Thông tin vi phạm pháp luật đất đai và công khai thông tin các dự án   |    Lấy ý kiến dự thảo quyết định của UBND tỉnh về ủy quyền giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng theo quy định tại QĐ số 62/2011/QĐ-TTg   |    Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |   

Khu kinh tế Vũng Áng - trung tâm động lực tăng trưởng của Hà Tĩnh

  

15:59 27/05/2023

Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định rõ trung tâm động lực tăng trưởng của tỉnh là Khu kinh tế Vũng Áng.

Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng sẽ là trung tâm công nghiệp luyện thép, công nghiệp phụ trợ, chế tạo sau thép, nhiệt điện và cảng biển nước sâu của khu vực miền Trung và cả nước, là 1 trong 3 đầu mối giao thương biển quốc tế của Việt Nam.

Đóng góp trên 80% số thu ngân sách

KKT Vũng Áng được thành lập theo Quyết định số 72/2006/QĐ-TTg ngày 3/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ với tổng diện tích 22.781 ha, bao gồm 9 xã, phường nằm ở phía Nam của TX Kỳ Anh, với vị trí địa lý nhiều thuận lợi: cách TP Hà Tĩnh gần 70 km về phía Nam, cách sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) 50 km về phía Bắc, nằm trên trục giao thông Bắc - Nam, hành lang kinh tế Đông - Tây, thuận tiện cho sự giao thương…

Cụm cảng biển nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương tạo sức hút cho các doanh nghiệp đầu tư vào Hà Tĩnh.

Từ KKT Vũng Áng, theo quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc - Nam có thể kết nối với các vùng trong cả nước. Bên cạnh đó, theo quốc lộ 8A và quốc lộ 12 kết nối với đường Hồ Chí Minh sẽ là tuyến đường bộ ngắn nhất từ cảng biển Việt Nam đến Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan. Đặc biệt, tại KKT Vũng Áng có cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cảng phục vụ phát triển KT-XH liên vùng, tiếp chuyển một phần hàng quá cảnh cho Lào và Đông Bắc Thái Lan.

Phát huy tiềm năng sẵn có, KKT Vũng Áng đã có những bước phát triển mạnh mẽ với nhiều dự án đầu tư được triển khai. Nổi bật nhất là dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Tập đoàn Formosa (Đài Loan). Dự án được triển khai từ năm 2008, với diện tích đất sử dụng trên 3.318 ha. Đến nay, số vốn thực hiện đầu tư là 12,615 tỷ USD/tổng vốn đăng ký 12,787 tỷ USD, đạt gần 99% tổng vốn đăng ký. Nhà máy liên hợp gang thép công suất 7,5 triệu tấn/năm và cảng Sơn Dương phục vụ nhà máy.

Formosa Hà Tĩnh đang là hạt nhân cho việc thu hút đầu tư vào KKT Vũng Áng.

Dự án đi vào hoạt động đã đóng góp to lớn cho sự phát triển KT-XH của TX Kỳ Anh nói riêng và Hà Tĩnh nói chung. Theo số liệu từ Ban Quản lý KKT tỉnh, năm 2022, sản lượng sản xuất phôi thép đạt trên 5,78 triệu tấn; 4 tháng đầu năm 2023, sản lượng sản xuất phôi thép đạt trên 1,86 triệu tấn. Doanh thu đạt trên 1,3 tỷ USD. Năm 2022, Formosa Hà Tĩnh đã đóng thuế và các khoản nộp ngân sách Nhà nước đạt trên 9,2 nghìn tỷ đồng.

Formosa Hà Tĩnh đã giải quyết việc làm cho gần 6.000 lao động với mức thu nhập ổn định. Đặc biệt, trong 5 năm từ 2017-2021, quy mô, tốc độ tăng trưởng GRDP của Hà Tĩnh luôn đạt ở mức cao trong khu vực Bắc miền Trung, trong đó, việc đóng góp của dự án Formosa rất đáng kể. Cụ thể, tỷ trọng của Formosa trong quy mô GRDP Hà Tĩnh năm 2017 chiếm 7,36% và đến năm 2021 là 21,72%. Từ khi triển khai dự án đến nay, đơn vị đóng góp trên 150 tỷ đồng cho các hoạt động hỗ trợ về giáo dục, y tế, đền ơn đáp nghĩa, khắc phục thiên tai, bão lũ... trên địa bàn.

Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương đóng góp trên 80% số thu ngân sách của Hà Tĩnh.

Ông Phạm Trần Đệ - Phó Trưởng ban Quản lý KKT tỉnh cho biết: “Sự đóng góp của Formosa không chỉ dừng lại ở đóng nộp ngân sách, an sinh xã hội mà còn là doanh nghiệp (DN) hạt nhân, đầu kéo để thu hút các dự án đầu tư vào KKT Vũng Áng. Khi Formosa đi vào SXKD đã kéo theo hàng trăm DN vệ tinh phục vụ các công đoạn của nhà máy thép, cảng biển. Các hoạt động thương mại - dịch vụ cũng từ đó có sự phát triển. Sự đầu tư và hoạt động của Formosa đã tạo động lực cho các DN khác đầu tư vào Hà Tĩnh nói chung, KKT Vũng Áng nói riêng”.

Bên cạnh sức lan tỏa từ Formosa, cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương cũng là một yếu tố tạo nên sức hút cho KKT Vũng Áng. Theo đánh giá, đây là cụm cảng có độ sâu tự nhiên lớn, hằng năm độ sa bồi ít nên có thể tiếp nhận được các tàu có trọng tải lớn đến 350.000 DWT, cụm cảng này còn có luồng hàng hải ngắn (cách phao số 0 khoảng 1,7 hải lý), thuận lợi để kết nối với các tuyến giao thông hàng hải quốc tế đến các nước Nam Á, Bắc Mỹ và châu Âu. Hằng năm, số lượng hàng hóa thông qua cảng đều tăng lên khoảng 20-30%. Nhận thấy được những ưu thế của cụm cảng biển nước sâu này nên nhiều dự án lớn đều lựa chọn KKT Vũng Áng làm nơi triển khai đầu tư như: Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhiệt điện Vũng Áng 2, Tổng kho xăng dầu - dầu khí Vũng Áng, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn An Việt Phát…

Hàng hóa qua cảng Vũng Áng ngày một gia tăng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt cho biết: “Với hệ thống cảng có độ sâu lớn, năng lực bốc xếp hàng hóa ngày một nâng cao nên sản lượng hàng hóa qua cảng đều gia tăng theo từng năm. Năm 2021 đạt 3,45 triệu tấn, năm 2022 đạt gần 3,5 triệu tấn và dự kiến năm 2023 sản lượng sẽ đạt khoảng 3,6 triệu tấn. Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng cao của DN, hiện nay, công ty đang nỗ lực hoàn thành và đưa vào sử dụng thêm cầu cảng số 3 và cùng với đó là không ngừng nâng cao năng lực bốc xếp hàng hóa”.

Với các cơ chế và chính sách phù hợp, KKT Vũng Áng đã thực sự trở thành hạt nhân, động lực phát triển của kinh tế toàn tỉnh. Hằng năm, KKT Vũng Áng đóng góp hơn 90% kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và 80% số thu ngân sách toàn tỉnh. Đến nay, KKT Vũng Áng thu hút được 152 dự án, bao gồm: 56 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (trong đó có 1 dự án đầu tư theo hình thức BOT) với số vốn đăng ký hơn 16 tỷ USD và 96 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 55.234.020 tỷ đồng.

Tiếp tục là động lực tăng trưởng

Tháng 11/2021, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển KKT Vũng Áng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết xác định mục tiêu xây dựng KKT Vũng Áng với các trụ cột: công nghiệp luyện kim, năng lượng, chế biến, chế tạo; trung tâm logistics và dịch vụ cảng biển; phát triển thương mại, dịch vụ, tạo nền tảng vững chắc. Phát triển đồng bộ khu liên hợp công nghiệp luyện kim, công nghiệp hỗ trợ, trung tâm điện lực gắn với cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương.

Trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Tĩnh tiếp tục xác định Vũng Áng sẽ là một trung tâm động lực tăng trưởng cho tỉnh nhà.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 đang gấp rút được thi công.

Đây sẽ là trung tâm công nghiệp luyện thép, công nghiệp phụ trợ, chế tạo sau thép, nhiệt điện và cảng biển nước sâu của khu vực miền Trung và cả nước, là 1 trong 3 đầu mối giao thương biển quốc tế của Việt Nam.

