Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |    Dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới   |   

TẦM QUAN TRỌNG CỦA GIAO THÔNG VẬN TẢI TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC

  

02:34 10/07/2018

        Giao thông vận tải nói chung và giao thông vận tải trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có một vai trò cực kì quan trọng, là một trong những nhân tố có vai trò quyết định đưa cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc  đến thắng lợi hoàn toàn.

        Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta kết thúc bằng” Đại thắng mùa Xuân năm 1975” là một cuộc chiến tranh yêu nước vĩ đại, một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc tiêu biểu của nhân dân Việt Nam. Thắng lợi này "mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỉ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc"[1].

        Đó là một trong những thắng lợi vĩ đại nhất, hiển hách nhất trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là thắng lợi của sức mạnh đoàn kết toàn dân, là thắng lợi của sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong cuộc kháng chiến vĩ đại này, giao thông vận tải có một vị trí cực kì quan trọng. Có thể khẳng định đây là một trong những nhân tố có vai trò quyết định đưa cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn.

        Trong thư gửi cán bộ, nhân dân Trung Bộ năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:

"Giao thông là mạch máu của mọi việc.

Giao thông tắc thì việc gì cũng khó.

Giao thông tốt thì việc gì cũng dễ dàng"[2].

        Giao thông vận tải được xem là mạch máu nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Suốt những năm chiến tranh, đây là một mặt trận nóng bỏng. Trên mặt trận này, cuộc chiến đấu giữa nhân dân Việt Nam và đế quốc Mỹ diễn ra rất quyết liệt. Đánh phá giao thông nhằm cắt đứt sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam luôn là mục tiêu chiến lược của đế quốc Mỹ. Vì thế, trong suốt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ đã sử dụng một khối lượng lớn máy bay, tàu chiến, dội xuống một khối lượng bom đạn khổng lồ nhằm vào những vùng giao thông trọng điểm của miền Bắc.

        Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, quân và dân Việt Nam đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vượt qua muôn vàn gian khổ, thử thách, hi sinh, đánh thắng quân Mỹ. Dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, nhiều tuyến đường giao thông vẫn được xây dựng, đồng thời công tác phục hồi, sửa chữa các đường giao thông bị địch đánh phá vẫn được thực hiện.

        Với quyết tâm "Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến" ,"Sống bám trụ cầu đường, chết kiên cường dũng cảm", "Xe chưa qua, nhà không tiếc"…, quân và dân miền Bắc đã trụ bám kiên cường ở những trọng điểm, quyết giữ vững mạch máu giao thông, đảm bảo sự chi viện toàn diện, liên tục, mạnh mẽ của hậu phương cho tiền tuyến, góp phần to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.

        Tổ quốc Việt Nam đời đời ghi công những chiến sĩ trên mặt trận giao thông vận tải đã cống hiến tâm lực, xương máu và tuổi xuân của mình để giữ vững mạch máu giao thông thông suốt, bảo đảm yêu cầu đánh Mỹ và thắng Mỹ.

        Giao thông vận tải trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 - 1975 đã vẽ nên bức tranh hào hùng về những năm tháng chống Mỹ cứu nước, về các tuyến đường giao thông chiến lược, tiêu biểu là "con đường Hồ Chí Minh huyền thoại" - Đường Hồ Chí Minh trên bộ, trên biển, đây là minh chứng  cho sự lãnh đạo tài tình của Đảng Lao động Việt Nam.

        Từ đó, chúng ta có thể rút ra những bài học, kinh nghiệm cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

         Vì vậy, việc đảm bảo giao thông vận tải trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975) không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học mà cả về thực tiễn.

        Nhân dịp 50 năm ngày chiến thắng Đồng Lộc (1968-2018), là một đoàn viên công đoàn ngành Giao thông vận tải, tôi đã tìm hiểu về truyền thống của nghành, những đóng góp sức lực to lớn của cán bộ, công nhân viên chức lao động trong ngành và cả sự hy sinh xương maú của lực lượng TNXP trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.

         Xuất phát từ những lí do trên, chúng tôi xin tham luận vấn đề: "Bảo đảm Giao thông vận tải trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước”

        I.  BỐI CẢNH LỊCH SỬ

        Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, nước Việt Nam tạm thời chia cắt làm 2 miền và tiến hành đồng thời 2 chiến lược cách mạng: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Năm 1956, Pháp rút quân khỏi niền Nam, đế quốc Mỹ lập tức thay chân Pháp. Từ năm 1961-1965,  Mỹ thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Mặc dù đã bỏ ra nhiều tiền của, công sức, thi hành nhiều thủ đoạn, biện pháp, nhưng đế quốc Mỹ không dập tắt được phong trào cách mạng sục sôi ở miền Nam. Từ năm 1964 đến đầu năm 1965, cuộc đấu tranh cách mạng của đồng bào, chiến sĩ miền Nam phát triển nhanh chóng, thu được những thắng lợi to lớn, chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ từng bước thất bại. Trước tình hình đó, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược "Chiến tranh cục bộ", ồ ạt đưa quân Mỹ và chư hầu vào miền Nam; đồng thời, mở rộng hoạt động không quân và hải quân, ném bom bắn phá miền Bắc gây áp lực hòng làm giảm chi viện về sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc vào tiền tuyến lớn miền Nam.

        Ở miền Bắc, cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ từng bước mở rộng về quy mô, gia tăng về cường độ và có mối quan hệ chặt chẽ với cuộc chiến tranh trên bộ ở miền Nam. Cách mạng hai miền có mối quan hệ mật thiết, gắn bó và tác động lẫn nhau và đều nhằm thực hiện một nhiệm vụ chiến lược chung là giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất đất nước.

        Năm 1968 là năm khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sau Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, nhu cầu tăng viện cho chiến trường miền Nam về vũ khí, lương thực, xăng dầu để củng cố lực lượng, giữ vững địa bàn vô cùng cấp thiết. Từ ném bom không hạn chế, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện kế hoạch ném bom hạn chế, tập trung toàn bộ sức mạnh không quân, hải quân đánh phá ác liệt 4 tỉnh khu IV cũ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình). Do vị trí địa bàn có tính chiến lược quan trọng, ngay từ đầu, đế quốc Mỹ và tay sai đã dùng nhiều thủ đoạn đánh phá Hà Tĩnh. Ngoài việc đánh vào các cơ sở kinh tế và quốc phòng, dân cư, chúng tập trung đánh phá hệ thống giao thông vận tải. Trong đó, Ngã ba Đồng Lộc - huyết mạch giao thông độc đạo, quan trọng bị đánh phá ác liệt.

        Nhận rõ âm mưu của địch trong chiến tranh phá hoại, thực hiện chiến lược kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào được thông qua tại Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khoá III (12-1965), Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh đã sớm xác định được nhiệm vụ hàng đầu của địa phương bên cạnh việc đánh mạnh tiêu diệt nhiều máy bay, tàu chiến địch, đảm bảo giao thông vận tải thông suốt. Nghị quyết đặc biệt của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh họp tháng 3/1966 ghi rõ: "Bất kỳ tình huống nào xảy ra, dù phải trả bất kỳ giá nào kể cả phải hy sinh xương máu, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh ta cũng phải bảo đảm kế hoạch giao thông vận tải".

        II. CHIẾN TRƯỜNG ĐỒNG LỘC & CHIẾN THẮNG CỦA QUÂN VÀ DÂN TA

        Ngã ba Đồng Lộc thuộc xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh có vị trí quan trọng trong mạng lưới giao thông chiến lược Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, là nơi giao điểm của đường 15 và các đường liên tỉnh. Từ đây có thể mở rộng các hướng, phục vụ tốt cho nhu cầu giao thông vận tải khi các tuyến giao thông ở đồng bằng bị cắt đứt. Đây cũng là nơi có địa hình phức tạp và hiểm yếu. Toàn bộ khu vực Ngã ba Đồng Lộc nằm trên một khu đồi hẹp, thuộc phạm vi các xã: Đồng Lộc, Trung Lộc, Xuân Lộc, Mỹ Lộc, Thượng Lộc của huyện Can Lộc. Địa hình trống trải, một bên là đồi trọc, một bên là ruộng nước sình lầy, mùa khô đường bụi đỏ, mùa mưa nước đọng, khi bị địch đánh phá khắc phục rất khó khăn.

        Nhận rõ vị trí quan trọng của Đồng Lộc, ngay sau khi đánh sập tất cả các cầu trên đường 1A, làm cắt đứt hoàn toàn tuyến đường này, kẻ thù tiếp tục đánh phá đường 15A (Lạc Thiện - Đồng Lộc - Khe Giao - Hương Khê - Quảng Bình và từ Lạc Thiện - Đồng Lộc - Khe Giao rồi theo đường 21, 22 vào Quảng Bình), trọng điểm là từ Cống 19 (Phú Lộc) đến Khe Giao. Từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968, chúng đã đánh vào Ngã ba Đồng Lộc 1.863 lần, ném gần 50.000 quả bom các loại, chưa kể rốc két và đạn 20 mm. Bình quân mỗi tháng chúng đánh 28 ngày, ngày đánh nhiều nhất 103 lần bay với trên 800 qủa bom các loại. Suốt ngày đêm không lúc nào Đồng Lộc ngớt tiếng bom đạn. Đất đá bị đào đi xới lại nhiều lần, hố bom chồng chất hố bom. Cùng một lúc chúng ném các loại bom đào, bom phá, bom bi, bom nổ chậm, bom từ trường… Ban ngày, chúng tập trung đánh chặn các lối ra vào. Ban đêm chúng thả pháo sáng, ném bom bi, bắn đạn rốc két, đạn 20mm nhằm vào các lực lượng ứng cứu giao thông của ta. Kẻ thù muốn biến Ngã ba Đồng Lộc thành điểm chết, hoang tàn không cho người và xe qua lại. Trước tình hình đó, không còn lựa chọn nào khác là phải giữ huyết mạch giao thông tuyến 15A (Lạc Thiện - Khe Giao) thông suốt, vì nếu tuyến đường này bị cắt đứt thì việc chi viện, tiếp tế cho tiền tuyến gặp rất nhiều khó khăn, phải đi theo đường 8 lên Lào vào đường 13 (Lào).

        Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh Hà Tĩnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các địa phương huy động lực lượng dồn sức cho Đồng Lộc để giải tỏa điểm chốt, giữ vững mạch máu giao thông. Ban đảm bảo giao thông Trung ương và tỉnh quyết định điều động toàn bộ lực lượng TNXP N55 - P18 gồm 7 đại đội vào trấn giữ tại 7 vùng chủ yếu: Đại đội 551 được điều từ La Khê về Khe Giao; Đại đội 552 được điều từ đường 28 về Xuân Lộc; Đại đội 553 được điều về Eo Út; Đại đội 554 được điều từ Khe Ác về Mỹ Lộc; Đại đội 555 được điều về Nhân Lộc và Phú Lộc; Đại đội 556 được điều từ Bãi Dị (Mỹ Lộc) về Đồng Liên, Đồng Lộc; Đại đội 557 được điều từ Linh Cảm về Đồng Lộc. Tổng số cán bộ chiến sỹ TNXP N55 thường xuyên xấp xỉ 1.200 người. Ngoài ra, lực lượng chiến đấu còn bao gồm: Trung đoàn pháo cao xạ 210, tiểu đoàn 8 pháo cao xạ địa phương, một bộ phận của tiểu đoàn 30 công binh quân khu, đại đội chủ lực cầu, đại đội chủ lực giao thông, các đơn vị Thanh niên xung phong và Nhân dân địa phương. Các tổ quan sát, đếm bom, cắt tiêu, tổ rà phá bom mìn, bộ phận ứng cứu đường cùng với mạng lưới thông tin liên lạc, lực lượng điều hành phương tiện giao thông, giữ gìn trật tự an ninh khu vực Ngã ba Đồng Lộc được hình thành.

        Ước tính, mỗi mét vuông ở Ngã ba Đồng Lộc phải gánh chịu ít nhất 3 quả bom tấn. Nhưng nếu địch quyết phá thì ta quyết giữ, chúng ta đã tập trung mọi nguồn lực quyết giữ cho bằng được đường 15A.

        Tại chiến trường Đồng Lộc, trong tháng 5/1968, các lực lượng của ta đã bắn rơi 14 máy bay Mỹ; trong tháng 7 năm 1968, ta đã phá 1.780 quả bom, góp 974.240 ngày công để thông tuyến, làm đường mới từ Khiêm Ích, Truông Kén, Bãi Dịa 6 km. Quân và dân các xã thuộc địa bàn huyện Can Lộc đã góp 185.400 ngày công với 42.620 người phục vụ chiến đấu, đào đắp 95.209m3 đất đá, vận chuyển 45m3 gỗ, cung cấp 22.448 cọc tre, 24.000 gánh bổi chống lầy. Trong suốt 300 ngày đêm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh, hơn 16.000 người thuộc các lực lượng đã đối mặt, bám trụ chiến đấu kiên cường để nối mạch, thông đường với tiền tuyến. 

        Cuộc chiến đấu trên mặt trận giao thông vận tải càng ngày càng quyết liệt, giặc Mỹ dùng mọi biện pháp, thủ đoạn, tập trung đánh phá hòng cắt đứt đường vận chuyển tiếp tế từ hậu phương ra tiền tuyến. Nhưng mọi âm mưu và thủ đoạn của địch đều bị thất bại. Nhân dân Hà Tĩnh, với quyết tâm sắt đá "đường chưa thông không tiếc xương tiếc máu" và tinh thần "địch phá một ta làm mười", đã ngày đêm chịu đựng mọi gian khổ, hy sinh bảo toàn cho những tuyến đường. Để mở những con đường mới, đường tránh, Nhân dân nhiều địa phương như các xã Thiên Lộc, Tiến Lộc (Can Lộc), Cẩm Quan (Cẩm Xuyên)… đã tạm dời làng xóm, nhà cửa đi nơi khác để lấy đất làm đường. Để tránh đoạn đường số 1 đã bị bom địch đánh phá hỏng, Nhân dân xóm Hạ Lội (Tiến Lộc - Can Lộc) đã tự nguyện dỡ 130 ngôi nhà để lát đường cho xe ra tiền tuyến. Nhân dân huyện Kỳ Anh với ý chí quyết tâm không để một chiếc xe bị tắc trên địa phương mình, đã làm thêm hàng chục con đường xế, đường tránh…

        Trong cuộc chiến đấu quyết liệt đầy khó khăn và vô cùng dũng cảm này, tất cả các lực lượng đã chiến đấu kiên cường, mưu trí sáng tạo trong đánh địch, rà phá bom mìn, sửa chữa đường, kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam. Đồng Lộc đã trở thành đỉnh cao của cuộc chiến tranh Nhân dân, là sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Có 465 cán bộ, chiến sỹ thuộc lực lượng thanh niên xung phong (TNXP), giao thông vận tải, lực lượng dân quân tự vệ, nhân dân Đồng Lộc và đơn vị Pháo cao xạ 210 đã anh dũng hy sinh để giữ vững mạch máu giao thông thông suốt, góp phần quyết định chiến thắng trên chiến trường miền Nam, bẻ gãy ý chí xâm lược của kẻ thù. Trong đó, TNXP là lực lượng chủ công, đội quân xung kích, đảm nhận những nhiệm vụ khó khăn, gian khổ và đầy nguy hiểm với nhiệm vụ chính là lấp hố bom, bắc cầu, làm ngầm, làm đường vòng, đường tránh qua Ngã ba Đồng Lộc để đảm bảo cho Đồng Lộc không lúc nào tắc xe. Tiêu biểu như: Tiểu đội nữ thanh niên xung phong thuộc Đại đội 552, Đội 55 "sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm" đã hy sinh trọn vẹn cả tuổi thanh xuân của mình cho sự sống của dân tộc… Địa danh Ngã ba Đồng Lộc cũng gắn liền với tên tuổi của các Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, tiêu biểu như các anh hùng La Thị Tám, Nguyễn Tri Ân, Nguyễn Tiến Tuẩn, Vương Đình Nhỏ, Uông Xuân Lý, liệt sỹ Võ Triều Chung…

        Trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất 1965 -1968, với sự đóng góp vô cùng to lớn về sức người, sức của của Nhân dân, trong đó tại Ngã ba Đồng Lộc (từ năm 1964-1972), đã có 1.226 người dân các xã vùng lân cận thuộc huyện Can Lộc và 8 em học sinh đã bị bom đạn kẻ thù sát hại. Sự hy sinh anh dũng của họ đã góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta tại chiến trường Đồng Lộc. Hà Tĩnh được công nhận là lá cờ đầu miền Bắc về bảo đảm giao thông vận tải và vinh dự được nhận phần thưởng cao quý Huân chương Độc lập hạng Nhì của Quốc hội, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng

         III. SỰ HY SINH CỦA 10 NỮ THANH NIÊN XUNG PHONG

        Khu vực thung lũng Ngã ba Đồng Lộc rộng chưa đầy 50ha bị bom đạn của kẻ thù quần nát, xới tung. Nơi đây, hàng ngàn bộ đội, TNXP, công nhân giao thông, lái xe, chiến sỹ công an, dân công, dân quân du kích,... đã gửi lại tuổi thanh xuân của mình để thông đường, thông xe ra tiền tuyến, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và làm nên huyền thoại về Ngã ba Đồng Lộc.

        Vào lúc 16h ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4 được lệnh ra trọng điểm ở khu vực địch vừa thả bom để san lấp hố bom, sửa chữa đường, củng cố hầm trú ẩn, khơi sâu rãnh thoát nước ở đoạn đường độc đạo cách Ngã ba Đồng Lộc vào phía Nam khoảng hơn 300m. Tốp 10 cô gái ra đến hiện trường, nhanh chóng triển khai công việc, các chị làm không ngơi tay. Bỗng một tốp máy bay phản lực từ hướng Bắc vào Nam vượt qua trọng điểm. Khi máy bay đi qua, các cô tiếp tục làm việc. Bất ngờ tốp máy bay phản lực quay lại thả một loạt bom trúng đội hình 10 cô gái. Sau loạt bom tàn khốc của kẻ thù, cả 10 cô gái trẻ đã hy sinh kiên cường dũng cảm khi tuổi đời còn rất trẻ.

STT

Họ và tên

Năm sinh

Quê quán

Tuổi lúc hy sinh

1

Võ Thị Tần

1944

Thiên Lộc - Can lộc - Hà Tĩnh

24

2

Hồ Thị Cúc

1944

Sơn Bằng - Hương Sơn - H.Tĩnh

24

3

Nguyễn Thị Xuân

1948

Vĩnh Lộc - Can Lộc - Hà Tĩnh

20

4

Nguyễn Thị Nhỏ

1944

Đức Lạng - Đức Thọ - Hà Tĩnh

24

5

Trần Thị Hường

1949

Thành phố Hà Tĩnh - Hà Tĩnh

19

6

Võ Thị Hà

1951

Thị trấn Đức Thọ - Hà Tĩnh

17

7

Võ Thị Hợi

1948

Thiên Lộc - Can Lộc - Hà Tĩnh

20

8

Trần Thị Rạng

1950

Đức Vĩnh - Đức Thọ - Hà Tĩnh

18

9

Dương Thị Xuân

1947

Đức Tân - Đức Thọ - Hà Tĩnh

21

10

Hà Thị Xanh

1949

Đức Hòa - Đức Thọ - Hà Tĩnh

19

 

        Để khắc sâu chiến tích anh hùng vẻ vang đó, ngày 7/6/1972, Quốc hội và Chính phủ đã truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân” cho 10 nữ TNXP hy sinh tại chiến trường Ngã ba Đồng  Lộc.

IV. Ý NGHĨA CỦA CHIẾN THẮNG ĐỒNG LỘC

        50 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa của Chiến thắng Đồng Lộc vẫn còn vẹn nguyên giá trị: Đó là biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường của quân và dân ta, thể hiện tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, tài mưu lược trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng, nghệ thuật tổ chức, bố trí và sử dụng lực lượng “lấy nhỏ đánh lớn”, “lấy ít địch nhiều”…, lấy ý chí, trí tuệ của con người Việt Nam để chiến thắng vũ khí và trí tuệ của bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ.

        Chiến thắng Đồng Lộc khẳng định ý chí kiên cường bất khuất, bằng sức mạnh tổng hợp của chiến tranh Nhân dân, chiến đấu dũng cảm mưu lược đã giữ vững mạch máu giao thông chi viện cho tiền tuyến lớn, góp phần cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

        Chiến thắng Đồng Lộc mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân ta và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới. Những chiến sỹ dũng cảm hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc là biểu tượng thiêng liêng, cao quý của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Những tấm gương nghĩa liệt đó không chỉ trong cuộc chiến tranh ái quốc mà còn sáng mãi muôn đời để Nhân dân ta, nhất là thế hệ trẻ noi theo.

        Chiến thắng Đồng Lộc là tiếp nối truyền thống yêu nước, cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh; khẳng định chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước - Mà lòng phơi phới dậy tương lai” của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

        V.  KẾT LUẬN

        Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, biết bao nhiêu người đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc trong đó có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ công nhân viên ngành giao thông vận tải. Ngã ba Đồng Lộc là đỉnh cao của sự hy sinh đó. Mười cô gái thanh niên xung phong Đồng Lộc đã vĩnh viễn nằm xuống sau một loạt bom của Mỹ. Nơi đây đã trở thành một địa danh ghi sâu tội ác của giặc Mỹ xâm lược .

        Năm mươi năm đã trôi qua, Đồng Lộc ngày nay đã trở thành khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt, chiến trường xưa đã thay da đổi thịt, cây cối đã  lên xanh, hố bom đã lấp đầy, cuộc sống đã đâm chồi nẩy lộc. Nhưng nỗi đau vẫn còn đọng mãi trong tim của người Việt Nam yêu nước.

Là một đoàn viên công đoàn ngành giao thông vận tải, chưa có dịp  được dến thăm Ngã ba Đồng lộc, nơi các chị đã hy sinh tuổi xuân của mình cho Tổ quốc, chưa thắp được một nén nhang lên 10 ngôi mộ của các chị, tôi cảm thấy thật là thiếu sót, nhưng trong lòng tôi luôn tự hào và cảm phục sự hy sinh thầm lặng và lớn lao của các chị, xin thắp lên một nén tâm hương dâng lên các chị, mong các chị thanh thản và trong cõi vĩnh hằng.

                                                  Huỳnh Ngộ

* Bệnh viện GTVT Đà Nẵng 



[1] . Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 37, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2004, tr. 471.

[2] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, tr. 96. 


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện