Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |    Xây dựng các bảng lương mới áp dụng từ giữa năm 2024   |   

Tài nguyên Biển

  

07:41 20/12/2022

Hà Tĩnh có bờ biển dài 137 km, với tổng diện tích vùng biển 18.400 km2, gấp ba lần diện tích đất liền của tỉnh. Biển Hà Tĩnh có tính đa dạng sinh học cao, vùng ven bờ thuận lợi cho việc nuôi trồng thuỷ sản với diện tích trên 20.000 ha; bờ cát dài, thoải, mịn cùng với làn nước trong xanh là điều kiện lý tưởng để phát triển các khu du lịch biển như Thiên Cầm, Xuân Thành, Đèo Con. Đặc biệt, Cụm cảng nước sâu như Vũng Áng, Sơn Dương trong tương lai sẽ là cửa ngõ ra biển Đông và Thái Bình Dương của vùng Bắc Trung bộ và các nước trong khu vực như Lào, Thái Lan và Myanma.


Cầu Cửa Hội Nghi Xuân 

Với bờ biển dài 137 km từ Cửa Hội, huyện Nghi Xuân đến vùng biển Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh đã hình thành rất nhiều bãi tắm với vẻ đẹp hoang sơ như Thiên Cầm, Kỳ Ninh, Xuân Thành. Bãi tắm Thiên Cầm đã được quy hoạch với tổng diện tích trên 1.500 ha bao gồm thị trấn Thiên Cầm, xã Cẩm Dương, Cẩm Lĩnh và toàn bộ diện tích đất tự nhiên xã Cẩm Nhượng của huyện Cẩm Xuyên. Khu du lịch Thiên Cầm được quy hoạch gồm khu nghỉ dưỡng sinh thái, khu làng nghề truyền thống xã Cẩm Nhượng, du lịch gắn cộng đồng ở xã Cẩm Dương và phát triển các loại hình du lịch thể thao có sân gôn 18 lỗ, khu vực vui chơi giải trí thân thiện môi trường.

Các bãi tắm Xuân Thành (Nghi Xuân), Xuân Hải (Lộc Hà), Thạch Hải (Thạch Hà), Kỳ Xuân, Kỳ Ninh (Kỳ Anh) gắn với tín ngưỡng, lễ hội văn hóa dân gian như lễ cầu ngư, lễ hội đền Lê Khôi, lễ hội đền Bà Nguyễn Thị Bích Châu. Mỗi năm có hàng vạn lượt du khách đến tham quan, tắm biển và tham gia các lễ hội.

Dọc theo bờ biển từ huyện Nghi Xuân đến Kỳ Anh, Hà Tĩnh có cửa biển Cửa Hội, Cửa Sót, Cửa Nhượng, Cửa Khẩu với các vùng đầm phá rộng hàng trăm ha. Đây là tiềm năng lớn để người dân khai thác đánh bắt cá vùng khơi, vùng lộng và nuôi trồng thủy, hải sản. Năm 2013, Hà Tĩnh mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản lên gần 8.000 ha, tăng hơn năm 2012 là 120 ha. Trong số các đối tượng để phát triển nuôi trồng thủy sản mặn, lợ, Hà Tĩnh ưu tiên đầu tư cho con tôm, chủ yếu tập trung các huyện Nghi Xuân, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và Lộc Hà với diện tích trên 2.000 ha, tăng hơn năm 2012 khoảng 200 ha, trong đó gần 1.000 ha tôm sú quảng canh, trên 1.000 ha tôm thẻ chân trắng. Tại xã Xuân Đan, Xuân Trường, Xuân Hội, huyện Nghi Xuân nhiều đơn vị, cá nhân đã đầu tư cải tạo đất cát khoanh vùng xây dựng và hình thành hàng chục ha nuôi tôm trên cát, đem lại hiệu quả kinh tế cao và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Bên cạnh đó, tận dụng các bãi triều, người dân các xã Mai Phụ, Hộ Độ (Lộc Hà), Thạch Bàn, Thạch Đỉnh (Thạch Hà), Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) đầu tư nuôi ngao, sò trên diện tích hàng trăm ha, cho lợi nhuận từ 40 đến 100 triệu đồng/ha.