucầu phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động đối ngoại ngày càng mở rộng, phát triển, thu hút đầu tư nước ngoài đạt kết quả cao. Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được tăng cường.
Trên lĩnh vực văn hoá - xã hội:
Các hoạt động văn hóa, thể thao đạt được những kết quả tích cực: Dân ca Ví, Giặm Nghệ - Tĩnh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Đại Thi hào dân tộc Nguyễn Du được UNESCO vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới và tổ chức trọng thể Lễ Kỷ niệm 250 năm Ngày sinh của Người…
Chất lượng giáo dục - đào tạo tiếp tục được nâng lên; Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân có nhiều tiến bộ; Công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo vàthực hiện các chính sách an sinh xã hội được tập trung chỉ đạo, đạt kết quả thiết thực; Lĩnh vực thông tin, truyền thông được quan tâm chỉ đạo, đầu tư, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị và nhu cầu của nhân dân; Hoạt động khoa học - công nghệ được triển khai sâu rộng, có hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp…
Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh và công tác cải cách tư pháp:
Quốc phòng - an ninh được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; Công tác quản lý nhà nước về lao động, người nước ngoài, nhất là ở các khu kinh tế, khu công nghiệp, vùng biên giới được tăng cường; Cải cách tư pháp được đẩy mạnh... Thực hiện tốt chính sách tôn giáo, dân tộc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân và ổn định tình hình chính trị trên địa bàn.
Công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị:
Công tác chính trị tư tưởng được chú trọng, nâng cao nhận thức, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội. Triển khai kịp thời, có hiệu quả việc quán triệt, học tập các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh; Công tác tổ chức, cán bộ ngày càng đổi mới và nâng cao chất lượng; Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng được tăng cường; Công tác vận động quần chúng ngày càng thiết thực, hướng mạnh về cơ sở; Công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng ngày càng đi vào chiều sâu...
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đạt kết quả bước đầu quan trọng. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được đẩy mạnh, với nhiều cách làm sáng tạo, đã xuất hiện nhiều những cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến làm tốt lời Bác dạy trên tất cả các lĩnh vực, các địa bàn.
Công tác cải cách hành chính: Hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền các cấp đổi mới; cải cách hành chính được đẩy mạnh; kỷ luật, kỷ cương được tăng cường. Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương cắt giảm 1/3 thành phần hồ sơ, 1/2 thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục cho doanh nghiệp và người dân.Thực hiện tốt ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành;cung cấp 100% dịch vụ hành chính công trên cổng thông tin điện tử và100% các sở, ngành, địa phương triển khai ứng dụng phần mềm quản lý văn bản điện tử trong điều hành tác nghiệp.
Những kết quả to lớn mà Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà đạt được trong những năm qua là tiền đề, động lực quan trọng để đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại.
* Phát huy truyền thống quê hương của đồng chí Hà Huy Tập, trong những năm qua, huyện Cẩm Xuyên đã kế thừa những thành quả đạt được, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu dành được kết quả khá toàn diện và có nhiều đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.
Kinh tế huyện nhà tiếp tục tăng trưởng khá, đồng đều trên các lĩnh vực và chuyển dịch theo hướng tích cực. Giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm 11,41%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực giảm tỷ trọng nông nghiệp từ 44,18% xuống còn 35,08%; công nghiệp, xây dựng tăng từ 23,85% tăng lên 26,98%; thương mại - dịch vụ - du lịch tăng từ 31,97% lên 37,94%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt trên 28,08 triệu đồng, tăng 2,6 lần so với năm 2010. Thu ngân sách năm 2015 đạt trên 150 tỷ đồng, tăng 3,1 lần so với năm 2010.
Việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được chỉ đạo quyết liệt, với nhiều giải pháp đồng bộ có tính đột phá và đạt được những kết quả quan trọng; Văn hóa - xã hội có bước chuyển biến tích cực; đảm bảo an sinh xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên; Công tác xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị được tăng cường; Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được triển khai thực hiện kịp thời, khá sâu rộng, góp phần nâng cao nhận thức và tạo sự thống nhất chính trị tư tưởng trong Đảng và trong toàn xã hội. Hệ thống chính quyền được củng cố và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Trong nhiều năm liền, Cẩm Xuyên luôn giữ vững ngọn cờ đầu và là Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Năm 2015, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất; được BCH Đảng bộ tỉnh tặng danh hiệu “Đơn vị trong sạch, vững mạnh tiêu biểu” 5 năm 2010 - 2015; được Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tặng Cờ thi đua xuất sắc… Sự phát triển đồng đều, liên tục và toàn diện trong những năm qua, đã tạo tiền đề cho huyện Cẩm Xuyên và xã Cẩm Hưng - quê hương đồng chí Hà Huy Tập, Tổng Bí thư của Đảng phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
2. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM THỜI GIAN TỚI
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định mục tiêu tổng quát là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ, đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; mở rộng hội nhập; huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ, gắn với nền nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đầu tư phát triển văn hóa - xã hội và hệ thống đô thị ngang tầm với phát triển kinh tế; bảo vệ môi trường, chủ động ứngphó với biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị; đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại”.
Nghị quyết Đại hội đã đề ra 3 mũi đột phá:
- Đa dạng hoá huy động các nguồn lực đầu tư phát triểnkết cấu hạ tầng; xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng sớm trở thành khu kinh tế động lực tầm cỡ quốc gia, quốc tế; phát triển nhanh các ngành công nghiệp nặng, cơ khí, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và công nghiệp hỗ trợ.
- Thực hiện đồng bộ cải cách hành chính; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện.
- Đầu tư phát triển các đô thị theo hướng văn minh, hiện đại gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển dịch vụ thương mại, du lịch trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh và liên kết vùng, liên vùng và khu vực.
Để thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra, đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại, xứng đáng là quê hương đồng chí Hà Huy Tập, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó tập trung thực hiện có hiệu quả 9 nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục xây dựng, rà soát, bổ sung các quy hoạch đáp ứngyêu cầu phát triển bền vững. Đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại; phát triển hệ thống đô thị và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Thứ hai, tích cực đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ.
Thứ ba, đẩy mạnh xã hội hóa và ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển văn hóa - xã hội ngang tầm với phát triển kinh tế.
Thứ tư, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững mạnh toàn diện, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; thực hiện cải cách tư pháp; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo.
Thứ năm, tăng cường, đổi mới công tác chính trị tư tưởng; nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Thứ sáu, tiếp tục xây dựng, củng cố tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; kiện toàn tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên.
Thứ bảy, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.
Thứ tám, nâng cao chất lượng công tác dân vận của hệ thống chính trị; tập hợp, động viên, tổ chức cho đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ.
Thứ chín, đổi mới phương thức chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương.
***
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Hà Huy Tập (24/4/1906 - 24/4/2016) là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống quý báu của Đảng, hiểu rõ hơn về tấm gương chiến đấu, hy sinh và những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng và quê hương của một người cán bộ ưu tú của Đảng. Tự hào là quê hương của Tổng Bí thư Hà Huy Tập, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh nguyện đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu đưa tỉnh nhà phát triển bền vững, từng bước biến khát vọng và niềm tin của đồng chí về một nước Việt Nam độc lập, tự do, văn minh và giàu mạnh trở thành hiện thực ngay trên mảnh đất thân yêu của đồng chí.
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Hà Huy Tập vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tỉnh ta đang tích cực triển khai thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2015 - 2020), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đề ra. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy dân chủ, đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; mở rộng hội nhập; huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ, gắn với nền nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa;đầu tư phát triển văn hóa - xã hội và hệ thống đô thị tương xứng với phát triển kinh tế; bảo vệ môi trường; chủ động ứngphó với biến đổi khí hậu; đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị...
Với truyền thống yêu nước và cách mạng kiên cường, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh nguyện đoàn kết một lòng tiếp tục đưa phong trào ngày càng phát triển, phấn đấu đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại; sớm trở thành một trong những trung tâm công nghiệp của khu vực; góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên Chủ nghĩa xã hội.
BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY HÀ TĨNH
Add New Comment