Thông tin vi phạm pháp luật đất đai và công khai thông tin các dự án   |    Lấy ý kiến dự thảo quyết định của UBND tỉnh về ủy quyền giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng theo quy định tại QĐ số 62/2011/QĐ-TTg   |    Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |   

CHIẾN THẮNG ĐỒNG LỘC

  

07:28 19/06/2018

T.S Đặng Duy Báu

Nguyên Bí thư T.U, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh.

Vào đầu năm 1988, đồng chí Nguyễn Lương Dần Bí thư Huyện ủy, đồng chí Nguyễn Thị Thu Phó Chủ tịch UBND phụ trách văn xã và đồng chí Nguyễn Hữu Chính Trưởng phòng Văn hóa thay mặt Huyện ủy, UBND huyện Can Lộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh về việc xin tổ chức “Lễ giổ 10 cô gái thanh niên xung phong” nhân kỷ niệm 20 năm ngày các cô hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc. Thường vụ Tỉnh ủy cử tôi là ủy viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo trực tiếp làm việc với huyện. Cùng làm việc có đồng chí Trần Tấn Hành Phó Ban Tuyên giáo, đại diện Văn phòng Tỉnh ủy, Sở Văn hóa Thông tin và Tỉnh đoàn. Sau khi nghe đồng chí Dần và đồng chí Thu báo cáo về chủ trương và kế hoạch tổ chức lễ giổ, ý kiến của các đại biểu, tôi phát biểu hoan nghênh sáng kiến và sự chủ động của huyện Can Lộc đề xuất tổ chức lễ giổ 10 cô để tri ân các cô gái đã hy sinh, nhưng cần đánh giá đầy đủ hơn cuộc chiến đấu ở Đồng Lộc, để tổ chức kỷ niệm cho đúng tầm. Cuộc chiến đấu ở đây với mục tiêu tập trung mọi lực lượng để đảm bảo thông xe, không để bị tắc đường. Có đoàn xe qua là đường phải thông và chiến đấu để bảo vệ an toàn. Tính thời gian trong 7 tháng các lực lượng bao gồm thanh niên xung phong, chủ lực giao thông, cảnh sát giao thông, trung đoàn pháo cao xạ 210 cùng với dân quân, du kích và nhân dân xã Đồng Lộc và các xã lân cận hứng chịu hàng ngàn lần máy bay bắn phá với hàng vạn quả bom (chưa kể bom bi, rốc két và đạn các loại) dội lên đầu, vào trận địa chốt Ngã ba Đồng Lộc. Trong cuộc chiến đấu này, chúng ta đã đảm bảo đường luôn được thông suốt không bị tắc. Đây thực sự là chiến công lớn đóng góp trực tiếp cho thắng lợi ở chiến trường miền Nam. Do đó đề nghị huyện Can Lộc nâng tầm lên kỷ niệm “20 năm chiến thắng Đồng Lộc” đồng thời có quy hoạch để quy tập mộ các cô về đây và xây dựng Khu lưu niệm Ngã ba Đồng Lộc. Hội nghị đã thống nhất với ý kiến này. Sau đó tôi báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy có đủ 3 đồng chí Nguyễn Bá Bí thư, Bạch Hưng Đào Phó Bí thư, Nguyễn Văn Giản Chủ tịch tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy đồng tình tổ chức kỷ niệm 20 năm chiến thắng Đồng Lộc, đề xuất thêm cần phối hợp với Trung ương Đoàn và giao cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo tốt lễ kỷ niệm 20 năm chiến thắng Đồng Lộc, Sở Văn hóa Thông tin giúp huyện lập kế hoạch xây dựng Khu lưu niệm.

Sau khi tách tỉnh, Hà Tĩnh phối hợp với Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tiến hành xây dựng Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc tương xứng với tầm vóc chiến thắng, trở thành một tượng đài lịch sử ghi dấu ấn về tinh thần chiến đấu vì miền Nam ruột thịt, vì độc lập dân tộc và thống nhất tổ quốc của tuổi trẻ trên quê hương Hà Tĩnh. Năm nay kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc, một nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng những chiến công để lại vẫn còn mang tính thời sự, tiếp tục thôi thúc chúng ta với khí thế hào hùng của kháng chiến chống Mỹ, của chiến thắng Đồng Lộc tiếp tục viết tiếp những mốc son mới trong sự nghiệp xây dựng quê hương giàu mạnh.