Chính vì vậy, trong quy hoạch, tỉnh đã định hướng đối với thép - sản phẩm công nghiệp chủ lực của Hà Tĩnh sẽ tiếp tục đầu tư nâng công suất nhà máy của Formosa sang giai đoạn 2 gắn với đa dạng hóa các sản phẩm, đầu tư công nghệ hiện đại trong xử lý môi trường, tiến tới xanh hóa tổ hợp luyện thép và phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, chế tạo các sản phẩm từ thép như: chế tạo máy móc, sản xuất ô tô, xe máy, linh kiện; đóng, sửa chữa tàu biển và các ngành chế biến khác gắn với sản xuất và chế biến thép.

Để thực hiện định hướng đó, hiện nay, Formosa Hà Tĩnh hướng tới việc xây dựng khu gia công phụ trợ để tạo tiền đề cho việc hình thành và phát triển công nghiệp hậu thép, nâng cao giá trị sản phẩm. Ngoài ra, Tập đoàn Vingroup đã nộp hồ sơ đề xuất thực hiện dự án đầu tư xây dựng một khu công nghiệp với diện tích 1.000 ha. Đây là khu công nghiệp với trọng tâm là công nghiệp ô tô và sản xuất linh kiện. Khi khu công nghiệp này được triển khai sẽ kỳ vọng tạo sức bật để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư thứ cấp vào KKT Vũng Áng.

Nhà máy sản xuất pin của Tập đoàn Vingroup tại KKT Vũng Áng.

Để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư và phát huy lợi thế của cụm cảng biển nước sâu và hạ tầng giao thông liên vùng, Hà Tĩnh cũng đã phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm logistics tại KKT Vũng Áng, tỷ lệ 1/500, quy mô diện tích lập quy hoạch 133,32 ha.

Hiện nay, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư vào Trung tâm Logistics Vũng Áng cho Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt; đang xem xét đề xuất của Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn và một số nhà đầu tư khác; ký “Biên bản ghi nhớ” với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn về hợp tác khảo sát, hợp tác đầu tư, khai thác phát triển cảng biển và Trung tâm Logistics Vũng Áng - Sơn Dương… Đây là những bước đi nhằm hiện thực hóa mục tiêu hình thành trung tâm logistics ở KKT Vũng Áng có tầm cỡ khu vực Bắc Trung Bộ và quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, góp phần từng bước đưa kinh tế Hà Tĩnh hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế.

Bên cạnh đó, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa thông qua việc kêu gọi đầu tư xây dựng thêm hệ thống các cầu cảng tại khu vực cảng Vũng Áng và cảng Sơn Dương. Theo quy hoạch, khu vực cảng Vũng Áng sẽ có 11 cầu cảng và khu vực cảng Sơn Dương sẽ có 53 bến cảng. Hiện nay, tại cảng Vũng Áng, ngoài cầu cảng số 1 và số 2 đã đi vào hoạt động thì Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt đang đầu tư xây dựng cầu cảng số 3, Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn đầu tư xây dựng cầu cảng số 4, Công ty TNHH Cảng Phoenix Vũng Áng Việt Nam đầu tư cầu cảng số 5 và số 6.

Với hạt nhân là Formosa và cụm cảng nước sâu Sơn Dương - Vũng Áng, KKT Vũng Áng được xác định là trung tâm động lực tăng trưởng của Hà Tĩnh.

Đối với cảng Sơn Dương, sẽ có 32 bến của Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương và 21 bến ngoài Khu liên hợp gang thép. Hiện nay, Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh đã hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 14 bến, đáp ứng nhu cầu vận chuyển nguyên liệu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của DN.

“Để đưa KKT Vũng Áng trở thành một trung tâm động lực phát triển của tỉnh, trong thời gian tới, giải pháp quan trọng bậc nhất là thực hiện có hiệu quả công tác thu hút đầu tư. Cần tăng cường quảng bá các tiềm năng, lợi thế của KKT đến các DN, nhất là chính sách ưu đãi về thuê đất, thuế thu nhập DN, thuế xuất, nhập khẩu, hỗ trợ đào tạo nhân lực và hạ tầng kỹ thuật… Cấp ủy, chính quyền các cấp của Hà Tĩnh sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết những vướng mắc trong công tác GPMB cũng như các thủ tục hành chính... khi đến với KKT Vũng Áng” - Phó Trưởng ban Quản lý KKT tỉnh Phạm Trần Đệ khẳng định.

Theo BHT

Link nguồn: https://baohatinh.vn/dau-tu/khu-kinh-te-vung-ang-trung-tam-dong-luc-tang-truong-cua-ha-tinh/249015.htm

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện