Kinh nghiệm quốc tế, thực trạng đầu tư của một số doanh nghiệp viễn thông vào hạ tầng số
Tuy nhiên, cơ cấu CAPEX trong ngành viễn thông đang có sự thay đổi. Trong quá khứ, phần lớn CAPEX được dành cho việc xây dựng và nâng cấp mạng lưới truyền thống. Tuy nhiên, ngày nay, ngày càng có nhiều CAPEX được dành cho việc đầu tư vào các hạ tầng viễn thông thế hệ mới (hạ tầng số) để tạo nền tảng mới, động lực mới cho sự phát triển.
Tỷ lệ đầu tư/doanh thu trong viễn thông đang có sự thay đổi
Chỉ số đầu tư tài sản cố định (Capital Expenditure - chi phí vốn) - CAPEX là một chỉ số quan trọng thể hiện các khoản chi tiêu đầu tư vào tài sản cố định (như nhà máy, thiết bị...) của doanh nghiệp. Các khoản chi tiêu này được sử dụng cho mục đích duy nhất là đầu tư, mua sắm tài sản cố định mới, sửa chữa tài sản cố định hiện có, hoặc nâng cấp hiệu suất hoạt động của tài sản cố định. Chỉ số CAPEX có thể cho biết một doanh nghiệp đang đầu tư bao nhiêu vào tài sản cố định mới và hiện có để duy trì hoặc phát triển.
Chỉ số CAPEX được sử dụng để đo lường mức độ đầu tư tài sản cố định của doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định, nó thường được tính bằng tỷ lệ phần trăm đầu tư trên doanh thu (CAPEX/ doanh thu - CAPEX Intensity) hoặc lợi nhuận sau thuế.
Đối với lĩnh vực viễn thông, tỷ lệ đầu tư trên doanh thu là một chỉ số cho biết tỷ lệ phần trăm doanh thu của một doanh nghiệp viễn thông được đầu tư vào việc xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng của họ. Đây là một chỉ số quan trọng để đánh giá mức độ đầu tư vào cơ sở hạ tầng, mạng lưới, thiết bị để triển khai công nghệ mới và nâng cao chất lượng dịch vụ của các nhà mạng, phục vụ cho việc phát triển kinh doanh viễn thông.
Các doanh nghiệp viễn thông thường dành một khoản chi tiêu CAPEX đáng kể mỗi năm để duy trì tính cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng. Nhìn chung, CAPEX trong ngành viễn thông có xu hướng tăng trưởng trong những năm gần đây. Điều này được thúc đẩy bởi một số yếu tố, bao gồm:
- Nhu cầu ngày càng tăng về dữ liệu di động và băng thông rộng;
- Việc triển khai các công nghệ mới như 5G và Internet vạn vật (IoT);
- Sự mở rộng sang các thị trường mới.
Tuy nhiên, cơ cấu CAPEX trong ngành viễn thông đang có sự thay đổi. Trong quá khứ, phần lớn CAPEX được dành cho việc xây dựng và nâng cấp mạng lưới truyền thống. Tuy nhiên, ngày nay, ngày càng có nhiều CAPEX được dành cho việc đầu tư vào các hạ tầng viễn thông thế hệ mới (hạ tầng số) để tạo nền tảng mới, động lực mới cho sự phát triển.
Tỷ lệ đầu tư/doanh thu của các tập đoàn/ công ty viễn thông trên thế giới
1. Tỷ lệ trung bình toàn cầu:
- Theo báo cáo của MTN Consulting, tỷ lệ chi tiêu vốn cho hạ tầng trên doanh thu của các công ty viễn thông trên toàn cầu tại thời điểm tháng 6/2022 ở mức trung bình 17,8%. Tỷ lệ này có xu hướng tăng trong những năm gần đây, từ mức 16% vào năm 2021 lên mức 17% vào năm 2022 do một số nguyên nhân:
+ Nhu cầu ngày càng tăng về tốc độ dữ liệu và dung lượng do sử dụng dữ liệu di động và số hóa thúc đẩy.
+ Đầu tư vào các công nghệ thế hệ tiếp theo như 5G và mạng cáp quang.
+ Tăng cường cạnh tranh và nhu cầu về cơ sở hạ tầng hiệu quả và hiện đại để duy trì chất lượng dịch vụ.
+ Một số nguyên nhân khác làm tăng chi tiêu vốn như đầu tư sau giai đoạn Covid, hạn chế chuỗi cung ứng, vốn đầu tư mạnh mẽ của Trung Quốc cũng góp phần vào sự tăng trưởng của toàn cầu trong những năm gần đây [1].
- Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, theo phân tích của Twimbit với 42 công ty viễn thông trong khu vực, tỷ lệ chi tiêu vốn cho hạ tầng trên doanh thu vào Quý 2/2022 ở mức tương đồng với tỷ lệ trung bình toàn cầu, đạt 16,5%. Tỷ lệ này tiếp tục tăng và đạt mức cao nhất là 19,9% vào Quý 4/2022. Tuy nhiên đến Quý 2/2023, tỷ lệ này giảm còn 14,7%2 do việc đầu tư cho hạ tầng của các công ty viễn thông đã đạt được một số kết quả nhất định:
Mặc dù có tỷ lệ trung bình là 14,7%, một số công ty viễn thông trong khu vực vẫn có tỷ lệ đầu tư trên doanh thu cao so với mức trung bình:
+ Ncell (Nepal) đã chứng kiến mức tăng tỷ lệ đầu tư trên doanh thu đáng kể nhất đạt 25,1% vào năm 2023, tăng 114% so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu hướng tới việc mở rộng và cải thiện cơ sở hạ tầng dịch vụ của mình.
+ Bharti Airtel của Ấn Độ báo cáo mức tăng tỷ lệ đầu tư trên doanh thu đạt 35,4% vào năm 2023, tăng 76,4% so với cùng kỳ năm 2022, để mở rộng phạm vi phủ sóng mạng và đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
+ Tỷ lệ đầu tư trên doanh thu của Robi Axiata (Bangladesh) đạt 30%, tăng 57,7% so với cùng kỳ năm 2022, nhằm mục đích nâng cao mạng 4G của họ.
2. Tỷ lệ đầu tư tại một số khu vực (theo nghiên cứu của S&P Global 3)
- Mỹ: Tại khu vực US, mức chi tiêu vốn trong nhưng năm gần đây được dự báo tăng sau khi chi tiêu cho việc đấu giá băng tần và cho các công trình FTTH, khoảng hơn 18%.
- Châu Âu và Trung Đông: Mức độ đầu tư có xu hướng giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao, trung bình khoảng 18% do việc đấu giá băng tần, nâng cấp mạng cáp quang và đầu tư 5G đã đạt được phạm vi phủ sóng nhất định do đã đầu tư trong giai đoạn trước đây.
- Châu Mỹ La tinh: Mức đầu tư của các công ty viễn thông có xu hướng chiếm 20% doanh thu khi các công ty triển khai các giấy phép về tần số và tiếp tục mở rộng vùng phủ FTTH, mở rộng phạm vi phủ sóng 4G-5G hiện có.
- Châu Á - Thái Bình Dương: Mức chi tiêu vốn của các công ty viễn thông ở châu Á vẫn ở mức cao, khoảng 17-18% để đầu tư triển khai mạng 5G. Đầu tư cho 5G được dự báo sẽ tiếp tục tăng do việc ứng dụng 5G đang ở các mức độ khác nhau và còn vài năm nữa mới có thể sử dụng được.
3. Tỷ lệ của một số Tập đoàn viễn thông lớn năm 2022:
- Năm 2022, China Mobile đạt doanh thu 132 tỷ USD, trong đó doanh thu từ dịch vụ viễn thông đạt 114 tỷ đô la, chiếm 86%. Tổng vốn đầu tư riêng cho mạng 5G trong năm 2022 là 14,6 tỷ đô la, chiếm 11% tổng doanh thu của công ty và chiếm gần 13% doanh thu dịch vụ viễn thông (Báo cáo tài chính năm 2022 của China Mobile [4]).
- Năm 2022 tổng doanh thu của nhà mạng AT&T là 120 tỷ USD, trong đó doanh thu từ mảng truyền thông là 117 tỷ, chiếm 97,5%. Tổng số vốn đầu tư cho hạ tầng và công nghệ mới năm 2022 là 27,7 tỷ đô, chiếm 23% tổng doanh thu của công ty và chiếm 23,5% doanh thu của mảng truyền thông [5].
Tỷ lệ đầu tư/doanh thu của một số doanh nghiệp viễn thông Việt Nam
Tại Việt Nam, theo phân tích và thống kê của Cục Viễn thông, tỷ lệ đầu tư/doanh thu của một số doanh nghiệp viễn thông Nhà nước chủ chốt trong các năm qua như sau:
Qua các bảng số liệu trên, có thể thấy rằng tỷ lệ đầu tư cho lĩnh vực viễn thông chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu vốn đầu tư của các doanh nghiệp viễn thông lớn tại Việt Nam, một số lĩnh vực khác như công nghệ thông tin, nghiên cứu phát triển chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ.
Nếu xét tỷ lệ đầu tư cho lĩnh vực viễn thông trên tổng doanh thu của các doanh nghiệp thì năm 2023, tỷ lệ này các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đạt từ 3 - 10% tổng doanh thu trong năm 2023, tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới (khoảng 17%).
Ngành viễn thông Việt Nam đang trong quá trình chuyển dịch quan trọng từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số. Sự chuyển dịch này cũng chính là định hướng phát triển cho các nhà mạng, mở ra các không gian mới cho các nhà mạng khi không gian cũ như các dịch vụ viễn thông truyền thống đã hết dư địa.
Đầu tư cho hạ tầng số là đầu tư cho hạ tầng viễn thông, hạ tầng IoT, hạ tầng tính toán, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng cung cấp công nghệ số như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng. Sứ mệnh chính của các nhà mạng là sứ mệnh hạ tầng, để các ngành, lĩnh vực khác kinh doanh trên hạ tầng của nhà mạng.
Theo kinh nghiệm quốc tế của một số quốc gia, để đầu tư mở rộng, cải thiện và nâng cao chất lượng mạng lưới cũng như đầu tư cho 5G, một số nhà mạng trên thế giới đã chi tiêu đến hơn 20% doanh thu cho hạ tầng. Việc đầu tư này chính là cam kết của các nhà mạng cho việc phát triển bền vững trong tương lai. Do đó, các nhà mạng tại Việt Nam cần ưu tiên và tăng tỷ lệ chi tiêu đầu tư cho mạng lưới ngay trong năm 2024 để đầu tư và thương mại hóa 5G, thực hiện sứ mệnh về hạ tầng của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số.
BBT
Thêm ý kiến góp ý