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ Hà Tĩnh là vùng bị địch đánh phá rất ác liệt, nằm trong âm mưu ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Nhưng quân và dân Hà Tĩnh đã anh dũng chiến đấu lập được nhiều chiến công xuất sắc. Hà Tĩnh được Bác Hồ hai lần gửi thư khen. Một lần vào tháng 8 năm 1966 bắn rơi được 100 máy bay và lần thứ 2 vào tháng 8 năm 1968 bắn rơi máy bay Mỹ chiếc thứ 200. Hà Tĩnh là nơi lập chiến công đầu thắng Mỹ ngày 26/3/1965; là nơi dân quân xã Sơn Bằng, Hương Sơn bắn rới máy bay F105 đầu tiên (3/8/1965); là nơi tự vệ xí nghiệp Phốt Phát Phú Lễ bắn rơi máy bay cánh cụp cánh xòe F4 với 4 viên đạn súng trường đạt hiệu suất chiến đấu cao nhất; là nơi xã Hương Thủy, Hương Khê bắn rơi máy bay trinh sát PF4 đầu tiên; là nơi xã Hương Xuân bắn rơi máy bay trực thăng bắt giặc lái đầu tiên, là nơi có tiểu đội nữ dân quân Kỳ Phương, Kỳ Anh với súng bộ binh bắn rơi 3 máy bay; là nơi trung đội pháo binh dân quân xã Xuân Liên, Nghi Xuân ngày 26/4/1969 đầu tiên với đạn pháo 75 li bắn cháy tàu chiến Mỹ .v.v. Cùng với những chiến công lẫy lừng đó thì nổi bật nhất là chiến công ở Ngã ba Đồng Lộc.

Ngã ba Đồng Lộc có diện tích khoảng 0,6 km2, là điểm giao nhau của quốc lộ 15 và tỉnh lộ 2 thuộc địa phận xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc. Ngã ba Đồng Lộc còn là điểm hội tụ của các đường ngang tỉnh lộ nối với quốc lộ 1: tỉnh lộ 6 từ thị trấn Nghèn nhập với tỉnh lộ 12 từ Quán Trại tắt qua Khánh Lộc rồi nối với Ngã ba Đồng Lộc tại Khiêm Ích. Tỉnh lộ 2 từ Ba Giang nối với Ngã ba Đồng Lộc tại Trường Thành tạo thành 2 ngã ba trên một đoạn đường dài 800m qua làng dân. Phía đông có Rú Mòi, phía bắc có khe Tùng Cốc, phía nam có núi Mũi Mác, phía tây nam là dãy núi Trọ Voi chạy dài đến tận Khe Giao. Vì thế Ngã ba Đồng Lộc như một lòng chảo tụ điểm các đầu mối giao thông quan trọng của các tuyến đường phía tây tỉnh Hà Tĩnh. Vào thời điểm đó toàn bộ hàng chi viện cho miền Nam vận chuyển theo quốc lộ 15, qua Ngã ba Đồng Lộc. Từ đặc điểm trên Ngã ba Đồng Lộc, trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của đế quốc Mỹ trên toàn tuyến khu IV. Vì thế việc giải tỏa giao thông ở Ngã ba Đồng Lộc trong thời kỳ đế quốc Mỹ ném bom “hạn chế” ra Bắc trở thành nhiệm vụ thường nhật của cả nước mà trực tiếp là quân và dân ở Đồng Lộc. Trước tình hình đó Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã có Chỉ thị 37 chỉ đạo cụ thể việc tăng cường mọi lực lượng và bằng mọi cách đảm bảo mạch máu giao thông an toàn, thông suốt qua Hà Tĩnh. Tháng 4/1968, Ban đảm bảo giao thông của tỉnh do đồng chí Nguyễn Tiến Chương Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban đã quyết định tăng cường lực lượng, tập trung chỉ đạo để giữ vững chốt giao thông Đồng Lộc. Phân công đồng chí Trần Quang Đạt Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp phụ trách và chỉ đạo ở Đồng Lộc. Sau cuộc nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968, đế quốc Mỹ đã tập trung tổng lực đánh phá miền Bắc nhằm ngăn chặn tiếp viện cho miền Nam. Địch đã phát hiện ra Đồng Lộc là “yết hầu” trên con đường mòn Hồ Chí Minh nên chúng tập trung đánh phá hết sức khốc liệt. Lực lượng bảo vệ cho con đường huyết mạch ở Ngã ba Đồng Lộc có 5 đại đội thanh niên xung phong, 3 đại đội chủ lực giao thông, đội cảnh sát giao thông tăng cường, trung đoàn pháo cao xạ 210 từ ngoài Bắc điều vào cùng với dân quân, du kích và nhân dân các xã lân cận đã không quản bom đạn, địch đánh phá đến đâu đắp đường, nối mạch thông xe kịp thời đến đó. Đã góp 185.450 ngày công, với 12.620 lượt người phục vụ chiến đấu, đào đắp 96.209m3 đất đá, cung cấp 24.000 gánh bồi, 22.488 cọc tre. Trực tiếp đối mặt với 49.000 quả bom, chiến đấu 1075 trận, bắn rơi 9 máy bay.

Cùng với chiến công của quân và dân tỉnh nhà trên mặt trận sản xuất, mặt trận chiến đấu bảo vệ quê hương đảm bảo giao thông, Đồng Lộc tiêu biểu cho sự chiến đấu, hy sinh dũng cảm của thế hệ trẻ. Trên 200 chiến sĩ hy sinh ở đây ở tuổi đời 20. Có 2 tập thể và 5 cá nhân được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang cùng ở lứa tuổi 20-25. Đó là đại đội 551 thanh niên xung phong, đơn vị toàn nữ luôn đi đầu trong chiến đấu phục vụ chiến đấu và mọi phong trào. Tập thể 10 cô gái ở tiểu đội 4, đại đội 552 bám trụ kiên cường, cùng hy sinh anh dũng trong tư thế đang làm nhiệm vụ. Nữ anh hùng La Thị Tám bám trụ 200 trăm ngày đêm, quan sát bom rơi, đếm bom, cắm tiêu được hơn 500 quả bom cho công binh rà phá. Anh hùng Nguyễn Tiến Tuẫn, cảnh sát giao thông đảm bảo chỉ huy thông tuyến, anh dũng cứu xe, cứu người, cứu hàng, hai lần làm “lễ truy điệu sống” trước khi xuất trận. Nguyễn Tri Ân đại đội trưởng thanh niên xung phong luôn đi đầu đơn vị dũng cảm, chiến đấu, phá bom mìn, chỉ huy ứng cứu thường xuyên trên mặt đường. Vương Đình Nhỏ chiến sĩ rà phá bom, xông pha trong bom đạn, phá bom nổ chậm, đảm bảo xe qua an toàn. Uông Xuân Lý chiến sĩ lái xe ủi, bất chấp bom đạn ủi bom cho đường thông, đã một lần làm “lễ truy điệu sống”. Chiến công của các anh, các chị cùng với sự chiến đấu dũng cảm và hy sinh oanh liệt của các chiến sĩ trung đoàn 210 gồm những thanh niên trai trẻ từ Hà Nội, từ các tỉnh miền Bắc vào đây chiến đấu, đặc biệt còn có nhiều thanh niên vừa nhập ngũ chưa kịp mặc áo lính lên mâm pháo đã hy sinh. Chiến công của họ cùng với các lực lượng chiến đấu và giữ vững mạch máu giao thông ở Ngã ba Đồng Lộc đã đi vào lịch sử, mãi mãi sống cùng với quê hương, đất nước làm nên tượng đài chiến thắng bất hủ cho các thế hệ mai sau.

Tượng đài vút cao

Vươn dài chiến thắng

Địa nhân linh ứng

Trụ vững muôn đời.

--------------------


Tài liệu tham khảo:

1) Ngã ba Đồng Lộc. UBND huyện Can Lộc. Tháng 8/1998

2) Lịch sử Hà Tĩnh (tập 2). Nxb Chính trị Quốc gia 2001

3) Lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh in lần thứ 2 (tập 2). Nxb Chính trị Quốc gia 2014

4) Bác Hồ với Hà Tĩnh. Nxb Chính trị Quốc gia 2007 5) Văn hóa Hà Tĩnh. Nxb Đại học Vinh. 2012


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện